Mar 26, 2010

Tô-mếch lại lên đường ra đi

Tôi không đọc truyện cổ tích cho tới tuổi mười bảy. Quãng thời gian ấy, tôi mới bắt đầu biết đến những câu chuyện tuyệt đẹp nhưng đau lòng của Andersen, những Bà chúa tuyết, những Cô bé bán diêm, còn trước đó, niềm vui khám phá của tôi đã tìm được ở một ngọn nguồn khác hẳn: những cuộc phiêu lưu của các cô bé cậu bé gốc Đông Âu. Trong phòng trưng bày của chỉ một cá nhân tôi, cậu thiếu niên Tô-mếch (Tomek) người Ba Lan có một vị trí danh dự. Cậu là người can đảm, cậu là người tốt bụng, cậu là người mưu trí, và với riêng tôi, cậu còn là người dẫn tôi vào một thế giới mới.

Ca-rích hay Xê-muy-en Pinh, hay những cậu con trai phố Pan có thể làm tôi hồi hộp đến tắc thở ở những đoạn truyện gay cấn, nhưng Tô-mếch là người đầu tiên bắt tôi dành dụm từng đồng tiền nhỏ nhoi để lần đầu tiên ngượng ngập đi đến hiệu sách mua quyển sách thứ nhất cho riêng mình trong đời. Giờ đây, khi đi mua sách đã không còn ngượng ngập nữa, xem lại các thông tin về cuốn sách hồi ấy, tôi mới biết nó được in vào năm 1988. Tôi hoàn thành công cuộc dành dụm tiền lẻ để sở hữu quyển sách không lâu sau khi sách xuất bản, nghĩa là khi ấy tôi ở vào quãng 8 hay 9 tuổi. Người bán hàng ở cái hiệu sách nằm chơ vơ trên một lối đi không xa bờ mương ao hồ, nơi giờ đây trở thành một phố đặc biệt đông người ở Hà Nội, có vẻ mặt như thế nào tôi không còn nhớ, nhưng tôi vẫn thầm biết ơn vì người chủ hiệu sách đó đã không tỏ thái độ gì trước mớ tiền lẻ dày cộm tội nghiệp mà trao ngay cho tôi niềm mơ ước ấy: Tô-mếch và thủ lĩnh Tia Chớp Đen.

Ngay lập tức tôi được di chuyển đến nước Mỹ, đến với một niềm hứng khởi giờ đây tôi vẫn cảm thấy khi bắt gặp bất cứ điều gì liên quan tới người Anh-điêng, những người da đỏ mang các biệt hiệu kỳ khôi (Đại Bàng Đỏ, Hoa Hồng Trắng, Ngọn Lửa Cháy) và chuyên gọi người da trắng là “bọn mặt nhợt”. Lần đầu tiên tôi biết tới thủ lĩnh huyền thoại của người da đỏ Sioux, Bò Ngồi (Sitting Bull) là ở đây, trong cuốn sách giấy đen đến khốn khổ của Việt Nam thời bao cấp. Tôi sẽ biết đến nhiều loại giấy in sách đẹp hơn rất nhiều sau này, những giấy bouffant, giấy conqueror, giấy in Kinh Thánh, nhưng tôi khó mà khẳng định được đã từng khi nào có nhiều xúc cảm như trước những trang giấy của cái thời không ai mong trở lại ấy.

Tô-mếch trở thành người bạn của tôi, trung thành và thân thiết hơn cả những thằng bạn đồng học. Cậu bé được miêu tả như thế này: “Tô-mếch Vin-mốp-xki là một thiếu niên người Ba Lan. Em không sợ nguy hiểm nhưng cũng không thích bị lâm nguy vì nhẹ dạ, những kinh nghiệm tích lũy được trong những cuộc chu du khắp thế giới đã khiến em sớm trở nên thận trọng và chín chắn”. Tôi cũng có mong muốn chiến thắng bọn trẻ con ngoài đời trong đủ thứ trò chơi, nhưng tôi cũng mong muốn sở hữu những kinh nghiệm phiêu lưu như Tô-mếch bên cạnh anh thủy thủ đồ sộ Nô-vi-xki và cô bạn gái người Úc Xan-li. Trước khi tới nước Mỹ để rồi sát cánh bên Tia Chớp Đen, Tô-mếch đã là nhân vật trong hai tập truyện trước đó, Tô-mếch ở xứ sở CănguruTô-mếch ở lục địa đen, cả hai đều đã được dịch sang tiếng Việt.

Lai lịch của Tô-mếch mãi gần đây tôi mới biết. Thật là sung sướng cái thời được tận lực chìm đắm vào những trang sách mà không cần biết tới tên tác giả, tên dịch giả hay bất cứ thứ chi tiết gì thuộc về lĩnh vực “cận-văn bản”. Sự mơ mộng hình như gắn liền với những khoảng trống của hiểu biết.

Cha đẻ của Tô-mếch là một nhà văn tên tuổi của Ba Lan, An-phơ-rết Scla-rơ-xki (Alfred Szklarski), và Tô-mếch và thủ lĩnh Tia Chớp Đen chỉ là một trong rất nhiều cuộc phiêu lưu khác của cậu bé, “một xê-ri”, như ngày nay người ta thường nói. Lời giới thiệu trong sách của dịch giả (Nguyễn Hữu Dũng) cho biết bộ sách rất được bạn đọc trẻ tuổi Ba Lan yêu quý này có tới mười tập, trong đó Tô-mếch còn phiêu lưu đến tận Siberia, Ai Cập, Alaska…, đều là trong những cuộc săn bắt thú hiếm cung cấp cho các vườn bách thú và đoàn xiếc dưới sự chỉ huy của ông Vin-mốp-xki cha cậu, một nhà cách mạng bị Sa hoàng truy đuổi.

Thời ấy ở Việt Nam, thiếu thốn thì thiếu thốn rất nhiều nhưng không thiếu những câu chuyện hấp dẫn kiểu như thế này. Bên Ba Lan anh em chắc hẳn sự tình về mặt kinh tế-xã hội cũng tương tự với nước ta nên người ta không ngừng viết ra những tác phẩm thật là thu hút. Ở mảng truyện thiếu nhi, ngoài Tô-mếch còn có những truyện như Hiệp đầu 0:1. Tác phẩm không thiếu nhi lắm thì có cái tên quan trọng Tadeuz Dolega-Mostowicz, tác giả của những quyển nổi tiếng như Thầy lang và nhất là Đường công danh của Nikôđem Đyzma một thời làm sôi nổi tâm trí người đọc Việt Nam, thậm chí còn được so sánh với Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Dolega-Mostowicz là một nhà văn trước Thế chiến thứ hai, thuộc vào hàng những tên tuổi lớn khác của văn chương Ba Lan mà người Việt Nam đọc rất nhiều, như Adam Mickiewicz nhà thơ yêu nước, rồi đặc biệt là Henryk Sienkiewicz, cũng là tác giả của một bộ truyện thiếu nhi danh tiếng: Trên sa mạc và trong rừng thẳm. Về sau này, người Ba Lan vẫn không ngớt hiện diện trong đời sống văn hóa Việt Nam, ngoài Kazik ở Mỹ Sơn còn là những nhà văn như Stanislav Lem tác giả Solaris, gần đây hơn thì là nhà thơ nữ được giải Nobel Văn chương Wislawa Szymborska hay Ryszard Kapuscinski. Mùa nào thức nấy, thời nào nhà văn nấy, Ba Lan hay các nước khác cùng khu vực địa lý, Hungary, Séc… là một nguồn thức ăn tinh thần không hề nhỏ cho người Việt Nam, dù sống ở thời bao cấp hay đã thoát được khỏi nó.

Những gì đọc từ nhỏ chi phối cái nhìn sau này của mỗi con người. Ai hồi nhỏ quá mê Đường công danh của Nikôđem Đyzma hẳn sẽ nghĩ văn chương phải luôn hài hước, sâu cay, và buồn cười. Vì đã lỡ đánh bạn với một chàng thiếu niên như Tomek nên sau này khi đọc các nhà văn khác của Ba Lan, sự trong sáng và những phẩm chất tốt đẹp của con người vẫn là nền tảng cái nhìn của tôi: ngay cả khi đọc nhà văn hiểm hóc như Witold Gombrowicz, ngay cả khi đọc những tác phẩm khủng khiếp nhất của ông như Ferdydurke và nhất là Pornografia, tôi vẫn tin vẫn có một Tô-mếch lẩn khuất đâu đó giữa những sự trần trụi kia, một Tô-mếch lại lên đường ra đi, Tô-mếch người sống trong thiên nhiên hoang dã, làm bạn với các loài vật và không bao giờ từ nan để giúp đỡ người khác.

“Giai đoạn Tô-mếch” của tôi cũng sẽ trôi qua không lâu sau khi khởi đầu, vì một thời gian sau đó tôi đã phát hiện ra một tương ứng hoàn hảo của Tô-mếch trên lưng ngựa để thay thế: các nhân vật của Jules Verne.

Nhị Linh

-------------

Lại mạn phép post, trước khi báo ra. Bác nào quen đương sự nhớ đừng nói gì nhá :)

27 comments:

  1. :)) :)) :))

    Mỗi lần đọc mấy cái bài dạng này của bạn Nhị Linh lại nhớ đến lời mở đầu của "Những cuộc đời song hành"...

    ReplyDelete
  2. Một bài đặc biệt hay và cảm động, có lẽ cái trong sáng của văn chương về những Tô mếch là đặc điểm quý hóa của XHCN "hồi ấy"
    "Thật là sung sướng cái thời được tận lực chìm đắm vào những trang sách mà không cần biết tới tên tác giả, tên dịch giả hay bất cứ thứ chi tiết gì thuộc về lĩnh vực “cận-văn bản”. Sự mơ mộng hình như gắn liền với những khoảng trống của hiểu biết" He he, cái thời ấy vẫn còn với mình.

    ReplyDelete
  3. Em sẽ đọc lại hai bài "Phiên âm" của anh, nhưng em nhớ là anh ủng hộ việc để nguyên tên gốc của người ta, ví dụ Tomek, chứ không "phiên" ra thành Tô-mếch đúng không?

    Hay là vì đã thân thuộc với tên "Tô-mếch" rồi nên anh muốn giữ nguyên như vậy?

    ReplyDelete
  4. "Tô-mếch" và "Ca-rích" đưa người đọc về quãng thời gian thơ ấu của tác giả. Vài biểu tượng của hữu thể khi ấy, như chúng là. [NSC]

    ReplyDelete
  5. Cứ tưởng bạn NL vì sắp lên đường nên viết title thế này :-)

    ReplyDelete
  6. Bên cạnh "Tô-mếch", Nhị Linh có kết bạn với "Hoàng Tử Bé" không? Cảm ơn đã giới thiệu.

    ReplyDelete
  7. "Em không sợ nguy hiểm nhưng cũng không thích bị lâm nguy vì nhẹ dạ, những kinh nghiệm tích lũy được trong những cuộc chu du khắp thế giới đã khiến em sớm trở nên thận trọng và chín chắn”. Tôi cũng có mong muốn chiến thắng bọn trẻ con ngoài đời trong đủ thứ trò chơi, nhưng tôi cũng mong muốn sở hữu những kinh nghiệm phiêu lưu như Tô-mếch bên cạnh anh thủy thủ đồ sộ Nô-vi-xki và cô bạn gái người Úc Xan-li..."
    - Hay quá! Sao không mau lên đường, Nhị Linh.

    ReplyDelete
  8. Tự hỏi tự trả lời :D:

    From NL's blog: "P.S. Xem xét lại vấn đề phiên âm tên riêng nước ngoài, cân nhắc các lý lẽ, tôi vẫn nghiêng về "phe" viết nguyên dạng, không phiên âm. Tuy nhiên cũng có ngoại lệ: sách có đối tượng là độc giả trẻ con thì nên có phiên âm, đi kèm với nguyên dạng."

    ReplyDelete
  9. Ôi, em cũng đọc "Tô-mếch và thủ lĩnh Tia Chớp Đen" ở tuổi 25, hôm nay tình cờ đọc được bài viết này được sống lại cùng các nhân vật trong sách, thật vui. Cảm ơn nhilinhblog!

    ReplyDelete
  10. xưa nay bao nhiêu chuyện
    phó mặc cuộc nói cười.

    :)

    ReplyDelete
  11. @BA: Góp ý thế này (dĩ nhiên NL là người cho ý tối hậu). Vào một thời xa xưa, có một chú bé để dành tiền mua được một "quyển sách" [xem post trước] và thả hồn vào trong "cuốn sách" [cũng post trước] mà hòa nhập với thế giới của cậu bé Tô-mếch. Lúc ấy, chú bé mê sách kia không cần biết tác giả là ai và "Tô-mếch" là phiên âm từ chữ gì của ngoại ngữ nào. Cho nên, cho dù hiện nay NL chủ trương phiên âm, đọc sách và viết văn ra sao, cái tên "Tô-mếch" là một phần của tuổi thơ và cần được viết đúng như vậy để nói về, khơi lại, làm sống lại, quãng thời gian xa xưa kia. (Cũng vậy, khi đề cập đến các sự kiện trong Nam vào những năm 60 chẳng hạn, phải viết "Sài Gòn" chứ không thể khác được.) Trong comment ở trên, tôi nói rằng những cái tên viết như thế là biểu tượng của hữu thể khi ấy, như chúng đã là. [NSC]

    ReplyDelete
  12. @ Anh NSC: Em cảm ơn Anh đã chia sẻ.

    P/S: Em không biết nên xưng hô thế nào cho phải phép, nên tạm thời gọi thế này. Nếu có gì chưa phải, Anh nói em biết ạ. :)

    ReplyDelete
  13. @Bảo Anh: Gọi thế là quý rồi, trong nhà cả. :)

    ReplyDelete
  14. Tại sao Tô-mếch lại lên đường? Cũng như NL không muốn về "cái thời không ai mong trở lại ấy", nhưng vẫn thỉnh thoảng quay về cái thiên đường riêng tư, vượt ngoài thời gian và không gian hẹp hòi của quy ước, Tô-mếch hôm nay, với năng lực chữ nghĩa của NL, lại hồi sinh và lên đường ra đi. Như phép lạ, Tô-mếch, hay bây giờ là Tomek, cùng một lúc đến nhiều nơi trên thế giới của Internet, xoay quanh những kỹ thuật kỳ thú, có lẽ vượt ngoài những phi thuyền và tầu ngầm của Jules Verne. [NSC]

    ReplyDelete
  15. Người đi ừ nhỉ người đi thực:) Thượng lộ bình an và nhớ đừng liếc ngang liếc dọc:)

    ReplyDelete
  16. hề hề, Goldmund được ai ủy quyền căn dặn thế ;))

    ReplyDelete
  17. Khổ thân bác Goldmund :D. Canh chừng ở SG chưa đủ giờ lại phải dặn dò To-mếch khi lên đường phải cẩn thận với cô bạn gái người Úc Xan-li.

    ReplyDelete
  18. Tomek cuả NL tuy có máu phiêu lưu song vẫn còn nhỏ dại, cho nên thân thiện càng nhiều càng tốt. Họ có đánh nhầm một tí, thì cũng chả chết chóc gì. Uí chào, bạn gái xứ Kăng-gu-ru hay chứ, có thể dạy Tomek cách dự trữ sách hoặc thức ăn bằng cái túi trước bụng, ít ra thì nó cũng có thể dùng để cất cái hộ chiếu, visa... Hãy liếc ngang liếc dọc, tám hướng mặt trời, hai triệu lẻ một đường sao băng... bởi vũ trụ bao la không lề phải, trái, Hoàng tử Bé nói, nếu cứ đi về phiá trước mặt thì chẳng đi được bao xa, mà đi mãi một bên lề thì sẽ không học ra được lẽ thật. Kẻ thù và bạn bè đều có thể đến từ các phía Đông lẫn Tây, Nam và Bắc, nên đừng bao giờ nghĩ rằng sự an nhàn đang chờ đợi ở một phiá nào đó. Không hiểu vì đâu những vì sao đẹp nhất lại thường mọc ở chân trời bên trái, cây cối khô cằn lại cứ đứng ở bờ phải cuả dòng sông...

    ReplyDelete
  19. Xin chia sẻ một điều lý thú. Nhờ Google mà tôi biết đến blog này, nhờ blog này mà tôi biết đến Nhị Linh (và người dịch cũng như người nghiên cứu văn học có "liên hệ" duy nhất với cái tên này), nhờ post Tô-mếch này mà tôi biết đến Thái Linh (chỉ cần một cái bấm chuột là một khung trời tươi mới mở ra, ở Ba Lan), nhờ blog Lilia mà tôi biết đến bản dịch Du hành cùng Herodotus (tác giả Ryszard Kapuściński) của Nguyễn Thái Linh cùng nhiều sinh hoạt dịch thuật hết sức thú vị và nghiêm túc của cô. Mấy hôm nay, tôi ghé vào Lilia đọc ngấu nghiến, dĩ nhiên có cả bài giới thiệu của Nhị Linh về bản dịch Du hành cùng Herodotus "từ lâu rồi". Sách còn bán, chắc chắn sẽ đọc (sau khi xong Bầy chó Riga). Hoan hô Internet! Hoan hô các bạn trẻ! [NSC]

    ReplyDelete
  20. Cuốn Hiệp đầu 0:1 hay tuyệt vời luôn. Anh nhắc lại làm em xúc động quá.

    ReplyDelete
  21. Nhị Linh: Tôi tìm các cuốn sách do CVD dịch ở Vinabookshttp://www.vinabook.com/?s=vinabook&q=cao-viet-dung
    nhưng có 3 cuốn "hết hàng". NL có thể chỉ giúp nhà sách nào còn các cuốn đó không? Cảm ơn.

    ReplyDelete
  22. Thì ra anh Nhị Linh đi Nhật Bản ạ. Tô-mếch đi về có sự kiện gì với cô bạn Xan-li không ạ?

    ReplyDelete
  23. xin hỏi có ai còn giữ bộ tô-mếch ko ak, mình tìm bao lâu nay ko đc. ai có làm ơn share mình với nhé. mail : the_beo_85@yahoo.com

    ReplyDelete
  24. Tô mếch và thủ lĩnh tia chớp đen là một câu truyện hay, vậy mà hầu như trong gần 50 trang đầu mình đã thấy hơi nhạt nhẽo và vô sự tiếp theo đó thi không sao rời bỏ cuốn sách được ,, có lẽ đó là cuộc sống, nếu không đủ kiên nhẫn và có 1 cái nhìn đầy tình cảm sẽ khó thấy hết bản chất của một vấn đề.etc..

    ReplyDelete
  25. Đúng là chú! Xung quanh nhỡ nhỡ cháu chả có ai giống chú ở đây cả:( Sao chú không vô trường cháu dạy văn nhỉ

    ReplyDelete