Feb 16, 2018

Thơ Baudelaire (tiếp)

Trước tiên, xem ở kia.

Chúng ta, tiếp tục với tập thơ văn xuôi Le Spleen de Paris, bắt đầu đi vào những gì khét tiếng khủng khiếp: số XVIII (cho ai không hiểu được ngay: 18 - cách đánh số này không phải của tôi, như ở địa hạt Balzac) chính là "Thỉnh du" (về riêng hai chữ này, xem ở kia).

Baudelaire có hai "Thỉnh du": bài thơ của tập Les Fleurs du Mal, cùng tên, nếu tôi không nhớ nhầm được xếp ở vị trí LIII (tức là 53) của tập thơ, theo ấn bản 1861 (phải nói rõ, vì đây là ấn bản đã bị rút mất một số bài mà tòa án quyết định là vi phạm phong hóa tốt đẹp của xã hội). "L'Invitation au voyage" (bài thơ) và "L'Invitation au voyage" (bài thơ văn xuôi, mà bản dịch nằm ngay dưới đây) được viết để tương ứng với nhau, bài thơ văn xuôi viết sau, niên đại: 1857. Như vậy, bài thơ là 53 còn bài thơ văn xuôi là 18. Tập Les Fleurs du Mal kết thúc bằng một bài có âm hưởng rất gần với cặp này: bài "Le Voyage", ở vị trí CXXVI (vẫn là của ấn bản 1861).

XIX (tức là 19) sẽ là một khét tiếng khác, "Món đồ chơi của người nghèo" và tiếp theo đó nữa, sẽ là vài nhát vô cùng kinh điển tiếp tục


và, để tiếp nối truyền thống nhân tiện: nhân tiện, đã tiếp tục Heinrich Heine (bắt đầu vào những đoạn tuyệt đối gay cấn)




XVIII

Thỉnh du


Có một vùng đất tuyệt diệu, một vùng Cocagne, người ta bảo, mà tôi mơ được tới thăm cùng một người bạn gái lâu năm. Vùng đất dị kỳ, lẩn chìm trong sương mù Miền Bắc của chúng ta, mà hẳn người ta có thể gọi là Đông Phương của Tây Phương, Trung Hoa của Âu Châu, vì huyễn ảnh nóng và thất thường thỏa sức tung hoành ở nơi đó, vì nó đã kiên nhẫn và nhất quyết bướng bỉnh minh họa cho vùng đất ấy bằng các sinh trưởng cây cối khôn ngoan và tế nhị.

Một vùng Cocagne đích thực, nơi mọi sự đẹp, phong nhiêu, yên ả, trung thực; nơi dồi dào sung sướng soi mình trong trật tự; nơi cuộc sống thì ngậy và êm khi hít vào; nơi sự hỗn loạn, náo động và không lường trước bị loại đi khỏi; nơi hạnh phúc đã cưới sự im lặng; nơi bản thân bếp núc cũng đậm thơ ca, vừa ngậy vừa gây nhiều kích thích; nơi sự sự đều giống em, thiên thần yêu quý của tôi.

Em có biết chứng bệnh bừng sốt đổ ập lên chúng ta trong những khốn cùng lạnh, nỗi hoài nhớ vùng đất mà ta chẳng gợn biết, cơn hoang mang của lòng hiếu kỳ? Có một hậu thổ giống với em, nơi sự sự đẹp, phong nhiêu, yên ả và trung thực, nơi huyễn tưởng đã dựng và trang hoàng một Trung Hoa Tây phương, nơi cuộc sống thật êm khi hít vào, nơi hạnh phúc đã cưới sự im lặng. Chính đó là chỗ cần phải đến sống, chính đó là chỗ cần phải đến để chết!

Phải, chính đó là nơi cần phải tới để thở, mơ và kéo cho thật dài những giờ bằng vô tận của các cảm giác. Một nhạc sĩ từng viết Thỉnh valse; ai sẽ là người sáng tạo Thỉnh du, mà ta có thể đem tặng cho người phụ nữ ta yêu, cho người em gái đặc tuyển?

Phải, chính bầu không khí ấy mới là tốt để sống - ở đó, nơi các giờ chậm hơn chứa đựng nhiều ý nghĩ hơn, nơi những đồng hồ điểm nhịp hạnh phúc với một sự trang trọng thẳm sâu hơn và nhiều ý nghĩa hơn.

Trên các tấm biển chói sáng, hoặc trên các tấm da mạ vàng xa hoa sẫm tối, kín đáo sống những bức tranh khoan khoái, bình thản và sâu sắc, giống các tâm hồn nghệ sĩ đã tạo ra chúng. Những mặt trời lặn, tô màu phong phú hết mức phòng ăn hay phòng khách, dịu bớt đi bởi các vải đẹp hay cửa sổ cao chạm trổ tinh xảo được chất chì chia thành nhiều khoảng. Các thứ đồ đạc lớn, kỳ khôi, lạ lùng, gắn ổ khóa và lẫy bí mật giống như những tâm hồn thanh nhã. Các tấm gương, những kim loại, những vải, đồ kim hoàn và đồ sứ nơi ấy chơi ở trước ánh mắt nhìn một bản giao hưởng câm lặng và bí hiểm; và từ mọi thứ, từ mọi góc, từ các kẽ nứt ngăn kéo và những nếp gấp của vải thoát ra một mùi hương lạ thường, một lại nữa đi từ Sumatra, nó giống như linh hồn của căn hộ.

Một vùng Cocagne đích thực, tôi xin nói với em, nơi mọi thứ phong nhiêu, sạch và sáng, như một ý thức đẹp, như một bộ đồ bếp tuyệt vời, như một món kim hoàn rạng ngời, như một đồ trang sức sặc màu! Các báu vật trên thế giới đổ dồn về đó, như về ngôi nhà của một người cần cù đã thật xứng với toàn thế giới. Vùng đất lạ thường, cao hơn các vùng đất khác, như Nghệ Thuật so với Tự Nhiên, nơi Tự Nhiên được giấc mơ cải biến, nơi nó được sửa chữa, làm đẹp thêm, đúc lại.

Họ cứ việc tìm, họ cứ tìm nữa đi, họ hãy không ngừng đẩy lùi những ranh giới niềm hạnh phúc của họ, các nhà giả kim của ngạch làm vườn kia! họ cứ việc đề xuất giải thưởng sáu mươi và một trăm nghìn florin cho ai giải được những bài toán đầy tham vọng của họ! Còn tôi, tôi đã tìm được bông tuy líp đenbông thược dược xanh của tôi rồi!

Hỡi bông hoa bất khả so sánh, hoa tuy líp tìm thấy lại, hoa thược dược phúng dụ, chính nơi ấy, có phải không, cái vùng rất mực đẹp, bình yên và mơ mộng, phải tới đó mà sống và nở hoa thôi? Chẳng phải em hẳn sẽ được lộng khung trong sự tương tự em, và chẳng phải em sẽ có thể soi mình, để nói giống các nhà thần bí, trong tương ứng của chính em?

Những mơ! lại là những mơ! và tâm hồn càng nhiều tham vọng, càng tế nhị, các giấc mơ lại càng đưa nó đi xa khỏi cái khả dĩ. Con người nào cũng mang trong anh ta liều nha phiến tự nhiên, cứ không ngừng chiết xuất rồi lại được thêm và, từ lúc sinh ra cho tới khi chết đi, chúng ta đếm được bao nhiêu giờ ngập hân hoan tuyệt bích, đầy hành động thành công và cả quyết? Có bao giờ chúng ta sống, có bao giờ chúng ta chuyển vào trong bức tranh kia, mà tinh thần tôi đã vẽ, cái bức tranh sao mà giống em?

Các báu vật đó, những đồ đạc, dồi dào, trật tự, các mùi, những bông hoa nhiệm mầu ấy, là em. Vẫn là em, các dòng sông lớn và con kênh êm trôi kia. Những con thuyền hùng tráng mà chúng chuyên chở, nặng đẫy của cải, và từ đó cất lên những khúc hát đơn điệu của ma nớp, là các ý nghĩ của tôi đang ngủ hoặc lăn tròn trên vú em. Em dịu dàng vừa dẫn chúng về phía biển, nó chính là Vô Tận, vừa phản chiếu những độ sâu bầu trời nơi sự trong suốt tâm hồn đẹp của em; - và lúc, đã mệt bã bởi sóng lừng và tọng đầy sản vật Đông Phương, chúng quay trở về bến cảng quê nhà, thì đó vẫn là những suy nghĩ của tôi, đã được giàu có thêm, chúng từ Vô Tận quay về em.



[phụ lục: bài thơ “L’Invitation au voyage” của Les Fleurs du Mal:

Mon enfant, ma soeur,
Songe à la douceur
D’aller là-bas vivre ensemble!
Aimer à loisir,
Aimer et mourir
Au pays qui te ressemble!
Les soleils mouillés
De ces ciels brouillés
Pour mon esprit ont les charmes
Si mystérieux
De tes traîtres yeux,
Brillant à travers leurs larmes.

Là, tout n’est qu’ordre et beauté,
Luxe, calme et volupté.

Des meubles luisants,
Polis par les ans,
Décoreraient notre chambre;
Les plus rares fleurs
Mêlant leurs odeurs
Aux vagues senteurs de l’ambre,
Les riches plafonds,
Les miroirs profonds,
La splendeur orientale,
Tout y parlerait
À l’âme en secret
Sa douce langue natale.

Là, tout n’est qu’ordre et beauté,
Luxe, calme et volupté.

Vois sur ces canaux
Dormir ces vaisseaux
Dont l’humeur est vagabonde;
C’est pour assouvir
Ton moindre désir
Qu’ils viennent du bout du monde.
- Les soleils couchants
Revêtent les champs,
Les canaux, la ville entière,
D’hyacinthe et d’or;
Le monde s’endort
Dans une chaude lumière.

Là, tout n’est qu’ordre et beauté,
Luxe, calme et volupté.]






XIX

Món đồ chơi của người nghèo


Tôi muốn trình bày ý tưởng về một trò giải trí ngây thơ. Có quá ít trò vui không gây tội!

Buổi sáng ra khỏi nhà với ý định nhất quyết sẽ tha thẩn trên những đường cái quan, hãy nhét đầy túi những món đồ lặt vặt trị giá nửa xu - chẳng hạn con rối polichinelle dẹt chỉ buộc độc một sợi dây, những thợ rèn quai búa lên đe, kỵ sĩ cùng con ngựa mà đuôi là một cái còi - và dọc các tửu quán, dưới những gốc cây, hãy tặng chúng cho lũ trẻ con xa lạ và nghèo mà ta bắt gặp. Ta sẽ thấy mắt chúng mở lớn vô hạn độ. Trước tiên chúng sẽ không dám cầm; chúng ngờ vực hạnh phúc của chúng. Rồi tay chúng sẽ vội vã túm chặt lấy món quà, và chúng chạy trốn giống lũ mèo tha ra xa rồi mới ăn cái miếng mà ta vứt cho, vì đã học được là cần phải nghi ngại con người.

Trên một con đường, đằng sau rào lưới một khu vườn lớn, mà ở cuối hiện ra màu trắng của một tòa lâu đài xinh đẹp dội ngập ánh nắng, một đứa trẻ đẹp và tươi tắn đứng đó, mặc trên người những thứ áo quần nông thôn thật là đỏm dáng ấy.

Vẻ xa hoa, sự vô tư lự và cảnh tượng quen thuộc của sự giàu, khiến những đứa trẻ ấy thật xinh xẻo, đến mức ta tưởng đâu chúng được làm ra từ một chất liệu khác so với lũ trẻ của bần hàn hoặc của nghèo đói.

Cạnh nó, trên cỏ, là một món đồ chơi tuyệt đẹp, cũng tươi tắn như chủ, bóng loáng, mạ vàng, mang một cái váy màu tía, và phủ đầy những túp lông cùng mảnh thủy tinh. Nhưng đứa bé không để tâm đến món đồ chơi ưa thích của nó và sau đây là thứ mà nó nhìn:

Ở bên kia hàng rào, trên đường, giữa đám cây hoa gai và tầm ma, có một đứa trẻ khác, bẩn thỉu, gầy còm, đen trũi, một thằng nhóc cùng đinh mà một con mắt bất thiên ái hẳn sẽ khám phá vẻ đẹp, nếu, như con mắt một người sành sỏi đoán định một bức tranh lý tưởng bên dưới lớp véc ni phủ thân xe ngựa, nó lau rửa đứa bé thật sạch khỏi lớp gỉ hoen đáng tởm của khốn cùng.

Xuyên qua hàng chấn song biểu tượng chia cách hai thế giới ấy, đường cái và tòa lâu đài, đứa bé nghèo chìa cho đứa bé giàu xem món đồ chơi của nó, mà đứa kia hau háu săm soi như một thứ đồ vật hiếm có và xa lạ. Thế nhưng, món đồ này, mà thằng bẩn lem thèm, vung vẩy và đung đưa trong một cái hộp gắn lưới thép, là một con chuột còn sống nguyên! Bố mẹ nó, chắc hẳn vì tiết kiệm, đã rút đồ chơi đi khỏi bản thân cuộc sống.

Và hai đứa trẻ cười với nhau đầy tình thân ái, với những hàm răng trắng như nhau.






XX

Quà của Tiên


Đó là cuộc tụ họp lớn của Tiên, nhằm phân chia các món quà cho tất tật trẻ sơ sinh, vừa ra đời trong vòng hai mươi tư tiếng đồng hồ.

Tất cả những Chị Em của Số Phận cổ xưa và thất thường kia, tất cả những Mẹ kỳ quặc của niềm vui và khổ đau kia, vô cùng đa dạng: một số có vẻ u buồn và cáu kỉnh, số khác, vẻ tinh ngịch và ranh mãnh; một số, trẻ trung, lúc nào cũng trẻ; số khác, già nua, từng lúc nào cũng già.

Tất tật các ông bố tin vào Tiên đã tới, ai cũng bế trên tay đứa con mới sinh của mình.

Những món Quà, những Năng Lực, những Ngẫu Nhiên tốt, những Hoàn Cảnh bất khả chiến bại, thảy được dồn đống lại bên cạnh bàn phán xét, giống như các giải thưởng trên bục, trong một cuộc trao giải. Điều đặc biệt ở đây là các Quà không phải để tưởng thưởng cho một nỗ lực, mà hoàn toàn ngược lại, một ân sủng trao cho người hẵng còn chưa sống, một ân sủng có thể xác định phần số người đó và trở nên vừa nguồn cơn cho nỗi bất hạnh vừa cho cả niềm hạnh phúc của người ấy.

Các Tiên tội nghiệp xăng xái hết mức; bởi đám đông những người tới xin thì khổng lồ, và thế giới trung gian, được đặt giữa người và Chúa, giống chúng ta phải tuân thủ luật khủng khiếp của Thời Gian và hậu thế bất tận của nó, những Ngày, Giờ, Phút, Giây.

Đúng thật, họ cũng rối rít như các ông bộ trưởng một ngày tiếp kiến, hoặc giả đám nhân viên Hiệu Cầm Đồ những lúc một ngày lễ toàn quốc cho phép chuộc đồ miễn phí. Thậm chí tôi còn nghĩ thỉnh thoảng họ nhìn kim đồng hồ treo tường với cùng mức độ sốt ruột như các thẩm phán con người, cái đám, yên vị suốt từ sáng, không thể tự ngăn mình nghĩ đến bữa tối, đến gia đình và đôi giày păng túp yêu quý. Nếu, nơi công lý vượt trên con người, có chút ít nóng vội và sự ngẫu nhĩ, thì chúng ta cũng chẳng nên ngạc nhiên khi đôi lúc tại công lý con người cũng xảy ra tương tự. Hẳn chính chúng ta, trong trường hợp ấy, mới là những thẩm phán thiếu công bằng.

Vậy nên ngày hôm đó đã xảy ra vài nhầm lẫn, mà ta có thể coi là kỳ quặc, nếu sự thận trọng, thay vì thói thất thường, là tính cách nổi bật, vĩnh cửu của các Tiên.

Bằng cách ấy quyền năng thu hút tài sản theo đường lối từ tính được giao phó cho truyền nhân duy nhất của một gia đình rất giàu có, họ, bởi chẳng hề được phú cho chút cảm giác về từ bi, lại cũng không có nốt lòng tham hướng tới các tài sản hiển hiện của cuộc đời, về sau phải bối rối tột cùng trước hàng triệu của mình.

Bằng cách ấy tình yêu Cái Đẹp và Quyền Năng thơ ca được trao cho con trai một kẻ thô lậu u tối, hành nghề đánh xe, kẻ không thể, dẫu cách nào đi nữa, trợ giúp các năng lực, cũng như thỏa mãn các nhu cầu của đứa con thảm hại.

Tôi đã quên nói rằng việc phân chia, vào những dịp trang trọng ấy, là chẳng thể đổi lại, và không món quà nào được phép bị từ chối.

Tất tật các Tiên đứng dậy, cứ tưởng đâu vụ cỏ vê đã xong xuôi; bởi không còn lại món quà nào, chẳng sự rộng rãi nào để ném cho lũ con người nhỏ mọn kia, thì một người trung hậu, một lái buôn nhỏ khốn khổ, tôi nghĩ thế, đứng dậy, và tóm lấy vạt váy mỏng tang sặc sỡ nhiều màu của Tiên ở gần ông ta nhất, kêu lên:

“Này! bà ơi! bà quên chúng tôi! Còn thằng nhỏ của tôi nữa! Tôi không muốn đến đây mà chẳng được nhận gì.”

Tiên thì cũng có thể lúng túng; vì chẳng còn lại gì hết. Tuy nhiên bà kịp thời nhớ ra một điều luật nhiều người biết, dẫu hiếm khi được áp dụng, nơi thế giới trên con người, chốn trú ngụ của những thần tiên mịn màng đó, bạn của con người, và thường buộc lòng phải thuận theo các dục vọng của anh ta, chẳng hạn như Tiên, Lùn, Sa Giông, Thiên Tinh Nữ, Thiên Tinh, Giang Thần, Thủy Thần và Nữ Thủy Thần - tôi muốn nói đến luật cho phép Tiên, nếu rơi vào trường hợp tương tự, tức là nếu hết mất các phận, có thể tặng thêm một cái, phụ và ngoại lệ, tuy nhiên phải miễn sao tiên ấy có đủ trí tưởng tượng để ngay tức thì tạo ra nó.

Thế là Tiên tốt bụng bèn đáp, với một sự ngay ngắn xứng danh thứ hạng của mình: “Ta cho con trai của anh… ta trao cho nó… món Quà làm người khác thích!”

“Nhưng làm người khác thích như thế nào? thích…? sao lại thích?” hết sức bướng bỉnh ông chủ hiệu bé nhỏ gặng hỏi, chắc hẳn ông ta thuộc hàng ngũ những người thích lý sự ta vẫn hay gặp, không đủ khả năng vươn lên để chạm tới logic của Phi Lý.

“Thì bởi! thì bởi!” Tiên giận lắm, đáp, quay lưng về phía ông ta; và nhập vào với đoàn đồng sự, tiên ấy nói: “Các chị thấy cái tay người Pháp bé tí tẹo đầy phù phiếm kia chưa, hắn lại còn muốn hiểu mọi thứ, kẻ đó đã giành được cho con trai hắn số phần hảo hạng nhất rồi, thế mà lại còn dám tra hỏi và bàn luận về điều không thể luận bàn?”






XXI

Các cám dỗ
hay Éros, Plutus và Vinh Quang


Hai Satan oai vệ cùng một Nữ Quỷ, không kém phần ngoạn mục, đêm rồi đã leo cầu thang bí hiểm qua đó Địa Ngục a la xô vào sự yếu ớt con người nằm ngủ để bí mật thông giao với anh ta. Và chúng đã tới, đầy vẻ ngạo nghễ trước mặt tôi, đứng đó như trên một cái bục. Một vẻ rạng ngời lưu huỳnh toát ra từ ba nhân vật kia, bằng cách ấy mà nổi bật hẳn lên khỏi màn phông nhờ tối của đêm. Trông chúng có vẻ kiêu hãnh và quen thống trị đến mức thoạt tiên tôi đã tưởng cả ba là những vị Chúa đích thực.


(chưa hết)






XXII

Hoàng hôn cuối chiều


Chiều xuống. Một nỗi êm dịu lớn nảy nở nơi các tinh thần khốn khổ mệt nhoài vì cuộc bận bịu ban ngày; và giờ đây những nghĩ suy của họ bắt các màu mềm và không rõ rệt của hoàng hôn.

Tuy nhiên từ trên núi vẳng xuống ban công của tôi, xuyên những gợn mây trong suốt của chiều tà, một tiếng hú to, tạo nên từ đoàn lũ những tiếng hét lệch lạc với nhau, mà không gian chuyển hóa thành một hòa âm tang tóc, giống của thủy triều đang lên hoặc một trận bão sắp nổi.

Là ai nhỉ, những kẻ thiếu may mắn mà buổi chiều không trấn an đi được, những người ấy coi, cũng như chim cú, đêm đến là dấu hiệu của shabbat? Tiếng gầm gào hắc ám kia vẳng đến ta từ dưỡng đường đen sẫm nằm chênh vênh trên núi; và, chiều tà, vừa hút vừa ngắm nhìn sự ngơi nghỉ của thung lũng rộng lớn, tua tủa những ngôi nhà mà mỗi cửa sổ cất tiếng: “Giờ, nơi này là yên bình; nơi này là niềm vui của gia đình!” tôi có thể, trong lúc gió thổi từ trên cao kia, ru êm suy nghĩ đầy kinh ngạc của tôi trong sự bắt chước các hòa âm địa ngục ấy.

Hoàng hôn kích thích lũ người điên. - Tôi nhớ tôi từng có hai người bạn bị hoàng hôn khiến trở nên bệnh tật hết mức. Khi đó một người hầu chẳng còn biết gì về mọi mối liên hệ tình bạn và phép lịch sự nữa, và xử tệ, như một kẻ man rợ, với bất kỳ ai. Tôi từng chứng kiến anh ném thẳng vào mặt một quản lý quán ăn món gà tuyệt hảo, trong đó anh nghĩ mình nhìn thấy một chữ tượng hình sỉ nhục nào đó tôi cũng chẳng rõ nữa. Màn chiều, tiền triệu cho những khoái lạc sâu, tàn phá đi ở anh những gì ngon mọng nhất.

Còn người kia, một kẻ nhiều tham vọng bị tổn thương, trở nên, theo đà rơi của bóng tối, chua chát hơn, u ám hơn, ưa chọc giận hơn. Vẫn độ lượng và thân ái trong buổi ban ngày, tối đến anh thoắt trở thành kẻ chẳng hề biết xót thương; và không phải chỉ với người khác, cả với bản thân anh nữa, cơn cuồng hoàng hôn điên loạn hoành hành.

Người thứ nhất phát điên rồi chết, không còn nhận ra vợ con mình; người thứ hai mang bên trong nỗi lo lắng của một cơn khó ở kéo lê thê, và dẫu có được trao mọi vinh dự mà các nền cộng hòa và những ông hoàng có thể tặng cho, tôi nghĩ hoàng hôn vẫn châm lên bên trong anh nỗi ham muốn cháy bỏng hướng tới các tưởng thưởng tưởng tượng. Đêm, đưa bóng tối vào tinh thần họ, lại thắp sáng tinh thần tôi; và, dẫu chẳng hiếm khi thấy cùng một nguyên nhân tạo ra hai kết quả trái ngược, lúc nào tôi cũng thấy như vậy thì thật khó nghĩ, thật đáng lo.

Ôi đêm! ôi bóng tối mát tươi! với ta, mi là dấu hiệu cho một bữa tiệc nội tâm, mi là giải thoát cho một nỗi sợ! Trong cô độc các bình nguyên, trong những mê cung bằng đá của một thủ đô, nhấp nháy của các ngôi sao, bùng nổ của những ngọn đèn, mi là pháo hoa của nữ thần Tự Do!

Hoàng hôn, sao mà mi êm và mềm! Những luồng sáng hồng hẵng còn vương vất phía chân trời như cơn hấp hối của ngày dưới kỳ áp bức thắng lợi đêm của nó, những ánh đèn dựng cột tạo nên các vệt đỏ mờ trên những vinh quang cuối cùng của sự lặn xuống, các màn trướng nặng trĩu mà một bàn tay vô hình kéo lên từ những đáy sâu của Đông Phương, bắt chước mọi tình cảm phức tạp tranh đấu trong trái tim con người vào các giờ khắc trang trọng của cuộc đời.

Hẳn cũng có thể nói đó là một trong những cái váy lạ thường nữ vũ công, nơi một lớp sa trong suốt và tối khiến thoáng thấy những rực rỡ đã giảm độ của một cái jupe chói lọi, giống như bên dưới màu đen lúc này ngoi lên quá khứ diệu huyền: và các ngôi sao chập chờn chất vàng và chất bạc, điểm xuyết trên nó, trình hiện những đốm lửa huyền hoặc kia, chỉ bừng lên dưới kỳ tang chế thẳm sâu của Đêm.






XXIII

Cô đơn


Một nhà báo giàu tình thương người nói với tôi rằng nỗi cô đơn thì xấu cho con người; và để chống đỡ cho luận đề của mình, ông trích, cũng như mọi kẻ không lòng tin, lời các Cha Nhà Thờ.

Tôi biết rằng Quỷ thì sẵn lòng héo lánh các chốn cằn cỗi, và tinh thần giết chóc và dâm loạn bừng cháy tuyệt cùng trong những cuộc cô đơn. Nhưng hẳn rất có lẽ cô đơn ấy chỉ nguy hiểm đối với tâm hồn biếng lười và nhếch nhác chất đầy lên đó các dục vọng và huyễn ảnh của nó.

Chắc chắn rằng một kẻ ba sàm, mà khoái thú tối cao là được phát biểu từ một cái ghế hay một cái bục, thì rất có nguy cơ trở nên điên giận trên hòn đảo của Robinson. Tôi không đòi ông nhà báo của tôi phải có những phẩm hạnh can đảm của Crusoé, nhưng tôi muốn rằng ông không được buông lời buộc tội những người đem lòng yêu cô đơn và bí ẩn.

Trong các dòng giống nói không ngớt những cá nhân của chúng ta, những kẻ hẳn sẽ chấp nhận với ít ghê sợ hơn khổ hình tối cao, nếu bọn họ được phép từ trên đoạn đầu đài rao giảng thật lâu, mà chẳng phải sợ những cái trống của Santerre [tướng quân Santerre cho người gõ trống thật to để át giọng Louis XVI trên đoạn đầu đài] bất đồ cắt đứt lời lẽ.

Tôi chẳng thấy thương họ, vì tôi đoán được rằng các cơn vọt trào hùng biện tạo cho bọn họ những khoái lạc tương đương với những gì người khác lấy được từ sự im lặng và hồi tâm; nhưng tôi khinh bỉ bọn họ.

Nhất là tôi muốn nhà báo đáng nguyền rủa của tôi để mặc tôi vui thú theo cách riêng. “Tức là không bao giờ anh cảm thấy - ông nói với tôi, với cái giọng đẩy lên mũi đầy vẻ tòa thánh của ông - nhu cầu chia sẻ các lạc thú của anh?” Có thấy không, cái kẻ ghen tị đầy tế nhị ấy! Ông biết tôi chẳng thèm những khoái thú của ông, và ông vừa len lỏi vào những khoái thú của tôi, cái kẻ phá rối cuộc vui xấu xa đó!

“Nỗi bất hạnh lớn lao ấy, không được một mình!…” La Bruyère nói ở đâu đó, như để gây ngượng ngùng cho tất cả những kẻ chạy bổ đi vùi quên lãng chính mình vào đám đông, chắc hẳn vì sợ không thể nào tự chịu đựng bản thân.

“Gần như mọi nỗi bất hạnh của chúng ta phát xuất từ chuyện đã không biết ở lại trong phòng riêng”, một nhà thông thái khác, Pascal, tôi nghĩ vậy, nói, bằng cách ấy mà gọi về trong biệt phòng của hồi tâm tất tật những kẻ cuống cuồng kia, những kẻ đi tìm hạnh phúc trong chuyển động và trong một sự làm điếm mà hẳn tôi có thể gọi là đẫm tình bác ái, nếu như mà tôi lại muốn nói bằng thứ ngôn ngữ đẹp của thế kỷ tôi.






XXIV

Các dự đồ


Anh tự nhủ, trong lúc đi dạo nơi một khu vườn lớn đơn côi: “





(còn nữa)




Le Spleen de Paris (phần 1)

10 comments:

  1. ", như một ý thức đẹp, như một bộ đồ bếp tuyệt vời," và như là Thiên đường, bởi vì Thiên đường đây!

    ReplyDelete
  2. khục khục, thiên đường (của Baudelaire) không cách xa địa ngục (cũng của Baudelaire) lắm đâu

    tiếp tục

    ReplyDelete
  3. ", thế mà lại còn dám tra hỏi và bàn luận về điều không thể luận bàn?” - quần Tiên như vậy là không trao món quà Khả năng Tra hỏi Và Luận bàn và nếu không có Con Rắn xuất hiện ở chỗ Vườn kia thì "loài người" hay ít ra là tuyệt đại đa số vẫn sướng như tiên. theo cái lí này thì Tiên cảnh quả đúng một địa ngục lộn lên hehe

    ReplyDelete
  4. tiếp tục ("nhưng tôi khinh bỉ bọn họ")

    con người được phú cho một món quà: dục vọng, có nó rồi thì biết sung sướng, nhất là biết tiếc nuối sự sung sướng :p

    ReplyDelete
  5. Người thường đại đại đa số có tâm hồn “biếng lười” “nhếch nhác” và chứa đầy “dục vọng” nên dễ hiểu vì sao họ sợ “cô đơn”, vì sao họ cứ đổ vào “đám đông”. Người như NL thuộc vào red list <3

    ReplyDelete
  6. sau hơn 1 năm, tiếp tục

    ReplyDelete
  7. trời ơi sao đoán đúng thế, làm thế nào làm thế nào đấy?

    ReplyDelete
  8. nằm quay lưng lại với thế giới sặc sỡ và đưa mắt nhìn thật sâu vào tường (chứ còn làm gì nữa)

    ReplyDelete
  9. *gõ gõ vào vai* có ăn bánh mì ba tê kẹp thịt không để mua cho mà ăn

    ReplyDelete
  10. Các báu vật đó, những đồ đạc, dồi dào, trật tự, các mùi, những bông hoa nhiệm mầu ấy, là em. Vẫn là em, các dòng sông lớn và con kênh êm trôi kia. Những con thuyền hùng tráng mà chúng chuyên chở, nặng đẫy của cải, và từ đó cất lên những khúc hát đơn điệu của ma nớp, là các ý nghĩ của tôi đang ngủ hoặc lăn tròn trên vú em. Em dịu dàng vừa dẫn chúng về phía biển, nó chính là Vô Tận, vừa phản chiếu những độ sâu bầu trời nơi sự trong suốt tâm hồn đẹp của em; - và lúc, đã mệt bã bởi sóng lừng và tọng đầy sản vật Đông Phương, chúng quay trở về bến cảng quê nhà, thì đó vẫn là những suy nghĩ của tôi, đã được giàu có thêm, chúng từ Vô Tận quay về em.

    ReplyDelete