May 6, 2010

Đi tới cái phổ quát

Lần này quyết định không nói vo mà viết ra đàng hoàng, nhưng bài viết này đúng là dùng để bổ trợ cho phần nói, chứ không hoàn chỉnh, nhất là đoạn cuối. Coi như là phần concept thuần túy, chưa gọt rũa gì cả.

-------------

Không biết độc giả của Kundera nói chung có giống như tôi, để ý đến các tên riêng trong tác phẩm của ông hay không, kể cả tên địa danh lẫn tên người, nhất là tên người. Khi đọc nhiều Kundera, tôi nhận ra một điểm hết sức lý thú: có một chiến lược về đặt tên và sử dụng tên riêng nhất định, không tường minh lắm nhưng vẫn hiện ra nếu ta chịu khó tìm. Hiện tượng này sẽ được tôi phân tích từ mấy khía cạnh: thứ nhất là đặc điểm chung trong tên riêng ở tác phẩm của Kundera, và tên riêng nằm trong hoạt động sửa đổi đầy ý thức của nhà văn.

Thứ nhất, mặc dù đa phần tên nhân vật của Kundera là người gốc Slave, cụ thể hơn là người Tiệp, nhưng người đọc không bao giờ gặp những cái tên rất khó nhớ như trong vô vàn tác phẩm văn học Nga. Tên nhân vật của Kundera luôn ngắn, đơn giản, hay gặp, không để lộ nhiều về gốc tích (đồng thời lý lịch các nhân vật cũng thường xuyên không được nhà văn khai thác, nhiều nhân vật thậm chí không thể biết lý lịch): chúng ta có Tomas, Sabina, Jakub, Irena, Josef, Ruzena… những cái tên hết sức bình thường, dễ nhớ đối với toàn bộ châu Âu. Chỉ có mấy lần rất hiếm hoi Kundera đặt tên nhân vật dài, đều là khi ông muốn tạo ra nhân vật theo lối biếm họa: nhân vật nhà khoa học nhiều tuổi trong truyện ngắn “Sẽ không ai cười”, và nhân vật nhà khoa học Séc đi hội thảo khoa học ở nước ngoài quên đọc tham luận vì mải tâm sự (trong Chậm rãi? Hay Bản nguyên?)

Chỉ bằng một thao tác như vậy, Kundera đã nhẹ nhàng gạt bỏ một rào cản đáng kể cho sự tiếp nhận tác phẩm của ông từ phía người đọc (hẳn là nhiều người chúng ta gặp phải những khó khăn không nhỏ khi cố nhớ tên nhân vật nào đó trong bộ tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình của Tolstoi).

Nhưng đây mới chỉ là một phần rất nhỏ trong chiến lược đặt tên của Kundera. Phải nhìn thao tác này trong toàn bộ quá trình của nó thì mới thấy được hết toàn bộ tầm vóc của một công việc nhìn thoáng qua rất đơn giản, cũng như tính ý hướng, ý thức về chiến lược của nhà văn.

Để làm công việc này, có thể lấy một ví dụ điển hình là các sửa đổi của chính Kundera đối với một truyện ngắn của ông, truyện “Sẽ không ai cười” trong tập Những mối tình nực cười. Đây là truyện mở đầu cho tập truyện, có nội dung hết sức đơn giản: một anh giáo viên đại học từ chối viết lời giới thiệu cho một bài nghiên cứu của một đồng nghiệp lớn tuổi nhưng lại không nói thẳng ra, sau đó anh ta bị vợ chồng nhà nghiên cứu này truy lùng bắt thực hiện lời hứa, và ngay cả khi anh ta nói sự thật ra rằng bài nghiên cứu có chất lượng tệ hại quá, thì bi kịch vẫn đổ xuống đầu anh ta: người yêu anh ta bỏ anh ta, anh ta có nguy cơ mất việc, tai tiếng ngày càng lớn trong các đồng nghiệp…

Truyện ngắn này đã xuất hiện vào năm 1964 trên tờ tạp chí Les Temps Modernes (số tháng Mười, 1964, tr. 588-620) của Jean-Paul Sartre, người dịch vẫn là François Kérel, người dịch gần như tất cả tác phẩm của Kundera sang tiếng Pháp. Sau năm 1975, Kundera đã xem lại các bản dịch tiếng Pháp, và phiên bản tập Những mối tình nực cười năm 1986 được coi là “bản chuẩn”. Ngoài những sửa đổi về câu từ, ngữ nghĩa, điều đáng quan tâm nhất là: các tham chiếu mang tính hiện thực và mang tính chất Séc bị gạch bỏ đi rất nhiều.

Ví dụ, nhân vật chính tên là Klima đã mất tên khi chuyển sang bản 1986, chỉ đơn giản là “tôi”. Tờ tạp chí chuyên ngành ở bản đầu mang tên Séc Vytvarna Myslenka sau này có tên tiếng Pháp, dịch ra là Tư tưởng tạo hình. Khu phố nơi nhân vật chính sống cùng cô bạn gái ở bản đầu tên là Vrsovicé, đến bản sau cái tên cũng biến mất, chỉ còn một chỉ dẫn chung chung: “khu phố ngoại vi thành phố”. Trong cuộc nói chuyện giữa nhân vật chính và cô bạn gái ở bản đầu tiên có nhắc tới Karel Havlicek Borovsky, nhà văn và nhà chính trị người Séc thế kỷ XIX; chi tiết này không còn ở bản 1986. Trong bản đầu, khi tố cáo nhà khoa học lớn tuổi ăn cắp ý tưởng, nhân vật chính nêu rõ tên các tác giả bị ăn cắp, là Matejcek, Pecirka, Micek, tất cả những cái tên này đều biến mất ở bản 1986.

Kundera cũng xóa đi nhiều đoạn mang hàm ý chính trị rất rõ nét. Có thể nói rằng ông đã tự khước từ rất nhiều kích thước chính trị của mình. Ví dụ ông đã bỏ đi đoạn sau đây:

Ainsi, tout en reconnaissant la valeur de vos avis et de vos analyses comparatives, je tiens néanmoins à vous faire observer que je n’ai pas attendu d’avoir lu votre étude pour exprimer l’idée qu’il y a toujours eu des liens étroits entre l’art tchèque et le peuple. C’est un fait que je pourrais aisément démontrer, et même en produisant des témoins pour l’attester

(Như vậy, mặc dù công nhận giá trị các ý kiến của anh cũng như các phân tích so sánh của anh, tôi vẫn buộc lòng phải lưu ý anh rằng tôi không hề chờ đến khi đọc nghiên cứu của anh mới diễn đạt được ý tưởng là luôn luôn tồn tại những mối liên hệ chặt chẽ giữa nghệ thuật Séc và nhân dân.)

Kundera cũng bỏ đi một số đoạn phê phán chính sách tôn giáo của nhà nước Tiệp hồi ấy, cũng như các đoạn phê phán tính chất cộng đồng, tập thể nổi bật của lịch sử Tiệp giai đoạn này.

Thay đổi đáng kể nhất, tuy trông bề ngoài chỉ là một thay đổi rất nhỏ, và đặc biệt có ý nghĩa về phương diện chúng ta đang bàn ở đây, là chi tiết sau: ở bản 1964, địa chỉ nhà của nhân vật chính được viết là số 5, phố Pouchkine, nhưng sang đến bản 1986, địa chỉ này đã biến thành số 5, phố Lâu đài. Với một độc giả am hiểu văn học, đây chính là một cái nháy mắt của Kundera tới Kafka, tác giả cuốn tiểu thuyết Lâu đài, cũng là người từng sống nhiều năm ở Praha.

Thay đổi tên riêng nhân vật, thay đổi các chi tiết, bỏ đi phần lớn những gì có tính chất Séc, tính chất Tiệp, nói tóm lại là tính chất địa phương, Kundera đã tiến một bước dài đến với một cái gì đó rộng hơn nhiều hoàn cảnh địa lý, lý lịch, nhân thân của ông: ông đang tiến bước tới sự phổ quát.

Cần lưu ý là quá trình sửa đổi tác phẩm này còn diễn ra song song với một quá trình sửa đổi khác nữa: sửa đổi lý lịch và tiểu sử. Đây là một phương diện hết sức quan trọng khi nghiên cứu con người và hành trạng văn chương của Milan Kundera, một nhà văn không dễ nắm bắt. Trong chuyên luận (trước là luận án tiến sĩ, sau được in thành sách) mang tên Comment devient-on Kundera (Làm thế nào để trở thành Kundera) của nhà nghiên cứu gốc Séc Martin Rizek, in ở NXB L’Harmattan năm 2001, Rizek đã tiến hành nghiên cứu kỹ càng tiểu sử Kundera và rút ra một số nhận xét, chủ yếu về các sửa đổi của chính ông, có thể tóm tắt như sau:

Năm 1968, phiên bản Chuyện đùa tiếng Pháp ghi thông tin về việc Kundera bị khai trừ khỏi Đảng cộng sản Tiệp, cũng như liệt kê rất đầy đủ các tác phẩm từng in trước đó tại Tiệp Khắc của Kundera, chủ yếu là thơ. Tuy nhiên, ngay từ năm 1974, các tác phẩm trước đây này đã bắt đầu không còn xuất hiện trong các giới thiệu tiểu sử nữa. Trong ấn bản năm 1981, chỉ còn lại ngày sinh, nơi sinh, các giải thưởng văn học đã nhận, cũng như việc Kundera đã chuyển sang sống tại Pháp. Ngày nay toàn bộ tiểu sử mà ông cung cấp trên tác phẩm của mình chỉ là dòng chữ “Milan Kundera sinh tại Tiệp Khắc. Năm 1975, ông định cư ở Pháp”. Martin Rizek cũng chỉ ra là đã có lúc, cụ thể là ở lần in đầu tiên Sự nhẹ không thể chịu đựng của tồn tại, Kundera cho ghi nơi sinh của ông là Praha chứ không phải Bruno như thực tế.

Để kết luận, Rizek viết như sau: “Cũng như nhân vật Sabina, Kundera tìm cách thoát khỏi trọng lượng gốc tích của ông, bằng cách rút ngắn bản tiểu sử đến tận cùng”. Nhận xét này hết sức có ý nghĩa ở khía cạnh chúng ta đang nói tới đây: ở Kundera có một khao khát tiến tới cái phổ quát, nhưng lại thông qua một hành động là thu nhỏ bản thân mình lại, tự vô hình hóa, giống như là để toàn quyền dẫn dắt cho duy nhất một yếu tố: cái viết. Kundera tự thu nhỏ kích thước con người ông để cái viết thoải mái bước tới sự phổ quát.

Cái viết này có rất nhiều chiến lược, được dàn xếp thật chi ly, tỉ mỉ, có những lúc chặt chẽ ở mức độ thiên tài. Ở đây tôi sẽ chỉ ra hai yếu tố rất nhỏ.

Thứ nhất, cái viết của Kundera luôn luôn tìm cách định nghĩa. Đó chính là lý do khiến cho trong văn bản tác phẩm của ông (ở đây tôi nói đến văn bản tiếng Pháp - ở các ngôn ngữ khác dấu hiệu này nhiều khi không rõ bằng, khi mà các dịch giả không nắm bắt được khía cạnh này) có rất nhiều dấu hai chấm.

Đây là một đoạn ngắn trong L’Immortalité, bản dịch tiếng Việt là Sự bất tử, của Ngân Xuyên:

Sa soeur Agnès : chez elle, le corps s’élève comme une flamme. Mais la tête reste toujours légèrement baissée : une tête sceptique qui regarde la terre

Trong tiếng Pháp, ngay sau cụm “cô chị Agnès của cô” là dấu hai chấm, và tiếp theo, “ở cô [tức Agnès], cơ thể vươn lên cao như một ngọn lửa”. Câu tiếp: sau cụm “Nhưng cái đầu luôn luôn hơi cúi xuống” lại một dấu hai chấm nữa, rồi “một cái đầu đầy nghi ngại nhìn xuống đất” [ở đây là bản dịch của tôi]. Chỉ trong hai câu, Kundera đã đưa ra hai định nghĩa, định nghĩa về Agnès, và định nghĩa về cái đầu luôn luôn cúi xuống.

Cũng trong cuốn tiểu thuyết này, ta còn tìm được rất nhiều dạng cấu trúc như vậy, chẳng hạn: “xấu: thứ thi ca bất trắc của sự tình cờ” hoặc “đẹp: thứ tầm thường của sự đúng chỗ”.

Một khi cái viết thể hiện như vậy, thì có nghĩa nó muốn làm một việc: áp đặt suy nghĩ. Cái viết luôn đặt ra một cái gì đó rồi định nghĩa nó là cái viết của từ điển, tự điển, và từ điển, tự điển chính là hình thức của sự quy chuẩn, cái để người ta tuân theo, tin tưởng khi truy tầm kiến thức, chứ không phải cái để tranh cãi. Tính chất toàn năng và phổ quát hiện lên rất rõ khi ta chăm chú vào tất cả những dấu hai chấm mà Kundera từng sử dụng. Số lượng dấu hai chấm này nhiều đến đáng kinh ngạc, rất có thể là chưa từng bao giờ có nhiều dấu hai chấm như vậy trong các tiểu thuyết khác.

Thứ hai, ngoài dùng nhiều dấu hai chấm, Kundera còn dùng cực kỳ nhiều dấu ngoặc đơn. Ngoặc đơn thường dùng để giải thích, làm rõ ý, như cách hiểu thông thường, và ở Kundera cũng nhiều khi như vậy, song với Kundera dấu ngoặc đơn còn có nhiều cách dùng khác, với các mục đích khác, ở đây tôi chỉ đặc biệt lưu ý đến dấu ngoặc đơn tiết lộ cái “tôi” của chính tác giả.

Kundera rất ít khi kể chuyện bằng ngôi thứ nhất, gần như không bao giờ, ngoài hai truyện ngắn đầu tiên của tập Những mối tình nực cười. Ta sẽ không bao giờ thấy Kundera dùng ngôi “tôi” để kể chuyện như là cách kể chuyện chính của một tác phẩm nữa, nhưng lúc nào cái “tôi” tác giả này cũng hiện diện, và thường xuyên là trong dấu ngoặc đơn. Một sự xuất hiện hết sức kín đáo, có giới hạn (giới hạn không gian tạo nên bởi hai dấu ngoặc đơn), nhưng chi phối, thao túng, mách bảo, dọa nạt, dàn xếp, bình luận, v.v… Trong Nghệ thuật tiểu thuyết ông cũng nói rõ điều này:

Với tư cách tác giả, với tư cách chính tôi, tôi thích thỉnh thoảng can thiệp một cách trực tiếp. Trong trường hợp này, mọi chuyện phụ thuộc vào giọng điệu. Ngay từ đầu tiên, suy nghĩ của tôi đã có giọng điệu vui đùa, mỉa mai, khiêu khích, thực nghiệm hay tra vấn. [bản dịch của tôi]

Chỉ cần giở Vô tri ra lật tìm một chút, ta sẽ thấy vô số hiện tượng này:

“Chàng đã thích cái hữu hạn (bởi cuộc trở về cũng chính là hòa giải với tính chất hữu hạn của cuộc đời) hơn là cái vô hạn (bởi cuộc phiêu lưu không bao giờ có chiều hướng kết thúc).” (tr. 11)

“với một Ba Lan, với một Hungari (thôi đừng nói về Estonia!)” (tr. 15)

“người ta sẽ đánh giá họ theo mức độ trung thành của họ đối với những cái nhãn ấy (nhưng, dĩ nhiên, điều này và chỉ điều này được nhấn mạnh: trung thành với con người mình)” (tr. 27)

Hoặc: (có vẻ như là sự giao cấu với tư cách bằng chứng của tình yêu với cậu có tầm quan trọng còn lớn hơn bản thân hành động ấy) (tr. 87)

Một cách rất tinh tế, một cách rất giấu mình, Milan Kundera thực hiện các chiến lược để đưa cái viết của mình đi thật sâu vào địa hạt của cái phổ quát.

28 comments:

  1. Bài quyền này mình không hiểu, nhưng phải thừa nhận là đọc thấy hay hay ^^.

    ReplyDelete
  2. Tuyệt vời! Đúng vậy, Kundera đã làm một lựa chọn tài hoa để phục vụ con người trong chiều hướng phổ quát. Không những ông đã khéo léo "tàng hình" để nấp vào hậu cảnh, văn phong của ông nhẹ nhàng xóa đi những lấn cấn cục bộ của tính chất Tiệp, mà nếu ở trong tay người khác vẫn có khả năng là một niềm tự hào bâng quơ nào đó. Về mặt cụ thể, ông rất lưu ý đến bộ sách dịch tiếng Pháp mà hiện nay ông cho là "chuẩn" để chuyển sang các ngôn ngữ khác. [NSC]

    ReplyDelete
  3. Xin chuc mung ban dich moi.

    ReplyDelete
  4. Le corps, Dũng, không phải crops.

    ReplyDelete
  5. một bài viết có tầm phổ quát ;))

    ReplyDelete
  6. Bài viết hay và thú vị. Tuy nhiên, cái đoạn Kundera sửa lý lịch trong các bản in sau thì tôi nghĩ có thể do nhiều nguyên nhân. Bản thân Kundera cũng rất ghét bị nhìn nhận tác phẩm của mình như một nhà văn viết về toàn trị, nên ông tìm cách "gột" cái dấu đó khỏi tác phẩm của ông. Ở đây có cái tưởng như mâu thuẫn nhưng cũng rất hợp lý. Khi Kundera tới Pháp, người ta chào đón ông với tư cách 1 nhà văn đến từ chế độ CS và viết về cuộc sống dưới chế độ CS (như Dương Thu Hương hay Cao Hành Kiện) và ban đầu, ông cũng rất hài lòng với sự chào đón đó. Nhưng khi đã thành công hơn (và giỏi tiếng Pháp hơn), ông không muốn bị đóng khung trong cái mẫu thức là "The Writer who came in from the Cold" nên luôn tìm cách gột cái mác nhà văn viết về cuộc sống bên kia bức màn sắt đi. Có lẽ Kundera chọn viết bằng tiếng Pháp cũng vì nguyên nhân đó, như 1 sự xóa gốc tích và hướng tới cái phổ quát hay là tới cái Weltliteratur của Goethe. Chính cái việc viết bằng tiếng Pháp hay vì tiếng Séc cũng như kiểm soát chặt chẽ các bản dịch đều phải theo bản tiếng Pháp cũng thể hiện việc hướng tới tính phổ quát đó.

    Nhưng nói chung, tôi vẫn thích các tác phẩm viết bằng tiếng Séc của ông hơn các cuốn viết bằng tiếng Pháp. Những cuốn viết bằng tiếng Pháp đều có phần lạnh quá, tỉnh quá và sắp đặt quá.

    So sánh giữa lựa chọn của Kundera và Cao Hành Kiện cũng là điều thú vị. Kundera chọn cách xóa nhòa quá khứ, và thậm chí không viết về nước Tiệp nữa khi viết bằng tiếng Pháp (trừ cuốn Vô tri). Cao Hành Kiện thì vẫn viết bằng tiếng Tàu và vẫn viết về TQ. Hay như Cáp Kim, viết bằng tiếng Anh nhưng vẫn là về Trung Quốc.

    ReplyDelete
  7. Tôi lại thấy khác hẳn. Irena trong Ignorance là một phụ nữ Bohemia chính tông. Cô ta không thể là một người Ba Lan, Hungary, Romania hay Việt Nam. Không phải cái tên xác định căn cước của một con người, mà cách suy nghĩ và xử lý các tình thế xác định nó. Ví dụ như giấc mơ di tản. Cái giấc mơ đó không bao giờ xuất hiện với một người Việt di tản, cũng như với một người Ba Lan, Hungary hay Romania di tản. Tôi không phải là người di tản (bất kể là Việt, Ba Lan, Hungary hay Romania), nhưng tôi nghĩ như thế, bởi vì mỗi dân tộc có một cách thức di tản khác nhau.

    ReplyDelete
  8. Hình như bác Đông A đang nói một vấn đề khác hẳn. Đọc những gì bác vừa viết thực sự tôi không thấy có gì phản đối cả.

    ReplyDelete
  9. À nếu Nhị Linh có bài của hai bác Nguyên Ngọc và Nguyễn Chí Hoan thì có thể post lên được không?

    ReplyDelete
  10. Trong "Vô tri" có một trường hợp nhập cư khác Gustaf người gốc Thụy Điển, anh ta chưa từng có giấc mơ giống như Irena hay Martin người chồng đã chết của cô. Cùng là những người bị "dán nhãn" nhưng sự "vô tri" của Gustaf, ở một mức độ tầm thường hơn và đáng khinh ghét hơn. (Đấy là dưới góc độ nhìn nhận của tớ)

    Trong tiểu thuyết của Milan Kundera thường có "những nhân vật bị lãng quên", họ tự lãng quên và bị lãng quên, như nhân vật Milada trong "Vô tri" chẳng hạn...

    ReplyDelete
  11. Thực sự là tớ rất hiếm khi thấy có ai sở hữu một năng lực về cảm thông với nhân vật tiểu thuyết như bạn Quách đấy. Nói thật bụng luôn :) Theo tớ độc giả tiểu thuyết cần phải như thế, còn tớ thì quá thường xuyên tìm cách dò dẫm xem tại sao tác giả lại thế này thế kia, hay là ông ta đang lừa đảo gì mình etc.

    ReplyDelete
  12. Bài của bác Nguyên Ngọc là trích từ một bài viết cũ thì phải.

    Bài của anh Nguyễn Chí Hoan thì phải hỏi cái đã nhé.

    ReplyDelete
  13. Lãng quên chua xót: "quê hương" không nhớ Irena, và oái oăm: Josef không nhớ Irena. "Vô tri" ở đây được thể hiện qua sự mong manh bất toàn của ký ức, cũng như sự giằng co căng thẳng giữa hồi tưởng và thực tại. Con người khắc khoải và bơ vơ có lẽ vì vậy? [NSC]

    ReplyDelete
  14. Thỉnh thoảng tôi có ý nghĩ tương phản Kundera với Pamuk. Ở Pamuk, hầu như tất cả những điều ông muốn bộc lộ đều vươn lên từ bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc cụ thể hơn là Istanbul. Sự vật lộn với ký ức là một đề tài (ám ảnh) thường xuyên. Ước muốn và hiện thực thường không biết đến nhau, mutual ignorance. [NSC]

    ReplyDelete
  15. Em thấy khó đi đến "cái phổ quát" lắm, khi mà mấy bản dịch Kundera hồi trước và đầu 2000 bây h có cho kẹo cũng ko tìm dc :d

    ReplyDelete
  16. Vẫn tìm được thôi, nếu biết cách :d

    Bài của anh Hoan các bác có thể đọc được ở đây nhé:

    http://www.nhanam.vn/Desktop.aspx/Nguoi-doc-sach/Nguoi-doc-sach/Noi_ngo_nhan_bat_dau/

    Trang web đang bị lỗi, như rất nhiều trang web Việt Nam mấy hôm nay. Hình như đang có âm mưu gì đó hay sao ấy, các bác nhớ backup trang web riêng cẩn thận nhá :p

    ReplyDelete
  17. NHI LINH, just let you know, your blog anh anhbasam.com have something strange. Love to read your blogs, but I guess your web blogs may give visitor some virus... Sad and hate it.

    ReplyDelete
  18. just let me know ạ? thank you :d

    Thực sự là khoảng mấy ngày nay rất nhiều trang Internet Việt Nam (mà tôi biết) trở nên rất điên rồ, virus phát tán tứ tung.

    Tôi không có hiểu biết gì về IT nên cũng không biết làm thế nào, nếu có virus phát tán từ trang này thì cũng không phải là vì tôi muốn (có muốn cũng chẳng làm được :)

    Nhưng rất bực mình, vì I pay to be protected from virus from years, thế mà vẫn có vấn đề thì mấy anh Quảng kiếc đúng là bốc phét quá trời.

    ReplyDelete
  19. Mình nói Nhị Linh có thể sẽ cười: rằng tin trên Nhanam.com là Nhã Nam tạp lục 240 trang, giá 1000,000 VND (1 triệu đồng) mình cứ đinh ninh là do Virus "bịa chuyện".

    ReplyDelete
  20. A bác giữa đàng, lâu lắm mới thấy bác :d

    Dạo này bác mạnh chứ ạ, vẫn huyền vi tốt chứ ạ?

    Tất cả những gì tôi biết về vụ này là không phải virus bịa chuyện đâu. Quyển sách đó in cực kỳ đẹp, limited edition, really limited, và chỉ bán 10 bản thôi. Chỉ các bác có máu chơi sách hiếm thì mới nên khuyến khích thôi, chứ bản thân tôi chắc chắn là cũng sẽ không theo :)

    ReplyDelete
  21. Bác ơi cái thành phố ông ấy ra đời là Brno, không phải Bruno ạ.

    ReplyDelete
  22. quan trọng gì, em ơi, sao xét nét thế, đúng là có tinh thần Séc Séc Séc vào nó cũng có khác :d

    ReplyDelete
  23. Cám ơn, mình vẫn “huyền vi” đều, mà không biết có hiểu đúng ý Nhị Linh không nữa .
    Mình vẫn loanh quanh chầu rìa ngay đây thôi, cố làm một độc giả cần mẫn nhưng thầm lặng trong đống rơm (trong bóng tối nghe hơi nhàm). Bạn Nhị chịu khó điểm sách năng nổ thêm tý nữa nhé. Bạn cũng có liên đới với trường hợp của mình như sau.
    Số là đợt nghỉ 1/5 dài dòng mình cũng hăm hở tha về mấy cuốn hóng hớt được từ trong này. Trộm nghĩ “Vượn cáo” so với “Thiên nga bạc” của Benjamin Black tuồng như có sự thụt lùi, ko rõ do dịch giả hay tác giả hay cả hai? “Thành phố vùng thảo nguyên” của C. McCarthy sau khi đi được dăm ba chục trang mình đang lo cả lòng kiên nhẫn lẫn niềm náo nức ban đầu đang thui chột dần. Istanbul thì phải nhẩn nha mới thú, không thể ăn tươi nuốt sống như truyện trinh thám được.
    Tiện đây xin chúc mừng nhân tác phẩm Vô tri ra lò. Mình xấu hổ mà thú thật thế này: chữ “thỉnh du” (hình như của bác dịch giả The Wall?) trong truyện làm mình cứ liên tưởng đến mấy chữ khác chả ăn nhập gì ở đây là “thẩm du” với “du chẩn”. Trí tưởng tượng đôi khi ngớ ngẩn nhỉ!

    ReplyDelete
  24. Hì, nếu có 5 sao thật tôi sẽ đưa bác tất, ngay :d "The Wall" tức là "Le Mur" phải không ạ? Tôi cũng không nhớ chính xác ai là tác giả cách dịch đó, nhưng khi nhìn thấy cụm "invitation au voyage" thì ký ức của tôi cũng ngay lập tức ra lệnh cho tôi chọn cách dịch mà tôi thích nhất trong số những gì người ta từng dịch Baudelaire. Không biết ký ức có ngớ ngẩn hay không nữa.

    Vụ liên đới thì tôi xinh trình bày như sau: những quyển mà tôi nhắc tới và bác có nói trên đây, tôi đều đề cập khi chưa đọc, và vào thời điểm ấy tôi cũng không biết gì cả, giống hệt các bác thôi, tôi chỉ muốn đi tìm đọc xem sao. Cái duy nhất tôi từng đọc trong số đó là "Bạc mệnh" thì tôi cũng có nói là tôi có đem ra so với nguyên tác "Christine Falls" ở vài chỗ và thấy bản dịch hơi bị thoát ly quá, nhưng sau rồi cũng đọc hết vì cốt truyện hay, không để ý đến chuyện kia nữa.

    Vụ đầu tiên thì còn ly kỳ hơn: tôi tình cờ search xiếc thì thấy hình như có mối liên hệ giữa giữa đàng, midway và "huyền vi"; thêm một manh mối nữa là nhân vật M. P. Tôi chỉ đơn giản suy ra là chắc có quan hệ hihi, chứ còn có đúng hay không thì tôi chịu, và cũng không quan trọng lắm :d

    ReplyDelete
  25. Xin loi em hoi ke o day chut a, Les Mots va La Disparition co ban dich tieng Viet khong a? Neu co thi co the tim duoc o dau a? Em cam on nhieu!

    P.S: Congrats on the book!

    ReplyDelete
  26. Tks,

    Nhiều người nói Sài Gòn trước đây đã có bản dịch Les Mots, nhưng bản thân tôi chưa nhìn thấy bao giờ. Gần đây có một số ý định dịch quyển này, nhưng mới dừng ở mức độ trích dịch một số đoạn, và đăng tạp chí chuyên ngành.

    La Disparition thì tôi có thể chắc chắn là chưa bao giờ có bản dịch.

    ReplyDelete
  27. Hi, always i used to check web site posts here early in the morning,
    since i like to learn more and more.

    ReplyDelete