Jun 23, 2012

Haruki Murakami: 1Q84


Sức khỏe của tinh thần

Haruki Murakami, đó là một dòng chảy văn chương dồi dào, của tiểu thuyết nối tiếp tiểu thuyết, trong đó có những bộ đồ sộ hơn hẳn những cuốn khác, giống như các cột mốc đáng ghi nhớ trong cuộc đời sáng tạo của nhà văn người Nhật Bản: Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới (1985), Biên niên ký chim vặn dây cót (1995) và Kafka bên bờ biển (2002). Và Murakami thực là người không tự biết hài lòng với những gì đã có: bộ 1Q84 dày đến nghìn trang sách nhanh chóng trở thành một cơn chấn động lớn trong khung cảnh văn học thế giới mấy năm vừa rồi; xét về dung lượng, bộ sách này vượt xa mọi tác phẩm trước đây của ông.
Không những thế, ông còn chạy nước rút: càng ngày những bộ tiểu thuyết lớn của ông càng ra đời cách nhau ít thời gian hơn. Là một vận động viên marathon đẳng cấp (câu chuyện này đã được Murakami thuật lại chi tiết trong Tôi nói gì khi nói về chạy bộ; “Murakami chạy giỏi” và “Murakami viết hay” từ lâu đã trở thành hai thành tố chính làm nên con người ông), ông hiểu ý nghĩa của tốc độ, ý nghĩa của việc tự chiến thắng bản thân và nhất là ý nghĩa của rèn luyện.

Và có vẻ như là càng ngày Haruki Murakami càng chắc chắn rằng mình đã tìm ra “bản lai diện mục” cho những bộ tiểu thuyết quan trọng hơn cả của ông (nói vậy không có nghĩa những “tiểu thuyết nhỏ” kém phần quan trọng đối với Murakami và ít được độc giả quan tâm): tất cả các bộ tiểu thuyết được nêu tên ở trên đây đều có chung một cấu trúc tổng thể, cấu trúc của những chương đan xen, nhiều khi các chương ấy còn không hề liên quan gì đến nhau. Tất cả muốn nói lên rằng: càng ngày Murakami càng chắc chắn hơn rằng một thế giới là không đủ, rằng một thế giới khác nữa (thế giới song song) không những là cần thiết mà nhiều khi còn hiển nhiên có tồn tại, ít nhất là tồn tại với những người có khả năng hoặc may mắn nhìn thấy được nó, và ở một số trường hợp còn bước chân được vào đó. Bản thân Murakami dường như cũng là người sống ở cả hai thế giới.

1Q84 (bối cảnh truyện xảy ra vào năm 1984, một cái “nháy mắt” tới cuốn tiểu thuyết lừng danh của George Orwell mang tên 1984 trước kia), cũng như Biên niên ký chim vặn dây cót hay Kafka bên bờ biển, chia đôi thành hai tuyến truyện, cứ một chương về chuyện này lại tới một chương về chuyện kia. Cấu trúc này đã được Murakami “tập dượt cho độc giả” từ lâu rồi, nên cả nghìn trang của 1Q84 hẳn không phải là nhàm chán, nhất là với những ai từng thích các tác phẩm trước của ông. Thủ thuật về cấu trúc này, một cách rất đơn giản, cũng có mục đích làm giảm đi sự buồn chán có thể xuất hiện khi ta đọc những câu chuyện quá dài. Nhiều người không thích văn của Murakami, nhưng hẳn ít ai chê được ông về khả năng và cách thức kể chuyện khôn ngoan và tài tác động đến tâm trí người đọc.

Tuyến truyện thứ nhất của 1Q84 là về một cô gái mang tên Aomame, cái tên nghe rất kỳ cục trong tiếng Nhật, bởi nó có nghĩa là “Đậu Xanh”. Aomame từng chịu nhiều khốn khổ vì tên của mình: người ta còn gọi trại đi thành Đậu Nành hoặc Đậu Tằm. Ở chương đầu, khi đang đi taxi và nghe bản nhạc Sinfonietta của Leoš Janáček thì Aomame gặp tắc đường trên đường cao tốc. Theo lời khuyên của tài xế taxi, một tài xế rất đặc biệt có bộ dàn âm thanh tuyệt hảo trên chiếc taxi của mình, cô quyết định xuống khỏi xe ngay trên đường cao tốc, đi xuống một cái cầu thang sắt để thoát ra. Cũng từ đây, mọi chuyện bắt đầu, với một “mã khóa” là lời của người tài xế: “sự vật chẳng bao giờ giống vẻ bề ngoài của nó đâu”, báo trước cho không khí bí ẩn của tuyến truyện này cũng như toàn bộ tiểu thuyết.

Tengo là nhân vật chính của tuyến truyện thứ hai (tức là của các chương không dành cho Aomame). Anh làm việc cho nhà xuất bản Komatsu. Điểm khởi phát của mạch truyện này là khi Tengo nhận biên tập tác phẩm đầu tay của cô bé Fukaeri mang tên Nhộng không khí. Câu chuyện được viết bằng những non nớt của người viết văn không chuyên nhưng ẩn chứa rất nhiều bí ẩn và cả mầm mống của một tài năng vô cùng kỳ lạ, mà cả Komatsu lẫn Tengo đều nghĩ là nếu bỏ qua thì sẽ rất “phí phạm”. Công việc này sẽ dẫn bước Tengo vào một cuộc phiêu lưu nguy hiểm, và sẽ có lúc giao cắt với cuộc phiêu lưu của Aomame, một người bạn học ngày xưa của anh, người dành cho anh những tình cảm rất đặc biệt.

Nếu Tengo rất đặc trưng cho khía cạnh tính cách thường thấy ở nhân vật của Murakami: lặng lẽ, trầm mặc, chỉn chu trong cuộc sống nhưng có gì đó không hoàn toàn thuộc về cuộc đời, hay làm những việc rất kỳ khôi trong mắt người khác nhưng đối với bản thân nhân vật thì rất đỗi bình thường, thì Aomame lại là một mặt khác, một mặt rất đáng để nói đến.

Aomame là một nhân vật kỳ lạ: cô có sức mạnh thể chất ghê gớm thông qua luyện tập thường xuyên, và cô thực hiện những công việc hết sức nguy hiểm, thậm chí nhiều khi còn liên quan đến mạng sống của nhiều người khác. Làm việc cho một bà già tỉ phú, ở vào một vị trí giao tranh dữ dội giữa thiện và ác, Aomame hẳn là một trong những nhân vật lạ nhất, độc đáo nhất mà Murakami từng tạo ra, xếp bên cạnh những cô gái điếm rành triết học, những cô người mẫu chỉ dùng tai của mình để hành nghề, những cô gái ra đường ghi chép thống kê về các kiểu đầu hói, và Aomame dường như cũng là một phần lý tưởng của Murakami về con người: một con người tốt đẹp là người có sức khỏe thật tốt thông qua luyện tập dài lâu.

Cách đây vài tháng, Emma Brockes, nhà báo của tờ The Guardian đã đến Hawaii để phỏng vấn Haruki Murakami về 1Q84 (Murakami chia thời gian của mình cho ba địa điểm: Hawaii, Nhật Bản và một chốn được ông đặt tên là “Nơi ấy”, nơi sáng sáng ông đến trú mình để viết văn). Đã 63 tuổi, nhưng nhà văn khiến Emma Brockes tưởng chừng như mình đang gặp “một cậu thiếu niên vừa đi chơi skate-board về”. Trong cuộc trò chuyện, Murakami nhiều lần nhắc đi nhắc lại: “Tôi không tự coi mình là nghệ sĩ. Tôi chỉ là một người biết viết văn mà thôi”.

Và ông khẳng định điều quan trọng đối với một nhà văn là sức khỏe, là chuyện thể chất: “Đó là vấn đề sức khỏe. Nếu ngày nào cũng phải viết trong suốt ba năm thì ta phải rất khỏe. Dĩ nhiên là phải mạnh mẽ về đầu óc nữa. Nhưng trước hết cần phải có cơ thể khỏe mạnh đã.” Công việc viết văn được Haruki Murakami miêu tả vừa giản dị vừa hết sức tinh tế và đầy tính chất ẩn dụ: “Ngày nào tôi cũng tới phòng làm việc, tôi ngồi xuống bàn rồi bật máy vi tính lên. Ở chỗ này thì tôi phải mở cửa. Đó là một cánh cửa lớn và nặng. Phải đi vào Căn Phòng Khác. Dĩ nhên là nói theo nghĩa ẩn dụ. Rồi còn phải quay trở lại căn phòng này nữa. Rồi còn phải đóng cửa lại nữa. Theo đúng nghĩa đen, cần phải có sức mạnh thì mới mở và đóng cửa được. Nếu đánh mất đi sức mạnh ấy, tôi sẽ không viết được tiểu thuyết. Truyện ngắn thì có thể, nhưng tiểu thuyết thì không.”

Ông cho rằng muốn viết văn được thì “cần phải có ý thức thực tiễn”, phải có “thói quen thường nhật”, dẫu rằng khi ông nói vậy, người khác thường không thích nghe, vì họ tưởng đâu như “bí quyết” của nhà văn phải ghê gớm, kỳ ảo lắm.

Chính nhờ chuẩn bị sẵn sức khỏe và cả “sức khỏe của tinh thần”, trong suốt hơn ba mươi năm nay có vẻ như Haruki Murakami chưa bao giờ gặp vấn đề về bế tắc sáng tạo: tiểu thuyết của ông cứ liên tục được ấn hành, và ngày nay lượng độc giả trung thành của ông trên toàn thế giới đã đông đảo lắm rồi. Không những thế, nhờ như vậy mà, như ông tự nhận, ông đã sống sót, sống sót qua những bất trắc về cuộc đời. Khi được hỏi về quán nhạc jazz ông từng làm chủ xưa kia, Murakami nói: “Khi ấy tôi mới 20, 21 tuổi. Tôi chẳng biết gì về thế giới cả. Hồi đó tôi ngốc lắm. Ngây thơ. Đó là một kiểu đánh cược. Đánh cược lên cuộc đời tôi. Nhưng tôi đã sống sót. Ngắn gọn vậy thôi.” Giờ đây ông có thể khẳng định: “Nếu giàu, khía cạnh tốt là bạn không cần nghĩ đến tiền nữa. Những gì tốt đẹp nhất mà ta dùng tiền mua được là tự do, là thời gian. Tôi không biết mỗi năm mình kiếm được bao nhiêu tiền. Tôi hoàn toàn không biết. Tôi không biết mình phải trả bao nhiêu tiền thuế. Tôi không muốn nghĩ đến thuế má”. Chắc hẳn rất ít người có cái nhìn với tiền bạc vừa đơn giản vừa mạnh mẽ đến thế này.

Mọi chuyện với ông thật giản dị: “Tôi biết mình thích những gì. Tôi thích đọc sách. Tôi thích nghe nhạc. Và tôi thích mèo. Ba điều đó. Vậy nên, mặc dù là con một, hồi còn nhỏ tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc bởi vì tôi biết mình thích những gì. Ba điều ấy không hề thay đổi kể từ khi tôi còn nhỏ. Giờ đây tôi vẫn biết mình thích những gì. Cái đó chính là lòng tin. Nếu không biết những gì mình thích, ta sẽ lạc lối”.

Cũng như cách nghĩ và lối sống của ông, có những điều rất phức tạp, rất vi tế trong các tiểu thuyết của Haruki Murakami, nhưng cùng lúc trong quan điểm viết văn của ông lại có những điều hết sức bình dị, thậm chí đơn giản đến gây ngơ ngác. Sức mạnh thu hút của ông có lẽ nằm ở chính chỗ đó.

Với Murakami, dường như ta không nên nói tới một “sức mạnh tinh thần” theo nghĩa ẩn dụ, mà nhà văn ấy, người hẳn sẽ dễ dàng đoạt giải nhất cuộc thi chạy marathon đúng tiêu chuẩn Olympic nếu có một cuộc thi như vậy cho toàn thể nhà văn trên thế giới, chăm lo cho “sức khỏe” đúng nghĩa của tinh thần mình, và sức khỏe đó, sự mạnh mẽ đó hẳn truyền sang được cho những độc giả nào thực sự đọc và thực sự cảm nhận được văn chương của ông.

5 comments:

  1. Cảm ơn anh Dũng đã post một bài viết rất hay về Murakami và tiểu thuyết mới của anh. Em rất mong chờ cuốn sách này, từ đầu năm cơ. Nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa thấy tăm hơi đâu cả.Anh có thông tin gì về việc bao giờ thì cuốn sách này được phát hành không ạ? Em cảm ơn anh nhiều.

    Đ.H

    ReplyDelete
  2. Hay quá đi, đúng với HM quá, cảm ơn anh!

    ReplyDelete
  3. Bài viết rất hay, cảm ơn ạ ^^

    ReplyDelete
  4. Ôi… bài viết hay quá… con rất cảm ơn ạ :x

    ReplyDelete