May 18, 2016

Bắt đầu một đoạn mới

Tiểu thuyết Nhụy khúc của Đinh Phương:


Từ trong ra ngoài


Sự bùng nổ của văn chương Việt Nam năm 2016 này như tôi đã nói ở kia đã bắt đầu, với cuốn tiểu thuyết Nhụy khúc của Đinh Phương. Thật ra chuyện đã không diễn ra đúng y xì như tôi hình dung vào ngày ấy. Âu cũng là số trời. Tôi sẽ nói rõ điều này ở phần cuối.

Với Nhụy khúc, ta có một câu chuyện đúng (về "đúng", xem ở kia; ở mức độ này, chỉ nên tập trung vào các câu chuyện đúng - "mức độ này" nghĩa là thế nào thì cứ tạm để đấy đã, sẽ có lúc nói kỹ sau).

Cuốn tiểu thuyết Nhụy khúc, trước tiên là mưa. Mưa, ở ý nghĩa biểu tượng của nó, là niềm hân hoan của sự đến đích; chỉ cần thực sự nhìn khi những giọt mưa tiếp đất, nảy lên rồi vỡ tung như tiếng cười lanh lảnh là có thể thấy điều đó; mưa, với hình thức tồn tại của nó, có chức năng nối lại. Đinh Phương trong Nhụy khúc đã khai thác khía cạnh nối liền này theo một sắc thái riêng: "Sự giận dữ của thời gian neo tỉ mẩn sợi dây vô định vào từng giọt mưa xiên ngang từ tầng mây dày thả xuống" (tr.29). Mưa có mặt ở những thời khắc quyết định trong thế giới văn chương của Đinh Phương. Nhân vật nữ của Nhụy khúc có tên hồi nhỏ là Mưa. Một truyện ngắn trước đây của Đinh Phương đã mang tên "Nhụy khúc", và ngọn núi trong đó mang tên "Núi Mưa" ("nhụy khúc" và "mưa", như vậy, trở đi trở lại nhiều lần trong ít nhất một giai đoạn của Đinh Phương). Nhân vật nam của tiểu thuyết Nhụy khúc tên là Vũ: ta vẫn chưa ra khỏi vòng tròn do những hạt mưa tạo ra.

Nhân vật Vũ xuất hiện với câu nói: "Tôi cần thuê Tuổi thơ của Nathalie Sarraute" (tr.41). Một cách hết sức tự nhiên, nhân vật Vũ gắn liền với gió, muốn viết một câu chuyện về gió: "Gió là đứa trẻ con buồn nản với các phương trời cũ" (tr.65), lũ trẻ gió này nếu vi phạm luật lệ thì sẽ bị các vị thần bắt về nhốt trong "căn nhà gió", bị bỏ mặc cho sự bất tử của chúng. Cuộc đời của Vũ ngay từ nhỏ cũng gắn liền với bản nhạc La Mer của Claude Debussy, với chương cuối mang tên "Cuộc nói chuyện của gió với biển", bản nhạc xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn sách ở trang 102, và ngay lúc đó, Vũ đối diện với chính mình khi cánh cửa ngôi nhà số 4 mở ra (biển, ở ý nghĩa biểu tượng của nó, mang ý nghĩa ma thuật: khi bàn về lịch sử bệnh điên, ngay lập tức Michel Foucault nhắc đến yếu tố quỷ dị này của biển).

Tuổi thơ của Nathalie Sarraute là điểm giao đầu tiên giữa hai nhân vật. Tuổi thơ chính là vấn đề của cuốn tiểu thuyết Nhụy khúc. Tới đây, ta hiểu rõ hơn vai trò của mưa, dẫu trong Nhụy khúc nó xuất hiện không nhiều. Hai nhân vật của cuốn tiểu thuyết tồn tại trong nỗi tiếc nuối nguốc gốc, mặc dù ở nhân vật nữ, sự quên chiếm ưu thế, còn nhân vật nam, ngược lại, có thể nhớ được mọi điều kể từ khi sinh ra (chi tiết ở tr.71) (dẫu có vậy, trí nhớ tưởng chừng toàn bích này hóa ra lại rất nhiều khiếm khuyết, như ta sẽ thấy ở đoạn sau).

"Con người thường sống với cảm giác được trở về đâu đó. Nếu không có cảm giác trở về thật khó sống trong cõi buồn bã này. [...] Dù nhiều khi trí nhớ đột ngột suy tàn không nhớ nữa nhưng sâu thẳm vẫn cứ phải tìm cách trở về. Không trở về tức là đã chết" (tr.50). Nhưng trở về như thế nào? Sự quên chiếm ưu thế dĩ nhiên dường như không giúp ích được cho sự trở về, nhưng cả trí nhớ, xét cho cùng, cũng đâu giúp được gì. Con người phải sống trong sự thiếu thốn bản thể bẩm sinh (nếu không như vậy, con người sẽ không khác gì con vật), và dẫu có tìm cách trở về, thì mọi thứ dường như đều dịch chuyển như trêu ngươi vĩnh viễn. Không còn điểm mốc nào sử dụng được: ở đoạn cuối cuốn tiểu thuyết, nhân vật nữ về lại thị trấn hồi nhỏ khi ông bố phát điên, định lên ngọn núi quen thuộc ngày xưa nhưng thấy mình không nhận ra đường nữa. Nỗi thiếu thốn ở nguồn gốc bị gia tăng liều lượng chán nản với vai trò của một thứ xuất hiện liên tiếp trong sự tồn tại: mê cung.

Mê cung hiện ra ở những cái ngõ thiếu ánh sáng nơi người ta chẳng cần đến cả cái bóng của mình. Mê cung cũng xuất hiện ở những nơi nào ta tưởng mình đã quá quen thuộc. Nếu không có sợi chỉ dẫn đường, chắc chắn con người sẽ lạc lối vĩnh viễn trong mê cung. Nhưng mê cung vẫn còn chưa phải là dấu ấn tối hậu của thân phận con người: mê cung nào cũng là khuyết thiếu nếu không có một trung tâm - ở trung tâm mê cung có thể có gì? chỉ có thể có quái vật mà thôi.

Mê cung của cả trí nhớ tưởng chừng chắc chắn nữa: hai cảnh đốt sách trong Nhụy khúc khác hẳn nhau, điều đó cho thấy các dịch chuyển tồn tại ở bất kỳ đâu, và đầu óc con người, có thể là nơi chứa đựng trí nhớ, cũng giống một thành phố cảng từng lừng danh trong lịch sử vì câu chuyện chia ly năm 1954 sau này chẳng còn cảng biển nào nữa: cái gì cũng trở thành đích ngắm cho các chuyển động vô hướng.

Mọi thứ có thể đi đâu? Hay cơ chế của chuyển dịch là như thế nào? Trong Nhụy khúc, mấy điều hóc búa nhưng đầy mơ hồ trên đây được diễn đạt bằng một số cách thức, trong đó đáng quan tâm nhất là sự vật chất hóa các phạm trù vô hình; ta có một sự viết tạm gọi là chủ nghĩa duy vật của các cảm giác.

Cảm giác sống được dồn tụ vào sự buồn nôn: "Cảm giác nôn là cảm giác chân thật nhất của con người" (tr.168). Người ta cũng có thể sống theo lối ăn vữa vách tường (bố mẹ nhân vật nữ), hoặc quấn băng dính kín các quyển sách (nhân vật nữ). Thậm chí, còn đẩy xa hơn nữa: "thành phố là thực thể sống chứ không phải tên gọi" (tr.202). Nửa đêm cũng là vật chất: "Ở bên kia nửa đêm chưa chắc đã là nửa đêm đâu" (tr.77). Trong một thế giới như vậy, ta rất có thể vô ý mà vấp chân vào một cục thời gian vứt lăn lóc bên rệ đường, và quả thật, thời gian của Nhụy khúc có lúc được hình dung là "gói thời gian đóng kín" (tr.63). Đoạn đặc biệt hơn cả của quá trình vật chất hóa này, đối với tôi, là khi nhân vật nữ bước vào sương mù: "bàn tay trắng muốt, lạnh lẽo, các ngón thon dài đưa ra từ trong sương nắm cổ tay kéo đi" (tr.135), đó là khi "ánh sáng bị sương nuốt chửng, thuần hóa" (tr.134). Sương mù được hình dung là vật chất, thậm chí là một thực thể sống động. Điều này làm tôi nhớ đến phần đầu trong cuốn sách Histoire de Lynx, được Claude Lévi-Strauss đặt tên "Phía sương mù": đó là cuốn sách nơi Lévi-Strauss phân tích hiện tượng có những phạm trù gần nhau bất tận nhưng không bao giờ chạm được vào nhau, tại các xã hội bộ tộc. Các nhân vật trong Nhụy khúc không gặp được nhau, bởi vì họ không thể gặp được nhau trong một thế giới liên miên dịch chuyển theo các sơ đồ không sao hiểu nổi.

Nhưng, dẫu có như vậy, con người vẫn, không thể khác, bị hút về nguồn gốc đích thực của mình.

hãy biết chính mình...

Dẫu cho là có phải đi vòng tròn (tr.176), phải thành người khác (tr.202), phải đi giật lùi ("Sống là hành trình đi giật lùi từ hiện tại về kí ức" - tr.75), và dẫu cho dường như bao giờ cũng có một con mắt trên cao nhìn chúng ta, dửng dưng và tàn nhẫn (tr.84), thì con người vẫn cứ đi tìm.

Bởi vì, có một căn phòng đợi ta. Căn phòng ấy ta từng ở trong nhưng tại điểm khởi đầu của tồn tại chúng ta, bởi một ý chí độc ác nào đó, ta bị đẩy bắn ra ngoài, đẩy bắn ra mà không biết bằng cách nào, vì căn phòng không có cửa. Nó được miêu tả trong Nhụy khúc như sau: "Trong căn phòng có gì? Mình còn chưa thấy cửa" (tr.23). Cuộc tồn tại sau đó của chúng ta là cuộc tồn tại ở bên ngoài, làm mồi cho đủ mọi loại mê cung và mọi sự mê muội, chỉ đôi khi, thoáng chốc, như không hề có, như vẳng ra từ một giấc mơ, ta nghe thấy mờ ảo tiếng gọi từ căn phòng chứa đựng hữu thể đích thực của ta. Chỉ có vậy mà thôi.

-----------

Thế giới khiếm khuyết của Nhụy khúc thể hiện sự khiếm khuyết cả trong cái tên của nó. Đặt cho cuốn tiểu thuyết này cái tên này là không hoàn toàn đúng. Ngay trong sách, có câu "Hãy cứ biến mất" hoàn toàn có thể dùng làm nhan đề thích hợp hơn rất nhiều. Đến thời điểm này, một cách hết sức nghiêm túc, tôi nghĩ là các nhà văn Việt Nam cần làm một điều: có ý thức về đặt tên sách của mình. Nhụy khúc của Đinh Phương hoàn toàn khác, nhưng cái tên lại kéo nó về phía Nguyễn Đình Tú. Đã đến lúc văn chương Việt Nam có đủ sức để thoát khỏi những Hoang tâm, Xác phàm, Phiên bản, Nháp với cả Kín. Đã đến lúc nó đủ bản lĩnh để tạo ra những câu chuyện đúng, cần gì phải vương vấn với những câu chuyện không đúng của suốt một thời gian vừa qua nữa?

Như tôi đã nói trong đường link đầu tiên, về văn chương Việt Nam năm 2016: chín mười năm vừa rồi là cả một cuộc chiến tranh sách vở. Tại sao? Lý do là để chuẩn bị cho thời điểm 2016 này. Những nhà văn thực sự nhận được những gì công cuộc sách của chín, mười năm vừa qua mang lại sẽ mở một trang mới cho văn chương Việt Nam.

Nếu không phải là để như vậy, thì việc gì tôi phải chịu đựng một số thứ? Giờ đây, điều duy nhất mà tôi thấy tiếc trong những chuyện đã xảy ra nằm ở chỗ tôi đã phải suy nghĩ mất vài giây thì mới quyết định là sẽ chịu đựng, để những gì còn dang dở không tan nát hết trong một khoảnh khắc. Thật ra, việc gì phải nghĩ?

Cũng không phải ngẫu nhiên khi cuốn tiểu thuyết Vào cõi của Nguyễn Bình Phương vừa quay trở lại, xem ở kia (đây là điều mà tôi không biết trước). Âu cũng là số trời.

Khi nói đến chuyện văn chương Việt Nam sẽ có một năm 2016 rực rỡ, thật ra tôi đã biết Đinh Phương chính là người mở màn. Nhưng ở thời điểm ấy, tôi tưởng vai trò ấy nằm ở tập truyện ngắn Đợi đến lượt. Không ngờ, Đợi đến lượt (với truyện ngắn cùng tên sẽ trở thành kinh điển của văn chương Việt Nam), vấp phải một số vấn đề rất hay gặp trong xuất bản văn chương tại Việt Nam, lại ra sau Nhụy khúc (lúc đó tôi còn chưa biết là song song với tập truyện ngắn Đinh Phương còn sắp in một cuốn tiểu thuyết). Âu cũng là số trời.

Tôi sẽ không nói gì nữa sau cú mở đầu này. Những gì sẽ diễn ra ai cũng thấy ngay thôi. Mọi thứ đã được đặt lên đường ray, và tàu đã chạy. Không phải mọi cuốn sách Việt Nam in trong năm 2016 này đều thuộc vào câu chuyện bùng nổ, nhưng rất thực tình, tôi khuyên những ai có bản thảo thì nên in ngay đi. Không đúng vào thì cũng được hưởng sái. Mà phải công nhận, thời gian vừa rồi, tôi nhận được bản thảo tới tấp, xử lý và phân bổ cũng mệt phết.

6 comments:

  1. Tôi chúc mừng ông Nhị Linh nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhé

    ReplyDelete
  2. Người Việt nam ta nói chung thích chuyện, chuyện thành truyện mới là khoái cảm chủ yếu của việc đọc văn bản.

    Do vậy, các nhà văn cứ trình diễn văn bản thì bán sách cho hổ. Anh đợi mãi có bạn nào buồn cười tre trẻ để anh đọc không nhưng vẫn chỉ thấy một thằng Nhị Linh đùa chớt nhả.

    Các bạn 2016 không làm được anh phải bỏ tiền ra mua sách thì kể cả Nhị Linh bốc thơm tận giời anh nghĩ các bạn cũng chả được cái nước non gì.

    Ký tên: người đọc văn bản kinh của nó.

    ReplyDelete
  3. thì cứ nghĩ đây chính là cơ hội cuối cùng của văn chương Việt Nam đi, mất quái gì đâu

    đọc kinh mà viết nhõn mấy câu nghe vẫn kém lắm hehe, chưa ăn thua đâu

    ReplyDelete
  4. Anh ủng hộ việc góp ý cho tác giả Nguyễn Đình Tú bảo vệ môi trường bằng cách thôi đừng in sách nữa.

    ReplyDelete
  5. nói vậy thôi, tôi ủng hộ ai thích in gì cứ in, đằng nào cũng phá rừng xong lâu rồi

    à được cái các trang web văn chương chứa hộ phần lớn thứ, đỡ phải in, công trạng lớn lắm đấy, đừng tưởng

    ReplyDelete