Feb 3, 2010

Phiên âm (II)

Phiên âm, tức là mọi chuyện chỉ liên quan đến âm.

Theo tôi, vấn đề này trong tiếng Việt tuy vô cùng phức tạp nhưng tựu trung từ trước đến nay chỉ có hai cách phiên âm: phiên âm trực tiếp và phiên âm gián tiếp.

Phiên âm trực tiếp tôi đã trình bày một cách tổng quát. Để miêu tả một cách đơn giản, đây là cách dùng các âm sẵn có hoặc âm tạo thêm để phiên từ nước ngoài, và đi trực tiếp từ âm nguyên gốc. Đặc điểm nổi bật của cách này là giảm bớt tính chất lạ về tự vị và âm của từ vay mượn. "Xà phòng" trông tự vị không giống "savon" mấy nhưng vẫn là trực tiếp, các âm “xà” và “phòng” đều tồn tại sẵn trong tiếng Việt.

Gián tiếp thì phải thông qua một ngôn ngữ khác. Hiện tượng này ở các ngôn ngữ khác cũng xảy ra, như ai quan tâm tới Marco Polo hẳn đã biết nguồn gốc và con đường phát triển của từ "Cathay". Trong tiếng Việt hiện tượng này vô cùng phong phú, và gần như hoàn toàn thông qua trung gian là tiếng Hán.

Phiên âm trực tiếp và phiên âm gián tiếp trước đây tồn tại song song, thậm chí ở ngay một người. Phạm Quỳnh kể chuyện các quan Nam triều khi nghe tin có ông toàn quyền mới sắp sang thì hỏi tên ông ấy, khi biết ông tên là Doumer thì sợ quá, cho là không thể chấp nhận được, nên nghĩ ngay ra tên Đô-Mỹ để đặt cho ông. Phạm Quỳnh cũng gọi Paris là "Pha lê thành" (ref.:, Tiểu luận tiếng Pháp 1922-1932). Nhưng xu hướng chính của Phạm Quỳnh theo tôi là viết đúng tên như tự vị tiếng Pháp, và cũng thường xuyên dùng phiên âm trực tiếp.

Phiên âm trực tiếp có thể làm nảy sinh nhiều vấn đề, như một vấn đề từng được Đào Duy Anh ghi lại: "Chúng ta cứ xem trong thời Pháp thuộc gần đây, chữ Pháp được dạy ở các trường tiểu học đã do thầy giáo Việt-nam đổi cách phát âm không ít so với cách phát âm của chính người Pháp. Ví dụ chữ cahier người Pháp nói ca-i-ê thì thầy trò người Việt đều nói là cai-dê, chữ travailler, người Pháp nói tra-va-i-ê thì thầy trò người Việt đều nói tra-vay-dê." (Chữ Nôm nguồn gốc cấu tạo diễn biến).

Ở đây Đào Duy Anh đang nói tới hiện tượng tiếng bồi, một biến thể rất thú vị của phiên âm.

Quay trở lại với phiên âm gián tiếp. Cái này thật ra chúng ta đã rất quen, với nước Đức, nước Pháp, nước Anh, nước Tây Ban Nha, Lư Thoa, Mạnh Đức Tư Cưu... nhưng chắc ít ai còn nhớ những khi cách này được sử dụng một cách triệt để đến mức... như dưới đây.

Đây là trích một vài đoạn trong Thầy trò trong khám, Phan Khôi dịch tiểu thuyết Le Comte Monte Cristo (Bá tước Monte Cristo) của Dumas, đăng phơi-ơ-tông trên Đông Pháp thời báo suốt 31 kỳ, 1928 (chưa dịch hết cả tác phẩm). Nhiều phần Phan Khôi dịch quyển này từ một bản rút gọn, tóm lược của Trung Quốc. Lấy từ Phan Khôi tác phẩm đăng báo 1928, Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn, Đông Tây & NXB Đà Nẵng, 2003.

Mở đầu tiểu thuyết trong nguyên bản:

“Le 24 février 1815, la vigie de Notre-Dame de la Garde signala le trois-mâts le Pharaon, venant de Smyrne, Trieste et Naples.”

Phan Khôi dịch:

"Vào khoảng năm 1815, tại cửa biển Mạc-xây nước Pháp có chiếc tàu buồm tên là Phan-long, vững chãi, đẹp đẽ và chạy mau có tiếng trong thời đó."

Các tên riêng được phiên như sau:

Thuyền trưởng Leclère: Lý-khắc-lai
Danglars: Đặng-cách-luân (người mại bản, một trong những kẻ âm mưu hại Edmond Dantès)
Morrel chủ tàu: Mã-lạc-nhi
Edmond Dantès: Đàm-đức-tư

Một đoạn rất hay:

"Lúc Lý-khắc-lai chết giữa đường, chính là lúc hoàng đế của nước Pháp là Nã-phá-luân âm mưu trở về nước mình. Số là, vua Nã-phá-luân hay đánh đông dẹp bắc, làm cho dân nước Pháp đồ khổ, về sau thất bại, bị đày qua cù lao Ên-ba, và bị cầm cố tại đó không được về. Song sự ấy chẳng qua là những người thuộc đảng nhà vua về dòng vua Bua-bông chủ trương mà thôi, còn những người về phe vua Nã-phá-luân, gọi là Nã đảng, thì lại phản đối với đảng kia mà hằng tìm cách cho Nã-phá-luân trở về. Lúc đó, bên Nã đảng đương bí mật vận động cho Nã-phá-luân đi lén về nước, chỉ còn đợi bàn định điều ước với Huê-linh-tôn, ấy là xong việc, Huê-linh-tôn tức là ông tướng đại tài ở nước Anh về sau đánh phá quân Nã-phá-luân tại Hoát-tét-lô."

Và cuối cùng là đoạn Dantès gặp người yêu Mercédès (được phiên thành Mai-tây-đương):

"Edmond et Mercédès étaient dans les bras l'un de l'autre. Le soleil ardent de Marseille, qui pénétrait à travers l'ouverture de la porte,les inondait d'un flot de lumière. D'abord ils ne virent rien de ce qui les entourait. Un immense bonheur les isolait du monde, et ils ne parlaient que par ces mots entrecoupés qui sont les élans d'une joie si vive qu'ils semblent l'expression de la douleur.Tout à coup Edmond aperçut la figure sombre de Fernand, qui se dessinait dans l'ombre, pâle et menaçante; par un mouvement dont il ne se rendit pas compte lui-même, le jeune Catalan tenait la main sur le couteau passé à sa ceinture.«Ah! pardon, dit Dantès en fronçant le sourcil à son tour, je n'avais pas remarqué que nous étions trois.»"

"Đàm thấy Mai nương người đằm thắm ưa nhìn, đầu tóc như mây nước da tợ ngọc, mặc áo ngắn tay từ cùi tay đến cổ tay lòi ra trắng nõn trắng nà, ngón tay mụt măng cầm nhành bông, chân bước đi cách yểu điệu thì anh ta mê mẩn tâm thần. Hai người cầm tay nhau kể lể khúc nôi, rồi lại choàng tay nhau mà cười cợt. Khi ấy Đàm chỉ để tâm giắt mắt vào một mình Mai nương mà thôi, ngoài ra không biết có gì cả, thình lình xây lại thấy một người ra dáng sững sờ ngồi trên ghế dựa, một tay thò vào túi áo núm con dao nhỏ. Đàm vội vàng vừa chào vừa nói rằng: Xin tha lỗi cho tôi, tôi vào nhà mà mắt măng mắt vược không thấy người quý khách."

+ Tin buồn là vẫn còn có một phần III về phiên âm nữa :)

13 comments:

  1. Hông hiểu, "Doumer" phiên âm giống hai chữ gì trong tiếng Việt quá hay sao các quan sợ? ;)

    ReplyDelete
  2. Tên các ông toàn quyền có thể chia làm mấy loại: loại rất chi là dở hơi, nhóm nguy cơ cao, là Doumer và Decoux, nhóm bình bình chẳng ai quan tâm là gì, như ông Pasquier, và đặc biệt có loại rõ là hên, như ông Long, trong tiếng Tây nghe rất buồn cười (Dài) nhưng các quan Nam triều thì gọi là ông Rồng hehe.

    ReplyDelete
  3. Mình đang nghĩ xem phần III sẽ viết về phiên âm loại gì :)

    ReplyDelete
  4. Đăng phơi-ơ-tông là sao bác?

    ReplyDelete
  5. Feuilleton, đăng dài kỳ trên các số báo/tạp chí. Hình thức này rất phổ biến trước 1945 và SG trước 1975, như bản dịch "Tuyết Hồng lệ sử" đăng dài dặc trên "Nam Phong" hoặc "Thương nhớ mười hai" cũng phơi-ơ-tông trên nhiều số tạp chí Văn. Hầu hết sau này in thành sách, nhưng cũng nhiều khi không in thành sách, nhất là các trường hợp còn dở dang chưa xong. Có thời nhiều người hoàn toàn sống bằng viết phơi-ơ-tông, như trường hợp Thụy Vũ.

    ReplyDelete
  6. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete
  7. blog NL nổi tiếng ghê

    ReplyDelete
  8. =)) cái đoạn "Mai nương người đằm thắm ưa nhìn..." cho mình có cảm giác đang đọc tiểu thuyết Tàu. =))

    ReplyDelete
  9. Dịch từ sách Tàu ra thì việc có mấy cái phiên âm đặc sệt Tung Của không có gì lạ vì sách "ở bển" luôn luôn phiên tiếng Tây sang chữ Hán. Em chỉ thấy lạ là trong một đoạn mà có cả tên Hán hóa lẫn phiên âm Tây. Chả hiểu bác ý dịch kiểu gì luôn!

    ReplyDelete
  10. NL nói về gạch nối và viết dính liền tên phiên âm đi. Mát-xcơ-va, Matxcơva... nhìn thấy "tính cách Nga" hơn là Moscow nhỉ.

    ReplyDelete
  11. bác viết hay quá

    ReplyDelete
  12. Bác có chắc là đoạn Mr. Đàm và Mai nương là dịch từ đoạn trích phía trên không? :)) :)) :)) Dịch giả lấy ở đâu ra cái nầy nhỉ? "...đằm thắm ưa nhìn, đầu tóc như mây nước da tợ ngọc, mặc áo ngắn tay từ cùi tay đến cổ tay lòi ra trắng nõn trắng nà, ngón tay mụt măng cầm nhành bông, chân bước đi cách yểu điệu thì anh ta mê mẩn tâm thần."

    ReplyDelete