Oct 12, 2011

Hồ Anh Thái không viết tiểu thuyết


Cuốn tiểu thuyết mới nhất của Hồ Anh Thái, SBC là săn bắt chuột (NXB Trẻ), hẳn khiến nhiều người, nhất là những người ưa thích phong cách của ông (một phong cách rất chịu khó thay đổi), thấy thú vị, thậm chí rất thú vị, và quả thực đã nhiều người lên tiếng khen ngợi. Đây là một tiểu thuyết đầy nhạy bén, tiết tấu nhanh và rất mềm mại, uyển chuyển. Nhưng theo tôi, dự định về đọc một cuốn tiểu thuyết nhanh chóng chuyển hướng sang một chuyện khác: người ta đọc để đoán xem nhân vật (các nhân vật chính: Chàng, Nàng, cô Báo, chú Thơ, Đại Gia, ông Cốp, Luật Sư, Thư Ký, Giáo Sư; ngoài ra còn có một tuyến nhân vật chuột, chủ yếu gồm Chuột Trùm và hai bà vợ, cùng Chuột Quang) là những ai ở ngoài đời thật.

Bởi trên thực tế, tuyệt đại đa số nhân vật người ở đây đều bước thẳng từ cuộc sống thực vào truyện, có những chỗ tác giả còn không mấy nhọc công gia cố tính chất hư cấu. Chẳng cần quá rành về một số giới cũng dễ dàng nhận ra một ai đó trong câu chuyện mà Hồ Anh Thái kể, thậm chí có những lúc nhà văn còn dùng câu chuyện nhằm “tính sổ” cho vài vụ việc mà ông từng gặp trong đời.

Cái đáng nói là liều lượng của thủ pháp này (nếu có thể gọi đây là một “thủ pháp). Không ai cấm nhà văn lấy nguyên mẫu ngoài đời để xây dựng nhân vật, nhưng Hồ Anh Thái đã quá đà (theo tôi, nét nổi bật của SBC… chính là tính chất quá đà). Khi nhân vật nào của cuốn tiểu thuyết cũng có thể nhanh chóng suy ngược ra con người có thực, với một nồng độ tiểu sử thực tế rất đậm, thì rất khó nói một cuốn sách mang danh hiệu thể loại “tiểu thuyết” trên bìa vẫn còn đúng là tiểu thuyết. Ngoài một số chỗ nhào nặn, hư cấu thêm, hoặc ghép đặc điểm, nét tiểu sử của nhiều người vào cho một nhân vật, có thể nói rằng toàn bộ SBC… là một chuỗi người thật được ghép vào một câu chuyện không thể nói là không hấp dẫn xung quanh chuột và chuyện diệt chuột. Cách làm này khác xa ý hướng về một cuốn tiểu thuyết, mà nếu không sợ quá lời tôi sẽ nói nó gần với phong cách những tờ báo viết về chuyện thật nhưng đề tên đối tượng là X là Y là Z hơn.

Tham vọng của Hồ Anh Thái là đưa ra một bức tranh biếm họa nhiều hạng người trong xã hội, nhất là cái xã hội ngày nay người ta hay gọi là “thị dân”. Một tham vọng rất lớn thể hiện ở tên 11 chương rất rõ tính chất hoạt kê ngay từ tiêu đề: “Ai sợ chuột đừng đọc chương này”, “Ai giàu xổi đừng đọc chương này”, “Ai giáo sư đừng đọc chương này”… và lẽ ra nó cũng có thể rất thành công ở phương diện hoạt kê nếu thể hiện được sức mạnh của hư cấu, nhưng bởi không như vậy, cuốn sách này giống như một tập hợp tiểu phẩm mắc chứng đùa dai và cũng không mấy hài hước. Vì tham vọng bao quát quá lớn, trong SBC… ta thấy vô số sự kiện mới đây như trận lụt ở Hà Nội, chuyện người vùng nào đó ăn đất, cho đến cả chuyện hôi của từ xe chở hàng ở ngoài đường, tất cả được cố gắng nhồi nhét vào bên trong một dung lượng tương đối nhỏ.

Nó không hài hước chính vì nó quá cố hài hước. Nhìn từ khía cạnh ngôn từ, sự “quá đà” của Hồ Anh Thái thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. SBC… chính là một phản ví dụ lớn cho những ý kiến lâu nay vẫn tràn lan trong giới nhà văn nhiều kinh nghiệm mỗi khi muốn “truyền đạt” lại điều gì đó cho thế hệ sau. Lời khuyên của họ, rằng nhà văn trẻ phải giàu trải nghiệm, rằng nhà văn trẻ phải thu thập vốn sống, rằng cuộc sống thì sôi động và nhiều vấn đề thế kia sao không lặn ngụp trong đó vân vân và vân vân, lời khuyên ấy hóa ra lại là rất nguy hiểm. Bởi ngay một nhà văn lão luyện, tác giả của rất nhiều tác phẩm trong đó không ít xuất sắc như Hồ Anh Thái, do quá say mê theo dõi cuộc sống, đã bị nó hớp hồn giống các nhân vật trong SBC… mất trọng lượng khi nhìn vào mắt Chuột Trùm. Nhà văn quá say mê đời sống mà không tự tạo cho mình độ lùi cũng có thể dẫn tới những tác phẩm duyên dáng mà vẫn lẩm cẩm, tung vào vô số chuyện cười mà vẫn rất mực nhạt nhẽo.

Những câu như: “vô tư hồn nhiên, gọi tắt là vô hồn” (tr. 11), những cách nói đường phố: “minh hồi”, “kẹp díp với bồ” rồi “chia sim rẽ dế”, những thành ngữ kiểu mới: “nuôi ong tay áo nuôi cáo trong nhà nuôi ma trong máy tính” (tr. 75) được dùng quá tràn lan và với niềm thích thú quá lớn nhưng lại thiếu sức mạnh của hư cấu không thô ráp, xù xì nổi mà cứ trơn chuội đi. Hình như Hồ Anh Thái đi ngược lại chính lời “tự răn” của ông về nghề văn được phát biểu rất rõ ràng ở trang 107 của cuốn tiểu thuyết: “… người viết văn không phải vì thế mà bạ gì cũng viết. Biết sử dụng chữ cũng phải thận trọng như biết dùng súng dùng dao. Không khéo thì sẩy tay cướp cò. Trúng vào người vô tình ngang qua. Trúng vào chính mình […] Chớ viết nhờn tay quen tay. Chớ viết vì ngứa chân ngứa tay ngứa da đầu”.

Cao Việt Dũng

15 comments:

  1. Có thế chứ. Đọc SBC không thể đọc tiếp mà chẳng biết vì sao. Qua bài này, đã rõ. Vote cho bài viết này!

    ReplyDelete
  2. Chả lẽ lại đọc để đoán xem who is who nhỉ :))

    ReplyDelete
  3. Goldmund: may tí nữa thì mua à :))

    ReplyDelete
  4. Goldmund: Nhờ bài này mới thấy mặt bác to đùng trên báo SGTT nói chuyện dịch dọt :))

    ReplyDelete
  5. :)không nhớ vụ mũi tên né à

    ReplyDelete
  6. Các bác đọc có khi lại thích đấy, tôi cũng chẳng biết được.

    ReplyDelete
  7. Em thích HAT thủa " Người và xe chạy dưới ánh trăng " và " Tự sự 265 ngày" , có lẽ do cảm xúc tuổi 16 . Lạm dụng ngôn từ , bẻ đôi câu chữ , theo em, là một kiểu làm dáng rất nhạt của các nhà văn hiện giờ . Kiểu đùa dai của HAT gần giống với cách Lê Hoàng sử dụng câu thoại "ép" khán giả phải cười . Uhm, thời của Hồ Xuân Hương , Nguyễn Khuyến , Trạng Quỳnh ,... các ông thầy đồ ưa chơi chữ qua lâu rồi .

    ReplyDelete
  8. "tác giả của rất nhiều tác phẩm trong đó không ít xuất sắc" câu này có hoàn toàn thật lòng không bác, hay là...:D

    ReplyDelete
  9. Hồi tôi còn nhỏ, truyện ngắn của Hồ Anh Thái (truyện người đứng một chân ở làng chẳng hạn) là cả một phát hiện lớn của tôi. "Tiếng thở dài qua rừng kim tước" hay "Tự sự 265 ngày" tôi đều thấy hay.

    Bài khi lên báo đổi tên thành "SBC: tiểu thuyết hay biếm họa?" có vẻ làm giảm mức độ phê phán, nhưng theo tôi nói như vậy lại xuất hiện hàm ý mỉa mai, điều đó khác với ý định của tôi (không có một chút mỉa mai nào).

    Nhưng thật ra, SBC tôi thấy chưa tệ bằng "Cõi người rung chuông tận thế".

    ReplyDelete
  10. Hồ Anh Thái luôn là một nhà văn hot, cũng như chuyên mục gặp nhau cuối tuần ngày xưa. Kỉ niệm dã man nhất với em là, gần chục năm trước, vì đọc truyện "Món tái dê" mà đến giờ vẫn chưa dám ăn thịt dê, sic. Sau này không đọc nữa, nhưng đọc bài này thì phát hiện ra: nói thẳng về một cuốn sách bây giờ là cả một vấn đề:D (Hihi, ví dụ nhan đề trên báo nghe có vẻ một bài ...khen)

    ReplyDelete
  11. "Nhưng thật ra, SBC tôi thấy chưa tệ bằng "Cõi người rung chuông tận thế". ..
    tâm đắc nhất câu này bạn Nhị à, hí hí.
    Mình đã đọc phải cái cuốn tệ nhất ấy, từ đấy tránh luôn cho nó lành. KHông hiểu sao bác ấy vẫn rất hot?

    ReplyDelete
  12. Tập truyện ngắn "Tiếng thờ dài qua rừng kim tước" rất hay mà!!!! Có lẽ bác ấy k hợp với tiểu thuyết thôi!!!!!

    ReplyDelete
  13. Tớ đồng ý, Tiếng thở dài qua rừng kim tước hay hơn cả, về sau HAT thay đổi cách viết và chuyển giọng, trở nên hot vì phù hợp với văn hóa đại chúng và người đọc bình dân, nhưng Cõi người rung chuông tận thế, mặc dù có một ước vọng lớn lao thực hiện công lý và thể hiện tính nhân văn nhưng sự lộ liễu luận đề và sự đi quá đà của ngôn ngữ làm cho cuốn này trở thành cái áo rộng thùng thình của thầy tu. Cá nhân tớ thấy SBC khá hay, một sự tổng hòa những ưu thế của HAT: hài hước và sắc sảo, huyền ảo và hiện thực, hâu hiện đại và trữ tình lãng mạn. Mọi thứ hơi chênh vênh một chút,như đi trên dây, nhưng cuối cùng cũng được thỏa mãn. Hehe, tớ phản biện ý kiến của NL nhé.HN

    ReplyDelete