Feb 15, 2016

Robert Walser: 07

Năm 1907, Robert Walser (xem thêm ở đây) viết bài dưới đây cho tờ nhật báo Berliner Tageblatt. Walser hơn Kafka năm tuổi, và về sau ảnh hưởng rất lớn đến Sebald.


Nhà văn


Nhà văn viết về những gì anh ta cảm thấy, nghe thấy, nhìn thấy, hoặc những gì nảy ra trong tâm trí anh ta. Thường thì anh ta vấp phải cả một mớ suy nghĩ nghèo nàn chẳng dùng được để làm gì, điều này thường làm anh ta thấy tuyệt vọng. Từ một phía khác, đôi khi trong đầu anh ta lại có cả loạt thứ hữu dụng, nhưng anh ta lại hay để hoang những tài sản riêng ấy suốt nhiều năm, hoặc bởi vì anh ta không khám phá được chúng, hoặc cũng bởi vì quanh anh ta không có con người tận tụy nào khiến anh ta chú tâm, theo một cách thức vô vị lợi, đến những của báu bị che giấu đó.

Một ngày, các nhà báo đáng kính có thể nảy ra ý nghĩ mời một nhà văn nào đó gửi cho họ, dăm bữa nửa tháng, một mảnh nhỏ từ nghệ thuật của anh ta. Trong hoàn cảnh ấy, nhà văn thấy lòng mình rộn ràng, vả lại anh ta hoàn toàn có lý do để thể hiện niềm vui sướng, thế là ngay lập tức anh ta xăng xái đáp ứng, cẩn thận hết mức, những đề nghị tới gõ cửa nhà anh ta. Để làm thế, trước tiên, anh ta vò đầu bứt tai và giật tóc, nói chung tóc thì anh ta sở hữu cả một ngọn đồi rậm rạp cây cối, ngón tay trỏ cọ mũi, có lẽ cũng gãi ngứa một chút nữa, cắn môi, tạo ra một biểu hiện đầy năng lượng nhưng cùng lúc lại có vẻ lạnh lùng và uể oải, chùi sạch ngòi bút, ngồi thật ngay ngớm xuống ghế, trước cái bàn cũ rích, thở dài một cái, và bắt đầu viết.

Cuộc đời một nhà văn trung thực luôn luôn bao gồm hai phần, một mặt bóng tối và một mặt ánh sáng, hai địa điểm, một chỗ để ngồi và một chỗ để đứng, hai hạng ghế, ghế hạng nhất, nhưng cũng có cả chỗ hạng tư buồn thảm nữa. Nghề nhà văn, có vẻ vui nhộn và thanh nhã, có thể rất nặng nhọc, đôi khi rất buồn chán, và thậm chí thường xuyên gồm rất nhiều hiểm nguy. Cái đói và cái lạnh, sự khát và sự khốn cùng, ẩm ướt và khô hạn là, trong cuộc tồn tại phong phú về tương phản của một “người hùng ngòi bút”, các hiện tượng mà mọi thời kỳ lịch sử hay văn hóa đều từng biết đến, và hẳn là sẽ vẫn như vậy trong tương lai. Nhưng cũng hoàn toàn chính xác rằng một số nhà văn đã kiếm được gia tài lớn, cho xây ở những khung cảnh gần mặt nước những biệt thự xa xỉ ngang cỡ các lâu đài, và ở đó họ sống cho tới cuối đời trong một tâm trạng tốt đẹp thường hằng. Mà những người ấy hẳn là xứng đáng được như vậy, theo một cách thức trung thực.

Nhà văn xứng đáng với danh từ này là một kẻ rình mò, một thợ săn, một người đánh bẫy, một người tìm kiếm và một người phát hiện, tức là một dạng Natty Bumppo [nhân vật của James Fenimore Cooper], lúc nào cũng rình rập. Anh ta rình các sự kiện, truy đuổi những điều kỳ quặc của cõi đời, lần theo thứ ngoạn mục và cái đúng, dỏng tai lên mỗi khi nghĩ mình đang nghe thấy một tiếng động cho thấy đang tiến lại gần, không phải lũ ngựa của người Anh điêng phi nước đại, mà là những cảm giác mới. Lúc nào anh ta cũng đề phòng, lúc nào cũng sẵn sàng trước một cuộc tấn công bất ngờ. Nếu có một người đẹp tiến lại gần, trong trắng, giản dị, có thể ăn vận như một cô thôn nữ, nhà văn sẽ phi ra khỏi chỗ nấp, lao bổ vào người phụ nữ đơn độc đang đi dạo và đâm thẳng ngòi bút sắc nhất của mình, thấm đẫm thuốc độc khủng khiếp của khiếu quan sát, vào giữa ngực.

Nhưng thường thì, anh ta cũng hiểu sự đê tiện và cái kinh hoàng và không sợ, trong lúc viết và miêu tả chúng, xâm phạm sự trong trắng trẻ thơ, cái mà, ngày nay, hơn bao giờ hết, ta biết rồi, khiến anh ta xứng đáng rũ xương trong tù. Vào một thời điểm nào đó và theo một cái cớ nào đó, anh ta đã nhúng cái mũi tọc mạch của mình vào đủ mọi thứ, và anh ta không ngừng lục lọi. Ở đây, chính ở đây, người ta thường nghĩ, là chốn trú ngụ của công việc cao quý nhất ở một nhà văn khéo léo và đầy ý thức. Anh ta thường trực giữ cho hai lỗ mũi mình mở thật rộng, anh ta ngửi, hít, sục, dò hướng gió, và anh ta cho nghĩa vụ của mình là phải phát triển mức độ thính mũi của mình lên tới sự hoàn hảo cao vời nhất.

Một nhà văn không biết mọi thứ, chỉ các vị thần mới biết mọi thứ, điều này ai cũng rõ, nhưng anh ta biết một ít về mọi thứ, và anh ta gây sức ép lên mọi vật đến nỗi trước chúng ngay Đức Hoàng thượng cũng muốn nhắm tịt mắt lại để khỏi phải nhìn. Anh ta sinh ra với những biển chỉ đường có sẵn trong óc, và chúng luôn luôn chỉ hướng mà tâm trí anh ta phải theo nếu muốn thấy được những gì anh ta đã có dự cảm và cả những gì gần như là không thể nắm bắt. Anh ta quan tâm đến mọi thứ gì đáng được biết hoặc được thấy ở hạ giới này, và lúc nào anh ta cũng đinh ninh rằng cái đó sẽ đem lại cho anh ta một điều gì đó, cho anh ta cũng như cho người khác. Nếu anh ta cảm thấy trong nội tâm có gì phong phú, dẫu cho chỉ là nhỏ tí xíu, anh ta liền nghĩ buộc lòng mình phải viết ra trên giấy phụ phẩm này, phần thặng dư này, và ngay lập tức; anh ta sẽ chẳng đợi ba tiếng đồng hồ để làm việc ấy. Tôi thấy ở anh ta điều này thật đẹp. Qua đó anh ta chứng tỏ mình là một người bị thu hút một cách thành thực bởi cái thiện, và coi là thật thiếu công bằng nếu tích tụ các kinh nghiệm mà không tái tạo cho tới mảnh nhỏ nhất cho những con người đang hít thở xung quanh anh ta. Ở điểm này, anh ta là đối nghịch của một kẻ hà tiện tham lam.

Ai, trong thế kỷ bị ám bởi khoái lạc và sự nghiệp của chúng ta, ai có thể cảm thấy mình là người phục vụ cho nhân loại, người bạn tốt của những người cùng khổ, nếu chẳng phải nhà văn? Anh ta có những lý do tốt đẹp cho điều này bởi vì anh ta đoán định được rằng nếu anh ta làm các công việc chỉ để làm lợi cho bản thân anh ta, anh ta sẽ gây tổn hại cho khoái cảm mà công việc sống động của anh ta có thể mang lại. Vây quanh con người anh ta là một sự bí ẩn khó xác định, nó buộc anh ta phải quên bản thân mình đi. Anh ta hy sinh, bởi cuộc đời dành cho anh ta cái gì đây? Người khác thì cười cợt dữ dội đến mức mắt họ ánh lên những giọt lệ sáng tươi đẹp đẽ, còn anh ta thì ẩn trong một quãng nhờ tối khiêm nhường, thấm đẫm cái nghĩa vụ cứ thì thầm mãi với anh ta: Hãy nghiên cứu sự vui vẻ kia đi, hãy ghi nhớ thật sâu sắc các sắc thái của niềm vui ấy, để có thể, chừng nào về tới nhà, dùng từ ngữ mà miêu tả chúng, vẽ lại chúng!

Trong cuộc đời, nhà văn tương ứng với cái mà người ta gọi là một kẻ lố bịch, dẫu thế nào thì anh ta cũng luôn luôn là một cái bóng, luôn luôn tách biệt, trong khi những người khác có thể tận hưởng khoái cảm không thể diễn tả là đang ở trung tâm, anh ta có đóng một vai trò nào đó thì cũng chỉ là vào lúc đang cầm trên tay cây bút nhanh lẹ, nghĩa là theo cách thức hết sức kín đáo. Thế nên đó gần như là trường học, nó, để đổi lại mọi kiểu thiếu thốn và cự tuyệt đầy nhục mạ, dạy cho anh ta sự khiêm nhường. Ta hãy lấy ví dụ mối quan hệ của anh ta với phụ nữ - ở đây, nhà văn làm việc nghiêm túc và đắm chìm vào lý tưởng mà anh ta phụng sự thấy mình buộc phải thận trọng, đến mức độ thường là hết sức đáng tủi hổ đối với danh tiếng là con người và là đàn ông của anh ta.

Lúc này, tôi bắt đầu lờ mờ thấy tại sao người ta lại chẳng ngại ngần coi một nhà văn là “người hùng ngòi bút”; cách gọi tên này thì vớ vẩn, nhưng lại đúng. Anh ta có thể cảm thấy mọi thứ trong các giác quan của mình, đây, anh ta đang là người đẩy xe, là chủ quán trọ, kiếm sĩ, ca sĩ, thợ giày, bà lớn, ăn mày, tướng, thợ học việc nhà băng, nữ vũ công, bà mẹ, đứa trẻ, ông bố, ma cà bông, sinh thể, nữ tình nhân. Anh ta là ánh trăng và là tiếng tí tách của vòi nước, là mưa, cái nóng trên phố, bãi biển, thuyền buồm. Anh ta là kẻ đói và là người no, kẻ khoe khoang và người rao giảng, gió và tiền. Anh ta ngã xuống mặt quầy cùng đồng tiền vàng vào thời điểm anh ta viết: thế là bà (một nữ bá tước Ba Lan) thanh toán tiền. Anh ta là vệt hồng trên má người phụ nữ nhận ra mình đang yêu, anh ta là niềm căm hận của một kẻ hận đời đáng căm ghét, nói ngắn gọn, anh ta là mọi thứ và phải là mọi thứ. Cho anh ta, chỉ có độc một tôn giáo, một cảm giác, một thế giới quan: luồn vào trong thế giới quan, cảm giác, tôn giáo của người khác, của tất cả mọi người nếu có thể, với một sự chú tâm đầy tình yêu. Điều đó chiếm lĩnh anh ta mỗi khi anh ta viết từ đầu tiên, và ngay khi anh ta tạo ra câu đầu tiên, anh ta không còn tự nhận ra mình nữa. Tôi nghĩ rằng tất tật những điều đó có thể giới thiệu…


(từ bản tiếng Pháp của Marion Graf)

8 comments:

  1. "Cho anh ta, chỉ có độc một tôn giáo..." - NL.
    Do you mean "đối với anh ta"?

    ReplyDelete
  2. ...và anh ta, cởi giầy, tất ra, và bắt đầu liếm... :)

    ReplyDelete
  3. Hình ảnh nhà văn, giống như người mắc chứng cuồng viết, và ưa phóng dụ sự việc theo hướng tưởng tượng, nói phét trong cô độc. Là một người đọc, em nhận thấy hình ảnh nhà văn thực sự được đóng đinh khi họ ở phía bóng tối, trong tối. Một khi họ bước ra sáng trưng bày cho thế giới ngắm nhìn, như ánh sáng cái họ viết tỏa ra, thì tức là pháo hoa đã tung bông xong xuôi rồi, chỉ còn tàn dư rơi rớt xuống, thả vào thinh không vài vệt sáng và tắt lịm.
    Cái gì ở sáng cứ sáng, trong tối cứ tối. Chỗ của nhà văn là hương hoa trong đêm. Còn ánh sáng thì hãy để cho cái họ viết phát tiết.

    ReplyDelete
  4. bất kỳ nhà văn xuất chúng nào cũng có một chiến lược bóng tối riêng thôi

    ReplyDelete
  5. Có thể nào đọc xong bài này mà lại không muốn viết gì không?

    ReplyDelete
  6. đọc xong mà muốn không bao giờ viết thì mới là đúng chứ

    ReplyDelete
    Replies
    1. Mà chỉ đi làm nhà phê bình thôi hah :)) bóng tối của bóng tối

      Delete