May 4, 2017

tiếp tục các bt (II, III, IV, V)

Trước khi viết những biến tấu dựa trên các chủ đề của René Char, thật ra, nhiều thứ khác tôi làm đã là như vậy rồi, chỉ là không gọi rõ tên ra mà thôi.

Tôi cũng biết, một số người, vài người, chắc là rất ít (nhưng kiểu gì cũng sẽ có) hiểu được điều này: ở đây, tôi đang bàn, theo cách riêng của tôi, về chuyện tại sao người ta lại dịch (chẳng hạn thứ nhất, chẳng hạn thứ hai). Thời gian vừa rồi, người ta nói rất lắm về dịch thuật, nhưng tất cả đều nói (và tuyệt đại đa số nói lung tung) về khía cạnh như thế nào, nhưng khía cạnh tại sao, quan trọng hơn rất nhiều, thì không có lấy một ai sờ được đến. À, cũng đến kỳ đến hạn rồi, sắp sửa quay trở lại với vấn đề dịch thuật nhé, một số nhân vật chuẩn bị sẵn đi.


II

*

Thơ là sự nhìn (và nhìn thấy) vào tương lai. Cũng là nhìn vào quá khứ (nhưng không phải quá khứ riêng của chúng ta). Tương lai và quá khứ này không phải trước và sau, và cả hai sự nhìn ấy đều xảy ra trong lúc không hề rời khỏi hiện tại, neo đậu chênh vênh, hòn đá nhỏ đến phi lý ba phần tư chìa ra ngoài khoảng không, trên rìa một vực thẳm.

*

Sự cân bằng của hoàn cảnh: hàng tấn đá buộc vào và kéo ta xuống dưới, bằng những sợi dây không bao giờ đứt của số phận, nỗi đau và sự hoang vắng, nhưng về phía trên vẫn có những thứ khác kéo ta lên. Là những thứ gì? Đỉnh cao khai mở, ồ đúng, hoàn toàn có thể nằm ngay dưới chân ta.

*

Một tâm hồn nhỏ nhoi, đúng thế, thì đâu phải là một tâm hồn.


III

Dưới một bầu trời ngái ngủ kinh niên giống như căn bệnh của vĩnh cửu - nhưng không có gì chung với sản phẩm nực cười của cuộc sống con người, nỗi buồn chán: vĩnh cửu nằm bên trong nỗi buồn chán, chứ không phải là bản thân nó - và bên trên một mặt đất phủ đầy tro của muôn vàn cơn đại hồng thủy từng lướt qua một cách uể oải như một nỗi đương nhiên, nhưng không phải trên bề mặt mà là phía trên không tiếp giáp, có thể nói là lơ lửng (nếu "lơ lửng" là một trạng thái thực sự có tồn tại - ngay cả khi ấy, chưa chắc nó đã có một ý nghĩa nào): chỗ của tinh thần - khoảng không gian nằm bên trong cú ngáp của khoảnh khắc.


IV

Không lựa chọn, tức là, dường như, không đi vào, dẫu cho cửa đã mở. Nhưng đó cũng đồng thời là từ chối, tuy rằng từ chối làm nên sự lựa chọn nhiều hơn là không lựa chọn. Rất có thể, chỉ một việc duy nhất cần làm: đi vòng ra sau lưng của lựa chọn (và không lựa chọn). Hãy từ chối, không phải do kết quả của một chuỗi lập luận nào, dẫu có chặt chẽ đến đâu. Nhưng hãy từ chối.


V

Với sự im lặng ngồi bên cạnh: khoảnh khắc khi thế giới trở nên một thế giới sum suê. Sự tràn đầy, có phải không? đâu bắt rễ, đâu chọn khởi nguyên cho nó trong mọi sự nhiều ngu xuẩn. Một thế giới sum suê là nơi ở của những con người chọn đẹp trời làm nguyên tắc, bầu bạn với tia chớp, ở chốn ấy đàn ông không bụng phệ và phụ nữ thì không biết đến cay nghiệt.


-----------


Phụ lục I.

"Repose-t-il en paix lorsqu’il a disparu? Ça creuse un souterrain. Ça vole avec la graine. Ça signe quelque trace. Ça reconnaît l’amour. Rien n’est anéanti, même pas l’illusion de la facilité. Vivant là où son livre raidi se trouve. Et doublement vivant si une main ardente ouvre le livre à une page qui sommeillait."

(René Char, "Cruels assortiments", Chants de la Balandrane)


Phụ lục II.

Nội dung chính yếu "entry" ngày 4 tháng Năm năm 1806 trong Nhật ký của Stendhal, tức là cách đây đúng 211 năm, chính xác đến từng ngày (lúc này, Stendhal đang ở Marseille), năm nhiều trang nhật ký nhất: 1805, tức là năm Stendhal hăm hai tuổi (chiếm đến 200 trang ấn bản La Pléiade); Stendhal viết blog và đặt chế độ "only me":

"Jolie journée pour Marseille. Siècles futurs, voyez ma misère! Hier triste, apparemment de trop de forces. Je fais ça une fois cette nuit, je me trouve gai. [...] J'ai été vraiment heureux les deux premières heures que nous avons passés avec Mimi. La vérole ne paraît point encore."

Câu cảm thán (có dấu (!)) muốn nói "Các thế kỷ tương lai, hãy xem nỗi khốn cùng của tôi đây!" - đúng là điều mà ngay lúc này chúng ta đang làm, chúng ta, thuộc một trong "các thế kỷ tương lai".

Stendhal kể đêm qua đã làm "ça", nghĩa là "chuyện ấy", và sau đó thấy vui. Ta rùng mình lo sợ hộ người thanh niên trẻ tuổi, toát cả mồ hôi, nhưng cũng may vì thanh niên ấy chỉ "ấy" đúng có một lần; như thế thì cũng đỡ.

Hai câu cuối cùng xuất hiện nhân vật Mimi, và ngay sau đó là nỗi sợ bệnh giang mai. Đàn ông suốt một thời gian dài, đặc biệt sợ giang mai. Rất đáng buồn, sự thật lịch sử là Stendhal, cũng như Flaubert, cũng như Maupassant, đều có tên trong danh sách bệnh nhân của chứng này.



Biến tấu trên các chủ đề của René Char (I)
Thư viện bùng cháy
Bức thành cành vụn
René Char về nhà thơ
Nhịp của thơ


Thơ: Paul Celan
Thơ: René Char về nhà thơ
Thơ: chẳng ai là ai
Thơ: tiểu sử
Thơ: bi ca và trí tuệ



4 comments:

  1. à há. tôi thì thấy trong những ca khả dĩ nhất thì thơ giống như lời ta thán về nỗi khổ vì trí tuệ. gánh nặng của sự sáng suốt đó là bởi sự mù mờ ở cái vật mang chứa nó, dù là có rộng đến đâu hay có hẹp đến đâu. thậm chí người ta có thể lấy cái thúng úp lên ngọn đèn (@ Phúc Âm) và thơ trở nên là "bức xạ vật đen" hoàn hảo.

    ReplyDelete
  2. thì bởi thơ là câu chuyện của giải trừ trí tuệ (có thể coi là giải trừ các ảo tưởng liên quan - trong lúc không động vào đó, bởi vì cần phải biết coi trọng sự sặc sỡ của thế giới), điều đó dẫn tới hoặc không còn trí tuệ, hoặc, chính là trí tuệ, nhưng "khác"

    nếu còn vật chứa (tức là cái dùng để chứa và cái được chứa) thì tức là vẫn tồn tại trong và ngoài, điều đó tất yếu dẫn tới mắc kẹt (và đi kèm "ta thán"?)

    ReplyDelete
  3. à, trí tuệ vẫn bị gọi là "trí tuệ," chẳng làm sao thoát được sự mang chứa. mượn một diễn đạt của M.F thì nó như là cái "structural silence." vì thế nên những lời kêu ca đều đáng phàn nàn, trong thơ. chuyện "ta thán" chỉ có vậy. còn "mắc kẹt" là ân điển chung cho mọi mỗi. khác nhau chỉ là một đằng kêu lên còn một đằng không kêu lên ( @ "tiện bút số 7" unfinished)

    ReplyDelete
  4. Điên cuồng như vệ tuệ :b

    Wishing you a very gloomy NY(ork)

    ReplyDelete