Feb 7, 2015

Houellebecq và Huysmans

Kể cả khi tác phẩm không còn sắc bén như trước đây, Michel Houellebecq vẫn đủ sức làm một số điều không ai làm được: lần này là xuất hiện đúng lúc, giữa tâm điểm cuộc lộn xộn xung quanh Charlie Hebdo. Cuốn tiểu thuyết mới nhất của Houellebecq, Soumission, cho thấy một nhà văn nhất quyết đứng về phía xì căng đan có thể giỏi chọn thời điểm như thế nào.

Cuốn tiểu thuyết Soumission nổi tiếng khủng khiếp ngay khi chưa mấy ai đọc nó. Nếu đọc rồi thì sẽ thấy bản thân nó không đáng gây ồn ào đến như thế, nó là cuốn sách kém nhất mà Houellebecq từng viết, mặc dù cốt truyện rất hứa hẹn (hoặc giả cốt truyện đầy tiềm năng này đã quá mức tiềm năng, tới mức gây hại cho chính nó): vào năm 2022, nước Pháp có một tổng thống tên là ben Abbes, đứng đầu một tổ chức chính trị tên là "Frères musulmans" (Huynh đệ đạo Hồi), lên nắm quyền do Đảng Xã hội (PS) thất thế quá sợ đảng cực hữu FN (Marine Le Pen) chiến thắng trong chiến dịch bầu cử nên đã liên minh với Frères musulmans. Về cơ bản, chính sách của ben Abbes không đi theo đường lối cực đoan mà vẫn duy trì một cách tương đối chính thể cộng hòa, nhưng hướng tới một Cộng đồng châu Âu bao gồm cả các nước Bắc Phi (Maroc nhanh chóng gia nhập, tiếp sau là Algérie và Tunisie), và điểm đặc biệt nhất trong chính sách ấy là cải tổ tận gốc rễ giáo dục, qua đó mà ảnh hưởng đến phụ nữ và cấu trúc gia đình (đàn ông Pháp nhanh chóng được lấy nhiều vợ, ông Rediger giám đốc trường Sorbonne Paris III có vợ mới 15 tuổi).

Đại khái là như vậy. Thật ra cũng sẽ không công bằng nếu đánh giá quá thấp cuốn tiểu thuyết này, nó chỉ đơn giản là kém nhất trong số các tác phẩm của Michel Houellebecq, nhưng vẫn là một tiểu thuyết không tệ. Điều khiến nó kém là lần đầu tiên Houellebecq viết ra một câu chuyện có những đoạn rất buồn ngủ.

Nhưng kể cả như vậy, Soumission vẫn rất khá ở những đoạn nói đến Huysmans. François, nhân vật chính của Soumission, là một giáo sư văn khoa, bảo vệ luận án tiến sĩ (viết ròng rã trong bảy năm, dày gần một nghìn trang) về Karl-Joris Huysmans ở đại học Sorbonne Paris IV rồi trở thành giảng viên ở một "Sorbonne" khác, trường Paris III (tức là Censier; trong sách được miêu tả là kém uy tín hơn so với Paris IV nhưng được cái mới hơn). Cũng như mọi nhân vật (nam) trung tâm khác của Houellebecq, François có một cuộc sống rất nhạt nhẽo, không gặp bố mẹ từ cả chục năm, tình dục thì thảm hại, mặc dù lần này Houellebecq rõ ràng đã nương nhẹ cho nhân vật của mình hơn nhiều: François khi thuê gái điếm có thể làm tình suốt nửa tiếng, một tiếng không vấn đề gì. Mỗi tội không thấy hứng thú.

Huysmans chính là điều hay nhất, và lẽ ra nếu không có vụ Charlie Hebdo khiến cho cốt truyện chính trường nước Pháp (thật ra nhạt như nước ốc) vụt trở nên đáng chú ý như thế, thì đây mới xứng đáng được coi là giá trị của Soumission.

Trong lịch sử văn chương Pháp, hiếm có nhà văn nào miêu tả cảnh cô đơn của con người, niềm khinh bỉ đối với cuộc sống xã hội, khát vọng co mình lại một chốn không ai lui tới, đổi đêm làm ngày đổi ngày làm đêm hay và phong phú như Huysmans, nhất là trong cuốn sách này:


Nhan đề những tác phẩm hay nhất của Huysmans đều chỉ các trạng thái: ngoài À rebours này còn có En ménage, À vau-l'eau, En rade, En route.

Huysmans khởi đầu sự nghiệp bằng cú suýt sa chân vào chủ nghĩa tự nhiên, từng tham gia những buổi tối lừng danh mang tên Médan khi các môn đệ quây quần quanh Émile Zola. Nhưng Huysmans chẳng hề tự nhiên chủ nghĩa một chút nào, và phái tự nhiên đã phát hiện ra sự trà trộn trớ trêu của Huysmans vào hàng ngũ của mình chính khi Huysmans cho xuất bản À rebours này vào năm 1884.

Trong À rebours xuất hiện một trong những nhân vật đặc biệt nhất của lịch sử văn chương Pháp, một dạng đối ứng của Monsieur Teste của Paul Valéry: des Esseintes. Des Esseintes là một dandy chán đời, sẵn đã lê la qua đủ mọi mặt đời sống trí thức văn chương, chán nản và cũng sẵn lắm tiền, des Esseintes mua lấy một ngôi nhà thật hẻo lánh, tự trang hoàng nhà cửa thật lập dị và sống ở đó. Hiếm khi nào một khát vọng rời bỏ loài người được miêu tả hay như thế, khốc liệt như thế. Giở lại quyển sách cũ này, cách đây hơn chục năm tôi đã gạch chân chi chít những câu văn tuyệt tác, đầy mỉa mai, mà trường phái tự nhiên chủ nghĩa không khi nào sản sinh nổi.

Những đoạn về Huysmans được Houellebecq viết mềm mại đến khó tin: François bắt gặp ở Huysmans một tâm hồn đồng điệu, một liều thuốc gắn bó bao nhiêu năm để chống chọi với cuộc đời. Văn chương là cách tốt nhất để đi vào bên trong một con người cách xa ta, hơn hội họa và âm nhạc nhiều (đây là tôi diễn lại một ý của Houellebecq: thật khó tin Michel Houellebecq có thể viết được điều ấy ra).

Des Esseintes của À rebours lấy nguyên mẫu từ một người rất nổi tiếng một thời: bá tước Robert de Montesquiou. Montesquiou cũng là nguyên mẫu cho một nhân vật văn chương lừng danh nữa, và ở đây thì không có gì để bản thân Montesquiou thấy sung sướng: đó là nam tước de Charlus trong À la recherche du temps perdu của Marcel Proust, nhân vật kỳ quặc nhưng cũng là nhân vật sinh động nhất của toàn bộ À la recherche.

Trong Soumission, ngoài viết rất hay (và thật kỳ quái, rất cảm động) về Huysmans, Michel Houellebecq còn miêu tả mấy thứ rất tinh quái về đời sống của giảng đường trường Sorbonne. Nhất là mấy em sinh viên Trung Quốc vô cùng nghiêm túc, không bao giờ nói chuyện với ai, buổi nào cũng có mặt từ sớm, giáo sư bắt đầu nói là mở máy ghi âm ra ghi lại toàn bộ bài giảng luôn.

Đúng thế, đấy là thói quen của các sinh viên nữ Trung Quốc (và cả Nhật Bản) ở trường Paris IV. Hồi còn đi học, tôi không bao giờ hiểu nổi: nếu tối đến họ nghe lại băng ghi âm thì tuyệt đối sẽ không có thời gian để làm gì khác nữa. Nhưng họ cứ làm thế suốt cả năm học, đều đặn một cách chán ngắt.

6 comments: