May 7, 2014

Roberto Bolaño (2): Mắt Silva

Tặng Rodrigo Pinto
và María và Andrés Braithwaite

Chuyện là thế này: Mauricio Silva, biệt danh Mắt, tìm cách tránh né bạo lực dù cho làm vậy thì có thể bị coi là một kẻ hèn nhát, nhưng bạo lực, bạo lực đích thực thì ai mà tránh nổi, ít nhất là chúng tôi, những kẻ sinh ra ở Mỹ Latinh trong thập niên năm mươi, những người tới lứa đôi mươi khi Salvador Allende chết.

Trường hợp của Mắt đầy tính biểu tượng và hình mẫu, và hẳn sẽ không vô ích nếu nhắc lại nó, nhất là giờ đây, khi ngần ấy năm đã trôi qua.

Tháng Giêng năm 1974, bốn tháng sau vụ đảo chính, Mắt Silva rời khỏi Chilê. Trước tiên anh qua Buenos Aires, sau đó những đợt gió độc hại trên nền cộng hòa láng giềng đẩy anh tới Mexico, anh sống ở đó hai năm, cũng tại đó tôi làm quen với anh.

Anh không giống phần lớn người Chilê sống ở Mexico DF hồi ấy: anh chẳng tự thổi mình, nhận rằng đã tham gia một cuộc kháng chiến mang nhiều tính chất hư ảo hơn là hiện thực, anh cũng không giao du với đám lưu vong.

Chúng tôi trở thành bạn, xây dựng lề thói gặp nhau ít nhất một lần mỗi tuần tại quán cà phê La Habana trên phố Bucareli, hay tại nhà tôi trên phố Versailles, hồi đó tôi sống ở đấy cùng mẹ và em gái. Mấy tháng đầu, Mắt Silva sống nhờ những công việc thảng hoặc, đứt đoạn, sau rồi anh kiếm được việc chụp ảnh cho một tờ báo của DF. Tôi không còn nhớ là tờ nào nữa, có lẽ El Sol, nếu bên Mexico từng có một tờ báo mang cái tên ấy, hoặc có thể El Universal, còn tôi thích nghĩ đó là tờ El Nacional, tờ này có phụ trương văn hóa nằm dưới sự điều hành của ông nhà thơ già người Tây Ban Nha Juan Rejano, nhưng không phải tờ El Nacional đâu, vì tôi làm việc ở đó và chưa bao giờ thấy Mắt chỗ ban biên tập. Nhưng anh có làm cho một tờ báo của Mexico, điều đó thì không có gì phải nghi ngờ, và rồi tình hình kinh tế của anh khá khẩm hơn, lúc đầu mới chỉ theo một lối e ấp khó nhận ra, bởi Mắt đã quen sống rất kham khổ, nhưng nếu để ý các chi tiết thì ta có thể thấy những dấu hiệu không thể nhầm lẫn, chúng chứng nhận cho một hoàn cảnh kinh tế tốt đẹp hơn.

Chẳng hạn, mấy tháng đầu sống ở DF, tôi nhớ anh mặc sudaderas. Mấy tháng cuối, anh đã mua lấy dăm cái sơ mi và thậm chí còn có lần tôi thấy anh đeo cà vạt, cái thứ mà chúng tôi, nghĩa là các bạn nhà thơ của tôi và bản thân tôi, không bao giờ dùng. Quả thật, Mắt là cá nhân duy nhất từng có lần ngồi ở bàn chúng tôi tại quán cà phê La Habana mà có đeo cà vạt.

Thời ấy, có tin đồn Mắt Silva là người đồng tính. Tôi muốn nói: tin đồn này lan truyền trong giới lưu vong Chilê, một phần giống như lời tuyên bố cho mối ác cảm và một phần như thứ đồn thổi mới cấp thêm dưỡng chất cho cuộc sống nói đúng ra là buồn tẻ của đám lưu vong, những kẻ thiên tả có suy nghĩ, ít nhất là từ kích cỡ riêng của bọn họ, và hướng xuống thấp, giống hệt những kẻ thiên hữu lúc đó đã chiếm được Chilê.

Có một lần Mắt đến nhà tôi ăn cơm. Mẹ tôi rất quý anh và Mắt tỏ tình trìu mến bằng cách thỉnh thoảng chụp những bức ảnh gia đình, nghĩa là chụp mẹ tôi, em gái tôi, một người bạn gái nào đó của mẹ tôi hoặc của tôi. Ai cũng thích được chụp ảnh, có lần anh nói với tôi. Với tôi thì chuyện ấy chẳng có gì quan trọng, ít nhất thì tôi cũng nghĩ vậy, nhưng khi Mắt nói điều đó, tôi suy nghĩ một lúc về câu nói của anh, rồi rốt cuộc tôi nghĩ anh đã đúng. Chỉ có vài người Indian không thích chụp ảnh thôi, anh nói. Mẹ tôi cứ tưởng Mắt nhắc đến người Mapuche, nhưng thật ra anh nói đến người Ấn Độ, cái nước Ấn Độ ấy trong tương lai sẽ trở nên vô cùng quan trọng với anh.

Đêm nọ, tôi tình cờ gặp anh ở quán cà phê La Habana. Gần như không có người khách quen nào và Mắt ngồi gần những cửa sổ trông ra phố Bucareli trước một cốc cà phê sữa đựng trong loại cốc thủy tinh dày đặc trưng của La Habana, thứ cốc đó tôi chưa từng bao giờ lại thấy tại một quán nào khác. Tôi ngồi xuống bên anh, chúng tôi chuyện gẫu một lúc. Trông anh xanh mướt. Đó là cảm giác của tôi. Mắt như thể được làm bằng thủy tinh, khuôn mặt anh cùng cốc cà phê sữa của anh như thể đang trao nhau các dấu hiệu, cứ như thể chúng vừa mới gặp mặt, hai hiện tượng không thể hiểu nổi trong vũ trụ bao la, và đang nỗ lực tìm ra một ngôn ngữ chung, bằng ý chí nhiều hơn bằng hy vọng.

Đêm ấy, anh thú nhận với tôi rằng anh là người đồng tính, đúng như đám lưu vong vẫn lải nhải khắp nơi, và rằng anh sắp rời Mexico. Trong một lúc, tôi tưởng đâu anh bỏ đi vì anh là người đồng tính. Nhưng không phải, có người bạn đã tìm cho anh một công việc tại một hãng ảnh bên Paris và đó chính là điều anh vẫn hằng mong mỏi. Anh muốn được nói, thế là tôi lắng nghe. Anh bảo đã vài năm, với nỗi buồn sầu? với sự kín đáo? anh mang trong mình thiên hướng tình dục riêng, nhất là bởi vì anh tự coi mình là người tả khuynh, trong khi các đồng chí của anh tỏ ta khinh miệt đám đồng tính. Chúng tôi bàn về khái niệm “tình dục đồng giới” (ngày nay khái niệm này đã bị lạc hậu), nó có sức hút giống như thỏi nam châm đối với những quang cảnh tiêu điều, và về từ lóng colisa, từ này tôi viết với một chữ s còn Mắt nghĩ là phải viết với một chữ z.

Tôi nhớ chúng tôi kết thúc bằng cách thật lực nói xấu cánh tả Chilê, và đến một lúc, tôi nâng cốc chúc mừng các chiến binh Chilê lang thang, một thành phần quan trọng của các chiến binh Mỹ Latinh lang thang, cái đơn tử được cấu thành từ những đứa trẻ mồ côi, những kẻ, đúng như cái tên chỉ ra, đi lang thang khắp thế giới rộng lớn để theo hầu những ai đưa lời mời chào hấp dẫn nhất, mà xét cho cùng lời mời chào ấy luôn luôn xuất phát từ những kẻ tồi tệ nhất. Nhưng, cười xong thì Mắt bảo rằng bạo lực không phải chuyện của anh. Là chuyện của anh đấy, anh nói với tôi với vẻ buồn bã mà ngày ấy tôi không hiểu nổi, chứ không phải chuyện của tôi. Tôi ghét bạo lực. Tôi khẳng định với anh tôi cũng cảm thấy tương tự. Sau đó chúng tôi chuyển sang các đề tài khác, sách, phim, và rồi chúng tôi không gặp lại nhau nữa.

Một hôm tôi nghe tin Mắt đã rời Mexico. Một đồng nghiệp cũ cùng làm với anh ở tờ báo nói với tôi. Tôi không thấy lạ việc anh đã không chào tạm biệt tôi. Mắt chẳng chào tạm biệt một ai. Tôi cũng chẳng bao giờ chào tạm biệt một ai. Tuy nhiên, mẹ tôi thì thấy đó là dấu hiệu của sự mất dạy.

Dăm năm sau, cả tôi cũng rời Mexico. Tôi sang sống ở Paris, tôi đi kiếm anh (dẫu chẳng mấy hào hứng), nhưng không tìm ra. Thời gian trôi qua, tôi bắt đầu quên đi các đường nét khuôn mặt anh, dẫu trong ký ức tôi vẫn còn sót lại một cách thức tiếp cận, một kiểu tồn tại, nêu ý kiến qua khoảng cách và từ một nỗi buồn tuyệt đối không có tính chất khoa đại mà tôi gắn vào cho Mắt Silva, một Mắt Silva không còn mặt nữa, hoặc giả đã có một khuôn mặt bóng tối, nhưng vẫn giữ được điều cốt yếu, ký ức về cử động của anh, một thực thể gần như trừu tượng nhưng tại đó không có chỗ cho sự bình thản.

Nhiều năm trôi qua. Rất nhiều năm. Bạn bè chết đi. Tôi lấy vợ, có một đứa con, in vài cuốn sách.

Có lần tôi phải sang Berlin. Tối cuối cùng ở đó, sau khi ăn tối với Heinrich von Berenberg và gia đình ông, tôi lên một chiếc taxi (mặc dù thường thì Heinrich chở tôi về khách sạn) và bảo tài xế cho tôi xuống trước một đoạn vì tôi muốn đi dạo một chút. Tay tài xế (một người đàn ông châu Á đã già nghe nhạc Beethoven) thả tôi xuống cách khách sạn năm dãy nhà. Chưa muộn lắm nhưng trên phố đã gần như không còn ai. Tôi đi qua một quảng trường. Mắt ngồi trên một cái ghế băng. Anh gọi tên tôi rồi hỏi tôi khỏe không. Tôi bèn ngoái đầu lại, nhìn anh một hồi mà không nhận ra đó là ai. Mắt vẫn ngồi trên ghế, ánh mắt dán chặt vào tôi rồi nhìn xuống đất hoặc sang bên, đám cây to lớn của cái quảng trường Berlin nhỏ bé và bóng tối vây lấy anh chặt hơn (khi đó tôi nghĩ thế) là vây lấy tôi. Tôi đi vài bước về phía anh và hỏi anh là ai. Tôi đây, Mauricio Silva, anh đáp. Mắt Silva bên Chilê à? tôi hỏi. Anh bảo đúng rồi và mãi lúc ấy tôi mới thấy anh mỉm cười.

Đêm hôm ấy chúng tôi trò chuyện gần đến sáng. Mắt đã sống ở Berlin được vài năm và biết các quán bar mở cửa thâu đêm. Tôi hỏi chuyện đời anh. Anh phác cho tôi những đường nét cơ bản về chân dung nhiếp ảnh gia free lance. Anh từng có một căn nhà tạm bợ ở Paris, ở Milan và giờ là ở Berlin, những chốn cư ngụ khiêm tốn, nơi anh để sách vở và cũng là nơi anh vắng khỏi nhiều quãng thời gian dài. Mãi đến lúc chúng tôi bước vào một quán bar tôi mới nhận ra anh đã thay đổi tới mức nào. Anh gầy đi nhiều, mái tóc điểm bạc và mặt đầy nếp nhăn. Tôi cũng nhận thấy anh uống rượu nhiều hơn hồi ở Mexico. Anh muốn biết về tôi. Lẽ dĩ nhiên, cuộc gặp giữa chúng tôi không phải sản phẩm của tình cờ. Tên tôi đã xuất hiện trên báo và Mắt thấy, hoặc ai đó nói cho anh biết có một đồng hương của anh sang đây giảng bài hay dự một cuộc hội thảo, sự kiện mà anh không đến dự được, nhưng anh đã gọi điện đến ban tổ chức và lấy được địa chỉ khách sạn của tôi. Khi tôi tìm thấy anh trên quảng trường, anh chỉ đang giết thời gian, anh bảo, rồi thì nghĩ ngợi trong lúc đợi tôi về.

Tôi cười. Tìm lại được anh, tôi nghĩ, là một sự kiện đáng mừng. Mắt vẫn là một người kỳ quặc thế nhưng lại dễ xâm nhập, một người không áp đặt sự hiện diện của mình, một người bạn có thể chào tạm biệt vào bất cứ thời điểm nào trong đêm, và anh sẽ chỉ đáp lại tạm biệt nhé, không một lời trách cứ, không một lời chửi rủa, một kiểu người Chilê lý tưởng, khắc kỷ và đáng mến, một kiểu mẫu chưa từng bao giờ có nhiều ở Chilê, nhưng ta lại chỉ có thể gặp được ở đó.

Tôi đọc lại những gì vừa viết và biết rằng mình đang thiếu chính xác. Hẳn Mắt sẽ chẳng bao giờ cho phép những khái quát kiểu đó. Dẫu có thế nào, trong khi chúng tôi ở các quán bar, ngồi trước một ly whisky hay một cốc bia không cồn, cuộc trò chuyện của chúng tôi chủ yếu thơ thẩn trên địa hạt của những khơi gợi, điều đó có nghĩa ấy là một cuộc trò chuyện nhiều thông tin và u hoài. Đoạn trò chuyện, thực ra là cuộc độc thoại, khiến tôi thực sự quan tâm là cuộc trò chuyện diễn ra khi chúng tôi quay về khách sạn của tôi, vào lúc hai giờ sáng.

Sự tình cờ đã muốn rằng anh khởi sự nói (hoặc anh lao vào nói) trong lúc chúng tôi đi ngang qua cùng cái quảng trường mới vài tiếng trước chúng tôi vừa gặp nhau. Tôi còn nhớ trời lạnh và đột nhiên Mắt bảo anh muốn kể cho tôi một chuyện anh chưa từng kể cho một ai. Tôi nhìn anh. Mắt nhìn chằm chằm vào gờ các vỉa hè chạy ngoằn ngoèo trên quảng trường. Tôi hỏi là về chuyện gì. Về một chuyến đi, anh đáp liền. Thế có chuyện gì xảy ra trong chuyến đi ấy? tôi hỏi anh. Thế là Mắt dừng lại và trong một lúc như thể toàn bộ con người anh chỉ còn tồn tại nhằm bị hút hoàn toàn vào việc ngắm nhìn các ngọn cây nước Đức cùng những mảnh trời và mây đang vần vũ tít phía trên.

Một chuyện rất kinh khủng, Mắt nói. Anh còn nhớ một cuộc nói chuyện của chúng ta tại quán La Habana trước khi tôi rời Mexico chứ? Có, tôi đáp. Có phải tôi đã nói với anh rằng tôi là gay? Mắt hỏi. Anh đã nói với tôi rằng anh là người đồng tính, tôi đáp. Ta ngồi xuống đi, Mắt đề nghị.

Tôi sẵn sàng thề đã thấy anh ngồi xuống cùng cái ghế ấy, như thể tôi còn chưa đến, như thể tôi vẫn chưa khởi sự đi ngang quảng trường, còn anh thì đã ở đó đợi tôi, suy nghĩ về cuộc đời mình, về câu chuyện mà số phận hay nỗi tình cờ đã buộc anh phải kể cho tôi nghe. Anh dựng cổ áo măng tô lên rồi bắt đầu nói. Tôi thì châm một điếu thuốc, vẫn đứng. Câu chuyện của Mắt diễn ra bên Ấn Độ. Công việc chứ không phải sự tò mò kiểu du khách đã dẫn anh sang bên ấy, tại đó anh phải làm hai việc. Việc thứ nhất là bài phóng sự đô thị điển hình, một sự hòa trộn giữa Marguerite Duras và Hermann Hesse, Mắt và tôi cùng cười, có những người vậy đấy, những kẻ muốn thấy Ấn Độ ở quãng giữa India SongSiddharta, và chúng tôi có mặt để thỏa mãn nguyện vọng của các ngài tổng biên tập. Phóng sự thứ nhất nhằm chụp những bức ảnh tại những nơi nào còn trông thấy các ngôi nhà thuộc địa, những khu vườn bỏ hoang vắng, những quán ăn đủ loại, ưu tiên quán có tiếng tăm xấu hoặc quán ăn gia đình với đám thực khách mang bộ mặt của lũ vô lại, và chỉ là người Ấn, và cả những bức ảnh chụp ngoại ô, các vùng thực sự thảm, rồi sau đó là đồng quê và các kiểu giao thông, đường sá, các đoạn đường tàu, xe buýt và tàu hỏa vào ra thành phố, cũng không quên thiên nhiên ở trạng thái tiềm tàng, một kiểu ngủ đông kỳ quặc chiểu theo quan niệm phương Tây về ngủ đông, đám cây cối khác biệt với cây bên châu Âu, những dòng sông dòng suối, cánh đồng, có mùa màng hoặc bỏ không, lãnh thổ của các vị thánh, Mắt nói.

Phóng sự ảnh thứ hai liên quan đến khu điếm của một thành phố Ấn Độ mà tôi chưa từng bao giờ được biết tên.

Chính ở đây đã bắt đầu câu chuyện đích thực của Mắt. Thời ấy, anh sống bên Paris, ảnh của anh sẽ phải minh họa cho phần lời của một nhà văn Pháp nổi tiếng, ông ta chuyên sâu vào thế giới ngầm của đĩ điếm. Nói cho đúng, phóng sự của anh chỉ là phóng sự đầu tiên trong một xê ri sẽ bao trùm các khu phố trác táng hay các khu phố nóng bỏng trên toàn hành tinh, mỗi xê ri ảnh này do một nhiếp ảnh gia khác nhau đảm trách, nhưng tất tật sẽ được cùng nhà văn ấy bình luận.

Tôi không biết Mắt đã đến thành phố nào, có thể là Bombay, Calcutta, có thể Bénarès hay Madras, tôi còn nhớ đã hỏi anh điều đó nhưng anh lờ câu hỏi của tôi đi. Điều chắc chắn là anh một mình sang Ấn Độ, bởi vì ông nhà văn Pháp kia đã viết phần lời rồi, anh chỉ còn phải minh họa cho nó nữa thôi, thế nên anh đến các khu phố mà văn bản tiếng Pháp chỉ sẵn và khởi sự chụp những bức ảnh. Theo dự tính của anh - và theo dự tính của các ông tổng biên tập của anh - công việc, và do vậy là chuyến lưu lại Ấn Độ của anh, sẽ không dài hơn một tuần. Anh ngụ ở một khách sạn tại một vùng yên tĩnh, một căn phòng có điều hòa nhiệt độ và một cửa sổ nhìn xuống một cái sân không thuộc về khách sạn, ở đó có hai cái cây và một vòi nước nằm giữa hai gốc cây và nhìn xuống một phần một hàng hiên trên đó hiện ra hai người phụ nữ, trước họ hay sau họ là nhiều trẻ con. Những người phụ nữ ăn vận kiểu Ấn, hoặc giả là cái lối mà theo Mắt là kiểu Ấn, nhưng lũ trẻ, thậm chí có lần anh còn thấy chúng đeo cà vạt. Các buổi chiều, anh đi tới khu phố nóng bỏng để chụp ảnh, trò chuyện với tụi điếm, vài cô rất trẻ và rất đẹp, những người khác già hơn hay nhẽo nhợt hơn, mang dáng điệu của các mệnh phụ nhiều hoài nghi và kiệm lời. Mùi vị lúc đầu khiến anh khá khó chịu, sau anh lại thấy thích. Đám ma cô (anh không gặp nhiều lắm) dễ mến và cố gắng cư xử giống đám ma cô phương Tây hoặc có thể (nhưng điều đó thì mãi đến khi về phòng khách sạn có điều hòa nhiệt độ anh mới mơ thấy) chính đám ma cô phương Tây mới học đòi cách cư xử của đám ma cô người Ấn.

Tối nọ, chúng mời anh quan hệ thể xác với một cô gái điếm. Anh lịch sự từ chối. Tay ma cô hiểu ngay rằng Mắt đồng tính, thế là đêm hôm sau hắn dẫn anh đến một nhà chứa đàn ông. Đêm ấy, Mắt bị ốm. Tôi đã ở trong lòng Ấn Độ rồi thế nhưng vẫn chưa nhận ra điều đó, anh nói, dõi nhìn bóng tối trong khu vườn Berlin. Anh đã làm gì? tôi hỏi. Không làm gì hết. Tôi nhìn anh, mỉm cười. Và tôi đã chẳng làm gì. Thế là một trong đám trai kia nảy ra ý tưởng có lẽ ông khách thích tới một dạng nhà thổ khác. Mắt suy luận ra như thế, bởi vì với nhau, chúng đâu có nói tiếng Anh. Vậy là họ ra khỏi ngôi nhà đó, bước đi trên những ngõ ngách bẩn thỉu cho đến lúc họ tới trước một ngôi nhà có mặt tiền hẹp nhưng bên trong là cả một mê cung hành lang, phòng nhỏ xíu và những khoảng tối đôi khi nảy ra từ đó một bàn thờ hay một hốc tường.

Bên Ấn Độ tại một số vùng có cái truyền thống này, Mắt bảo tôi, mắt anh găm xuống đất, là dâng một đứa bé trai cho một vị thần mà tôi chẳng còn nhớ tên nữa. Trong một cơn bộc phát không mấy hay ho, tôi nêu nhận xét không chỉ anh chẳng nhớ tên vị thần mà còn chẳng nhớ tên thành phố, cũng như tên bất kỳ nhân vật nào trong câu chuyện của anh. Mắt nhìn tôi, mỉm cười. Tôi cố quên đi đấy, anh đáp.

Vào lúc này, tôi e ngại điều tệ hại nhất, tôi ngồi xuống bên cạnh anh và trong một lúc chúng tôi cứ ngồi im như thế, cổ áo măng tô của chúng tôi đều dựng lên, im lìm. Họ dâng một đứa trẻ cho vị thần đó, anh kể tiếp câu chuyện của mình sau khi đưa mắt dò xét quảng trường chìm đẫm trong bóng tối lờ mờ, như thể anh sợ hãi lảng vảng quanh đây có một kẻ lạ mặt, và trong một khoảng thời gian, tôi cũng chẳng biết là bao lâu nữa, thằng bé là hiện thân của vị thần. Có thể là một tuần, cho hết kỳ lễ, một tháng, một năm, tôi không biết. Đó là một lễ hội man rợ, bị luật pháp cộng hòa Ấn Độ cấm ngặt, nhưng vẫn tiếp tục được tổ chức. Trong lễ hội đứa trẻ được người ta phủ đầy quà lên người, những thứ quà đó bố mẹ chúng hoan hỉ hạnh phúc nhận lấy, bởi thường thì họ rất nghèo. Hết lễ, đứa trẻ được trả về nhà, hay nói cách khác là về cái lỗ bẩn thỉu mà nó sống, và mọi chuyện lại bắt đầu sau đó một năm.

Lễ hội mang dáng vẻ một lễ hội dân gian Mỹ Latinh, có lẽ chỉ trừ mỗi cái là nó vui hơn, sống động hơn, và có khả năng niềm phấn hứng của những người tham gia lớn hơn. Chỉ với độc một khác biệt. Vài hôm trước khi các hoạt động lễ hội khởi đầu, đứa trẻ bị người ta thiến. Vị thần hóa vào nó trong hồi lễ lạt đòi một cơ thể đàn ông - dẫu bọn trẻ con còn chưa quá bảy tuổi - không bị nhiễm bẩn bởi các đặc tính đực. Thế nên đám bố mẹ giao nó cho các bác sĩ của lễ hội hay các giáo sĩ của lễ hội và những kẻ ấy hủy diệt đời trai của nó, rồi chừng nào đứa trẻ hồi phục sau phẫu thuật thì lễ hội bắt đầu. Vài tuần hay vài tháng sau đó, khi mọi sự kết thúc, đứa trẻ về nhà, nhưng nó chỉ còn là một thằng bé đã bị thiến, và nó bị bố mẹ vứt bỏ. Thế là nó phải vào một nhà thổ. Có tất tật đủ loại, Mắt thở dài nói. Đêm hôm ấy, tôi bị dẫn vào cái loại tệ hại nhất.

Trong một lúc, chúng tôi không nói gì. Còn tôi, tôi châm một điếu thuốc. Sau đó, Mắt miêu tả nhà thổ cho tôi, cứ như thể anh đang miêu tả một nhà thờ. Những sân trong có mái che. Những hành lang mở. Những căn phòng nơi đám người bạn nhìn không rõ rình mò mọi cử động của bạn. Một thằng bé bị thiến chưa quá mười tuổi được dẫn đến cho anh. Có thể gọi nó là một đứa bé gái đang khiếp hãi, Mắt nói. Khiếp hãi và đầy vẻ nhạo báng cùng một lúc. Anh có hiểu được không? Tôi cũng thấy le lói, tôi đáp. Chúng tôi lại rơi vào im lặng. Khi đã lại có thể nói, tôi bảo là không, tôi chẳng mường tượng được đâu. Tôi cũng không, Mắt bảo. Chẳng ai mường tượng được. Cả nạn nhân, cả lũ đao phủ, cả đám khán giả. Chỉ có bức ảnh mà thôi.

Anh đã chụp ảnh nó à? tôi hỏi. Trông như thể Mắt thoáng rùng mình. Tôi lấy máy ảnh ra, anh đáp, và chụp một bức. Tôi biết mình đang tự kết án mình đến vĩnh viễn, nhưng tôi đã làm việc ấy.

Tôi chẳng biết chúng tôi đắm chìm trong im lặng bao lâu nữa. Tôi biết trời lạnh vì đến một lúc, tôi bắt đầu run lên. Tôi nghe tiếng Mắt khóc nức nở vài lần bên cạnh tôi, nhưng tôi chọn cách không nhìn sang. Tôi thấy đèn pha một chiếc ô tô đi qua trên một trong mấy phố chạy men theo quảng trường. Qua tán lá, tôi nhìn thấy một ô cửa sổ chợt sáng đèn.

Sau đó Mắt tiếp tục nói. Anh bảo đứa trẻ mỉm cười với anh rồi khẽ khàng lẩn mất vào một hành lang trong cái ngôi nhà không sao hiểu thấu ấy. Tới một lúc, một tay ma cô nói với anh rằng nếu ở đây anh không thích gì, họ có thể đi. Mắt từ chối. Anh không thể rời khỏi. Anh bảo với hắn như vậy: tôi còn chưa thể đi. Và điều đó đúng, dẫu anh chẳng biết điều gì ngăn cản mình đi vĩnh viễn khỏi cái chốn kinh khiếp này. Tuy nhiên, tay ma cô hiểu anh và gọi trà hay một thức uống gì đó tương tự. Mắt nhớ họ ngồi xuống sàn nhà, trên chiếu hay những tấm thảm nhỏ đã cũ sờn rách. Có ánh sáng nhờ hai ngọn nến. Trên tường treo một bức áp phích vẽ hình vị thần. Mắt nhìn vị thần một lúc; thoạt tiên, anh cảm thấy sợ hãi, nhưng sau đó anh thấy điều gì đó giống như cơn điên giận, có lẽ là sự thù hận.

Tôi chưa từng thù ghét ai, anh vừa nói vừa châm một điếu thuốc, thả bụm khói đầu tiên tan loãng vào màn đêm Berlin.

Tới một lúc, trong khi Mắt nhìn hình ảnh vị thần kia, những kẻ đi cùng anh tới đây biến mất. Anh ở lại một mình cùng một tay điếm giai chừng hai mươi tuổi biết nói tiếng Anh. Rồi, khi người ta vỗ tay, thằng bé kia lại xuất hiện. Còn tôi chỉ chực khóc, và tôi nghĩ mình sẽ khóc, hoặc giả thằng điếm tội nghiệp kia nghĩ tôi sẽ khóc, nhưng chẳng gì trong đó là sự thật. Tôi vẫn cố giữ một nụ cười trên mặt (một bộ mặt không còn là của tôi, một khuôn mặt rời xa khỏi tôi, như một cái lá bị gió cuốn đi), nhưng trong thâm tâm điều duy nhất mà tôi làm là hành động một cách máy móc. Không một dự đồ, cũng chẳng phải một hình thức công lý mơ hồ, mà là một ý chí.

Sau đó Mắt, thằng điếm và đứa bé đứng dậy, đi qua một hành lang tối om, rồi một hành lang khác còn tối hơn (đứa bé ở bên cạnh Mắt, anh nhìn nó, mỉm cười với nó, thằng điếm trẻ cũng mỉm cười với nó, và Mắt bảo đồng ý, và anh vung vãi không lấn cấn những đồng xu và tờ tiền), cho đến lúc họ tới một căn phòng có lão bác sĩ đang ngủ, bên cạnh là một đứa bé khác có nước da còn sẫm hơn thằng bé bị thiến và còn bé hơn, có lẽ mới sáu hay bảy tuổi, và Mắt lắng nghe những lời giải thích của lão bác sĩ hay thợ cạo hay thầy tu, những lời giải thích tia lia nhắc nhở tới truyền thống, các lễ hội dân gian, sự ưu tiên, sự gắn kết, sự say sưa và tính chất thánh linh, và anh có thể thấy các dụng cụ phẫu thuật sẽ được sử dụng để thiến thằng bé vào sáng hôm sau, hay hôm sau nữa, dẫu có thế nào thì thằng bé cũng đã, anh hiểu được như vậy, vào đúng hôm đó, đến ngôi đền hay nhà thổ, một biện pháp phòng ngừa, một biện pháp vệ sinh, và nó đã được ăn no, vì nó đã trở thành hiện thân của vị thần, dẫu rằng theo như những gì Mắt trông thấy thì đó là một đứa trẻ khóc lóc trong ngái ngủ, và anh cũng thấy ánh mắt vừa vui vui vừa kinh hãi của thằng bé đã bị thiến, cái thằng đã không rời khỏi anh nữa. Và thế là Mắt biến thành một thứ khác hẳn, mặc dù cái từ mà anh dùng không phải “thứ khác” mà là “mẹ”.

Anh nói mẹ và anh thở dài. Rốt cuộc. Mẹ.

Cứ nhắc đi nhắc lại mãi thì chuyện xảy ra sẽ trở nên thô tục: thứ bạo lực mà chúng ta không thể né tránh. Số phận của những người Mỹ Latinh sinh ra trong thập niên năm mươi. Lẽ dĩ nhiên, Mắt ngập ngừng thử tìm cách nói chuyện, đút lót, dọa dẫm. Điều chắc chắn là đã có bạo lực và không lâu sau đó anh để lại sau lưng những đường phố của khu ấy như thể trước đó anh đã lậm vào một giấc mơ, rồi sau đó vì giấc mơ mà người sũng mồ hôi. Anh còn nhớ chính xác cái cảm giác hưng phấn lớn dần lên trong tâm trí anh, mỗi lúc một thêm lớn, một niềm vui giống một cách nguy hiểm với điều gì đó có thể so sánh với sự sáng suốt, nhưng nó lại không phải (không thể là) sự sáng suốt. Và nữa: bóng của anh và bóng của hai đứa bé anh đang dắt tay hắt lên những bức tường tróc lở. Ở bất kỳ nơi nào khác hẳn anh đã gây chú ý. Còn ở đó, vào giờ ấy, chẳng ai buồn quan tâm đến anh.

Phần còn lại, đúng hơn là một câu chuyện hay một chủ đề truyện, là một hành trình. Mắt quay về khách sạn, xếp đồ riêng vào va li rồi ra đi cùng hai đứa trẻ. Trước tiên bằng taxi đến một ngôi làng hoặc một khu ngoại ô. Từ đó thì đi xe buýt đến một làng nhỏ khác, tại đó họ đi một chiếc xe buýt khác đến một thôn xóm khác. Tới một thời điểm trong chuyến trốn chạy của mình, họ lên tàu hỏa đi suốt đêm rồi một phần của ngày. Mắt còn nhớ khuôn mặt lũ trẻ nhìn qua cửa kính cảnh vật bị ánh sáng ban mai chẻ nhỏ, như thể chưa từng bao giờ có thứ gì là thật trừ những thứ, vương giả và khiêm nhường, bày ra trong khung cửa sổ của đoàn tàu bí hiểm ấy.

Sau đó họ đi thêm một chuyến xe buýt nữa, rồi một chiếc taxi, và rồi một chiếc xe buýt khác, và một đoàn tàu hỏa khác, thậm chí họ còn vẫy tay xin đi nhờ xe, Mắt nói, dõi nhìn hình bóng đám cây Berlin, nhưng trên thực tế anh nhìn hình bóng những cây cối khác, vô số kể, bất khả, cho đến lúc rốt cuộc họ cũng dừng chân, tại một xóm nằm đâu đó trên đất Ấn Độ, thuê lấy một ngôi nhà và nghỉ ngơi.

Sau hai tháng, Mắt hết tiền, anh bèn đi bộ sang một làng khác, từ đó anh gửi một bức thư cho người bạn của anh thời ấy bên Paris. Anh nhận được một khoản tiền chuyển qua ngân hàng, mười lăm hôm sau, và phải tới một làng lớn hơn để nhận, đó không phải ngôi làng nơi anh gửi bức thư đi, càng không phải cái xóm nơi anh sống. Lũ trẻ khỏe mạnh. Chúng chơi đùa với đám trẻ con khác, chúng không đi học và thỉnh thoảng mang theo đồ ăn về nhà, rau quả mà những người hàng xóm cho chúng. Chúng không gọi anh là bố như anh đã gợi ý với chúng, chủ yếu như một biện pháp an toàn, để không thu hút sự chú ý của những kẻ tọc mạch, mà gọi anh là Mắt, giống như chúng tôi vẫn hay gọi anh. Tuy nhiên, với dân làng, Mắt nói rằng đó là các con anh. Anh bịa ra rằng bà mẹ, một phụ nữ người Ấn, mới qua đời, mà anh thì không muốn quay về châu Âu. Câu chuyện nghe có vẻ đáng tin. Tuy vậy, trong những cơn ác mộng, Mắt mơ rằng giữa đêm khuya cảnh sát Ấn Độ tới nơi, bắt anh, buộc tội anh những điều đê hèn. Anh thường xuyên run rẩy khi tỉnh dậy. Thế là anh bèn lại gần mấy manh chiếu nhỏ lót chỗ nằm cho lũ trẻ và nhìn thấy chúng là anh đủ sức tiếp tục, ngủ, tỉnh dậy.

Anh trở thành nông dân. Anh cuốc xới một khu vườn trồng rau nho nhỏ và đôi khi làm việc cho các nông dân có của trong làng. Các nông dân có của, lẽ dĩ nhiên, trên thực tế, nghèo thôi, nhưng ít nghèo hơn những người khác. Phần thời gian còn lại anh dành để dạy tiếng Anh cho lũ trẻ, sơ đẳng môn toán, và xem chúng chơi. Chúng nói với nhau bằng một thứ ngôn ngữ không thể hiểu nổi. Thỉnh thoảng anh thấy chúng ngừng chơi, đi qua cánh đồng như thể đột nhiên chúng trở thành những kẻ mộng du. Anh hét lên gọi chúng. Đôi khi lũ trẻ vờ như không nghe thấy anh, cứ tiếp tục bước đi cho đến khi biến mất. Những lần khác, chúng ngoảnh đầu lại và mỉm cười.

Anh ở bên Ấn Độ bao lâu? tôi lo lắng hỏi anh.

Một năm rưỡi, Mắt đáp, dẫu cho anh không hoàn toàn tin vào điều đó.

Tới một thời điểm, người bạn bên Paris của anh đến ngôi làng. Anh ấy vẫn còn yêu tôi, Mắt nói, dẫu rằng trong khi tôi vắng mặt anh ấy đã bắt đầu sống cùng một thợ máy người Algérie làm việc cho hãng Renault. Nói đoạn, anh cười. Tôi cũng cười. Toàn bộ câu chuyện thật buồn, Mắt nói. Bạn anh đến làng trên một chiếc taxi phủ bụi đường đỏ quạch, lũ trẻ chạy đuổi theo một con côn trùng giữa đám bụi rậm khô khốc, gió thổi như thể mang tới những tin tốt và những tin xấu.

Mặc cho những lời van nài của anh bạn người Pháp, anh không quay về Paris. Mấy tháng sau, anh nhận được từ anh ta một bức thư nói rằng cảnh sát Ấn Độ không truy lùng anh. Có vẻ như là đám người ở nhà thổ đã không trình báo. Tin này không ngăn cản Mắt tiếp tục phải gánh chịu những cơn ác mộng, chỉ thay đổi mỗi những bộ đồng phục của các nhân vật bắt anh và ném vào anh những lời buộc tội cộc cằn: thay vì cảnh sát, bọn họ đã biến thành những viên hộ giáo của giáo phái thờ vị thần bị thiến. Kết quả còn tồi tệ hơn, Mắt thú nhận với tôi, nhưng tôi đã quen với những cơn ác mộng và theo một cách nào đó tôi vẫn luôn luôn biết rằng tôi đang ở trong một cơn ác mộng, rằng tất tật những thứ ấy đều không phải là thực tế.

Sau đó bệnh tật ào tới làng và lũ trẻ chết. Cả tôi cũng muốn chết, Mắt nói, nhưng tôi đã không gặp may như thế.

Sau khi bình phục trong một căn lán bị nước mưa hủy hoại mỗi ngày, Mắt rời khỏi xóm, quay về thành phố nơi anh đã gặp lũ trẻ. Không mấy ngạc nhiên, anh phát hiện mình đã không đi xa như trong suy nghĩ, cuộc trốn chạy đã đi theo hình dạng một đường xoáy trôn ốc và cuộc trở về tương đối ngắn ngủi. Một tối, ngay buổi tối anh tới thành phố, anh đến thăm nhà thổ nơi lũ trẻ bị thiến. Những căn phòng của nó đã biến thành nhà trọ, nhiều gia đình chèn đống lên nhau ở trong đó. Trong các hành lang mà anh nhớ là cô độc và ảm đạm giờ lúc nhúc những đứa trẻ đang chập chững tập đi và đám người già nua không còn đi được nữa, phải lê lết. Với anh đây giống như một cảnh tượng thiên đường.

Đêm hôm ấy, khi anh quay về khách sạn, không thể ngừng khóc cho những đứa trẻ đã chết của mình, cho những đứa trẻ bị thiến mà anh đã không quen biết, cho tuổi trẻ đã mất của anh, cho mọi người trẻ tuổi không còn trẻ tuổi và cho những người trẻ tuổi chết trẻ, cho những người chiến đấu vì Salvador Allende, và cho những người sợ chiến đấu vì Salvador Allende, anh gọi điện thoại cho người bạn Pháp, giờ đây anh ta sống với một cựu vận động viên cử tạ người Bungari, đề nghị anh ta gửi cho mình một vé máy bay và ít tiền để thanh toán cho khách sạn.

Và người bạn Pháp của anh trả lời rằng được, tất nhiên rồi, anh ta sẽ làm việc đó ngay lập tức, và anh ta cũng hỏi sao có tiếng động gì thế? anh đang khóc đấy à? và Mắt đáp rằng đúng thế, rằng anh không sao ngừng khóc nổi, rằng anh không biết mình đang gặp chuyện gì, rằng anh đã khóc được hàng tiếng đồng hồ rồi. Và người bạn Pháp bèn đề nghị anh bình tĩnh lại. Và Mắt cười song vẫn không ngừng khóc và anh bảo anh sẽ làm thế và anh dập máy. Sau đó anh cứ tiếp tục khóc mãi không ngừng.


(từ tập truyện ngắn Putas asesinas, qua bản dịch tiếng Pháp Des putains meurtrières của Robert Amutio, NXB Christian Bourgois)


Roberto Bolaño (1): Anvers

1 comment: