Oct 28, 2011

cười như đười ươi xóc lọ

Cười không làm ai bị làm sao, có thể là mỏi miệng một chút, hoặc là mãnh liệt lắm thì làm người ta ngã, nhưng là… ngã từ trên ghế xuống đất, chứ không đến nỗi như những trò mơ mộng bay bổng lơ lửng tận trên mây trên trời rồi diều đứt dây ngã từ không trung xuống đất vỡ cả đầu. Thế mà nhiều lúc cái sự cười này cũng nhiêu khê lắm.

Vài tuần vừa qua, cả xã hội lên một trận cười lịch sử, nhất là trên các diễn đàn và trang cá nhân mà Internet cung cấp cho chúng ta. Trận cười này liên quan đến một cuốn sách có tranh tên là Sát thủ đầu mưng mủ. Người ta cười vì bản thân cuốn sách gây cười cho họ, người ta cười vì cuốn sách gợi hứng cho họ nghĩ ra những thành ngữ mới mẻ (có lẽ chỉ cần đi “hứng” những câu thành ngữ vừa được cộng đồng tạo ra trong mấy ngày vừa rồi là đã có thể làm thêm một Sát thủ đầu mưng mủ nữa), và người ta cười vì những câu chuyện xoay quanh cuốn sách.
Đây có lẽ cũng là lần đầu tiên từ lâu lắm rồi giới trẻ Việt Nam lên tiếng rầm rộ đến vậy, lần đầu tiên họ thực sự trở thành tâm điểm chú ý của xã hội, và cũng là lần đầu tiên người ta thấy cách đặt và nhìn nhận vấn đề của họ từ khoảng cách gần đến vậy, và thấy được họ biết cười đến như thế nào. Hơn thế nữa, câu chuyện đang xảy ra này cũng cho thấy rằng giới trẻ (hay được gọi là “tuổi teen”) Việt Nam mong muốn được đóng góp cho cộng đồng đến thế nào.

Chứng kiến nhiều người cười cùng một lúc như thế, thú thực bản thân tôi thấy đỡ… tủi thân, vì “cầm” cái mục “Nhìn ngược-Nhìn xuôi” đi châm biếm nhiều thứ như thế này, nỗi lo thường trực của tôi là người ta không cười, không thể cười và không muốn cười nữa. Trong Sát thủ đầu mưng mủ tôi nhìn thấy rất nhiều khả năng châm biếm của những người tuổi đời rất khiêm tốn, họ bình luận ngắn gọn về xã hội: “Trăm lời anh nói không bằng làn khói @” và họ bảo: “Thất bại vì ngại thành công”. Họ cũng rất cao cường trong sự đáp trả những cáo buộc về “nhảm nhí”, “vi phạm thuần phong mỹ tục”, rồi những đòi hỏi về “giữ gìn sự trong sáng cho tiếng Việt” rộ lên từ tứ phía: những bức tranh biếm họa mà cộng đồng họa sĩ (đã rất lớn mạnh trong giới trẻ, trong đó có những tên tuổi đã xuất hiện ở cả nước ngoài) vẽ ra để ủng hộ đồng nghiệp Thành Phong, nhiều bức xuất sắc hơn những bức từng được giải biếm họa báo chí toàn quốc; những bức thư ngỏ của những cô bé cậu bé tiết lộ họ thấy bức bách làm sao vì những dạy dỗ cứng nhắc và nhẹ nhàng nhưng đanh thép đòi quyền được lên tiếng. Bên cạnh đó, tuyệt đại đa số chuyên gia ngôn ngữ học từng lên tiếng trong mấy ngày vừa qua thể hiện bao dung, thậm chí “nâng niu” sản phẩm của ngôn ngữ cộng đồng này.

Tôi cũng hơi tủi thân vì giới trẻ ngày hôm nay lên tiếng được một cách hào hùng như vậy, đa dạng phong phú và hài hước như vậy, chứ với những gì thể hiện ra bên ngoài, thời của chúng tôi sau này thường bị đồng hóa như là một “thế hệ Hoa Học Trò”, nhìn đâu cũng chỉ thấy những vẩn vơ suy tư, thương nhớ âm thầm, tình cảm ướt rượt của Hương Đầu Mùa, Mực Tím vân vân và vân vân… trong khi sự thật đâu phải vậy. Nhìn vào Sát thủ đầu mưng mủ có thể thấy chắc chắn nhiều câu thành ngữ rất ác chiến là sản phẩm của thời chúng tôi, tức từng là tuổi “teen” cách tuổi “teen” bây giờ chừng trên chục năm. Thế mà vì không được bộc lộ đầy đủ, bây giờ tôi chỉ còn biết thở dài ghen tị.

Thở dài ghen tị, và đồng thời cũng lo lắng cho tiếng cười mới bắt đầu được nghe thấy của những người còn rất trẻ kia biết đâu sẽ không được thoải mái mà “phát huy”. Có vẻ rất nhiều người đã quên mất khả năng cười, họ nhân danh cái này cái kia lên án rất kinh, họ không nghĩ cười là một thứ “tuyệt vời ông mặt giời”, và cũng có cả những người dường như sợ tiếng cười làm họ ngã rơi khỏi cái ghế chức quyền của mình.

Hay họ nghĩ thời lạm phát này, nhịn được cái gì đỡ cái đó. Hay là ta nhịn hẳn khoản cười, vì cười rất là xa xỉ.

Nhưng trong số các loại nhịn kinh điển, nhịn cười thuộc hàng khó làm nhất. Muốn lắm lắm có khi cũng không nổi.

20 comments:

  1. Chào chị! Em đang tìm 3 cuốn sách bản Tiếng Việt : "Câu chuyện Singapore"-"Từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nhất: Câu chuyện Singapore" của Lý Quang Diệu/ "Con đường dài đến tự do" của Nelson Mandela nhưng mãi không được. Nếu chị biết xin chỉ giùm địa chỉ mua sách. Cảm ơn nhiều!

    ReplyDelete
  2. Anh Dũng ơi, sao càng ngày càng ghê gớm thế? Cứ tưởng là nhu mì lắm cơ :)

    ReplyDelete
  3. longhai: mấy quyển đấy xuất bản cũng lâu lâu rồi, bạn thử tìm ở các hàng sách cũ xem

    ReplyDelete
  4. "Chị" Nhị Linh thân mến, trong toàn bộ những bài viết về "Sát thủ đầu mưng mủ", bài dưới đây là bài mà em thấy tuyệt đỉnh kungfu nhất đấy:

    http://vn.360plus.yahoo.com/jw!2GsVUjWWER77G51qNPWHBz0aDC0-/article?mid=6611

    ReplyDelete
  5. Em nghĩ người ta muôn đời chê giới trẻ mà.

    Còn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thì là một câu vô nghĩa rồi. Vì bản thân ngôn ngữ không biết thế nào là sáng là tối, chỉ có người ta dùng theo hoàn cảnh nào mà thành trong sáng hay không thôi. Ví dụ như thơ Hồ Xuân Hương đấy, có bắt bẻ được chữ nào không, mà có ai dám gọi là trong sáng? (trừ các bác viết sách giáo khoa ;) )

    Màu sắc của ngôn ngữ là từ cách nhìn của người dùng mà ra. Nếu nó không trong sáng, có lẽ là vì người ta nhìn thấy những khoảng tối. Mà có những người lại chỉ muốn người ta nhìn thấy màu hồng, hay màu trong sáng gì đó thôi.

    ReplyDelete
  6. "Sát thủ đầu mưng mủ" mà được in thì có lẽ sau này khỏi mua sách Nhã Nam. Những câu "thành ngữ" đó đầy rẫy trên mạng, không biết nguồn gốc, được sao chép lại bằng cách nhặt mỗi nơi một tí rồi vẽ thêm tranh minh họa (nhiều khi minh họa còn ngớ ngẩn, thậm chí sai) .. Tôi chẳng hiểu có gì hay ho mà đi bàn tán nhiều vậy. Các bác (gồm cả bác Nhị Linh) cứ lượn ngày vài lần qua các diễn đàn tuổi teen, đảm bảo tìm được ối thứ có thể in chung với Sát thủ đầu mưng mủ đấy. Ôi trời ạ.

    ReplyDelete
  7. Sau khi chúa trời tạo ra ra con người và ban cho hắn một số điều(có điều hay và cũng có điều dở)trước khi cho con người xuống hạ giới - Chúa trời còn định dặn dò thêm nhiều điều nữa. Nhưng con người đã bảo: Tránh đường ra, lão già!
    Tránh đường ra, những lão già.
    Tại sao không?
    Tôi thuộc thế hệ 7x và đồng tình với quan điểm của tác giả và chú tinkhotin .
    Mình xin bài này về nhà nhé? không cho vẫn sẽ cop hehe..

    ReplyDelete
  8. A hóa ra bác Pé Tin Cute ở trên là đặc phái viên của tinkhotin ạ? Hân hạnh chào các bác :p

    ReplyDelete
  9. dạ em chỉ là phóng viên thực tập thôi ạ, hihi, trẻ con chưa biết gì nói năng sai thì mọi người lượng thứ nha

    ReplyDelete
  10. "nhìn đâu cũng chỉ thấy những vẩn vơ suy tư, thương nhớ âm thầm, tình cảm ướt rượt của Hương Đầu Mùa, Mực Tím " - tui chưa bao giờ thích, và ngày nay đã ngán cái thứ này kinh hoàng :-P Kể cả sự iu đương quằn quại theo kiểu "Xin lỗi em chỉ là..." :-P Mặc dù tui 7x.

    Hay là ta làm một hành động thiết thực đòi quyền xuất bản cho Sát thủ... đi. ÍT nhất, nó là quyền được tư duy khác biệt của thế hệ @

    ReplyDelete
  11. Mượn diễn đàn này của bạn NL:

    Dân tộc Việt nam cần, rất cần sự thay máu trong tư duy. Dũng cảm vứt toẹt những thứ lãng đãng sáo rỗng, đạo đức ác độc, truyền thống mỏ nhọn, (à không, nhỏ mọn ), hình thức nửa vời, bảo thủ trì trệ, nhị nguyên lủng củng của truyền thống... Rất cần thu nạp sự chặt chẽ, sáng suốt, hài hước, cá tính, lý tính một cách duyên dáng, nhất là quyền tự do phát hiện, sáng tạo phi truyền thống.

    Truyền thống duy nhất đáng giữ là tình yêu thương gia đình, mà cái này thì rất cần sự hài hước và tôn trọng cá tính của nhau :-)

    ReplyDelete
  12. Hihi, mình khoái Nhị Linh ghê gớm hơn là nhu mì

    ReplyDelete
  13. xin thưa em rất nhu mì/chỉ là em thích hì hì đười ươi :p

    ReplyDelete
  14. (Xin phép chủ nhà nhé.)
    Uí chà!
    Titi dữ vậy. Tôi nghĩ không làm một nhát được. Thậm chí riêng thế hệ 7x thôi đã không tự "thanh lý môn hộ" được rồi". Tuy nhiên vẫn ủng hộ..hehe..

    ReplyDelete
  15. Tôi thì đánh giá cuốn sách là vô thưởng vô phạt có đôi phần nhảm. Lẽ ra cũng chả cần làm ầm lên rồi cấm đoán này nọ làm gì vì cuốn này chả có gì phải cấm mà nó cũng chả đáng được cấm. Nó cũng chả phải là cái gì để Nhã Nam tự hào cả (kể cả sau khi bị cấm). Đó là còn chưa nói đến chuyện đúng sai của NN về dư luận nói rằng số bản in cao hơn giấy phép hay NN còn chưa thông báo NXB Mỹ Thuật điều này điều kia vân vân. Điều hơi giật mình là một số phát biểu xung quanh chuyện này chẳng hạn của ông phó GĐ NN (tên gì quên mất) đại ý nói NN trước cũng phát hành nhiều cuốn sách có ý nghĩa giáo dục mà không ai để ý. Ủa, vậy là sao? Chẳng lẽ có thể nói: Tôi sống 50 năm kg làm điều gì xấu thì kg ai để ý, giờ tôi làm điều xấu sao ai cũng lên án chăng?

    ReplyDelete
  16. Theo tôi hiểu NN có bảo họ làm điều này (Xuất bản "Sát thủ...") là xấu đâu. Họ bảo muốn đọc câu "Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ" có chỗ của nó, và những câu trong "Sát thủ..." cũng có chỗ của nó trên đời; và ý rằng khó lòng quy kết một nxb chỉ vì một cuốn sách bởi những gì họ làm thực tế rộng hơn như thế, độc giả phải đọc nhiều hơn mới cơ hồ bình luận trúng!

    ReplyDelete
  17. Hừm.
    Vấn đề không phải là cuốn sách - in hay không in - xuất bản hay không - thực tế nó vẫn tồn tại thôi. Vấn đề là tư duy cổ hủ của thế hệ chúng ta và trước nữa - nó xơ cứng, vô hồn, sặc mùi kinh viện và độc quyền chân lý. Ví dụ như đòi hỏi "thành ngữ" phải có nguồn gốc xuất xứ
    còn hàng hóa tiêu dùng thì không.
    Chú 5xu nói đúng đấy: Cái cần mọi rợ thì văn minh/cái cần văn minh thì lại mọi rợ.
    " Rất cú! - nhưng lại sợ là chủ nhà nên không dám...hehe ---->tên tôi là đỏ"

    ReplyDelete
  18. “Trăm lời anh nói không bằng làn khói @”.

    Có những sự trùng hợp về tư tưởng rất là sửng sốt. Câu trên tôi mới biết khi đọc/xem một số trang của Sát thủ đầu mưng mủ. Hồi xưa ở quê tôi (thời giữa thập niên 1980 đến đầu 1990), thời mà công nhân đi làm ở Đức hay đem Simson về, người ta thường có câu: "Ba năm dụ dỗ không bằng tiếng nổ Simson".

    ReplyDelete
  19. "Cái gì càng cấm thì người ta càng thích đọc..." Hihi... Riêng cá nhân tui, tui vẫn rất thix hầu hết các cuốn sách của NXB Nhã Nam hơn những nhà xb khác, Sách đẹp trang nhã và lạ... hehe... Tks a NL. Have fun.

    ReplyDelete