May 22, 2015

Một truyện ngắn của Nguyễn Tuân

Lưu lạc đến tay tôi là mấy trang báo nát nhừ như quá vãng xanh xao, nhợt nhạt. Không xác định được là tờ báo gì nữa, nhưng theo một số đặc điểm thì có thể đoán đây không phải là một tờ tạp chí văn chương, có lẽ vì thế mà truyện ngắn này đã "lọt lưới" khỏi các chuyên gia văn học.

Thời điểm của nó, như trong truyện có viết, là năm 1946.

Nó có thật là truyện ngắn của Nguyễn Tuân hay không? Đọc đến đoạn sự băng huyết của đàn ông trên bãi cỏ thì không phải nghi ngờ gì nữa. Đây là một truyện ngắn của Nguyễn Tuân, và viết trong cùng giai đoạn viết Chùa Đàn, cùng bầu không khí đi tù, cùng cách gọi con người bằng số (nhân vật trong truyện này là 315 còn Lịnh trong Chùa Đàn là số 2910).

Công việc "phục chế" khá là vất vả, vẫn còn có chỗ không rõ là chữ gì.

(tôi đặt thêm một label "công bố tài liệu", cong-bo-tai-lieu, cho những trường hợp như thế này)


Kèn rừng tù

Nguyễn Tuân


Cái mưa cái nắng của người đi đầy, của trại an trí, của rừng phát vãng. Biết bao nhiêu là nước của giữa giời, biết bao nhiêu là lửa của mùa. Quên sao được nỗi nóng lạnh ấy của những ngày thượng-du cũ.

Bây giờ đang là một ngày hạ chí 1946. Ở đây đang là một căn nhà có trần, trong bóng râm, hàn thử biểu chỉ 30 độ. Và tôi đang là một một người ngồi đào gạn chuyện mình, ôn lại ít cảm giác, vờn lại ít cảm tưởng của những ngày xưa xa - gởi mượn nơi khoảnh rừng hoang đất trích V. B.

Nóng đến như thế này, phải ngồi mà bòn lại kỷ-niệm thì cái khổ ấy còn nặng hơn cái khổ deo [sic] vần thơ trên cát rang.

Tay không muốn cầm bút chỉ muốn luôn luôn cầm cái gáo mà vợi nước chum ra mà rội [sic]. Ở những cuộc tắm vặt liên tiếp này ùm ùm giữa một khoảng sàn lộ thiên không có bóng đàn bà thực không ai nghĩ đến truyện [sic] lau mình. Nước rội mau trên da dẻ thân hình cứ việc thế mà se dần. Mặt da không phút nào được khô ráo. Ở những lỗ chân lông, mồ hôi lại liền mạch mà đùn tuôn lên đóng thành hạt châu. Thân con người đã hóa ra mảnh tường đá tảng kho muối nhà đoan gặp kỳ nồm. Người ta chỉ muốn ngả lưng, tuy biết rằng không bao giờ thành giấc. Ở xứ nhiệt đới hình như không có chiêm bao thì phải.

Ngồi bên bàn viết, tay bóp hờ cái trán nóng, tôi mơ lại một cánh rừng tù có những bóng dáng lính canh cầm súng cử động trong cái dầy đặc của lá xanh đất đỏ. Kỷ niệm vẫn chưa chịu lộn về thành hẳn nét cạnh rõ ràng. Sự cố gắng lúc vận dụng cưỡng ký lại a tòng với thời-tiết mà hâm nóng cả người mình lên. Tôi cố nghĩ đến những những [sic] cái gì lạnh để đánh lừa nhiệt độ trong mình và ngoài trời. Tôi lấy cuốn “souvenirs de la maison des morts”1 của Dostoievsky đọc những trang đặc sắc về ngày đi đầy ở đồng tuyết lạnh Tây-bá-lợi-á. Nhưng cái lạnh của bút ký một văn hào vẫn không đánh lừa nổi được thời tiết ngày hạ chí. Tôi bỏ sách, muốn có ngay một người hàng xóm nào để mà cáu kỉnh để mà gây truyện. Có súng mà chơi lúc này thì cũng dễ ở tù lắm!

Lũy tre già bị kiến đục lỗ đưa về những tiếng đưa võng. Ngọn xanh ngoài khung cửa có lá lay nhẹ động trên một nền trời cánh chả trong vắt. Nhưng phòng viết này vẫn oi tức im ả. Vài tiếng chim gáy, rót vào cái nóng của ngày hạ chí; thanh âm bốc thành hơi tan và chẩy loãng vào bầu không khí bị hâm mãi lên. Say cái nắng của ngoài nhiều con mọt mệt lả dần, không chịu nhai gỗ cũ sơn son nữa. Quanh tôi bao la là nóng và mênh mông là im vắng. Tai như nghe được cái bừng bừng của khí đất nung già. Ánh sáng bên ngoài muốn thôi miên và làm mù đồng tử. Cứ gì phải là âm u lạnh lẽo mới là không khí của ma quái. Cái im vắng sáng chói nóng bức của cánh đồng quê trưa hè có lẽ còn dễ gọi đến yêu ma hơn là cái đêm tối lạnh vắng cổ điển.

Mồ hôi cứ chẩy thành dòng, rỏ lộp độp xuống tờ giấy trắng đợi mong. Trên cái trắng trinh tiết, dưới cái lửa đỏ rực tháng năm, tôi chập chờn bải hoải giữa hai việc thức và ngủ, đợi một bóng người của dĩ vãng trở về.

Trong tâm tôi đang nhú lên một hình người. Người ấy lách dần ra ngoài. Hình người ấy đã có bóng. Cái bóng ấy thân mật quá. Tôi cầm bút chọc khẽ vào cái bóng người về ấy.

Ấy là một người lính kèn khố xanh của một cái đồn lẻ độ ba mươi tay súng.

Ấy là bác Toa-săng-Keng2, người cố nhân của ngày đi tù chuyến nọ tên tuổi bác đổi ra một con số và con số ấy lại phát âm lên theo lối ngoại quốc.

Cái nhân duyên của tôi và 315 cũng là thú vị. Vì ngày đó tôi không chân thành trong ý tưởng và không phóng khoáng trong hành tung thì có bao giờ có cơ hội đánh đổi đời sống đồng bằng ra thành một cảnh sống thượng du trong một thời hạn do người Pháp định. Và thứ nhất là có cơ hội để làm thân với một người lính khố xanh với những người lính khố xanh của tổ chức thực dân bảo hộ. Xưa kia tôi có một thiên kiến về người lính - Khố xanh cũng như khố đỏ mà chỉ có cuộc đi căng ngày nọ mới gột chữa được thôi. Thì ra con người trong cuộc sống giao tiếp, thường gây ra và chịu lấy rất nhiều oan uổng đắt đỏ vô cùng.

Có nhiều cuộc gặp gỡ - lắm lúc chóng vánh quá, chỉ một mẩu đối thoại, chỉ một dây [sic] phút tay bắt - nó định đoạt thái độ chúng ta trong đời sống hằng ngày. Cũng như hạnh phúc lắm phen đã được gửi vào một chuyến tầu chúng ta đi kịp hoặc hụt nhỡ.

Tôi trở lại với cái bóng cố nhân Toa-săng-keng đang dẫm [sic] lên trang tôi viết. 315 vẫn đen như ngày xưa, môi vẫn mỏng, hàm răng trắng vẫn đều đặn đầy đủ. Bởi vì có người lính kèn mà nào [sic] môi lại dầy và răng lại khểnh bao giờ. Lựa lính kèn, ai tuyển cái môi gắp chả, cái răng khểnh hàm chó và cái mồm vẩu quá.

Đứng trước tôi 315 hoa cái kèn đồng có dây kim tùng đỏ và cái chói sáng của đồng bóng càng làm lung linh lên hơn cái rực rỡ của ánh bạc. Bác liền mím môi phồng má thổi ngay “Tò tò tò ta tí tò ta…a”. Những tiếng đồng vừa chạy ra khỏi miệng phễu kèn bóng vừa thúc mạnh vào ánh sáng nóng. Nhiều mầu sắc mờ nhạt theo âm kèn nó đang chuốt vò nhiều hình nét xa gần.

Trước mặt tôi cái lò gạch cảnh quê tự do và yên nghỉ kia đã trở nên cái lô cốt đồn canh. Và từ chỗ cao nhất của lều canh phát ra mọi điệu kèn: kèn trở dậy, kèn sắp hàng, kèn chào cờ, kèn đi làm, kèn đi nhà thương, kèn nhận thư bưu điện. Tai tôi vang lên những tiếng kèn của những ngày đi đầy cũ.

Mắt tôi nhìn hơi nóng chờn vờn trên cỏ cây ngoài khung cửa chờ gió. Trên cái chập chờn của khí nóng, 315 mặt đỏ má phồng tròng mắt lộ hẳn ra, một tay chống nách, một tay khoeo thước thợ đưa kèn vào miệng, chân chụm mình thẳng, đang che cả một khối rừng bất trắc rung chuyển lên vì những tiếng động lúc cao lúc gắt lúc thấp bé, lúc nhanh như chồng chất tiếng, lúc khoan thai như định pha loãng thanh âm kèn vào cái xanh bất tuyệt rộng rãi của rừng. Rừng tù chứa chan một niềm tuyệt vọng của nỗi ở và cũng tràn trề một niềm hy vọng trong ngày tới của nỗi về. Một cái lá của rừng già lóng lánh dưới lửa thiêu đều nhấp nháy trả lời cho dư âm của kèn đồng sáng lóe đang sô [sic] lùa đẩy vang khí ngàn oi ả. Nhiều buổi chiều mát giời cao nguyên lệch bóng đang kéo dài những cái bóng bọn phu trại an trí chúng tôi và bóng bác Toa-săng-Keng thân mật theo một chiều thoai thoải của đất rừng bí tức. Chung bóng người lính và bọn tù cũng đều chung cả tâm sự. Người lính ấy cũng muốn trở về. Có riêng gì bọn tôi bị đưa lên đây mới muốn bỏ rừng.

Bây giờ tôi đã được trở về từ bốn năm có đủ. Còn 315?

Sau ngày chín tháng ba năm ngoái, Nhật xé cờ Pháp, 315 còn tại ngũ hay giải ngũ. Sau ngày cách mệnh mùa thu năm ngoái, đồng chí toa săng keng, cho đến bây giờ mà tôi vẫn không biết rõ tên họ người lính kèn cố nhân. Thường chúng tôi chỉ lấy con số ra mà gọi nhau. Người bạn đi canh mình con số lính. Mình con số tù! vẫn còn lởn vởn ở đất Bắc này hay đã vào tập kích trong miền Nam.

Một chiếc ca mi ông trên mui lố nhố những con người võ trang của thời đại, tung bụi qua gần nơi ngồi viết. Tôi bắt lấy cái tiếng đồng vọng của khúc hát hợp âm “Đoàn quân… đi chung lòng cứu quốc…

Trưa hè đã về chiều. Một tiếng sáo diều lộn lèo nấc mạnh lên ở giữa giời.

Bên dòng thác những cây ngái đã trổ quả. Gió rừng lúc rung động, cơn rung lắc cây cỏ ngàn xanh như cơn sốt lay vật con người. Tiếng nước rừng ở mọi các mạch chảy về xuôi nghe dồn dập làm át cả những tiếng rụng lẻ của quả ngái lìa cành. Phía sâu nữa trong kia của tầm mắt, chỉ có hoa trắng nhờ của l m [?] đang điểm tuổi cho rừng gỗ già.

Mùa hè thượng du đã bắt đầu. Số phu của trại an trí ra ngoài làm việc vợi dần. Bệnh sốt đã lẩn được vào mạch máu nhiều người đi đầy. Trại đã thành bệnh viện. Vào những giờ đi làm rừng, đáng lẽ trại phải vắng người, thì ở đấy lại bộn lên những tiếng rên sốt rên lạnh và sân trại rối lên những cái bóng người bệnh chùm [sic] khăn đi guốc lưng gù xuống để chịu cái nóng lam chướng của rừng phát vãng. Nhiều bạn tôi, ăn ở hết sức vệ sinh, cũng đã gục xuống đầu hàng nước độc ma rừng. Sơn lâm vang mãi lên cái điệu kèn thắng trận của muỗi thiêng. Giữa ban ngày, muỗi chắp cánh bay là là qua tầm mắt mệt mỏi của lũ người bị sống ép gượng vớ [sic] rừng độc. Có người sốt nặng quá, bệnh dở biến, nước tiểu hết trong, ngả vàng rồi ngả đỏ. Máu. Đái ra máu. Cỏ quanh trại giam, nhiều đám hung hung máu người chưa khô hẳn. Muỗi càng kêu hô to mãi lên cái tiếng thở dài của một bọn đàn ông băng huyết trên cỏ trại bị nắng rang vàng.

Bên đồn, bệnh đái ra máu đã quật gẫy năm ba cái sinh mệnh lính. Ông quản tại gửi về Hòa Bình tờ báo cáo với Giám binh về chỗ súng và nhung phục ka-ki vô chủ.

Như thế này thì rừng hạ đã hết thương con người Trung-châu. Cái con người tù và cái con người lính lên đây để giữ tù. Mỗi kỳ phép được viết thư về, tôi đã rỏ mồ hôi trên trang giấy. “… Chị ơi, bao giờ thì được về? Ở đây là quê hương của sợ. Tôi thèm đến cái bóng chiếc diều giấy và muốn cấu cái dây diều. Tôi thèm đến cái đong đưa của chiếc võng gai, những lúc ghé mắt qua đường đỏ, dưới chân đồi không tung bụi mà chỉ lung linh hơi nóng…

Buổi làm chiều, sợ nhất là phải đứng cuốc cỏ chém cây ở lòng núi nó nóng ran như lòng chảo. Đất lòng núi đều chói lòa. Lưng con người rát lên như có ai bất ngờ ép cả một cây nước đá vào.

Vậy mà tôi đã được đứng vào kíp đi nước đẩy xe theo một con trâu đi lấy nước ở suối ngọt. Đi nước thì có vất vả hơn - mỗi buổi ít ra phải bốn chuyến xe cho cả anh em bên trại và bên đồi - nhưng được gần hơi nước bờ giếng, nó cũng di dưỡng tâm người mình trong chốc lát. Và nếu láu lỉnh ra thì lại còn được tắm trộm nữa kia.

Chính ở bờ suối nước ngọt đó, tôi đã làm quen với 315. Và cái duyên số đó, đã buộc tôi nợ Toa-săng-Keng rất nhiều về chỗ tình cảm.

Mới ở Hòa Bình đổi lên và lần đầu gặp tôi, 315 đã săn sóc đến tôi ngay.

Cái gò bên giếng có bóng râm đó là chỗ 315 hằng ngày luyện kèn cho hai đồng ngũ khác. Hôm đầu thấy tôi cùng mấy bạn đi đẩy khác gò trâu cho xe đỗ bên bờ giếng là 315 đã bỏ dở bài kèn đấy ra xem chúng tôi thả thùng sắt vào lòng giếng. Mỗi chuyến xe nước riêng tôi xách được 6 thùng đổ vào xe. 315 nhìn tôi lần lượt vợi hết 18 thùng nước đổ đủ vào ba chuyến xe trâu, rồi cười rồi gật gù như phát minh ra được một điều gì.

Hôm sau, 315 đã giậy [sic] khôn cho tôi và gọi chúng tôi là tướng: “Bây giờ thế này nhá. Bọn chúng tôi lấy nước hộ cho mấy tướng. Cho các tướng đứng ở giếng mà tắm cho sướng. Tắm xong, cho chui vào bụi xim [sic] mà đọc sách. Tướng học trò thế kia mà đi xách nước thì được mấy nả. Làm lắm để ăn gì? Ấy, mà ốm là chết đó.” 315 lại nhe bộ răng trắng ra mà cười và nháy mắt với người lính coi riêng bọn xe nước chúng tôi bấy giờ mới bắt đầu nói: “Nghe cũng được đấy. Hay là 315 và tớ nhờ luôn mấy bố tù quốc sự này dạy chữ Tây đi. Nhưng mà câu chuyện 315 nói vừa rồi, phải cho khéo và kín mới được. Lão đồn nó biết thì bỏ mẹ cả”. Bấy nhiêu người lại cả cười.

Được lời như cởi tấm lòng, chúng tôi thay phiên nhau mà cởi luôn quần áo ra tắm bên bờ giếng ngọt, vừa tắm vừa nhìn những người đi canh mình múc nước đổ vào xe. Mà sao người ta vợi nước nhanh và nhẹ thế, cứ phăng phăng đi.

Có sách dắt [sic] theo túi dết nhưng chúng tôi không chịu đọc, chúng tôi ngồi nói chuyện với 315, trao đổi với nhau một ít tâm sự dản dị [sic] về đời sống oan uổng nó đè mỗi người theo một cái sức nặng phức tạp. Và phần nhiều là nghe 315 thổi kèn và dậy kèn. Những lúc này, tôi đã có dịp để thấy người mình là hết sức thông minh. Thất học như một người lính khố xanh, ký âm pháp về âm nhạc Tây phương không biết vậy mà học kèn và dùng nhạc khí theo một lối truyền khẩu sao mà tài và chắc chắn đến thế. Tất cả bài đàn đều ở cái miệng. Tiếng, dịp, điệu, đều chỉ là truyền khẩu. Nghe 315 nói này: “Môi cứ mỏng, răng cứ đều, phổi cho kha khá là ai cũng kèn được, “Măng phú son phe”3. Âm nhạc Lê Dương cũng chưa ăn đứt được khố xanh”. Nói xong, như để chứng tỏ điều đó, 315 chụm chân lại một tay khuỳnh vào nách nịt thắt lưng da bản lớn, một tay hoa kèn liềm lưỡi liếm qua mép một vòng, thế là thổi.

“Tò te te te te
“Tò ta ta tí a ta ta…”

Rừng rộn lên tiếng đồng lanh lảnh. Vách núi trả về những vang hưởng của bài kèn. Nhiều cô Mường váy xanh, ở các nương rẫy lân cận, rủ nhau tề tựu dưới cái chòi dành tập kèn. Có bóng người đàn bà, tiếng kèn càng vùng dậy và hình như 315 thổi càng hay mãi lên. 315 càng lấy dáng, hoa tay kèn, thổi cho mãi vào không gian thượng du. Mấy cô Mường bứt mấy bông hoa xim các bụi gần, ném dứ vào người thổi kèn. Chưa cho là đủ sức khuyến khích, người đàn bà Mường lại còn cười ngặt nghẽo. Có một cái váy xanh trông rất có duyên. Người lính gác bọn tôi đi nước chỉ cho biết đấy là người nhân tình của 315. Thảo nào mà cô Mường ấy có vẻ vui sướng hơn mấy cô nàng khác cùng đứng đấy nghe kèn. Càng về chiều, mặt 315 càng chín dừ.

Lúc gần từ biệt nhau - người lính kèn sắp về đồn, cô mái sắp về làng Mường hẻo lánh và bọn tôi sắp về trại giam, chao ôi! - 315 giữ chúng tôi lại và dúi cho bọn tôi một nắm rau cờ-rét-sông4 hái trộm ở thửa ruộng rau của lão đồn tây. Chỗ rau vừa hái lên đó, một nửa cho nhân tình, một nửa cho bọn tôi và không quên dặn: “Cẩn thận đấy nhé. Không có nó bắt được thì chúng mình hết gặp nhau. À, mà cái thứ cải này chữa được bệnh đái ra huyết đó, quý lắm”.

Được thiện cảm của 315, tôi đã được tắm chuồng [sic] nhiều buổi ở bờ giếng ngọt. Chỗ bóng râm nước mát ấy, không gặp 315 thì thôi, chứ hễ gặp thì thế nào cũng được thêm một nắm rau cải lúc đẩy chuyến xe trâu cuối cùng về trại. Càng về sau này của ngày hè, cái tình thân mật nhiều khi lại điểm vài cút rượu do 315 thết. Để đền đáp cái chỗ tiền ít lòng nhiều của người trấn thủ lưu đồn, tôi đã viết dùm hộ 315 nhiều bức thư theo thể vè lục bát y gửi về nhà thăm thân quyến. Và nhiều lúc giảng những quẻ bói Kiều. Có hôm muốn đùa tôi, 315 đã bói hộ tôi. Mở ra thấy câu: “Nửa năm hương lửa đang nồng…” người lính đang vui ấy chuyển ngay ra buồn: “Có lẽ ông về mất. Chết chửa, thì đã sắp xa nhau rồi à?” Rồi 315 vội tìm kèn, thổi vang cánh rừng, nói rằng thỉnh thoảng phải thổi lên cho Tây nó nghe thấy và không để ý đến chuyện khác. Tôi cho đấy là một lối đổi làn câu chuyện và không ngờ rằng 315 cũng có cái chất tế nhị trong ý tình. 315, sau hôm bói hộ tôi câu Kiều đó, đã dạy tôi nhớ các lối kèn. Và tôi đã thuộc nhiều điệu kèn. Cảnh đồn, mỗi việc điều động, là đều lấy kèn làm hiệu lệnh. Mỗi lần có kèn bên đồn nổi lên: chào cờ rê-vây5, đi nhà thương, róm-bê6, lấy thơ, v.v, là tôi đều thuộc và giảng cho anh em bên căng nghe, miệng lắp bắp nhại âm kèn. Kể cũng là vui.

Cái vui nhất lại là những lúc tôi chui vào bụi cây ngậm đầu kèn mà thổi. Dễ thổi nhất là tiếng . Đến cái tiếng ta thì đã thấy khó, máu trong người chạy ngược hết cả lên đầu và hình như không chịu hạ xuống nữa. Thổi xong một tiếng ta mặt tôi nặng hẳn ra. Đến cái tiếng thì hình như có ai trồng chuối mình và cắm hai còi báo động vào hai lỗ tai mình. Cả một quả núi trước mặt đổ nhào xuống. Trên đầu, chung quanh rừng như bị bơm căng quá nổ đánh bốp, cây cỏ đá mây đều rách và tan vụn ra sau cái tiếng rất cao rất khó ấy. Rồi tôi ho mãi. Cái đầu ê dại hẳn đi. 315 đỡ lấy kèn, nhìn tôi mà cười. Rồi y lau sạch cái đầu dăm kèn đồng, vẩy hết những chỗ nước dãi do tôi vừa rỏ một cách quá lạm vào ruột ống kèn: “Có lẽ ông chơi được kèn đó. Nếu đừng có lệnh tha nay mai, có tôi kèm cho, chỉ ba bốn tháng là kèn được đấy. Kèn mạnh kia. Ngực ông nở. Đầu lưỡi nhọn và mỏng. Lão Parmentier dưới Hà-nội phải thích mê. Mà cái thằng cha ấy nó ác ghê lắm, khi nó luyện cho mình. Tôi còn nhớ một lần thổi hỏng có một tiếng, mà một tay nó dịt gáy tôi, một tay nó đấm trái cái miệng kèn, thúc cả đầu kèn vào lợi. Răng bật máu, mồm tê đi và đỏ như ăn trầu. Nhưng mà đi lính, giữ chân kèn nếu không biết xa đàn bà và chè rượu, đánh đu với anh em hàng cơ, là cũng dễ ho lao lắm”.

-----------

1 Bút ký từ Nhà Chết.
2 Trois cent quinze: 315.
3 Kiểu nói bồi của câu “Je m’en fous de solfège” (Cóc cần phải biết ký xướng âm).
4 Cresson: rau cải xoong.
5 Réveil: ý nói thổi kèn tập hợp lúc mới ngủ dậy.
6 Trong Chùa Đàn cũng xuất hiện từ phiên âm này, có lẽ muốn nói “rentrer”/“rentrée”, nghĩa là kèn báo hiệu phải vào trại.   

13 comments:

  1. "Có nhiều cuộc gặp gỡ - lắm lúc chóng vánh quá, chỉ một mẩu đối thoại, chỉ một dây [sic] phút tay bắt - nó định đoạt thái độ chúng ta trong đời sống hằng ngày. Cũng như hạnh phúc lắm phen đã được gửi vào một chuyến tầu chúng ta đi kịp hoặc hụt nhỡ."

    Hay, cảm ơn bạn. Thế có công bố tài liệu cá nhân không :D

    ReplyDelete
  2. Chắc còn nữa?

    ReplyDelete
  3. Cụ Nguyễn lúc nào miêu tả nhân vật cũng đặc sắc. Truyện ngắn này nhiều đoạn đọc như tùy bút, có lẽ vì đó là sở trường của NT.

    ReplyDelete
  4. Cũng nhờ anh em mới mua chiếc lư đồng mắt cua đấy. Chứ đó giờ chỉ biết mỗi người tử tù với người lái đò:")

    ReplyDelete
  5. Đây không phải tờ báo Văn chương mà là một tờ báo chả liên quan chút gì đến văn học. Tờ "Vui sống", tờ báo này của Quân y cục thuộc Bộ quốc phòng ra mắt tháng 6/1946. Truyện Kèn rừng tù của NT được đăng tháng 7/1946 trên báo này (2 kỳ liên tiếp). Vũ Bằng cũng viết mấy bài cho báo này như một cách tham gia kháng chiến vậy, đây chính là giai đoạn ông VB tản cư ở liên khu 3 (vùng Hà Nam) và cũng chính giai đoạn này Nam Cao "nằm khoèo" với VB để "uống nước trà xanh nhắm với tóp mỡ" như hồi ký ông VB viết. Có lẽ Hoàng trong "Đôi mắt" cũng từ đây mà ra.

    ReplyDelete
    Replies
    1. anh có thể giải thích "nằm khoèo" và "uống nước trà xanh nhắm với tóp mỡ" là gì không ạ?

      Delete
    2. Đó là từ của VB, nên không thể giải thích

      Delete
    3. tóp mỡ có lẽ là mỡ nó bị tóp lại, còn từ kia thì đúng là khó quá, chắc phải đi tra từ điển (Trương Vĩnh Ký)

      à nhưng tháng Bảy 1946 Nam Cao còn là thư ký toà soạn tờ Tiên Phong, tản cư là như thế nào?

      Delete
    4. Tóp mỡ thì ai mà chả biết. Xưa rán thịt mỡ lấy mỡ ăn, cái phần xác còn lại của miếng thịt đó gọi là tóp.
      Còn nằm khoèo ý là rảnh rỗi, kiểu nằm chơi dài dài vậy.
      Nam Cao đâu có đi tản cư, ông VB nói là NC nghỉ xả hơi gì đó nên đến thăm VB

      Delete
    5. hehehe

      anh không hiểu em hỏi gì rồi: thời điểm tháng Sáu, tháng Bảy 1946 không thể có chuyện Nam Cao gặp Vũ Bằng rồi dẫn tới truyện "Đôi mắt", như anh nói ngay từ đầu

      thời điểm đó phải là 1947 hoặc 1948

      Delete
  6. hehe, thời điểm này (tháng Năm 2015) em không muốn nhắc tên tờ "Vui sống" thôi

    tờ này có mấy bài của ông Trần Hữu Nghiệp tức là bố ông Trần Hữu Dũng bây giờ buồn cười vãi

    ReplyDelete