Feb 6, 2010

Phụ chú

Bác TQ hỏi về cái gạch nối. Trước hết tôi cung cấp cho các bác một tài liệu mới khai quật được, trích từ quyển sách mang tên 100 năm phát triển của tiếng Việt của Phụng Nghi, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, từ tr. 49 đến tr. 51. Chẳng biết tác giả là ai, có lẽ là một người nghiệp dư về ngôn ngữ học.

6. Cái gạch nối

1. Trong chữ Việt, cái gạch nối [ct: Dịch từ tiếng Pháp trait d'union. Cũng gọi là cái ngang nối, cái vạch nối, dấu ngang nối, dấu gạch nối, dấu nối] dùng để kết hợp những thành tố viết rời của một từ có nhiều âm tiết. Nếu được viết rời ra thì những âm tiết nói trên sẽ có một nghĩa khác, tức là nghĩa riêng biệt của từng âm tiết.

Thí dụ, từ độc lập có nghĩa tự mình sống, không dựa vào người khác, trái lại, 2 từ độclập đứng riêng sẽ không còn nghĩa như trên nữa.

Trong những thập niên đầu của thế kỷ 20 nầy, những người làm văn học đã sử dụng cái gạch nối trong những trường hợp sau đây:

1.1 Những từ ghép Hán-Việt: tự-do, thuận-thinh-âm, tiềm-thủy-đình, hàng-không-mẫu-hạm

1.2 Những từ thuần Việt:
- từ láy (tiếng đôi - mot double): vững-vàng, đầy-đặn, sắc-sảo, chậm-chậm
- từ ghép (tiếng hiệp - mot composé): biển-dâu

1.3 Nhân danh (tên tục, tên hiệu): Nguyễn-Du, Tố-Như

1.4. Địa danh: Việt-Nam, Trung-Quốc

1.5 Những từ có quan hệ qua lại với nhau: từ điển Hán-Việt, bang giao Việt-Pháp, luật hỏi-ngã, phát triển khoa học-kỹ thuật.

1.6 Danh từ chung phiên âm: cát-xết
Đối với một số tên chung phiên âm đã hoàn toàn Việt hóa, ta bỏ luôn cái gạch nối: cà phê, cà vạt, đô la, ra gu, ti vi, xích lô

1.7 Danh từ riêng phiên âm: Lê-nin, Ca-na-đa

1.8 Một số từ ngữ "kiểu cách" mà các âm tiết không thể tách rời: tại-vì-bởi (thay cho bởi vì), khô-cá-chỉ-vàng [ct: Ta thường nói khô lóc, khô tra, khô sặt... để chỉ khô cá lóc, khô cá tra, khô cá sặt... Khô-cá-chỉ-vàng là 1 loại mới, nếu không có cái gạch nối, e rằng sẽ khó hiểu], chợ-nhà-lồng

1.9 Giữa các con số chỉ "ngày-tháng-năm" [ct: Có nên chăng dùng từ đát (phiên âm date của tiếng Pháp) để thay thế cho "ngày-tháng-năm". Dân gian thường dùng từ quá đát để nói date d'expiration]: ngày 1-1-1993 [ct: Có một số người viết: 1.1.1993 hoặc 1/1/1993]

2. Khoảng từ năm 1975 cho đến nay:

- Trong 4 trường hợp 1.1 đến 1.4, ta đã xóa bỏ hẳn cái gạch nối. Tuy nhiên, ta phải hiểu ngầm là những từ nằm trong 4 trường hợp nầy vẫn luôn luôn được nối với nhau bằng 1 cái "gạch nối vô hình".
- Trong 5 trường hợp 1.5 đến 1.9 ta vẫn còn duy trì các gạch nối.

3. Có một số người đề nghị viết dính các âm tiết ở hai trường hợp 1.1 và 1.2: tựdo, vữngvàng [ct: Nguyên tắc hỏi-ngã, Trần Văn Khải, Thanh Trung thư xã xuất bản, Saigon, 1950]. Việc cải cách nầy không ổn và không được hưởng ứng, lý do là những từ sẽ bị đọc và hiểu sai lệch.

3.1 Những từ ghép viết dính nhau có thể được đọc một cách khác:

bình an viết bìnhan có thể đọc là bì nhan hoặc bìn han
giáo án viết giáoán có thể đọc là giá oán hoặc gi áo án
phát hành viết pháthành có thể đọc là phá thành

3.2 Những từ vốn chỉ có 1 âm nay có thể được đọc tách rời thành 2 âm:

thúy có thể đọc là thú y
khoái có thể đọc là kho ái hoặc khó ai

4. Hiện nay (năm 1993) một số người không làm văn học vẫn còn thói quen dùng cái gạch nối khi viết tên người.

Cũng có tác giả vẫn còn dùng cái gạch nối trong những trường hợp 1.1, 1.2, 1.3: Anh-văn, văn-phạm, đại-danh-từ, tiếp-đầu-ngữ, bất-quy-tắc... [ct: Giúp trí nhớ văn phạm Anh văn, Duy Ân, Nguyễn Hữu Vinh, NXB TP Hồ Chí Minh, 1992]

------------------------

Về cái gạch nối thì tôi cũng có một vài suy nghĩ:

+ Tại sao lại có gạch nối? Cái món nầy (hoc tập bác Phụng Nghi, viết nầy chứ không viết này :) là một thứ tuyệt đối mới trong tiếng Việt. Trước đây các cụ ta viết thậm chí dấu phẩy dấu chấm còn chẳng có, báo hại con cháu sau này xơi món củ đậu đến mệt (hì hì các bác Hán-Nôm biết rõ tôi đang định nói gì).

Theo tôi, gạch nối xuất hiện như một biểu hiện của tâm lý phân vân: khi dùng một bảng chữ cái lạ hoắc để ký âm, hẳn người ta cũng lờ mờ cảm thấy không ổn, vì từ trong các ngôn ngữ phương Tây là đa âm tiết, còn tiếng Việt thì lại đơn âm tiết (tất nhiên không đơn âm tiết một cách tuyệt đối, nếu nhìn lại lịch sử ngữ âm, nhưng thôi tạm bỏ qua). Tôi không biết người khác lý giải cái gạch nối như thế nào, còn với tôi đó là một cách để giả dạng đa âm tiết trong một sự sao phỏng muốn hướng tới mức độ tuyệt đối.

Cái gạch nối chắc chắn gây ra nhiều khó khăn cho in ấn. Thời trước, hẳn các nhà in ở Việt Nam phải mua về hoặc đặt sản xuất vô cùng nhiều dấu gạch nối. Tôi rất không hiểu tại sao lại có sự lãng phí vô lý như vậy. Bác nào rành lịch sử và kỹ thuật in ấn Việt Nam trả lời hộ thì tốt quá, vì ta biết rằng đã từng có lúc Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm viết báo phàn nàn bị thiếu dấu ngoặc đơn ở nhà in nên câu cú cứ lung tung hết cả.

+ Nên sử dụng gạch nối như thế nào? Tôi chia làm hai trường hợp, và chỉ có hai:

Một là gạch nối phân chia mệnh đề, hai là gạch nối trong phạm vi một cụm từ. Khác biệt về hình thức của hai loại này là ở chỗ loại một đòi hỏi dấu cách ở trước và sau dấu gạch, còn loại hai nhất thiết không được có khoảng cách.

Viết nghiêng nhấn mạnh từ "nhất thiết" là vì tôi thấy rất nhiều người không hiểu điều này. Cuộc chiến Bắc-Nam hay tiến bộ khoa học-kỹ thuật thuộc loại thứ hai, nhưng báo chí và sách hiện nay thường xuyên nhét thêm dấu cách vào, thành Bắc - Namkhoa học - kỹ thuật. Đã vô số lần tôi viết báo bị sửa những chỗ như thế, nên kết luận của tôi là các bạn chả hiểu cái gì cả :))

+ Quan điểm của tôi là triệt để bỏ gạch nối, vừa phức tạp hóa vấn đề không cần thiết, vừa không có ích về mặt thẩm mỹ, lại còn tốn thao tác, hao phí biểu bì đầu ngón tay dẫn tới giảm cường lực nhất dương chỉ... tác hại thật là khôn lường.

Trước đây với các từ phiên âm tôi thiên về viết liền, không bỏ dấu tiếng Việt, như là thùng cactông, Matxcơva, toalet... Tôi thấy rất vô lý nếu đã viết liền để giả dạng tiếng nước ngoài mà vẫn bỏ dấu, như là cáctông, Mátxcơva.

Càng ngày tôi càng thấy làm như vậy không hợp lý bằng viết thùng các tông, toa lét, bê tông, còn những gì viết nguyên thì nguyên luôn: sofa chẳng hạn. Nhưng tôi vẫn viết Matxcơva mà không bao giờ viết Moscou hoặc Moscow hoặc Mát-xcơ-va.

+ Tin (vẫn buồn) là phần III vẫn tiếp tục treo lơ lửng, các bác không thoát được đâu mà vội mừng hehe.

12 comments:

  1. V/v Phụng Nghi. Ông này ỡ Mẽo, Tiểu Sài Gòn. Thường viết cho Người Việt. Cuốn này đã đưộợc xb ở hải ngoại. Lần NQT tui ghé Cali có được tác giả tặng cho một cuốn,nhưng do dọn nhà liên miên, không làm sao kiếm ra được. Ông hình như còn một hai cuốn nữa, cũng về tiếng Việt. Bạn Phạm Phú Minh thì phải, vì PPM giới thiệu NQT với ông ta.

    ReplyDelete
  2. 1. Theo quan điểm của bác NL thì viết ngày tháng như "1-1-1993" thuộc nhóm "phân chia mệnh đề" hay "phạm vi một cụm từ"? Sách vở vẫn cứ thỉnh thoảng dùng dấu cách ở trường hợp này.
    2. Nhắc đến dấu cách, xin bác viết thêm cách dùng trước những dấu như ":" hoặc dấu "!". Chẳng hạn, cái bìa tập thơ của Trần Dần "Đi ! Đây Việt Bắc!" mới đây, cái khoảng cách giữa dấu "!" và chữ "Đi" nhìn không thấy mỹ thuật bác ạ.
    T. T. C. T

    ReplyDelete
  3. Viết ngày tháng thì có quy định của từng nước, không nhớ rõ nhưng có nước quy định 1/1/2010, có nước quy định 1-1-2010, có nước quy định 1.1.2010. Không bao giờ có dấu cách cả. Một số nơi còn đảo thứ tự các thành phần.

    Trường hợp này theo tôi không phải "phân chia mệnh đề" hay "phạm vi một cụm từ" nữa, nhưng tôi vẫn xếp vào loại hai.

    Bản thân tôi thì viết 1/1/2010, nhưng thường xuyên hơn là mồng một tháng Giêng 2010.

    Quyển ĐĐVB người biên soạn dùng bàn phím tiếng Pháp, trong đó ";", ":", "!" và "?", thậm chí ngoặc kép cũng có dấu cách hết. Nếu là tôi thì sẽ sửa tất cả để không còn dấu cách nào nữa cả.

    ReplyDelete
  4. Cảm ơn bác NL. Và cũng xin gom lại đây một vài trường hợp cụ thể nhờ bác xử lý:
    - Dấu cách giữa ngày tháng năm sinh và năm mất. Chẳng hạn, Tương Phố (1896-1793) Vũ Bằng (3.VI.1913 - 8.IV.1984). Đây là hai ví dụ trong Từ điển văn học (bộ mới), 2004. Trường hợp đầu thì không dùng dấu cách, trường hợp sau thì có dùng, vậy phương án nào hợp lý hơn?
    - Dấu cách trong những trường hợp như “từ trang 45-54”, “chuyến bay Hà Nội-Đà Nẵng”, “cân bằng Hardy-Weinberg”…?
    T. T. C. T.

    ReplyDelete
  5. Nhìn lướt qua cứ tưởng bác TTCĐ, hóa ra là không phải :)

    Tương Phố (xxxx-xxxx) và Vũ Bằng (x.x.xxxx-x.x.xxxx) theo tôi bản chất là như nhau, viết khác nhau không giải quyết được vấn đề gì.

    Khi nói "từ" rồi thì sau đó nên thêm "đến" hoặc "tới", viết kiểu như bác ví dụ là trộn lẫn hai cách với nhau, không hợp lý.

    "Hà Nội-Đà Nẵng" như "Bắc-Nam" và "Hardy-Weinberg", đều không có dấu cách.

    ReplyDelete
  6. Tế nhị lắm, mà kỹ thuật viết và in của An Nam ta chưa hoàn chỉnh: đó là hyphen, en dash và em dash trong các văn bản Âu Mỹ.

    Thí dụ: Marie-Hélène thì dùng hyphen, Bắc-Nam hoặc 1936-1972 hoặc Hà Nội-Đà Nẵng thì dùng en dash, còn để tách một mệnh đề giải thích trong một câu thì dùng em dash.

    Nói về dấu cách (space) liên hệ với các dấu (?, !, :, ;), chúng ta cần biết quy luật của Pháp, Anh, Đức và Mỹ không giống nhau. Hiện nay, có lẽ An Nam ta ảnh hưởng nhiều các quy luật của Mỹ - có lẽ vì Microsoft Word. :))

    Thấy bác NL "frustrated" tôi rất thông cảm. Tôi để ý về những điều này (nầy?) - khá giống với NL - nhưng rất ít người hiểu tôi, cho rằng tôi khó tính một cách vô lý. :))

    ReplyDelete
  7. "Nghề chơi cũng lắm công phu." Dùng bàn phím vi tính thì chỉ nghĩ đến gạch nối một cách đơn giản. Thực ra, gạch nối có các hình tướng và công dụng khác nhau. Mời xem thêm ở hai chỗ này:

    http://en.wikipedia.org/wiki/Dash
    http://www.fonts.com/AboutFonts/Articles/fyti/Hyphensdashes.htm

    :))

    ReplyDelete
  8. Đúng vậy, rất phức tạp chứ không phải chuyện chơi :) Ai đã từng làm luận văn luận án ở nước ngoài, cấp đại học và nhất là cấp đại học hẳn đã được đọc các hướng dẫn/quy định vô cùng chi tiết về trình bày.

    Tôi cũng đã tham khảo về mấy vụ hyphen và dash trong tiếng Anh. Tôi nghĩ trong tiếng Việt có thể giản dị như cách tôi trình bày ở trên, không việc gì phải theo kiểu Anh-Mỹ có cả gạch dài gạch ngắn, hoặc theo kiểu Pháp lại còn có cả dạng "-," nhìn rất rối mắt.

    ReplyDelete
  9. "Tôi thấy rất vô lý nếu đã viết liền để giả dạng tiếng nước ngoài mà vẫn bỏ dấu, như là cáctông, Mátxcơva."
    Tôi nghĩ bỏ dấu để cho người ta biết đây là từ đã phiên sang tiếng Việt, không phải nguyên dạng. Ví dụ: cáctông và carton, xôpha và sofa, Bôxtơn và Boston. Chứ bây giờ người ta hay lẫn lộn giữa 2 thứ đó, rồi sinh ra con lai kiểu như: Malayxia, Malaisia, Singapo.

    ReplyDelete
  10. Còn ngày tháng tôi nghĩ nên dùng - hoặc . hơn là /, vì có những thời điểm tùy theo múi giờ sẽ là 2 ngày khác nhau, khi đó ta có thể dùng, chẳng hạn 7/8-10-1985 (tôi đã gặp những trường hợp sự kiện mà sách báo Mỹ ghi chậm 1 ngày so với sách báo châu Âu hoặc châu Á). Hay trong tiểu sử Nikola Tesla, (Britannica Encyclopedia) có ghi: born July 9/10, 1856, Smiljan, Lika, Austria-Hungary, ta sẽ chuyển thành: sinh 9/10-7-1856. (Ở trường phổ thông dạy viết 4-6-1970 nên có lẽ thông dụng hơn 4/6/1970).

    ReplyDelete
  11. Anh viết thêm một bài về dấu ba chấm đi ạ.

    ReplyDelete