Nov 7, 2011

Hai chữ "truyền bá"

Quyết định ngày 1 tháng Mười một của Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh do bà Trần Thị Ngọc Hương, Chánh Thanh tra Sở, ký liên quan đến tập truyện ngắn Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên (Phương Nam & NXB Hội Nhà văn 2011, in xong và nộp lưu chiểu quý II năm 2011) gây sửng sốt vì nhiều lẽ.

Thứ nhất là mức độ quyết liệt, có thể nói là cứng rắn của nó. Điều này là hiếm thấy trong các vụ việc liên quan tới thu hồi ấn bản phẩm xưa nay. Cách làm ta thường chứng kiến là các quyết định xử lý quy sai phạm về quy trình xuất bản, chẳng hạn tên sách in ra khác với tên sách khi đăng ký, người ký duyệt bản thảo không đủ thẩm quyền, không nộp lưu chiểu hoặc nộp lưu chiểu muộn… mặc dù lý do chính yếu của động thái từ phía cơ quan quản lý có thể là khác. Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông nhận quyết định thu hồi với những lý do rất cụ thể, đi thẳng vào nội dung sách: “truyền bá lối sống dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”.

Điều gây sửng sốt thứ hai là hành động cương quyết này (cương quyết đến nỗi nhấn mạnh rằng “Việc khiếu nại [từ phía công ty liên kết xuất bản cuốn sách, tức Phương Nam] không làm đình chỉ việc thi hành quyết định xử phạt”) được đưa ra rất muộn. Cuốn sách được in và nộp lưu chiểu vào quý II năm 2011, còn quyết định trên đây lại được đưa ra vào giữa quý IV năm 2011. Theo tôi, quyết định này đi ngược lại tinh thần của Luật Xuất bản 2004, được sửa đổi, bổ sung vào tháng Sáu 2008 và bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2009, bởi trong luật, điều 27 và 28 đã quy định rõ về “Nộp xuất bản phẩm lưu chiểu và nộp xuất bản phẩm cho Thư viện Quốc gia Việt Nam” và “Đọc xuất bản phẩm lưu chiểu”, trong đó Điểm a Khoản 1 Điều 27 nói tới thời hạn “mười ngày” của việc nộp lưu chiểu; sang đến Khoản 1 Điều 28 thì rất rõ ràng: “Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đọc xuất bản phẩm lưu chiểu”. Trong thực tiễn, những cuốn sách sau mười ngày mà không có thông báo gì thì coi như là được lưu hành bình thường. Vậy mà Sở Thông tin và Truyền thông đợi đến gần sáu tháng mới ra quyết định thu hồi một cuốn sách. Có cảm giác sự cương quyết của Sở xuất phát một phần từ việc họ đã không hoàn thành trách nhiệm theo luật định. Hành động này cũng cho thấy cơ quan quản lý không mấy coi trọng thẩm quyền chuyên môn của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, nơi xuất bản và cấp phép xuất bản cho rất nhiều tác phẩm văn học.

Tiếp theo, căn cứ pháp luật của Sở là như sau: “vi phạm khoản 2, điều 10 Luật xuất bản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất bản”. Quyết định của Sở trích từ toàn văn Khoản 2, Điều 10 (“Những hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản”) của luật: “Tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục”.

Đến đây ta sẽ thấy nảy sinh điều gây sửng sốt lớn nhất của quyết định nói trên. Để nói tới “dâm ô”, “trụy lạc”, theo tôi cần quan tâm đến hai điều: ý đồ của tác giả và văn phong của tác giả. Đã có không ít nhà văn và nhà phê bình lên tiếng, đại đa số đều khẳng định Nguyễn Vĩnh Nguyên sử dụng yếu tố “tính dục” như “phương tiện” chứ không phải “mục đích”, và điều này đúng. Nhà văn được phép sử dụng tính dục như một yếu tố, thậm chí là thủ pháp trong tác phẩm của mình, chuyện này cho đến nay đã không mấy ai còn xa lạ.

Điều phân biệt thứ hai, theo tôi quan trọng hơn, nằm ở văn phong. Một tác phẩm “dâm ô”, “trụy lạc” theo chiều hướng “khiêu dâm” nhằm đến sự thỏa mãn dục vọng ở người đọc. Lối viết được tác giả mảng sách này sử dụng sẽ nhằm tới việc chiều lòng, ve vãn người đọc, và sẽ thành công nếu làm được người đọc đi từ cơn phấn khích này qua cơn phấn khích (tính dục) khác. Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông hay các tác phẩm khác từ trước đến nay của Nguyễn Vĩnh Nguyên không phải như vậy. Văn phong của Nguyễn Vĩnh Nguyên luôn luôn làm độc giả căng thẳng, mệt mỏi, trêu ngươi, thậm chí nhiều lúc bực bội; tâm trạng ấy không có gì chung với những xung động tính dục đơn thuần, khó lòng khêu gợi những ý nghĩ về khoái cảm xác thịt.

Quyết định của Sở Thông tin và Truyền thông dẫn luật để nói tới việc Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông “truyền bá lối sống…” Điều này, nói một cách thẳng thắn, khá khôi hài. Muốn “truyền bá” một điều gì thì tác giả cần “khuếch trương thanh thế”, tìm càng nhiều độc giả càng tốt, chứ thực tế cứ hỏi các nhà phê bình văn học nhiều quan tâm tới văn chương Việt Nam chừng chục năm trở lại đây thì biết, Nguyễn Vĩnh Nguyên lâu nay đã định danh trong số các nhà văn Việt Nam không nhiều độc giả, nhóm độc giả của văn Nguyễn Vĩnh Nguyên cũng tương đối là những người đủ năng lực trí tuệ để không dễ bị truyền bá điều gì. Nguyễn Vĩnh Nguyên cũng chưa bao giờ là nhà văn tích cực tự quảng bá bản thân hay tác phẩm. Đó là lựa chọn cá nhân của Nguyễn Vĩnh Nguyên, theo tôi là một lựa chọn không dễ dàng, và điều này, nhà quản lý văn hóa không nên can dự vào, nhất là theo một cách thức thô bạo đến như vậy.

Cao Việt Dũng

-----------
Trong vụ việc này, tôi thấy rằng:

- báo chí phần lớn trích dẫn sai nội dung công văn của Sở, một số tờ có chi tiết sai; điều này chứng tỏ ở mảng văn hóa của các báo không có những người thực sự rành chuyên môn, dù chỉ là ở mức sơ đẳng
- một số người làm tôi thấy ngạc nhiên vì đã ở trong ngành xuất bản nhiều năm mà còn phát biểu rất lung tung, chẳng hạn tỏ ra nghi ngờ Bộ Thông tin và Truyền thông không có thẩm quyền trong (những) vụ (như thế) này: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản (2008), và sau đó đã hiển thị trong luật áp dụng từ 1/1/2009 viết rõ: "Thay cụm từ "Bộ Văn hóa-Thông tin" bằng cụm từ "Bộ Thông tin và Truyền thông""
- có người nhân cơ hội mượn gió bẻ măng rất xấu tính, đặc biệt là Lê Thiếu Nhơn
- các báo vẫn còn có thể phát biểu cái kiểu tại sao không kiểm duyệt từ trước rồi khi xảy ra chuyện thì mới blah blah; những nhà báo này thật ra biết thừa có bao nhiêu cuốn sách không ra đời được vì chuyện kiểm duyệt; đã nói kiểu như vậy thì cứ đàng hoàng tuyên bố ủng hộ kiểm duyệt đi, rồi đừng bao giờ đòi hỏi đời sống văn chương sách vở Việt Nam có cái gì nữa

12 comments:

  1. Đọc Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông, đúng là không thể hứng tình được; thậm chí nếu đang hứng tình còn có thể mất hứng vì văn của NVN, đúng như NL nói, làm cho người ta mệt mỏi. Người ta buộc phải nghĩ ngợi, bị vặn vẹo, thậm chí bực tức. Cho nên, nếu đọc cuốn này mà thấy dâm ô, thì cái dâm ô không nằm trong sách, mà nằm sẵn trong đầu người đọc.

    Trong số những người viết văn có nhận xét về cuốn sách, có người xấu tính, có người khệnh khạng. Mà khệnh khạng thậm chí còn "phản cảm" hơn xấu tính.

    ReplyDelete
  2. Hihi, ai bảo Nguyễn Vĩnh Nguyên dám viết bài bênh vực Sát thủ đầu mưng mủ, lại còn phân tích rành rọt hợp tình hợp lý quá thành ra lọt luôn vào tầm ngắm của các bác Thanh tra Văn hóa.

    ReplyDelete
  3. Quyết định thu hồi cuốn này chắc là sản phẩm của bác Hỷ, giám đốc mới của Sở TTTT và cựu Trưởng BQL Khu CNC thành phố.
    Hồi giữa năm nay hòa thượng Thích Học Toán hủy buổi nói chuyện với Khu CNC đúng là chuẩn không cần chỉnh.

    ReplyDelete
  4. Anh Nguyên từ lâu chủ trương tinhjucjatcuc mà, nên người trẻ khó ham, người sung khó nứng, người già khó xơi.:D Em chỉ nghĩ được là, mọi thứ đang mạt quá rồi, ngu dốt và độc ác tỉ lệ thuận. Em có lướt qua mấy nhận xét của những người viết văn và phê bình, cũng ngán. Những người thực sự ủng hộ những người viết ít có, hay là từ ngay trong cộng đồng văn chương đã không thể cùng chia sẻ (bất chấp những thị hiếu văn chương khác nhau, sự đánh giá khác nhau về văn chương của người này người kia). Việc này, không phải chỉ/phải là vấn đề giá trị tác phẩm. Người viết, người đọc có thể trở thành nạn nhân của chính sự không công bằng của mình.

    ReplyDelete
  5. cái vụ so sánh với cái này cái kia, sao cái kia kinh thế thì không thế này thế nọ blah blah cũng dấm dớ, chả khác gì đi chỉ điểm :p

    ReplyDelete
  6. Thấy bảo ra hàng sách hỏi nhỏ là vẫn mua được đấy :-D

    ReplyDelete
  7. ô sao phải hỏi nhỏ? cứ mạnh dạn mà hỏi to chứ, đã đến hạn đâu

    ReplyDelete
  8. tóm lại là đọc có hay không để còn kiếm một quyển?

    ReplyDelete
  9. Chuyện gì ra chuyện đấy chứ bác, đang nói vụ cấm sách, còn thấy hay hay không thì lại vụ khác mất rồi :)

    ReplyDelete
  10. 1, rất khó để thắng được thế lực của kẻ ngu, các bác tự an ủi thế đi.
    2, còn giai Lê Thiếu Nhơn ấy, từ lâu đã là Lê Bất Nhân rồi.
    3, các bác cứ thử lắng tai nghe thì sẽ thấy là yếu tố "dâm ô" ấy, nó nằm trong đầu người đọc cơ, họ đọc thành tiếng những đoạn "dâm ô" và khoái trá cười với nhau. Trong khi cũng có 1 bộ phận mệt mỏi, bực bội với cùng 1 "dâm ô" đấy. Tất cả ở đối tượng tiếp nhận thôi.
    4, Anh Dũng sắp thành luật sư như anh Gỗ Mun rồi :)

    ReplyDelete
  11. Vì đã dại dột tìm đọc mấy quyển mà "dư luận" cho là "có vấn đề", như Cái đầu hói..., Dại tình, Thời của thánh thần, chỉ thấy phí thời gian. Đọc xong phải tống đi ngay. Nếu quyển của NVN đáng đọc thì nhân vụ ồn ào này sẽ ôm sách về, bằng không thì cũng chỉ là câu chuyện cấm sách, thu hồi sách thôi.
    một công dân

    ReplyDelete
  12. tôi chỉ có thể nói rằng đó chính là một khía cạnh tai hại của cách quản lý văn hóa như thế này

    ReplyDelete