Apr 24, 2013

Báo chí Việt Nam và tôi

(ai còn nhớ "Chiến tranh Việt Nam và tôi" của thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn không nhỉ? :p)

Một ngày, bỗng thấy muốn nhớ lại chuyện xưa. Báo chí Việt Nam và tôi, vốn không xa lạ gì. Không phải chỉ là mối quan hệ ngày nay: cộng tác viết bài, giữ mục cho tờ này tờ kia, rồi oan rồi ấn, mà công việc bên trong một tòa soạn báo, tôi không hề xa lạ.

Quãng 2001-2002, vừa chực thoát chân khỏi một trường đại học, tôi có khoảng hơn một năm thực sự ở trong làng báo, sau kha khá năm cộng tác với vài nơi, nói cho đúng là với vài người, như nhà báo Trần Đăng Khoa trước làm thư ký tòa soạn tờ Văn hóa, sau chuyển sang làm tổng biên tập tờ Điện ảnh kịch trường, giờ làm tổng biên tập tờ Văn hóa, hay nhà báo Phùng Huy Thịnh thời thuộc "nhóm ly khai" bên phụ san Hà Nội ngày nay bao gồm các nhân vật như Hòa Bình, Đặng Huy Giang, có Anh Chi cộng tác chặt chẽ, dưới trướng tổng biên tập nổi tiếng của tờ Hà Nội mới, Nguyễn Xuân Trình. Lê Cảnh Nhạc giờ lừng danh tôi cũng từng gặp tại một tòa soạn tạp chí nào đó trên phố Trần Phú. Tôi vẫn còn giữ lá thư viết tay của thư ký tòa soạn tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn Nguyễn Ngọc Trân, một bức thư rất ân cần làm tôi thực sự bất ngờ khi nhận; lúc ấy tôi còn "nhóc con" lắm. Tôi còn nhớ nhà báo Phùng Huy Thịnh, người sót lại của hồi Quảng Trị 72, chỉ nghe là phân biệt được tiếng từng loại đạn pháo và cực mê "Bài thơ của một người yêu nước mình", từng đưa tiền nhuận bút bài viết cho tôi và bảo: "Tao tính nhuận bút cho mày ngang cỡ vụ trưởng đấy nhé". Tổng kết lại, báo chí Việt Nam trong Nam ngoài Bắc, những tờ có thể gọi tên ngay mà tôi chưa hề có quan hệ bài vở, chắc chỉ có Tiền phong và Tuổi trẻ. Ngay tờ báo có tuổi thọ rất ngắn Thanh niên thời đại của nhóm (cũng ly khai) Chánh Trinh Lý Quý Trung tôi cũng có chút tham gia.


Chân tập sự đầu tiên của tôi là ở Đài Tiếng nói Việt Nam. VOV ngày ấy đang ở cuối trào Trần Mai Hạnh, ngay trước kết cục bi thảm và bất ngờ. Sếp trực tiếp của tôi sau lên phó tổng đài, Trần Mai Hạnh thì hồi ấy tôi gặp vài lần, rất ngạc nhiên vì cái phòng Tổng rộng thênh thang mà ông ấy cứ ngồi thu lu. Sau này còn vài lần gặp lại ông Trần Mai Hạnh, vẫn thấy ông có cái dáng điệu thu lu, thêm chút ngơ ngác.

Tôi chuyển khỏi VOV ngay giáp ranh lúc bùng nổ vụ Trần Mai Hạnh. Chuyển khỏi đó là vì ham vui, theo mấy bạn nhà báo chuyển tới tờ Đại đoàn kết có trụ sở rất oách trên phố Bà Triệu, không xa nhà xuất bản Kim Đồng và cứ thẳng tiến là ra phố Hàm Long. Tập sự ở đây khoảng hơn nửa năm, làm đồng nghiệp và bạn bè thân thiết với nhà báo Vũ Minh Hoàn, nhà báo Nguyễn Thành Lân (chồng của nhà báo Hoàng Lan Anh bên tờ Người lao động). Lứa sàn sàn tuổi nhau hồi ấy hay tụ tập ở quán nước xế bên cửa tòa soạn báo Đại đoàn kết, hay có thêm một bạn nữa bên tờ Bóng đá khi ấy mới thành lập và chưa ai tiên đoán được sẽ có một tương lai rực rỡ đến thế, một bạn bên Khoa học và đời sống, nhiều bạn khác nữa. Nhà báo Nguyễn Huy Minh hồi đó còn bên tờ Gia đình và xã hội hay chạy qua đánh bóng bàn, đánh cũng dở nhưng rất máu. Lứa chúng tôi hồi ấy tuy cố làm ra vẻ bất cần đời coi trời bằng vung nhưng thật ra đều rất nể nhà báo Đào (Anh) Tuấn, tức là daotuanddk danh tiếng hiện nay. Đào Tuấn đầu gấu, bắp tay to đùng, chuyên đi viết phóng sự điều tra "rất mả", viết lách thì rất mướt như nước chảy mây trôi, từ khi còn học trong trường báo đã nổi tiếng lắm. Hồi ấy, chúng tôi đọc bài của nhà báo Đức Hiển viết chân dung Đào Tuấn trên tờ Nghề báo, cười lăn câu cuối cùng bảo mỗi ngày Đào Tuấn hút nửa bao thuốc lá, vì chúng tôi đều biết Đào Tuấn hút nhiều hơn thế.

Lê Quang Trang lúc đó mới về làm tổng biên tập tờ Đại đoàn kết, nhìn chung không được lòng anh em trong tòa soạn. Văn Ngọc làm phó tổng, Nguyễn Quốc Khánh là thư ký tòa soạn, chú Lương Duyên Tâm trưởng ban quốc tế, chú Trần Bảo Hưng trưởng ban văn hóa, trong tòa soạn còn có nhà báo Thu Phương con gái ông Văn Tâm, người tình trong mộng một thời của Hoàng Nhuận Cầm, rồi nhà báo Cẩm Thúy.

Ở một tờ báo phổ thông kiểu như vậy, nhân vật chủ chốt chính là các phóng viên như Đào Tuấn. Oách lắm, sức sống của cả tờ báo nương nhờ vào độ tinh quái và khả năng khai thác thông tin của họ. Phóng viên bên mảng văn hóa không có tiếng nói trọng lượng mấy. Tôi thì lênh đênh qua nhiều mảng, không mấy khi viết ở mảng văn hóa; cũng làm phóng sự điều tra, thấy rét hết cả lưng vì nhiều chuyện.

Đến sau này, cuối 2006, khi Đại đoàn kết nằm dưới tay vị tổng biên tập can đảm Lý Tiến Dũng (con trai giáo sư Lý Chánh Trung), thì tôi đã ở cách xa báo chí lắm rồi. Anh Lý Tiến Dũng nhờ Vũ Minh Hoàn và Nguyễn Thành Lân mời tôi đến gặp, nói chuyện một buổi, tính nhờ tôi giữ hộ mảng Quốc tế. Tôi rất cảm động gặp lại anh em một thời, cả Đào Tuấn, nhưng suy nghĩ kỹ thì tôi từ chối. Từ xa, tôi vẫn dõi theo những hoạn nạn của anh Lý Tiến Dũng sau này. Tôi biết anh là một người rất đáng trọng và rất tiếc vì đã không có cơ hội làm việc với một con người như vậy.

Đến thời điểm ấy thì tôi cũng đã có thêm nhiều trải nghiệm báo chí, đọng lại chủ yếu ở vài khuôn mặt: Ngô Thị Kim Cúc ở tờ Thanh niên, Lưu Nhi Dũ thời còn làm phó tổng tờ Người lao động, Dạ Thảo Phương của tờ Lao động, hay anh Nguyễn Trọng Tín, chị Mỹ Lệ của Sài Gòn tiếp thị.

Ngoảnh đi ngoảnh lại, Vũ Bằng thì viết Bốn mươi năm nói láo, Hồ Hữu Tường thì viết 41 năm làm báo, Trần Trọng Kim thì Một cơn gió bụi :p Tôi ngoảnh lại thì cũng đã ngót hai mươi năm báo chí. Gió bụi cũng nhiều đấy.


(Lúc này đây ta không thèm đánh giặc
Thèm uống chai bia thèm châm điếu thuốc
Thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh
Kẻ thù ta ơi những đứa xâm mình
Ăn muối đá mà mê say chiến đấu
Ta vốn hiền khô ta là lính cậu
Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem cuộc chiến như tai trời ách nước)


may mắn mượn được cái ảnh, cám ơn chủ nhân :p


9 comments:

  1. hihi, Chánh Trinh là dân francophile toàn tòng, thời các anh Quang Huy Quang Tùng còn đang "chem-piu-lích" thì cụ đã lên đài Đồng Nai độc thoại World Cup 2002 vào lúc 6h mỗi sáng. Nhớ mãi hôm cụ ngân ngấn "Don't cry for me Argentina"

    ReplyDelete
  2. NGUYỄN BẮC SƠN chỉ có 1 tập thơ đó trước 1975, hiện ông đang ở PHAN THIẾT...
    Ông nổi tiếng với khí khái
    "Mai ta đụng trận ta còn sống
    Về ghé Sông Mao phá phách chơi
    Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
    Đốt tiền mua vội một ngày vui"...

    Nếu không có gì thay đổi, năm nay nhà văn VIÊN LINH sẽ hoàn tất quyển 60 NĂM LÀM VĂN VIẾT BÁO!

    ReplyDelete
  3. Há há hàng đâu không khoe mà lại mượn ảnh của người khác thế?
    Bác Nguyễn Bắc Sơn giờ yếu lắm rồi, vẫn nằm ở nhà tại một góc đường thi xã Phan Thiết, dù không còn nghe tiếng nổ "cắc cù".
    NVH

    ReplyDelete
  4. Đọc mấy bài (kiểu) này em thấy dấu hiệu của bệnh yêu đời nồng nàn tái phát hehe (!). (Thời ham báo chí em cũng rất yêu đời, yêu con người;) Hôm qua ngẫu nhiên lật cuốn T mất tích, đọc cái lời giới thiệu, hơi ngạc nhiên như là gặp một CVD khác vậy:)

    ReplyDelete
  5. Nguyễn Bắc Sơn: "Hớt tóc cạo râu là chuyện nhỏ/Ba nghìn thế giới cũng chưa to" :p Tôi có quyển thơ NBS in sau 1975, ông ấy từng tặng một người ở Phan Thiết, người ấy tặng lại cho tôi.

    ReplyDelete
  6. Vậy là cũng đủ 20 năm nói láo rồi à NL.

    "...Cuộc đấu nào cũng chỉ một trò chơi
    Suy nghĩ làm chi cho lao tâm khổ trí..."

    Sửa thơ NBS tí. :p

    ReplyDelete
  7. Dẫu biết là chuyện "cổ tích", nhưng nói đến báo chí VN mà không nói đến tờ Nam Phong thì chỉ nói đến hoa lá cành mà không nhắc nhở đến thân và gốc cây. Có lẽ vì "ở ta", Nam Phong ít được nhắc nhở(?) vì Nam Phong là Phạm Quỳnh... mà PQ được vẽ vời thành một bộ mặt chính trị méo mó và tiêu cực, cho phù hợp với "lịch sử cách mạng". Hậu quả, sự nghiệp văn hóa "dang dở" (những cũng đủ vĩ đại đối với VN thế kỷ 20) của PQ không được đánh giá đúng mức, con người chính trị của PQ cũng bị bôi nhục (xem Nguyễn Văn Trung "Chủ đích Nam Phong: Trường hợp Phạm Quỳnh").

    Để công bằng cũng phải nói, sinh thời con ngưòi chính trị PQ cũng bị hiểu nhầm rất nhiều. Có lẽ vì thế, nên PQ đã viết mấu câu thơ (câu đối?), tiễn đưa người bạn vong niên Nguyễn Văn Vĩnh về thế giới bên kia:
    "Sống lại như tôi là sống nhục
    Chết đi như Bác, chết là vinh
    Suối vàng Bác có dư dòng lệ,
    Khóc hộ cho tôi nỗi bất bình".
    Bấy giờ Phạm Quỳnh đang ở Huế, là Tổng lý Đại thần Ngự tiền Văn phòng và Thượng thư Bộ Quốc dân Giáo dục (theo Pham Ton's Blog), thế mà PQ gọi là "sống nhục". Mà lại "bất bình". Bất bình với ai nếu không phải là với "người đời"? (LV)

    ReplyDelete
  8. Sao không kể chuyện cầm kéo cắt... tản văn của L.M.H

    ReplyDelete
  9. Huy Vespa: "... năm nay nhà văn VIÊN LINH sẽ hoàn tất quyển 60 NĂM LÀM VĂN VIẾT BÁO!". Vậy Viên Linh năm cũng phải chòm chèm 80 rồi nhỉ? "Mới ngày nào" còn "đụng" ảnh ở trước ngõ nhà "nàng" mà... Nhưng nhìn lại mình đời cũng xanh... râu chứ có hơn gì ai :p (lv)

    ReplyDelete