May 25, 2017

Nghiên cứu văn học: con đường lý thuyết

Nếu có tồn tại một viện bảo tàng "Vinh danh lịch sử nghiên cứu văn học Việt Nam", và nếu tôi được quyền bỏ phiếu bầu chọn những gì nên được trưng bày, thì tôi sẽ dành phiếu của tôi, bầu vào một vị trí thật trang trọng, cho một cuốn sách viết về "lý thuyết văn học". Cuốn sách ấy, trong vài trăm trang của nó, về cơ bản nội dung lấy từ phần "introduction" của những cuốn sách "introduction" bằng tiếng Anh. Một sự uyên bác "rất mực introduction", và cũng là một trường hợp hết sức điển hình.

Rất tiếc (à, rất may) là một viện bảo tàng như vậy không tồn tại, và tôi cũng không đi bầu cho những thứ như vậy bao giờ. Nhưng dẫu có thế, "con đường lý thuyết" trong nghiên cứu văn học tại Việt Nam, nhất là trong vòng trên dưới hai mươi năm vừa rồi, vẫn cần được nhìn nhận.

Đây là mặt bên kia của công việc nghiên cứu văn học (mặt bên này là "sự đánh giá lại", mà tôi đã định viết rồi lại thôi, vẫn còn chưa viết, xem ở kia). Ta có thể hình dung một cách khái quát, công việc nghiên cứu văn học gồm hai khía cạnh lớn nhất: lịch sửlý thuyết.

Một số người còn nhớ, cách đây vài năm, tôi có một buổi thuyết trình. Đang nói giữa chừng thì tôi bỏ ngang, không nói nữa. Tất nhiên, như vậy thì cũng ridiculous. Nhưng hôm ấy, trong một chủ đề thuộc lý thuyết văn học, tới một thời điểm, tôi chợt cảm thấy không thể tiếp tục. Một cái gì đó giống như cơn buồn nôn khiến tôi không muốn nói tiếp nữa. Tôi thấy nhiều thứ không thật, tôi nghi ngờ bản thân tôi, cứ như thể chỉ cần thêm một bước chân nữa thôi, tôi cũng gia nhập vào một tập hợp đông đảo, ít nhất số lượng không nhỏ, những người nói ở nơi đông người những gì mà họ không thực sự hiểu và tin, rồi cứ lâu mãi thì đâm ra cũng tin vào những gì họ nói, vì những người nghe có vẻ cũng tin lời họ.

Cả tôi cũng cần "nhìn lại lý thuyết", theo cách riêng của tôi.

Và kể từ buổi thuyết trình bị bỏ dở giữa chừng ngang cung ấy, càng ngày tôi càng đi sâu hơn vào lịch sử. Ít nhất thì biểu hiện ở bên ngoài là như vậy.

Từ đó có thể rút ra một điều, rằng tôi không thấy lý thuyết còn nhiều ý nghĩa nữa? Cũng có thể, nhưng thật ra không phải: thậm chí, ngay từ đầu, và đến tận bây giờ, tôi vẫn nghĩ lý thuyết là điều có ý nghĩa lớn lao nhất trong hoạt động nghiên cứu văn học nói chung của nửa cuối thế kỷ 20, và kéo dài cho đến tận bây giờ. Thậm chí, tôi cho rằng vào thời điểm hiện tại, không một ai có thể thực sự làm được công việc nghiên cứu văn học nếu không có hiểu biết sâu sắc về lý thuyết, nếu không tìm được cách làm cho phần lý thuyết bên trong họ phát triển - một cách đúng đắn, tất nhiên. Vật trạng của thế giới quy định điều đó.

Vấn đề còn lại là, cần phân tích "lý thuyết văn học", cần phải hiểu nó.

Quay trở lại với cuốn sách về lý thuyết tôi đã nhắc đến ở trên kia. Tôi nghĩ, cuộc tranh luận diễn ra cách đây gần hai chục năm và được đặt "mật danh" cuộc tranh luận trí thức-phản trí thức đã bắt đầu phát lộ hết ý nghĩa của nó. Đúng, những người năm ấy bị liệt vào hàng "phản trí thức" rất nực cười, từ điển Encarta, dẫu là Deluxe Edition hay không, rất nực cười. Nhưng còn phía đối diện thì sao? Tôi nghĩ phía đối diện, những người tưởng chừng không phản trí thức, còn nực cười gấp bội. Họ có thể sản xuất những cuốn sách gồm toàn nội dung các phần introduction của những cuốn sách introduction.

Điều này, theo tôi, rất liên quan đến hiện tượng của hơn chục năm trở lại đây nổi bật trong đời sống tạm gọi là "trí thức" của Việt Nam: hiện tượng rất đông đảo người cứ mở miệng là "triết học, triết học".

Những con người triết học triết học ấy đã bao giờ viết ra được một thứ gì, một trang cũng được, hay  thậm chí đến một đoạn văn, một câu văn, đúng là triết học hay chưa? Không có đâu.

Tôi nhắc đến triết học ở chủ đề "lý thuyết văn học" với rất nhiều chủ ý, như sẽ thấy ở phần sau.

Lý thuyết văn học là gì? Trong bối cảnh đặc biệt của Việt Nam, lý thuyết và một thứ mang tên "lý luận" cần được nhìn nhận ra sao, có thể phân biệt với nhau một cách rõ ràng hay không (có cả loạt "nhà lý luận" đã rất khéo léo biến thành "lý thuyết gia")? Đâu là những cái chết trong nghiên cứu lý thuyết văn học ở Việt Nam (ngoài chuyện "introduction" như trên đã nói, tôi nghĩ cái chết của hoạt động này nằm ở hai "từ khóa" nổi bật sau: "tổng thuật" và "áp dụng")? Tại sao ở trung tâm của lý thuyết văn học lại nổi lên câu hỏi dai dẳng văn chương là gì? Lý thuyết văn học thì có "tiến bộ" hay không? Và, có thể coi những người đọc rất nhiều sách lý thuyết, biết rõ các lý thuyết gia (Roland Barthes, Paul de Man, Spivak, Gérard Genette, Hillis Miller, Jacques Derrida et tutti quanti) nói gì thực sự là những người "làm lý thuyết", thậm chí nắm được lý thuyết, hay không?

Tôi sẽ phân tích các vấn đề nêu trên ở đây.


(còn nữa)

8 comments:

  1. great! cho một nhát đi. để giúp nó khỏi chìm sâu hơn nữa vào cái bể "popular passion" trông thấy đáy.

    ReplyDelete
  2. nghe tên chủ đề khô khan quá, nhưng bác đặt vấn đề quá hay

    ReplyDelete
  3. Có lẽ một cuốn sách gồm những "introduction" như thế vẫn có ích cho những người cần biết những "introduction" về lý thuyết văn học hơn là những bài viết chọt chỗ này một chút chọt chỗ kia một chút, đâm người này một chút, thọc người kia một chút nhưng chẳng bao giờ thật sự trình bày một vấn đề nào cho thật rành mạch, ra hồn, ngay cả theo một cách... introduction.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hỏi khí không phải, bác "chọt" này đến từ bộ phận lí thuyết kim tiêm?

      Delete
    2. Nói đúng rồi, nói xong rồi, thôi đi chỗ khác nhé, nơi này không cần, nhé

      Delete
  4. đây rồi, mong mãi mới thấy

    một ví dụ rất lớn làm nên nền tảng cho sự ngu xuẩn khoác áo hiểu biết, rất đặc trưng của thời bây giờ, không chỉ trong chuyện nghiên cứu văn học

    và tất nhiên, rất anonymous

    ReplyDelete
  5. từ từ tìm đi, đừng có chưa gì đã hỏi

    ReplyDelete