Dec 28, 2011

[VCLN] Nhìn lại lý thuyết


Lý thuyết văn học không phải là một chuyện đương nhiên. Ở rất nhiều thời kỳ, tác phẩm văn chương có thể tồn tại mà không cần đến lý thuyết (hiểu theo nghĩa một hệ thống nghiêm ngặt): tác giả không cần đến lý thuyết để viết, độc giả cũng không cần đến lý thuyết để đọc, đến phê bình gia hay bình luận gia cũng không nhất thiết cần đến lý thuyết trong công việc của mình. Nhưng trong vài thập niên giữa thế kỷ XX, lý thuyết văn học đã thực sự tồn tại, phát triển mạnh mẽ, vừa mang dáng dấp của một chủ nghĩa tiền phong vừa có nhiều khía cạnh của một định chế, không những thế lại còn đồng hành cùng nhiều huyền thoại: ngôn ngữ học, chủ nghĩa hình thức Nga, cấu trúc luận, Tiểu thuyết Mới, phong trào tháng Năm 1968 v.v… đến mức bản thân lý thuyết cũng như thể đã trở thành một huyền thoại: ở khối Anh-Mỹ người ta nhắc tới cụm từ French Theory[1] (Lý thuyết Pháp), và rồi, khi lý thuyết đã qua ngả quành nước Mỹ để quay trở lại Pháp, nhiều lúc người Pháp dùng cái tên Théorie américaine (Lý thuyết Mỹ) để trỏ hiện tượng này.

Trong những năm 1960, rất nhiều tác phẩm lý thuyết đã đồng loạt ra đời, với những cái tên nổi bật: Roland Barthes, Gérard Genette, Tzvetan Todorov, Julia Kristeva… Cũng trong những năm này, cuộc tranh luận gay gắt giữa Roland Barthes và giáo sư Raymond Picard của Đại học Sorbonne xung quanh Racine đã báo hiệu cho một thay đổi rất lớn trong nghiên cứu văn học Pháp. Các lý thuyết gia phản đối đường lối cũ của nghiên cứu (mà đại diện là giới giáo sư đại học) đặt trọng tâm vào lịch sử, tiểu sử, giai thoại và muốn bước sang một con đường mới với phương pháp lấy cảm hứng từ ngôn ngữ học (Ferdinand de Saussure, Roman Jakobson) và cấu trúc luận (Claude Lévi-Strauss), coi văn học như một hệ thống văn bản tự trị với những đặc điểm, quy luật riêng. Năm 1966, số 8 của tờ tạp chí Communications quy tụ đầy đủ những nhân vật của “trường phái mới” này[2]. Số tạp chí này nổi tiếng đến mức sau đó còn được tái bản nguyên trạng, như một chứng tích cho thành công của nghiên cứu văn học theo hướng lý thuyết một thời. Trong những năm 1960, vai trò phát ngôn quan trọng nằm ở tạp chí Tel Quel (hạt nhân là Philippe Sollers) và tủ sách cùng tên. Bắt đầu từ năm 1970, tờ tạp chí Poétique (Thi pháp) và tủ sách cùng tên (dưới sự chủ trì của Genette và Todorov) trở thành cơ quan ngôn luận chính. Từ 1970 đến 1980, tủ sách “Poétique” ấn hành được khoảng 30 tác phẩm (ngày nay cả tờ tạp chí lẫn tủ sách đều vẫn tồn tại; tính đến năm 2000, số lượng tác phẩm của tủ sách “Poétique” là khoảng 80 cuốn).

Những năm 1980 chứng kiến một thay đổi nữa: tuy nhiều tác phẩm quan trọng của trào lưu lý thuyết vẫn ra đời tại Pháp (như Palimpsestes của Genette in năm 1982), nhưng đã có thể thấy rõ rằng nhiều lý thuyết gia bắt đầu suy nghĩ lại về bản thân lý thuyết. Antoine Compagnon mở đầu sự nghiệp nghiên cứu của mình bằng tác phẩm lý thuyết mang tên La seconde main ou le travail de citation [Bàn tay thứ hai hay công việc trích dẫn], 1979, nhưng ngay sau đó ông chuyển hướng sang nghiên cứu Marcel Proust và lịch sử tư tưởng Pháp. Thomas Pavel, một lý thuyết gia quan trọng trong một giai đoạn, đặc biệt về khía cạnh ngôn ngữ học, từ khá sớm đã nói tới “ảo tưởng ngôn ngữ học”[3] (năm 1988). Và một trong những điều đặc biệt hơn cả là Tzvetan Todorov, người đi đầu trong nghiên cứu văn học theo hướng mới, một trong những người quan trọng nhất của việc đưa chủ nghĩa hình thức Nga vào Pháp, ngay từ đầu những năm 1980 đã có những thay đổi quan trọng.

Cuốn sách mang tên Critique de la critique [Phê bình phê bình] của Todorov in năm 1984 được coi như là sự đoạn tuyệt của ông đối với thi pháp. Kể từ đây Todorov chuyển hẳn sang hướng nghiên cứu lịch sử, nhân học, và dần dần cái nhìn của ông khác hẳn so với trước đó; ông cũng nhiều lần thẳng thắn nói tới điều này[4]. Sự đoạn tuyệt ấy thật ra đã manh nha từ trước: năm 1979, Todorov và Genette rời khỏi ban biên tập tạp chí Poétique do khác biệt về quan điểm. Kể từ đó, Genette, tuy vẫn rất trung thành với lý thuyết (cuốn sách gần đây của ông in năm 2005 vẫn lấy chủ đề tu từ học ưa thích của ông: Métalepses), nhưng mối quan tâm chính của ông đã chuyển sang mỹ học, và Genette từng có một bài viết có cái tên rất ý nghĩa: “Du texte à l’oeuvre” [Từ văn bản đến tác phẩm] đặt ở đầu tập sách Figures IV in năm 1999.

Ở các tư thế như vậy, cũng là dễ hiểu khi Todorov chỉ trích lý thuyết văn học trong một tác phẩm gần đây của mình: La Littérature en péril (2007) mà bản dịch tiếng Việt (Văn chương lâm nguy, Trần Huyền Sâm và Đan Thanh dịch, Trần Thiện Đạo hiệu đính, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học & NXB Văn học, 2010) đã gây một hiệu ứng nhất định lên giới nghiên cứu văn học tại Việt Nam. Vấn đề đặt ra ở đây là: Todorov phê phán điều gì ở lý thuyết và, nhìn rộng hơn, lý thuyết văn học (cụ thể là trào lưu lý thuyết gắn liền với cấu trúc luận trước đây) nên và đang được nhìn nhận (lại) như thế nào?

Todorov đã thực sự nói gì?

Văn chương lâm nguy ngoài “Lời nói đầu” có bảy chương (với một dung lượng tương đối nhỏ: 95 trang trong bản tiếng Việt), trong đó các chương liên quan nhất đến chủ đề ở đây là các chương “Văn học bị thâu tóm vào vòng phi lý”, “Phía bên kia nhà trường”, “Văn học có thể làm được gì?” và  “Một cuộc giao lưu vô tận”.

Todorov phàn nàn về việc dạy văn học ở nhà trường: “Học sinh lớp chín […] “thấu triệt những khái niệm cơ bản về loại hình và thể loại”, như những “tình huống phát ngôn”, nói cách khác, […] phải được học hỏi kí hiệu học, ngữ dụng học, tu từ học và thi pháp học” (tr. 21). Theo ông, “loại kiến thức ấy chỉ là những công trình trừu tượng […] không một khái niệm nào dính dáng đến nội dung của các tác phẩm, tới ý nghĩa của nó, tới môi trường xây dựng tác phẩm đó”. Giáo viên văn học ở Pháp dạy cho học sinh “sáu chức năng của Jakobson”, “sáu nhân tố của Greimas” (tr. 22), nhưng theo Todorov thì: “Ta có thể dám chắc rằng Rousseau, Stendhal, Proust sẽ là những nhà văn thân thuộc trong tâm trí độc giả, còn tên tuổi của những lý thuyết gia hiện nay, cùng với các công trình của họ sẽ bị lãng quên, và người ta chứng tỏ rằng mình thiếu tinh thần khiêm tốn, giảng dạy lý thuyết của mình chung quanh tác phẩm hơn là chính tác phẩm” (tr. 23).

Mở rộng vấn đề hơn, Todorov đi vào phê phán đặc điểm “tiếp cận nội tại”, theo ông là nguyên lý dẫn dắt việc giảng dạy văn học tại nhà trường Pháp đi tới thực trạng hiện nay. Ở đây rõ ràng có một sự xoay chiều: hồi trào lưu lý thuyết văn học bắt đầu phát triển, cái mà nó phản đối chính là tính chất “tiếp cận ngoại tại” và đòi hướng sự tập trung vào những yếu tố nội tại. Todorov viết: “xưa kia cũng như bây giờ, cách tiếp cận nội tại (nghiên cứu mối liên quan giữa các yếu tố của tác phẩm) phải được bổ sung bằng cách tiếp cận ngoại tại (nghiên cứu bối cảnh lịch sử, tư tưởng, thẩm mỹ)” (tr. 27), bởi “văn học chính là môn dành cho mọi người chứ không phải chỉ dành cho ngành nghiên cứu văn học” (tr. 31).

Nguyên nhân của vấn đề này, Todorov, sau khi dẫn dắt độc giả qua một khảo luận lịch sử nhỏ, là ở sự cắt đứt văn học khỏi cuộc sống, tức là tính tự trị của văn học mà các nhà hình thức chủ nghĩa Nga từng tuyên dương, sau đó được các lý thuyết gia Pháp tiếp thu: “văn học và nghệ thuật không hề có mối liên hệ mật thiết nào với thế giới bên ngoài” (tr. 62). Ông viết tiếp: “Đó là tiền giả định chung của các nhà Hình thức Nga bị chống đối và sắp bị chế độ - bolchevique - lấn át, của các chuyên gia nghiên cứu phong cách học và hình thái học ở Đức, của các đệ tử của Mallarmé ở Pháp, của các nhà chủ trương khuynh hướng New Criticism ở Hoa Kỳ” (tr. 62).

Để kết luận cuốn sách của mình, Todorov nhấn mạnh vào các giá trị mà lý thuyết văn học (thường) phủ nhận, hoặc ít nhất là gạt qua một bên, không mấy chú ý đến: “Văn học có thể làm nhiều việc. Nó có thể chìa bàn tay thân ái, khi ta thật chán đời, nó xích ta gần gũi hơn với nhân loại, giúp ta hiểu hơn về thế giới và giúp ta sống còn” (tr. 68). Cái nhìn của ông là một cái nhìn nhân văn: “Một độc giả thông thường, tiếp tục tìm tòi trong các tác phẩm một ý nghĩa cho cuộc đời của mình, rất có lý khi chống lại các giáo sư, giới phê bình và nhà văn, những người đã cho rằng văn học chỉ nói đến bản thân nó, hoặc chỉ dạy mỗi một môn cho con người là thất vọng” (tr. 68).

Todorov cho rằng “cứu cánh của việc giảng dạy văn học […] không còn chỉ là công cuộc sản xuất giáo viên văn chương”, mà “phải lồng tác phẩm vào cuộc đối thoại lớn lao giữa con người với nhau”, và “[c]hính chúng ta - những người đã trải nghiệm, phải có trọng trách truyền lại cho các thế hệ mai sau cái gia tài mong manh đó, những tiếng nói giúp con người sống tốt đẹp hơn” (tr. 85).

Ở đoạn kết luận này, Todorov trích dẫn Paul Bénichou. Chúng ta có thể quay ngược trở lại lịch sử, qua chính lời Todorov ở nhiều nơi, để biết rằng trong những năm 1970, chính sự giao tiếp giữa ông và sử gia Isaïah Berlin của Đại học Oxford và nhất là Paul Bénichou đã khiến cái nhìn của ông đối với nghiên cứu văn học thay đổi. Ngay từ tác phẩm đầu tiên, Morales du grand siècle [Các luân lý của thế kỷ vĩ đại], 1948, Bénichou đã được coi như một sử gia xuất chúng về tư tưởng văn học. Suốt trong những năm lý thuyết văn học phát triển mạnh mẽ, Bénichou vẫn làm công việc sử gia văn học của mình với các tác phẩm về chủ nghĩa lãng mạn : Le Sacre de l’écrivain [Sự tuyên xưng nhà văn], 1973, Le Temps des prophètes [Thời của các tiên tri], 1977, Les Mages romantiques [Các pháp sư lãng mạn], 1988. Năm 1979, Todorov phỏng vấn Bénichou nhưng bài phỏng vấn này bị tờ tạp chí Poétique từ chối đăng (vì lý thuyết văn học ở giai đoạn đầu rất “dị ứng” với văn học sử). Chính sự việc này đã góp phần quan trọng vào việc Todorov quyết định rời khỏi ban biên tập của Poétique; bài phỏng vấn Bénichou sau này đã được Todorov đưa vào tác phẩm Critique de la critique của mình.

Như vậy là Todorov phản đối sự “hoành hành” của lý thuyết văn học, nhưng ông có phê phán toàn bộ lý thuyết văn học như nó đã tồn tại hay không? Đọc kỹ Văn chương lâm nguy là đã có thể thấy: cuốn sách tập trung vào việc giảng dạy văn học tại nhà trường Pháp, chỉ ra những tác hại của sự áp dụng quá tràn lan của lý thuyết vào lĩnh vực này. Bản thân Todorov từng được Vincent Kaufmann đặt câu hỏi đích xác vào vấn đề đó: “Câu hỏi đầu tiên của tôi liên quan tới Văn chương lâm nguy, trong đó ông đã viết những lời rất nặng nề về lý thuyết văn học. Sự phê phán ấy là nhằm tới toàn bộ lý thuyết văn học hay chỉ chủ yếu là việc giảng dạy nó ở trường trung học?”, và câu trả lời của Todorov là như sau: “Sự phê phán của tôi đối với lý thuyết văn học hướng vào cách người ta sử dụng nó, nhưng không chỉ là ở trường trung học. Quả thực là hướng vào cách sử dụng chứ không phải bản thân các công trình, vì tôi thấy rằng các công trình vẫn có nhiều tính chất soi rọi cho việc hiểu văn bản văn học […] Với tôi, điều cốt yếu là làm sao cho phân tích lý thuyết hay hình thức chỉ là một phương tiện chứ không phải một mục đích. Lý thuyết văn học không được trở thành một mục đích tự thân; nếu thành ra như thế, nó sẽ xoay quanh chính nó, các lý thuyết gia bình luận công trình của các lý thuyết gia khác mà không bao giờ tự hỏi xem những đóng góp lý thuyết ấy có thể cải thiện gì cho việc phân tích văn bản hay không”[5].

Một cuộc nhìn lại rộng lớn

Trước Tzvetan Todorov, đã có nhiều người lên tiếng phê phán khía cạnh này của lý thuyết. Antoine Compagnon trong Bản mệnh của lý thuyết[6] đã nói đến chuyện sẽ không mấy ích lợi khi sinh viên nắm được các thủ pháp tự sự và hình thái tu từ nhưng lại không thực sự hiểu tác phẩm văn chương. Ông phê phán: “chủ nghĩa hình thức Nga, thuyết cấu trúc Praha, Phê bình Mới Mĩ, hiện tượng học Đức, tâm lí học Genève, trường phái mác xít quốc tế, trường phái cấu trúc và hậu cấu trúc Pháp, trường phái chú giải, phân tâm học, tân mác xít, trường phái nữ quyền v.v. Có vô số cuốn khái luận thuộc khổ sách đó; chúng làm các giáo sư bận bịu và các sinh viên an tâm. Nhưng chúng rọi sáng một phương diện rất phụ của lí thuyết”[7].

Những phê phán hướng tới lý thuyết văn học này đã trở thành đề tài cho nhiều nhà nghiên cứu Pháp, nhất là trong thời gian gần đây. Điều cần làm rõ là lý thuyết bị phê phán như thế nào và còn lại gì từ một trào lưu từng một thời mạnh mẽ như vậy.

Là một trong những cuốn sách đặc biệt quan trọng trong tiến trình “nhìn lại lý thuyết”, cũng là một trong những điểm mốc đầu tiên của cuộc nhìn lại toàn diện di sản trào lưu lý thuyết văn học, Bản mệnh của lý thuyết của Antoine Compagnon có bảy trọng điểm: “Văn chương”, “Tác giả”, “Thế giới”, “Người đọc”, “Phong cách”, “Lịch sử” và “Giá trị”, mà ông xem là “những khái niệm cơ sở của văn chương […], những giả định của mọi diễn ngôn về văn chương, về mọi sự nghiên cứu văn chương […] mỗi khi ta bàn về một bài thơ, một tiểu thuyết, hoặc bất cứ một cuốn sách nào”[8]. Quan điểm của Compagnon nằm ở chỗ: “Đích nhắm của lí thuyết quả là sự tháo chạy của cảm nhận thông thường”[9], và ông chỉ ra lịch sử phát triển của lý thuyết văn học hoàn toàn có thể được xem như là một cuộc đối đầu thường hằng, ở mọi cấp độ, với đủ loại chiến lược, giữa lý thuyết và “cảm nhận thông thường”, hay chính là “sự chống trả” lại lý thuyết mà Paul de Man từng nói đến, và chung cục, trước sự kinh ngạc của hàng bao nhiêu luận lý, lập luận và dẫn chứng rút ra từ nhiều thế kỷ, cái “cảm nhận thông thường” này vẫn “ngóc đầu dậy”[10], vẫn sống dai dẳng, vẫn thể hiện một sức sống tuyệt vời. Một ví dụ mà ông đưa ra là mặc cho lý thuyết văn học có khẳng định thuyết phục đến như thế nào về “cái chết của tác giả”, với những cái tên vô cùng uy tín (Roland Barthes, rồi Michel Foucault và nhiều người khác), thì thể loại tiểu sử vẫn cứ thản nhiên phát triển như vũ bão trên thị trường sách các nước phương Tây. Có điều này là bởi “văn chương không hoàn toàn có thể lí thuyết hóa được”[11] (ông đưa ra một so sánh: “giống như ở các tín đồ công giáo, khi nào thấy phù hợp với mình, thì họ làm ngơ trước những điều đức giáo hoàng răn dạy về tình dục”[12]).

Tuy nhiên, đối với Compagnon, lý thuyết văn học không phải chỉ là tiêu cực. Ở chiều ngược lại, tương tự như khi lý thuyết hoành hành và không lường được sức sống của “cảm nhận thông thường”, nó là một đối trọng cần thiết vào những lúc hoành hành của “cảm nhận thông thường”. Compagnon gọi trào lưu ấy là một “cuộc phiêu lưu”, và ít nhất nó có thể “thức tỉnh đầu óc tỉnh táo của độc giả, khiến họ băn khoăn về những điều họ đã xác định”[13], và ông kết thúc cuốn sách của mình với một âm hưởng Milan Kundera như sau: “không phải là tôi đã biện hộ cho một lí thuyết trong các lí thuyết cũng chẳng biện hộ cho cảm nhận thông thường, tôi biện hộ cho sự phê phán mọi thứ lí thuyết, kể cả sự phê phán cảm nhận thông thường. Sự lưỡng lự là đạo lí văn học duy nhất”[14].

Không chỉ biện hộ cho sự phê phán đó, Compagnon còn biện hộ cho một khái niệm nữa, đó là vis polemica (sức mạnh luận chiến), chính là “điều thực sự làm nên đặc tính của lí thuyết, đó là cái gì ngược hẳn lại sự chiết trung, đó là sự dấn thân của nó, là vis polemica của nó”[15]. Điều đó được nhiều người sau này ủng hộ, chẳng hạn một bài viết trong số mở đầu tạp chí LHT của Sophie Rabau[16] (một trong những tác giả của bộ sách giảng dạy lý thuyết văn học uy tín tại các trường đại học Pháp). Trong bài viết có tính cương lĩnh cho một tờ tạp chí mới ra đời này, Rabau khẳng định “lý thuyết văn học luôn luôn gắn liền với một thái độ luận chiến”, nhất là luận chiến giữa các thế hệ. Điều này quả thực là một thực tế của lịch sử: một thế hệ mới thường xuyên có nhu cầu (thậm chí ta có thể nói đến một trách nhiệm) tra vấn, phê phán thế hệ trước đó, mà cuộc tranh luận Barthes-Picard hồi đầu những năm 1960 là một ví dụ tiêu biểu. Vẫn bình luận xung quanh ý tưởng chính của Antoine Compagnon trong Bản mệnh của lý thuyết, Rabau đồng nhất hóa việc “lý thuyết hóa” với “tự cho phép mình đánh mất lương thức”, và với “suy tư về văn chương”, để không chỉ chiêm ngưỡng văn chương mà còn đi sâu vào nó, hướng tới những vấn đề căn cốt nằm sâu bên trong.

Gần đây hơn, tại Pháp, người ta bắt đầu xuất bản một số công trình nhìn lại lý thuyết, một công việc dần dần thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, trong đó nổi bật là La Faute à Mallarmé. L’aventure de la théorie littéraire [Lỗi của Mallarmé. Cuộc phiêu lưu của lý thuyết văn học] (Seuil, 2011) của Vincent Kaufmann. Đây là tác phẩm mang một sự hấp dẫn kép: một mặt nó đưa ra diễn giải và đánh giá của tác giả về lý thuyết, về tính “tự trị”, “tính chất suy tư”, “cái chết của tác giả”…, đặt lý thuyết trở lại vào tiến trình lịch sử của nó với những lát cắt khác nhau, mặt khác nó mang lại những tiếng nói của người trong cuộc, với loạt 21 bài phỏng vấn các lý thuyết gia danh tiếng, không chỉ lý thuyết gia người Pháp mà còn có các lý thuyết gia Mỹ, Anh và Đức, trong đó có những người không hẳn từng tham gia xây dựng lý thuyết nhưng có nhiều liên quan, những người từng là lý thuyết gia nhưng đã từ bỏ con đường lý thuyết, và cả những lý thuyết gia hiện tại vẫn tiếp tục kiên trì hướng đi lý thuyết của mình. Sở dĩ cuốn sách có tên Mallarmé ở nhan đề là vì “truyền thống Mallarmé” đã góp phần cốt yếu đưa văn chương tách rời khỏi thực tế cuộc sống: với nhà thơ Stéphane Mallarmé, điều tối hậu phải là Cuốn Sách (viết hoa); đây là khởi nguồn quan trọng của tính “tự trị” của văn học, điểm xuất phát của cuốn sách. Với Vincent Kaufmann, tính tự trị này rồi sẽ dẫn tới hậu quả lôgic của nó, là “cái chết của tác giả”. Nhấn mạnh vào khía cạnh chính trị và ý hệ, theo diễn giải của Kaufmann, lý thuyết văn học “bị hấp dẫn bởi một dạng giá trị sử dụng thuần túy của sự viết, thường trực đối lập với một giá trị trao đổi được dựng lên tới mức biểu tượng cho một văn hóa tư sản và tư bản chủ nghĩa”[17]. Sau đó, Vincent Kaufmann sẽ đi tới nhận định rằng lý thuyết văn học đóng một vai trò rất quan trọng nhưng cũng mù mờ trong bối cảnh suy tàn của “văn hóa văn chương”, quá trình chuyển từ sách in sang sách điện tử. Cũng giống Antoine Compagnon (và nhiều người khác nữa), với Kaufmann, lý thuyết văn học thực sự là một “cuộc phiêu lưu” của trí tuệ.

Phần liên quan nhiều hơn cả ở đây là phần trả lời của các lý thuyết gia trong phần cuối cuốn sách của Vincent Kaufmann.

Khi được hỏi điều gì trong lý thuyết văn học lôi cuốn mình, Gérard Genette nói: “Trên địa hạt nghiên cứu văn học, tôi từng rất thích ở nó (giờ vẫn thích) một sự giải thoát từ các thực hành đầy thiển cận của “văn học sử” hậu Lanson […] và một khả năng về mặt ý niệm trong việc làm cho lịch sử văn học, các hình thức của nó, các chủ đề của nó và các thể loại của nó, và nhìn rộng hơn là lý thuyết nghệ thuật, và còn rộng hơn nữa là mối quan hệ mỹ học, tất cả những thứ ấy trở nên có thể tri nhận. Tôi đã yêu quý cả đến những lệch lạc của nó, hay những điều thái quá, vốn đã rất nổi tiếng, như một xu hướng nghiêng về chứng cuồng định danh và cơn say sưa thuật ngữ. Nhưng trên tất cả, tôi yêu quý ở nó sự ứng dụng của một nguyên lý nền tảng, với những hậu quả thực tiễn với tôi là rất quan trọng: xem văn chương như một nghệ thuật”.

Roudinesco, trước câu hỏi ngày nay có còn lại gì từ lý thuyết văn học không, đã trả lời: “Hẳn là chẳng còn lại gì hết, nếu không phải cái ý tưởng theo đó sống và nghĩ như vậy còn tốt hơn rất nhiều so với chấp nhận trật tự mọi sự. Có lẽ tất cả những thứ ấy đã biến mất, nhưng chúng từng rất rực rỡ. Cám ơn những thái quá, những kỳ quặc, chủ nghĩa lý thuyết, sự quá lời, sự vi phạm”. Cùng mạch suy nghĩ ấy là Julia Kristeva: “Điều với tôi là quan trọng nằm ở chỗ, trong thế giới hiện đại của kỹ thuật và tốc độ, người ta dành thời gian cho suy tư […] Rồi sẽ phải quay trở lại với những gì vẫn là bí ẩn trong các ngôn ngữ và văn bản”. Kristeva, một trong những thành viên cựu trào của lý thuyết văn học, người bình luận và phát triển xuất sắc lý thuyết của Bakhtine, mặc dù đã chuyển hẳn sang tâm phân học, vẫn coi trọng ý nghĩa của lý thuyết: “Trải nghiệm chuyên gia tâm phân học của tôi đã dẫn tôi đến chỗ nhấn mạnh vào động năng chủ quan trong sáng tạo hơn so với kỹ thuật văn bản. Nhưng tôi nghĩ rằng kích thước hình thức này vẫn là một địa hạt cần khám phá, với điều kiện thêm một lần nữa sự phân tích tỉ mỉ các văn bản văn chương trở thành một cái cớ để tìm ra từ đó những điều kiện và tiếng vang của chủ thể và của xã hội”.

Karlheinz Stierle thì cho rằng: “Lý thuyết phải có chỗ, hôm nay cũng như ngày mai. Không có lý thuyết, chúng ta sẽ không có các công cụ cần thiết cho việc thực sự hiểu văn chương và nhất là cả văn chương quá khứ nữa. Nhưng cần có một lý thuyết văn học không chỉ là một lý thuyết, mà còn có thể được dùng như các công cụ. Phải có những dụng cụ, phải điều chỉnh chúng và tôi không thấy được bằng cách nào, chẳng hạn, người ta có thể viết một lịch sử văn học nghiêm túc mà không có một nền tảng lý thuyết”.

Như người ta thường nói, những câu trả lời thì đi qua, mà câu hỏi thì còn lại, lý thuyết văn học từng là một nỗ lực lớn lao và bền bỉ để giải đáp một số câu hỏi trọng yếu: văn chương là gì, có thể đọc văn chương như thế nào, những gì là cốt tử của văn chương, văn chương vận hành ra sao… Cùng một nhận định “Văn chương là cuộc đời” nhưng được phát ngôn từ một ai đó từng có trải nghiệm suy tư lý thuyết, tra vấn đến kiệt cùng các bình diện có thể hướng tới, điều đó đã hoàn toàn khác với một phát ngôn từ ai đó được dạy và tin ngay rằng “Văn chương là cuộc đời”. Lời vinh danh (trào lưu) lý thuyết văn học đã được Stierle phát biểu rất mạch lạc: “Tôi tin rằng lý thuyết - không chỉ lý thuyết văn học mà cả lý thuyết triết học, nhân học - từng là một cuộc phiêu lưu lớn của châu Âu và nhất là của Pháp. Sự bùng nổ những tài năng và thiên tài ở Pháp này chỉ có thể so sánh với những khoảnh khắc vĩ đại của thế kỷ cổ điển. Đó là một điều hoàn toàn khác, nhưng sự mạnh mẽ và trí tuệ, chất lượng của văn chương ấy, tôi sẽ không ngần ngừ lấy một khắc mà coi là phi thường. Đó cũng là một di sản quý báu không được phép lơ là và tôi tin người ta có thể thực sự tự hào vì đã tham gia cuộc phiêu lưu phi thường ấy”.

Cái gì lâm nguy?

Quay trở lại với tác phẩm gần đây được dịch sang tiếng Việt của Tzvetan Todorov. Văn chương lâm nguy không hề là một đề tài độc đáo. Thậm chí nó còn không thuộc vào hàng nổi bật trong những tác phẩm của “dòng” này. Bởi “văn chương lâm nguy” đã là ý tưởng nảy ra từ ngay thời Rimbaud “vĩnh biệt văn chương”, thậm chí là trước đó rất lâu.

Trong một bài viết năm 2009 mang tên “Sự kết thúc của tôi là khởi đầu của tôi: các diễn ngôn phê bình về sự kết thúc của văn chương”[18], Alexandre Gefen (một nhà nghiên cứu theo khuynh hướng lý thuyết) đã làm một cuộc kiểm kê về loại diễn ngôn đậm màu sắc “eschatologie” (mạt thế luận) này. Danh sách của Gefen đưa ra thật phong phú, sau đây là một số ví dụ nổi bật: Richard Millet, Désenchantement de la littérature [Sự mất phép màu của văn chương], 2007; Renaud Camus, La Grande déculturation [Sự sụt giảm lớn về văn hóa], 2008; William Marx, L’Adieu à la littérature. Histoire d’une dévalorisation, xviiie-xxe siècles [Vĩnh biệt văn chương. Lịch sử một sự mất giá, thế kỷ XVIII-XX], 2005; Dominique Maingueneau, Contre Saint Proust ou la fin de la littérature [Chống Thánh Proust hay kết cục của văn chương], 2006; Henri Raczymov, La Mort du grand écrivain [Cái chết của nhà văn lớn], 1994; Raymond Dumay, Mort de la littérature [Cái chết của văn chương], 1950. Ở các nước ngoài Pháp, “phong trào u ám” này cũng phổ biến, tuy không rầm rộ bằng: ở Đức, người ta đã không ngừng tranh luận về một cái chết của văn chương kể từ (ít nhất là) Walter Benjamin và đặc biệt vấn đề đã trở thành đối tượng cho một cuộc tranh luận gay gắt trong những năm 70, giữa một bên là các lý thuyết gia về cái chết thông qua sự tha hóa của nhà văn trong chủ nghĩa tư bản và một bên là Hans Robert Jauss; ở Tây Ban Nha, José Ortega y Gasset đã làm chủ đề cái chết của văn chương trở nên nổi tiếng vào năm 1925; rồi chủ đề “kiệt sức” ở Mỹ với John Barth vào năm 1967 (bài báo “The Literature of Exhaustion” [Văn chương kiệt sức], The Atlantic, 8/1967); đến năm 1990, Alvin Kernan xuất bản cuốn sách The Death of Literature [Cái chết của văn chương] làm dấy lên tranh luận; rồi After the Death of Literature [Sau cái chết của văn chương] (1997) của Richard B. Schwartz…

Tiếp sau đó, Alexandre Gefen đi vào phân tích kỹ lưỡng hiện tượng này, ông chỉ ra một số đặc điểm, trong đó có cả những chiến lược của một số tác giả, chẳng hạn có người viết một cuốn sách nói đến cái chết của văn chương (nghĩa là cái văn chương đang tồn tại), để rồi không lâu sau đó in một tác phẩm (hư cấu) mới, như là cột mốc đầu tiên của cả một kỷ nguyên mới mẻ.

Và chủ đề “cái chết”, “sự lâm nguy” này không chỉ là của văn chương. Ngoài chuyện “tác giả đã chết” hồi những năm 1960, gần đây còn có nổi bật chẳng hạn “cái chết của văn hóa Pháp”: cuối năm 2007, bài báo “Cái chết của văn hoá Pháp” (The Death of French Culture) của Donald Morrison đăng trên tờ Time Magazine khiến rất nhiều cây bút lao vào một cuộc tranh luận trên diện rộng. Đến cuối năm 2008, một cuốn sách gồm hai phần được in: phần một là các phân tích của Donald Morrison chỉ ra tại sao văn hóa Pháp đang chết, phần hai là lời biện hộ của Antoine Compagnon cho sức sống của văn hóa Pháp.

Lời biện hộ lần này của Compagnon có thể bổ sung cho lời biện hộ ông từng viết trước đó mười năm (cho lý thuyết văn học): theo ông, chừng nào nước Pháp còn gây bực bội và khó chịu đến như vậy, thì có nghĩa nó vẫn còn sống khỏe; chỉ khi nào không ai buồn nói đến những khiếm khuyết của nó nữa thì văn hóa Pháp mới thực sự chết. Cũng vậy, chừng nào lý thuyết văn học thôi quấy rầy “cảm nghĩ thông thường”, không còn làm cho ai khó chịu nữa, mà cứ thoải mái với những điều mặc định sẵn, thì chừng đó nó mới thực sự cần được đưa vào viện bảo tàng.



[1] Xem chẳng hạn François Cusset, French Theory. Foucault, Derrida, Deleuze & Cie et les mutations de la vie intellectuelle aux Etats-Unis [Lý thuyết Pháp. Foucault, Derrida, Deleuze và các cộng sự và các dịch chuyển trong đời sống trí thức ở Mỹ], 2003.
[2] Đó là: Roland Barthes, A. J. Greimas, Claude Bremond, Umberto Eco, Jules Gritti, Violette Morin, Christian Metz, Tzvetan Todorov và Gérard Genette.
[3] Xem Thomas Pavel, Le Mirage linguistique, 1988.
[4] Chủ yếu trong tập trò chuyện với Catherine Portevin mang nhan đề Devoirs et Délices, une vie de passeur [Các nghĩa vụ và niềm thích thú, đời của một kẻ vượt tuyến], 2002.
[5] Vincent Kaufmann, La Faute à Mallarmé. L’aventure de la théorie littéraire [Lỗi của Mallarmé. Cuộc phiêu lưu của lý thuyết văn học], Seuil, 2011, tr. 308-309.
[6] Tác phẩm của Antoine Compagnon có tên gốc Le Démon de la théorie, 1998; bản dịch tiếng Việt của Lê Hồng Sâm và Đặng Anh Đào, NXB Đại học Sư phạm, 2006.
[7] Sđd., tr. 16.
[8] Bản mệnh của lý thuyết, sđd., tr. 376.
[9] Nt. Các dịch giả dùng cụm từ “cảm nhận thông thường”: cụm từ “sens commun” ở đây (và cả ở nhan đề phụ của cuốn sách) cũng có thể hiểu là “lương thức”, lương tri.
[10] Nt., tr. 377.
[11] Nt., tr. 378.
[12] Nt.
[13] Nt., tr. 384.
[14] Nt., tr. 385.
[15] Nt., tr. 16.
[16] Bài viết mang tên “Perdre le sens (commun)? Remarques sur l’histoire de la théorie littéraire” [Đánh mất cảm nhận (thông thường)? Các nhận xét về lịch sử lý thuyết văn học] đăng trên số khởi động (số 0) của tạp chí LHT (tức Littérature, histoire, théorie - Văn học, lịch sử, lý thuyết] tháng Sáu 2005, truy cập tại địa chỉ: http://www.fabula.org/lht/0/Rabau.html. LHT là tạp chí trực tuyến của trang web www.fabula.org quy tụ các nhà nghiên cứu theo hướng lý thuyết tại Pháp.
[17] La Faute à Mallarmé, sđd., tr. 24.
[18] “Ma fin est mon commencement: les discours critiques sur la fin de la littérature”, tạp chí LHT số 6, truy cập tại địa chỉ: http://www.fabula.org/lht/6/dossier/118-gefen.

14 comments:

  1. Bravo!
    "Cùng một nhận định “Văn chương là cuộc đời” nhưng được phát ngôn từ một ai đó từng có trải nghiệm suy tư lý thuyết, tra vấn đến kiệt cùng các bình diện có thể hướng tới, điều đó đã hoàn toàn khác với một phát ngôn từ ai đó được dạy và tin ngay rằng “Văn chương là cuộc đời”.
    Bravo!
    Thanks

    ReplyDelete
  2. Bác NL đọc tiếng Pháp nhưng hiểu chưa rành rẽ về lớp nghĩa nên mới có hiện tượng dịch chưa chính xác. Với kiến thức ấy, bác viết LL phê bình thì thật liều, vì bác hiểu còn chưa đúng nghĩa, viết ra nguy hiểm cho bạn đọc quá.
    Khi bác chưa trả lời rành rọt trên Tiền vệ thì ai dám tin bản dịch của bác, ai dám tin bài viết của bác được?

    ReplyDelete
  3. @Anonymous: Lối nghĩ "chữ là của thánh hiền", "Sách luôn đúng" sao vẫn tồn tại nhỉ!
    Không thể kết luận lớp nghĩa gì (nào) là tuyệt đối đúng ý của tác giả tác phẩm, người dịch buộc phải chuyển ngữ có "lớp nghĩa" theo cách thẩm thấu mạch văn (của họ) và người đọc càng không luôn là học trò.
    Thế nên "phúc cho những người tin" :)

    ReplyDelete
  4. Hihi, thích còm của bác CNC quá!

    Bác nào ôm được hết 3 bồ chữ của thiên hạ thì chắc đem làm mắm hết !

    ReplyDelete
  5. B. Về những tuyên bố “văn chương lâm nguy”, “sự suy tàn có thực của văn chương”:

    Trong bài phỏng vấn T. Todorov, do quí ông Cao Việt Dũng dịch ra Việt ngữ, tui cũng thấy những nhận định dễ sợ như “văn chương lâm nguy”, rồi nữa “sự suy tàn có thực của văn chương”: V. Kaufmann hỏi T. Todorov: “Cách sử dụng lý thuyết mà ông phê phán có phải là lý do duy nhất khiến văn chương lâm nguy không, hay ta có thể hình dung ra những lối đi khác nhằm giải thích sự suy tàn có thực của văn chương ?” (xem bản dịch trên Phong Điệp và trên Tạp chí Nhà văn).

    Tui chép lại nguyên bản Pháp văn: “Cet usage de la théorie que vous critiquez est-il la seule raison qui fait que la littérature serait en péril ou peut-on imaginer d’autres pistes pour expliquer l’éventuel déclin de la littérature ?”.

    Với những ai không biết Pháp văn, thì câu trên nghĩa như vầy trong tiếng Việt:

    “Cách sử dụng lý thuyết mà ông phê phán có là lý do duy nhất của sự lâm nguy mà theo ông văn chương đang trải qua hay không, hay ta có thể hình dung ra những hướng khác để giải thích sự suy tàn giả định của văn chương ?”

    Rành rành trong đoạn phỏng vấn này, hai lần V. Kaufmann thấy cần phải thận trọng khi nói về cái mà T. Todorov kêu là “văn chương lâm nguy” hay “sự suy tàn của văn chương”. Để tránh hiểu lầm, ông ta còn lưu ý rằng đó chỉ là nhận định hoàn toàn chủ quan của T. Todorov. Vậy mà quí ông Cao Việt Dũng dịch sai ý tưởng đó. Có thể nói đây là một lỗi cực kỳ nguy hiểm vì nó làm độc giả Việt Nam hiểu sai toàn bộ tinh thần bài phỏng vấn này, và dẫn đến hiểu sai luôn tinh thần chuyên đề “Văn chương lâm nguy” (là tên một cuốn sách của T. Todorov đã được dịch và in gần đây ở Việt Nam).

    Còn về cái gọi là “lỗi của lý thuyết”, bản thân Todorov, ngay trong bài phỏng vấn, cũng tuyên bố: “tôi thấy rằng các công trình vẫn soi rọi được nhiều điều trong cách hiểu văn bản văn học”, “(trong lý thuyết văn học), Tôi yêu quý sự nghiêm cẩn của nó và do đó là tất cả những gì nó có thể mang lại cho tôi để cho phép tôi đọc các văn bản tốt hơn” (đoạn này do chính quí ông Cao Việt Dũng dịch).



    http://tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=13943

    ReplyDelete
  6. NL cứ dịch và cứ viết LL phê bình đi, không cần phải trả lời rành rọt ở đâu hết, chỉ cần bác trả lời mọi thứ rành rọt trên blog này là mọi người tin bác.

    Mà tôi hỏi thật bác, với tính cách đanh đá của bác, trong quá khứ bác có nợ nần gì với Tiền Vệ không thế, để bây giờ họ chộp được cơ hội mà lôi bác ra để thanh toán?

    ReplyDelete
  7. Xin bạn gì bảo NL liều chỉ ra những điều "nguy hiểm cho bạn đọc" trong bài viết trên, chứ đừng hắt nước theo mưa vô lối như thế!

    ReplyDelete
  8. Bác Ano 8:41:00

    Về ý tưởng của Todorov, xin bác đọc lại phần "Todorov đã thực sự nói gì?" trong bài trên đây của tôi, còn bài phỏng vấn, đây là bản chỉnh sửa tôi đã đưa lên blog của tôi từ cách đây cũng khá lâu:

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2011/10/vcln-todorov.html

    Bản thân tôi thực hiện chuyên đề này cũng là vì sợ độc giả, bị lái theo một số cách hiểu, nghĩ là Todorov lên tiếng chỉ trích toàn bộ lý thuyết, và thực sự văn chương lâm nguy theo cái nghĩa sắp chết đến nơi. Đó cũng là nội dung phần "Cái gì lâm nguy?" ở bài viết trên đây của tôi.

    ReplyDelete
  9. Bác Ano 9:44:00

    Có những chuyện chẳng bao giờ nên nói, nhất là vào thời điểm nhạy cảm :p như thế này.

    Mà tôi có đanh đá bao giờ đâu :d

    ReplyDelete
  10. To Ano :
    "Mà tôi hỏi thật bác, với tính cách đanh đá của bác, trong quá khứ bác có nợ nần gì với Tiền Vệ không thế, để bây giờ họ chộp được cơ hội mà lôi bác ra để thanh toán?"

    -- I think your comment is wrong. NhiLinh is a nice person and intelligent, not "đanh đá" :-)
    I believe that Mr. Hoang Ngoc Tuan and Mr. Nguyen Hung Quoc admire him and share his writing too. Being editors, managers of Tiền Vệ, sometimes they need to be "fair" with the "game" and "war" of "forum". It hurts, but NhiLinh is confident. It's because he's a Con Sau :-)

    ReplyDelete
  11. À nói thật ra thì trước tôi cũng nghĩ là tôi đanh đá đấy, nhưng từ khi biết một số người (ví dụ như... thôi chả nói :p) thì tôi hiểu trên con đường ấy có cố mấy tôi cũng bị rớt dài đằng sau, thành thử tôi chuyển sang đi đường khác phù hợp với mình hơn, nhường đường cho xe công nông vượt :d

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bạn Môi Thâm chẳng hạn

      Delete
  12. Uhm... it's nice to change lane or to exit sometimes to save "xe công nông" when you still have another way to race ;-)

    ReplyDelete