Nov 18, 2011

chả dễ

Bởi Hà Nội rất nắng vào mùa hè và rất lạnh vào mùa đông. Bởi đi ngoài đường hay bị ve bậy lên đầu hoặc bị tài xế taxi đòi đến già nửa chục triệu đồng cho một cuốc đi vài cây số, vào quán ăn thì lại thường bị chửi. Hà Nội thật không đơn giản Hồ Gươm liễu rủ, “dáng kiều thơm” hay “sương tỏa vào phố từ phía bờ sông” (Trần Đăng - Một lần tới thủ đô) mà còn có đội “quân khu thủ đô” đông đảo rất là “đầu gấu” (đợt truy quét hùng hậu vừa rồi của cảnh sát chỉ loại trừ đi được một phần nhỏ) và không những thế người Hà Nội còn hay nói ngọng l với n. Nhìn chung là một môi trường sống không mấy hiền lành.

Môi trường ấy không đơn giản, nhất là với người nước ngoài. Thành thử gần đây đã có một phụ nữ người Úc lên tiếng bằng cả một cuốn sách. Người phụ nữ ấy tên là Carolyn Shine và cuốn sách của cô mang nhan đề Single White Female in Hanoi (Phụ nữ da trắng độc thân ở Hà Nội) kể về chặng đời hơn một năm tại Hà Nội cách đây quãng mười năm. Carolyn Shine tới đây ở và đến cuối cùng phải tuyệt vọng thốt rằng tham vọng giao thoa văn hóa của cô đã tan thành mây khói. Nói một cách đơn giản, cô gái Úc nhận ra chân lý xưa cũ mà Kipling từng phát biểu: Đông là Đông mà Tây là Tây, và ngay cả khi mang trong mình những dự định và một sự cởi mở to lớn, cô cũng không sao làm được người Hà Nội hiểu mình và mình hiểu được người Hà Nội, rào cản văn hóa đơn giản là quá lớn không thể vượt qua.

Câu chuyện của Carolyn Shine còn bao gồm nhiều nhận xét về người Việt Nam, nhất là đàn ông Việt Nam, lại viện dẫn cả Khổng giáo và truyền thống gia đình. Những nhận xét của Carolyn Shine chắc chắn không làm đàn ông Việt Nam (nhất là đàn ông Hà Nội) vừa lòng, vì cô cho rằng họ mãi mà không chịu trưởng thành, cứ nằm mãi trong vòng tay ôm ấp của gia đình.

Câu chuyện đáng kinh ngạc (với người phương Tây, và cả với người Việt Nam) đã được cả CNN lẫn BBC nói tới. Và thêm một điều đáng kinh ngạc nho nhỏ: trong khi cuốn sách của Carolyn Shine nói đến khác biệt văn hóa, thì với cư dân Việt Nam trên mạng (chủ yếu đàn ông) thì đơn giản người phụ nữ này cần phải mang ngay biệt danh “cô Tây ế”, có lẽ vì Carolyn Shine quá nhấn mạnh vào sự vô vọng trong việc một phụ nữ phương Tây da trắng tìm được một “đối tác” đàn ông Việt Nam. Rất may là gần đây cô gái Úc (giờ thêm nhiều tuổi kể từ “trải nghiệm Hà Nội” của mình) trả lời phỏng vấn cho biết cô đã có người yêu và không hề có ý định tìm một người đàn ông Hà Nội nào cả.

Carolyn Shine làm sôi động các diễn đàn trên mạng vì rất hiếm khi có lời bình luận của phụ nữ phương Tây dành cho đàn ông Việt Nam, trong khi đàn ông phương Tây bình luận về phụ nữ Việt Nam thì ôi thôi là nhiều, cũng có vô cùng nhiều cuộc kết hợp đàn ông phương Tây-phụ nữ Việt Nam mà kết quả có khi lung linh hạnh phúc nhưng cũng không hiếm lúc cay đắng tan tành.

Nhìn từ một khía cạnh khác, môi trường sống ở Hà Nội với tất cả những hay, những dở của nó có lẽ cũng đòi hỏi những quan sát, thay đổi, thông hiểu từ phía những người có ý định gia nhập cuộc sống ở đây, trở thành một thành viên của nơi này. Khi mà người Hà Nội bắt đầu thấm thía nỗi khổ của cái sự cứ bị khách du lịch chĩa máy ảnh vào mặt ngay giữa lúc tắc đường căng thẳng gay cấn, mỗi xăng ti mét nhích được là một chiến công anh dũng, nỗi khổ của khu vực vòng quanh Bờ Hồ cứ lũ lượt các đoàn xích lô chặn hết cả đường đi lối lại, thì cũng đã chấm dứt chuyện trẻ con ngoài phố lũ lượt chạy theo ông Tây bà Đầm để… xem và chỉ trỏ.

Chỉ có điều, không hẳn người nước ngoài sống ở Hà Nội nào cũng “giữ được mình”. Cuộc sống ở Hà Nội có cái gì đó mang sức mạnh đồng hóa to lớn đến đáng sợ. Theo quan sát của cá nhân tôi, hiện nay những người không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy trên đường phố Hà Nội, ngoài các “đầu gấu phố cổ” cưỡi SH, A còng, còn có một lực lượng không nhỏ người nước ngoài. Cảnh sát Hà Nội thường không chặn những người này, có lẽ vì họ nhút nhát do kém tiếng Anh. Ông Đinh La Thăng ơi, hay là…

Có lần tôi từng tận mắt chứng kiến một ông Tây đích thị vừa đi xe máy vừa chửi (bằng tiếng Việt, ngôn ngữ vô cùng chuẩn và cũng vô cùng đường phố) suốt một thôi dài, sau khi bị một người đi đường chỉ tay lên đầu ý hỏi mũ bảo hiểm đâu mà không đội vào.

-----------
bài Tom Hanks hôm trước phí của giời, lười nên viết muộn, thành thử mất cả độ hot, chẳng ai còn nhớ tờ báo nào tung câu hỏi khán giả Việt Nam đòi tiền nhà sản xuất phim, hề hề, tờ Tuổi trẻ đấy

con laptop gần chục tuổi đầu của tôi sống với tôi lâu nên đã thành con dế lương tâm của tôi :p nó biết ngăn chặn những cái sự quá khích của tôi, nên từ lâu lắm rồi nhất định không cho tôi vào trang của Tuổi trẻ, thôi hẳn được xem các bạn bên ấy trình diễn đủ các khía cạnh của mô ve gu

may mà còn vào được trang của ông Trần Hữu Dũng hehehe

13 comments:

  1. Kính Nhị Linh
    Mấy entry vừa rồi mang tính học thuật nhiều quá, không hiểu mấy nên chẳng dám lên tiếng!
    Xin phép tranh luận tý nhá.....

    1.'Người Hà Nội còn hay nói ngọng l với n'.
    Mình không hiểu khái niệm Người Hà Nội ở đây nhưng nếu xét khu vực nội thành thì phản đối.
    2.'Nhìn chung là một môi trường sống không mấy hiền lành.'
    Theo mình thì con người không mấy hiền lành trong giao tiếp thông thường. Nhưng khi cần bày tỏ quan điểm rõ ràng thì lại hiền dưới mức lành..hehe...
    3.'Cuộc sống ở Hà Nội có cái gì đó mang sức mạnh đồng hóa to lớn đến đáng sợ'
    Cái này thì mình phản đối hoàn toàn. Câu này làm mình nhớ tới lời Bách(Bá) Dương trong "Xấu lậu đích Trung Quốc nhân". Mình thấy bóng dáng AQ...Nhị Linh người Hà Nội à ...Khất lỗi nhé!!!

    ReplyDelete
  2. Have to go to Starbucks to access TienVe, DaMau and DienDan. Dunno why, hic.
    GC

    ReplyDelete
  3. nội thành nói ngọng l n điên đảo bác ơi :p

    ReplyDelete
  4. ..Hihi..Đúng vậy, nhưng tôi bảo đó không phải nói ngọng thì sao? Ở miền bắc chúng ta phải nói từ " ruộng rau" thế nào? Ở miền nam chúng ta phải nói từ "việt cộng" ra sao?
    Đùa bác chút thôi. Ý tôi muốn nhấn mạnh là "HANOI" thực sự có cái gì và sức đồng hóa của nó ra sao mà làm bác sợ?
    "Tôi sống ở HANOI nhưng sẵn sàng tranh luận vấn đề này - chấp dân HANOI ném đá luôn ..he..he?

    ReplyDelete
  5. Tôi thích phong cách Nhị Linh lắm.Tuy nhiên ở bài này, câu "không những thế người Hà Nội còn hay nói ngọng l với n." của bạn làm tôi bật cười.Báo chí đã từng có một tranh luận nho nhỏ về việc người được gọi là người Hà nội sẽ phải như thế nào?. Không phải cứ đến ở Hà nội vài năm là người Hà nội (rất tiếc số này hiện chiếm 8/10 dân số Hà nội)thành ra nhận xét của bạn mất đi tính khách quan để không rơi vào tầm thường.

    ReplyDelete
  6. Hì, tôi cũng chỉ dám nói là "có cái gì đó" làm cho nhiều bạn Tây đến đây ở một thời gian thì mất hết vẻ văn minh lịch sự, "cái gì đó" là cái gì cụ thể thì tôi cũng chịu, lờ mờ nhận ra thôi chứ gọi rõ tên thì không nổi.

    ReplyDelete
  7. "chấp dân HANOI ném đá luôn"
    Tùng Lâm love tự tin nhỉ?
    Nhưng người Hà nội không chấp bạn đâu khi bạn nói ra điều đó. Người ta chỉ ném đá những người có cái đầu to hơn cục đá thôi.

    ReplyDelete
  8. Còn chuyện ngọng l với n thì tại sao dân HN cứ nhảy dựng lên chối đây đẩy thế nhỉ :p Tôi học từ nhỏ ở HN, trong lớp lúc nào cũng có vài bạn lẫn l thành n hoặc ngược lại hoặc theo trường phái lộn xộn, nghĩa là cả đôi :p Bản thân tôi hồi cấp hai còn bị cô giáo giao trách nhiệm luyện âm cho thằng bạn ngồi cùng bàn, bố mẹ ông bà sống ở HN, để sửa vụ này, nhưng sau chừng vài tuần thì tôi đầu hàng. Mới đây gặp lại, cậu bạn thành đạt lắm, lái ô tô đi veo veo, ít nói hơn hẳn ngày xưa, nhưng vụ l n thì vẫn y nguyên :pp

    ReplyDelete
  9. Mình có một thắc mắc, nếu người nào ngọng l với n thì khi phát âm tiếng nước ngoài có bị sao không??? hello, morning, noon, night, I'm Vietnamese,...

    ReplyDelete
  10. Tâm đắc với câu: "Nhìn chung là một môi trường sống không mấy hiền lành".
    và câu này:
    "Cuộc sống ở Hà Nội có cái gì đó mang sức mạnh đồng hóa to lớn đến đáng sợ".
    Muốn sống ở Hà Nội là phải biết thoả hiệp với cái đáng sợ.
    Ngọng theo tôi hiểu là không thể phát âm chính xác được một âm nào đó. Mà trường hợp này người ta đọc được cả 2 âm "l" và "n" nên không thể gọi là ngọng mà nên gọi là giọng địa phương (tương tự Phú Yên thì đọc "á" thành "é", "ê" thành "ơ"..., Quảng Nam đọc "á" thành "oá", "ai" thành "ưa"...)

    ReplyDelete
  11. Tôi sinh ra ở quê, lớn lên ở HN vài năm, giờ sống ở nước ngoài, mỗi năm về quê và HN 1-2 tháng.

    Ngày trước từ quê ra HN có cái gì đó còn để ngưỡng mộ, đặc biệt là lâu lâu gặp một cô gái ăn nói nhẹ nhàng. Bây giờ ra đường tôi không thể phân biệt được HN có gì khác với ở quê. Có khác là ở quê ít gặp lưu manh hơn (tất nhiên còn vì mật độ dân số ít hơn).

    Chuyện nói lộn l/n thì tôi từng bị (cái gì cũng thành n), nhưng lâu ngày sửa được. Nhưng ngược lại ở HN thì nhiều người giờ cái gì cũng thành l.

    Tuy nhiên có ông nào đó bảo đó là xu thế đơn giản hóa ngôn ngữ. Dần dà người ta sẽ nói thành một âm thôi. Cái này cũng có cái đúng, cũng có cái chưa đúng, vì hiện tượng nhập/tách khá khó hiểu chứ không đơn giản tẹo nào.

    Nói ví dụ, ở Hà Nội khó mà phân biệt được "r" và "d", "d" và "gi", "ch" và "tr", trong khi những âm này thì dân miền Trung nói rất rõ rệt. Bác gì đấy ở trên bảo miền Bắc không nói rõ được "r" và "dz" là chưa đúng. Quê tôi thì phân biệt rõ. Thời các cụ lại không phân biệt được "tr" và "gi", "th" và "s", nhưng giờ thì không ai mắc lỗi ấy nữa.

    Dân miền Trung thì không phân biệt được "?" và "~". Ở miền Nam, không nói rõ được "v" và "dz", có nơi âm "r" còn bị ẩn, ví dụ, "chết rồi" nói thành "chết òi", cũng như người Bắc Kinh không nói được âm "v".

    Còn nhớ ngày xưa nói lộn l/n bị mỉa mai ghê lắm, gần như một "chứng chỉ" bảo đấy là anh nhà quê. Giờ thì thế nào?

    HN vốn là bãi sông, là nơi tụ họp, không phải đất cắm dùi. Cho nên nếu cố bới ra cái gì đó thật đặc trưng, thì cũng chỉ là đặc trưng của một giai đoạn ngăn ngủi nào đó, kiểu như nhiều cụ tiếc nuối thuở trước 54. Giờ thì hết rồi.

    ReplyDelete
  12. Paris ban đầu cũng chỉ là cái mảnh chơi vơi giữa sông thôi mà. Thật ra tôi cũng chẳng biết, mà cũng không có nhu cầu biết, về cái gì là đặc trưng của Hà Nội, và ở một khía cạnh nào đó tôi lại thấy thoải mái vì không dễ dàng chỉ ra một căn cước nào cho Hà Nội cả, tôi thấy như vậy thì dễ sống hơn ở những nơi nghe tên đã thấy cục bộ địa phương gay gắt rồi.

    Giờ ở những nơi nghiêm túc một chút mà nghe thấy lẫn lộn l/n thì đa phần người ta cũng thấy khó chịu, nhưng mà ra đường thì chắc cũng chẳng ai chú ý.

    ReplyDelete
  13. @bạn Anet: có nhiều người ngọng l/n khi học tiếng anh vẫn mắc lỗi này như thường, ví dụ họ nói "Ai lít diu" rất hồn nhiên.

    ReplyDelete