Bruno Schulz thuộc hàng nhà văn lớn có ít tác phẩm nhất, tức là một nhà văn chỉ cần rất ít tác phẩm đã đủ trở thành nhà văn lớn. Thậm chí rất lớn, và thậm chí rất ít.
Câu chuyện cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Schulz thật ra không phải hoàn toàn như vậy. Cuộc xâm chiếm Ba Lan của quân Nazi, cuộc sống trong ghetto Do Thái ở Drohobych khiến cho những gì Schulz từng viết ngoài hai tập truyện và một số thư từ đã hoàn toàn biến mất. Người ta mơ hồ biết rằng Schulz có viết một cuốn tiểu thuyết nhưng có vẻ bản thảo không thể tìm lại được nữa. Xung quanh bản thảo này có không ít huyền thoại.
Mấy quyển sách dưới đây:
bao gồm thứ nhất, ở giữa, tập truyện thứ hai và cũng là cuối cùng của Bruno Schulz, ngoài Những hiệu quế. Tiểu sử Schulz nằm bên trái, bìa màu xanh, nhan đề là một cụm từ rút từ truyện "Ma nơ canh", bên phải là Vị hôn thê của Bruno Schulz của Agata Tuszyńska, một nhà báo nữ người Ba Lan, viết gần đây và mới được dịch sang tiếng Pháp.
Jerzy Ficowski viết tiểu sử Bruno Schulz từ một sự ngưỡng mộ khủng khiếp, hiếm thấy, ngay cả trong số độc giả văn chương lâu năm và cuồng nhiệt, một cuốn tiểu sử đầy tình cảm. Năm 1942, Ficowski lần đầu tiên đọc tập Những hiệu quế và ngay lập tức biết rằng mình đã tìm được "Authentique", một phát hiện vĩ đại trong đời mình. Ficowski liền viết thư ngay cho Schulz để bày tỏ tình cảm, sự ngưỡng mộ, mà không biết rằng thời điểm này Bruno Schulz đã không còn ở địa chỉ cũ mà phải sống trong ghetto, không những thế đã sắp bị bắn chết. Ngay sau đó, Ficowski cũng viết một tiểu luận về tác phẩm của Schulz. Mãi sau này Ficowski mới biết số phận của Schulz và đã bỏ cả cuộc đời tìm hiểu về Schulz, trở thành tác giả tiểu sử Bruno Schulz đáng tin cậy và đáng tham khảo nhất.
Một nhà văn lớn, nhất là lớn theo kiểu bí hiểm như Bruno Schulz, luôn luôn cần đến những người đi sau kiểu như Jerzy Ficowski để tiếp tục tồn tại trong những cuộc đời nữa.
Schulz, trong miêu tả của Ficowski (sau khi đã dành mấy chục năm trời sưu tầm tài liệu, gặp và nghe các nhân chứng kể chuyện) là một người đặc biệt yếu đuối, nhạy cảm, được bà mẹ hết sức chiều chuộng, nhưng bị hình ảnh người cha hấp dẫn khủng khiếp. Schulz sinh ra thì ông bố đã quãng ngũ tuần, nên trong hình dung của Schulz ông bố lúc nào cũng là một ông cụ già huyền hoặc, một đạo sĩ, một nhà huyền thuật, như ta đã có thể thấy không ít trong truyện "Chim", "Ma nơ canh" hay "Những hiệu quế".
Schulz dạy vẽ ở trường Drohobych cho trẻ con, đây cũng chính là trường mà Schulz học hồi nhỏ. Điều này hết sức quan trọng, vì bao trùm toàn bộ tác phẩm của Schulz là cuộc trở về tuổi thơ.
Với Schulz, người ta chỉ thực sự trưởng thành, chỉ có một sự trưởng thành đích thực, khi tìm về được với tuổi thơ. Một nhà văn Ba Lan khác, Witold Gombrowicz, cũng cả đời viết về đề tài trưởng thành và thiếu trưởng thành. Dường như thế kỷ XX của văn chương Ba Lan, song song với những thảm họa mà đất nước phải gánh chịu, tìm cách đào thật sâu vào sự trưởng thành và chín chắn của con người Ba Lan, và con người nói chung.
Bruno Schulz viết từ rất sớm, nhưng Những hiệu quế mãi đến năm 1934 mới được xuất bản lần đầu tiên, do nhà xuất bản Rój, với sự giúp đỡ của vài người bạn. Câu chuyện về việc xuất bản tập sách mỏng này cũng là cả một câu chuyện huyền hoặc đầy màu sắc Schulz. Bruno Schulz không có nhiều lối thoát về tinh thần trong một cuộc sống nghèo đói, chỉ có rất ít bạn để ông viết thư, trong đó người bạn thân thiết Władysław Riff lại qua đời rất sớm. Debora Vogel là một người bạn khác, trong những bức thư của mình gửi Vogel, Bruno thêm vào những miêu tả rất huyền ảo về cuộc sống của mình, chính là chất liệu cho nhiều truyện của ông. Đã có lúc Bruno Schulz nghĩ đến chuyện cưới Debora Vogel làm vợ, nhưng bố mẹ Vogel nhất quyết phản đối cuộc hôn nhân này.
Vị hôn thê của Bruno Schulz là một cuốn tiểu thuyết. Józefina Szelińska (Juna) là vị hôn thê của Schulz từ 1933 đến 1937. Dường như về sau Szelińska sẽ không lấy ai khác, và mãi năm 1991 mới qua đời. Bà chính là người cùng Schulz dịch Vụ án của Kafka. Những nhà văn kiểu như Kafka, như Schulz thường có những mối quan hệ rất đặc biệt với phụ nữ. Ở trường hợp Kafka, cũng có một người phụ nữ: Milena Jesenská. Jesenská là người tình của Kafka, người đầu tiên dịch Kafka sang một thứ tiếng khác, ở đây là từ tiếng Đức sang tiếng Séc. Đó chính là "Người thợ đốt lò", sau này trở thành chương đầu tiểu thuyết Amerika. Milena Jesenská tham gia kháng chiến Séc và qua đời năm 1944.
PS. Nhân dịp Mặt trời mù của Malaparte mới xuất hiện trở lại: xem thêm về lịch sử dịch Malaparte, một nhà văn Ý tuyệt vời, một người cũng chạm tới Holocaust theo cách riêng của mình, tại Việt Nam ở đây và chương I tiểu thuyết lớn nhất của Malaparte, Kaputt, ở đây.
Cảm ơn đã chia sẽ bài viết rất hay và chi tiết
ReplyDelete..........................
sung dien Súng Điện Tự Vệ, Đêm Khuya Mặc Kệ. FA đi chơi đêm nên phòng thân để bảo vệ mình bằng sung dien