Dec 20, 2011

Trả lời phỏng vấn

Được biết công việc chính của anh là nghiên cứu văn học nước ngoài và văn học sử Việt Nam nhưng bạn đọc biết đến anh nhiều hơn với tư cách là một dịch giả. Vậy dịch thuật có ý nghĩa thế nào đối với công việc của anh? Anh làm công việc dịch thuật vì điều đó mang lại cảm hứng nhiều hơn hay vì những giá trị của nó đối với công việc nghiên cứu?

Tôi dịch sách vì thấy cần thiết và vì niềm vui mà công việc này mang lại cho tôi. Tôi ở rất sát ngành xuất bản sách Việt Nam, cũng khảo cứu nhiều về lịch sử xuất bản Việt Nam, tôi biết sách ở Việt Nam tuy nhiều nhưng vẫn thiếu, cần rất nhiều đóng góp. Còn có thể liệt kê ra thêm nhiều lý do, nhưng cốt yếu nhất là việc dịch sách giúp tôi thường trực cận kề với chữ nghĩa, đến mức độ vi mô nhất. Với tôi, năng lực xử lý và phản ứng với chữ nghĩa là điều quan trọng nhất của một người làm về nghiên cứu và phê bình văn học.

Chắc anh cũng quan tâm đến văn học trong nước? Và một thực tế là văn học nước ngoài đang chiếm ưu thế trong thị trường sách văn học ở Việt Nam. Đối với người đọc, và đối với người viết, theo anh điều đó có ảnh hưởng thế nào?

Trong văn học chắc không tồn tại khả năng giống như trong sản xuất-tiêu dùng, là kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Mặc dù vẻ ngoài có là như thế nào, theo tôi văn học nước ngoài ở Việt Nam vẫn còn được tiếp cận theo lối rất phiến diện, chưa làm được gì nhiều với các tác giả quan trọng của thế giới, nhất là những tác giả đặc biệt lớn, những nhà văn đặc biệt giỏi, ở các dòng văn chương thiên về kỹ thuật hơn là nội dung và tư tưởng.

Liệu sẽ có lúc, những tác phẩm văn học xuất sắc với hàng loạt tác giả danh tiếng thế giới sẽ “nuốt chửng” văn học trong nước?

Ngành dịch thuật và xuất bản Việt Nam mới chạm tới lớp vỉa bên ngoài của văn học thế giới. Điều hợp lý nhất mà các nhà văn Việt Nam nên làm là nỗ lực hiểu văn học thế giới. Theo tôi đặc trưng của văn chương là tính hai mặt của nó: văn chương vừa động tới những gì nhỏ nhặt và gần gũi nhất vừa vươn tới những gì phổ quát nhất của loài người, và đến một mức độ nào đó người ta cũng chẳng còn hứng thú hay nhu cầu nhớ quốc tịch nhà văn nữa đâu.

Tôi đã đọc một số bài nghiên cứu, tiểu luận của anh về văn học và dịch thuật, anh có những ý kiến có thể coi là “cực đoan”, ví dụ anh đề cao vai trò của ngôn ngữ hơn vai trò của triết học trong tác phẩm, anh nghĩ sao nếu cần một cuộc tranh luận “sòng phẳng”?

Cũng không hẳn là như vậy, điều tôi muốn nói là văn chương cứ cố đi vào đề tài lớn, luận đề vĩ đại thường xuyên là văn chương thất bại. Thêm một điều nữa, với tôi văn chương đương nhiên là nơi dung chứa cho những điều cực đoan, thậm chí cả điên rồ, nếu không thì văn chương cũng không nên tồn tại làm gì.

Còn nhớ, cách đây chưa lâu, khi bàn về dịch văn học, có ý kiến cho rằng: Để có thể dịch tốt nhất một ngôn ngữ nào đó, tác phẩm của một tác giả nào đó, thì ngoài vốn ngoại ngữ, người dịch còn (hay buộc) phải có sự am tường về văn hóa quốc gia đó. Thậm chí, có người còn cho rằng: Dịch giả nên có thời gian sống tại đó. Điều này, đối với các dịch giả trẻ như anh hôm nay, có cực đoan quá không?

Lẽ dĩ nhiên ai cũng hiểu rằng trải nghiệm thực tế thuộc vào những gì không thể thay thế được. Tuy nhiên tôi nghĩ cũng cần thận trọng ở khía cạnh này: nhiều dịch giả giỏi ở Việt Nam không nhất thiết từng có thời gian sống ở nước ngoài. Có lẽ trong dịch thuật ngoài trải nghiệm thực tế còn tồn tại nhiều điều khác nữa, trong đó có năng lực đặc thù đối với việc thấu hiểu cái xa lạ, cái bên ngoài. Nhưng dẫu vậy, dịch giả thiếu cọ xát với đời sống thực thường không giỏi trong dịch đối thoại và những miêu tả cuộc sống thường nhật.

Đưa văn học thế giới vào Việt Nam hiện đang rất thuận lợi, dễ dàng, với một “đầu ra” khá tốt. Nhưng đưa văn học Việt Nam ra với thế giới thì ngược lại. Anh có sáng kiến hay gợi ý gì chăng?

Điều này thú thực hoàn toàn không nằm trong sự quan tâm của tôi. Tôi chỉ có thể nói là văn học thế giới đi vào Việt Nam cũng không hề thuận lợi, dễ dàng, nếu hiểu rõ về độc giả, cơ chế điểm sách của báo chí. Như đã nói ở trên, theo tôi sự hiện diện của văn học thế giới ở Việt Nam vẫn còn ở mức độ rất phiến diện.

Có những nhà văn gốc Việt đã khá thành công ở nước ngoài, ví dụ như Linda Lê, Thuận, những người đã trực tiếp xuất bản sách ở bên ngoài Việt Nam, liệu đó có phải một “kiểu” để đưa văn học Việt Nam ra thế giới?

Đó không phải là chuyện “đưa văn học Việt Nam ra thế giới”, mà là chuyện tác phẩm có giá trị thì ở bất kỳ đâu cũng có chỗ đứng cả.

Anh được coi là một trong những dịch giả thích dịch những tác phẩm thuộc loại “khó nhằn”, ví dụ như một số cuốn của Milan Kundera, V.S. Naipaul chẳng hạn. Vì sao vậy? Phải chăng sự vất vả trong lúc dịch mang lại hứng thú cho anh nhiều hơn?

Mỗi người có những quan tâm và thế mạnh riêng. Tôi cũng đã thử mở rộng công việc dịch sách ra các mảng văn học trinh thám, sách cho thiếu nhi… và gặp được nhiều hứng thú. Những cuốn sách dịch đầu tiên được xuất bản của tôi cũng là sách thiếu nhi, tôi dịch cho nhà xuất bản Kim Đồng trong khi còn đi học.

Mặc dù là “trí thức tây học”, anh có vẻ rất “đắm đuối” với văn hóa Hà Nội, một điều ít thấy ở những người trẻ, có thể một lúc nào đó nhiều người trẻ sẽ quên lãng nền văn hóa có lịch sử lâu đời của dân tộc mình. Anh nghĩ sao về điều này?

Nếu có cảm tình với nơi mình sống thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn, tôi nghĩ vậy.

Tôi biết anh đang dịch một series bài về “Văn chương lâm nguy”, văn chương thế nào mà lại “lâm nguy” thế? Dự định sắp tới của anh về những cuốn sách sẽ dịch?

Đây là một câu chuyện (khá dài) của giới nghiên cứu văn học ở Việt Nam. Có một cuốn sách mang tên Văn chương lâm nguy của Tzvetan Todorov được dịch ra tiếng Việt gần đây, trong đó tác giả phê phán cách sử dụng lý thuyết văn học tràn lan, quá đà, nhất là trong trường học. Tuy nhiên, lý thuyết văn học, theo tôi, vẫn có chỗ đứng hợp lý và đầy ý nghĩa trong công việc nghiên cứu. Loạt bài liên quan đến chủ đề này cho thấy các nhà nghiên cứu văn học ở phương Tây nghĩ gì về lý thuyết văn học; đa phần họ đều thấy rằng lý thuyết tuy thoái trào trong thời gian gần đây nhưng thực sự đã đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu sâu sắc văn chương; điều này khác hẳn với một số nhà nghiên cứu Việt Nam coi cuốn sách Văn chương lâm nguy là dấu hiệu cho sự sai lầm và cáo chung của lý thuyết văn học.

-----------

Bonus: để mấy cái link nghiên cứu dần :p

Bài chê Eco (bad book etc)

Bài của Trần Thanh Đạm (hơi bị hay) 

PA25 phàn nàn về cách thức tham gia thảo luận trên web

12 comments:

  1. Dạ, em xin mạnh dạn hỏi anh một câu hỏi không liên quan đến bài viết này tý tẹo nào. Hy vọng được anh trả lời. Nhà văn Sơn Táp có thuộc trào lưu văn học Linglei không ạ. Cảm ơn anh.

    ReplyDelete
  2. Em và bạn cãi nhau hoài về chuyện này mà chưa thể ngã ngũ. Thậm chí bạn đưa ra bằng chứng trong một công trình nghiên cứu nhưng em không thể tin Sơn Táp thuộc Linglei. Vậy "ak ak Zì Zậy? " có ý gì vậy ?

    ReplyDelete
  3. Anh nghĩ là không dính dáng gì. Em đợi chị Quách Hiền vào giải đáp cho :)

    ReplyDelete
  4. Đa số ý kiến thì cho rằng: "Văn học "linhlei" (另类文学) (hình như dịch sang tiếng Anh thì là "the New Human" literature, thuật ngữ tiếng Anh này mình không đảm bảo về tính chính xác), dùng để chỉ một trào lưu văn học hình thành vào thập niên cuối thế kỷ XX tại Trung Quốc, với những tác phẩm ghi chép chân thực về một loại trạng thái sinh tồn của những thanh niên Trung Quốc - những người sống bên lề của văn hóa chính thống, những người mang đầy tinh thần phê phán và muốn lật nhào văn hóa truyền thống, những người được truyền thông, báo chí Trung Quốc "âu yếm" gọi là những đứa trẻ của trào lưu "á văn hóa" (subculture). "Văn học linglei" -bị cho là hình thái văn học phi chủ lưu- không chỉ tự giác khu biệt nó với văn học chủ lưu ở các phương diện như: khuynh hướng sáng tác, phương thức kể chuyện và hình thức văn thể, mà ngay trong quan niệm về văn học (thế nào là văn học), nó cũng có sự bất đồng. Nói một cách khác thì "văn học linglei" được xem là một dòng văn học phi chủ lưu có ý thức tiên phong (hay Tiền Vệ) mãnh liệt. Chính vì bị xem là "phi chủ lưu" nên đôi khi nó bị các nhà phê bình văn học cực đoan xếp vào loại "á văn học".

    Theo tớ, xét theo các tiêu chí trên (nào là ghi chép chân thực về một trạng thái sinh tồn của tầng lớp thanh niên, nào là á văn hóa, nào là ý thức tiền vệ, tiên phong) thì Sơn Táp rõ ràng không thuộc dòng văn học linglei. Tác phẩm của Sơn Táp thuộc dòng văn học đích thực, văn học "thuần túy" (toàn những thuật ngữ hay ho, chẹp).

    Tuy nhiên đã có "đa số" thì cũng có "thiểu số". Những người thuộc phe thiểu số này chỉ trích phe đa số là chưa chi cứ nhắng lên, cái gì mà "linglei" mới lại "yilei" (dị loại), khác người ở chỗ nào chứ? Vệ Tuệ ư? Xuân Thụ ư? Ừ, ở Trung Quốc thì có vẻ như lạ đời đấy, nhưng thế giới những tác giả kiểu thế, những tác phẩm kiểu thế đã có từ đời tám hoánh rồi. Tiểu thuyết thì đơn giản chỉ là tiểu thuyết thôi, đọc thấy thích là ngon rồi, cần gì phải phân ra chủ lưu mới lại chả phi chủ lưu, linglei với chả văn học thuần túy. Phe thiểu số này rất chi là khinh bỉ phe đa số, cho rằng, một số bác tung hê mấy em gái thuộc văn học "linglei" quá đáng quá, khiến cho văn đàn bị nhũng nhiễu một thời gian, và vô số em vì thế mà bị mắc bệnh hoang tưởng.

    Đại loại thế. Tớ chỉ nắm được có bấy nhiêu thôi.

    ReplyDelete
  5. Đính chính 1: "Linglei" chứ không phải "linhlei"
    Đính chính 2: "Tung hô" chứ không phải "tung hê".

    Sorry. Hức.

    ReplyDelete
  6. Thế ở VN tác giả nào được cho là linglei hả Quách chuyên gia?

    ReplyDelete
  7. linhlei là lạc loài đúng không nhỉ? thế thì để cho tiện ta xếp hết những quyển nào có tên "lạc" vào đây đi: "Lạc lối thị thành" của Phong Điệp, "Lạc giới" của Thủy Anna à mà quyển này tên đúng là "Điếm trai", "Thất lạc cõi người" í lộn không phải Việt Nam, và tổ sư chính là "Mùa lạc" của Nguyễn Khải :p

    ReplyDelete
  8. Nói thực tình thì em không quan tâm đến văn học "linglei" mấy. Em chỉ đọc cho biết thôi, nhất là giai đoạn đầu, khi văn học "linglei" còn đang được chào đón náo nhiệt ở Việt Nam. Và cũng chỉ đọc được vài quyển là chán ngấy. Em là người ủng hộ truyền thống và cho rằng, phản truyền thống chẳng qua là vì anh chả hiểu gì về truyền thống, anh sợ nó, anh hoang mang, anh lạc lối nên để tồn tại anh phải chống lại nó, thế thôi...:))

    Nếu xét theo đúng mọi tiêu chí của văn học linglei, ở Việt Nam chả có ai "linglei" ling liếc gì hết. Đừng nghĩ trong tác phẩm có nhiều cảnh nóng, cảnh giường chiếu, tư tưởng nổi loạn, phản kháng, chống đối lại truyền thống thì thành linglei. Không,điều tiên quyết để xếp vào "linglei" là: những ghi chép chân thực về chính cuộc sống của người viết(không tưởng tượng), ghi chép về sự sinh tồn của chính tác giả, mà tác giả tồn tại với tên họ của chính mình, sống cuộc đời của chính mình trong tác phẩm, đó là điều đầu tiên, trước khi ta nhắc tới các yếu tố khác của subculture.

    Tuy nhiên, một ghi chú to đùng: "văn học linglei" là tên gọi của các nhà phê bình tự đặt cho dòng văn học đó, chứ bản thân những Vệ Tuệ mí lị Xuân Thụ họ chả quan tâm cái mà họ đang viết thuộc hình thái văn học gì, họ cũng chả bao giờ tuyên bố họ là "linglei", họ chỉ đơn giản là viết, thế thôi. Tóm lại, mọi rắc rối đều từ đám phê bình văn học mà ra. Đám này là chúa rắc rối, động tí là phân loại, thực lôi thôi quá thể. :)) :)) :))

    ReplyDelete
  9. ừ đám này mà cộng vào đám kia (linglei) thì còn lôi thôi gấp đôi ;p

    ReplyDelete