André Gide, với sự vô sỉ rất đặc trưng, từng nói rằng những người siêu thực (nhất là André Breton) kể ra cũng có chút giá trị, và giá trị ấy nằm ở chuyện chính nhờ họ mà Isidore Ducasse, bá tước de Lautréamont, không bị lãng quên.
Người ta không biết gì về cuộc đời Lautréamont, hay gần như vậy. Chính nhờ các chi tiết lấy từ các tác phẩm của Lautréamont (nhất là Những khúc ca Maldoror), mà người ta nghĩ biết được một chút. Gaston Bachelard là một trong những người nghĩ vậy. Chẳng hạn, chi tiết "hắn sinh ra trên bến bờ châu Mỹ etc." như đã thấy ở kia. Trong mấy đoạn dưới đây cũng có vài chi tiết về sau sẽ giúp các nhà bình luận nghĩ rằng mình nhìn thấy vài điều trong "tiểu sử" Lautréamont. Chủ yếu, lập luận dựa trên việc một thanh niên quá trẻ như Lautréamont sẽ lấy rất nhiều điều từ cuộc đời riêng của mình đưa vào tác phẩm, tất nhiên về cơ bản chúng sẽ được "chuyển hóa".
Cũng có thể tin là như vậy.
Cũng nhờ đi vào, mỗi lúc một sâu thêm, Maldoror, tôi nghĩ đã đến lúc có thể sắp bắt đầu được với André Breton. Đối với tôi, điều này hết sức quan trọng: đi được vào thế giới của André Breton. Nhân tiện, đã tiếp tục về Thơ Mới.
II, 7
Ở
đó, trong một lùm cây đầy hoa bao quanh, đang ngủ cái kẻ thư hùng đồng thể ấy,
thật say sưa trên cỏ, đẫm mình trong nước mắt. Trăng đã dịch đĩa tròn của nó khỏi
khối mây, và đưa các tia sáng nhợt nhạt ve vuốt khuôn mặt thiếu niên dịu dàng
kia. Các đường nét của chàng biểu hiện sự cương nghị có đực tính cao nhất, và
cùng lúc, vẻ duyên dáng một trinh nữ thiên đường. Chẳng gì có vẻ tự nhiên ở nơi
người ấy, cả đến những cơ bắp trên cơ thể, chúng tự vạch lấy một lối đi xuyên
qua các công tua dịu êm những dạng hình nữ. Cánh tay chàng gập lại đặt trên
trán, bàn tay bên kia áp lên ngực, như để kìm nén những cú đập một trái tim
khóa kín lại trước mọi lời tâm giao, và chất chứa gánh nặng lớn lao một bí mật
vĩnh hằng. Mệt vì cuộc đời, và ngượng ngùng vì phải bước đi giữa những kẻ không
giống với chàng, nỗi tuyệt vọng đã chiếm lĩnh tâm hồn chàng, và chỉ một mình
chàng bỏ ra đi, giống tên ăn mày nơi thung lũng. Chàng đã làm sao để kiếm kế
sinh nhai? Những tâm hồn nhiều cảm thương dõi theo bước chàng, mà chàng chẳng hề
ngờ đến cuộc giám sát, và không bỏ rơi chàng: chàng tốt đến thế! chàng nhu mì đến
thế! Sẵn lòng, thảng hoặc chàng nói chuyện với những ai có tính cách nhạy cảm,
mà không chạm vào tay họ, và đứng cách ra xa, trong nỗi e sợ một mối nguy tưởng
tượng. Nếu được hỏi tại sao lại chọn nỗi cô độc làm bạn đường, chàng sẽ ngước
nhìn trời, và khó nhọc lắm mới nén nổi một giọt nước mắt trách cứ Thiên Hựu;
nhưng chàng không đáp lại câu hỏi thiếu cẩn trọng ấy, nó khiến lan rộng, trong
làn tuyết hai mí mắt chàng, màu đỏ của bông hoa hồng sớm tinh sương. Nếu cuộc
trò chuyện kéo dài, chàng trở nên lo lắng, ngoái nhìn về bốn phương, như muốn
tìm cách chạy trốn khỏi sự hiện diện của một kẻ thù vô hình đang xáp lại, đưa
tay phác một động tác tạm biệt đột ngột, rời xa trên cặp cánh của nỗi thẹn
thùng đã tỉnh giấc của chàng, và biến mất đi vào khu rừng. Người ta thường coi
chàng là một thằng điên. Một hôm, bốn kẻ đeo mặt nạ, theo mệnh lệnh ập vào và
trói nghiến chàng lại, chàng chỉ còn có thể động cựa hai chân. Cây roi phũ
phàng vụt xuống lưng chàng, và chúng nói rằng chàng phải khẩn cấp đi về phía
con đường dẫn tới Bicêtre. Chàng cười nụ chịu hình, nhận những cú đánh, và nói
với chúng, bằng rất nhiều tình cảm, rất nhiều trí tuệ về các bộ môn khoa học
con người mà chàng từng nghiên cứu và chúng cho thấy một học vấn lớn lao nơi
cái người còn chưa vượt qua khỏi ngưỡng của tuổi trẻ, cũng như về số phận của
nhân loại, trong đó chàng hé lộ toàn bộ sự cao quý thơ ca của tâm hồn chàng, đến
mức đám gác dan, hoảng hốt vô chừng vì hành động mà chúng đã làm, tháo dây trói
cho tay chân chàng gãy gập, quỳ gục xuống xin tha thứ, và được chuẩn y, rồi đi
khỏi, cùng các biểu hiện của một sự kính ngưỡng vốn dĩ không thường hướng về lũ
con người. Kể từ sự kiện đó, mà người ta đồn đại rất nhiều, bí mật của chàng bất
kỳ ai cũng đoán ra, nhưng như thể người ta lờ nó đi, nhằm không làm tăng thêm
những đau đớn của chàng; và chính phủ quyết định trao cho chàng một khoản trợ cấp
lớn, với mục đích làm chàng quên đi rằng trong một giây lát người ta từng muốn
dùng vũ lực để đưa chàng, mà trước đó chưa hề kiểm tra, vào một trại điên. Còn
chàng, chàng dùng phân nửa số tiền; chỗ còn lại, chàng cho người nghèo. Những
lúc trông thấy một người đàn ông và một phụ nữ đi dạo trên một lối đi trồng cây
tiêu huyền, chàng cảm thấy người chàng bị chẻ làm đôi từ trên xuống dưới, và mỗi
bộ phận mới nhào tới ôm siết lấy một trong hai người dạo chơi; nhưng, đó chỉ là
một ảo giác, và lý trí mau chóng quay trở lại cầm cương. Chính bởi vậy, chàng
không mang sự hiện diện của mình trộn lẫn vào với đám đàn ông cũng như lũ phụ nữ;
vì, sự thẹn thùng quá mức nơi chàng, từng nảy sinh trong cái ý tưởng rằng chàng
chỉ là một con quái vật, ngăn cản chàng trao mối cảm tình thiết tha của mình
cho bất cứ kẻ nào. Hẳn chàng sẽ nghĩ mình đang tự phàm tục hóa, và hẳn chàng
nghĩ mình phàm tục hóa người khác. Lòng kiêu ngạo nhắc đi nhắc lại với chàng
câu châm ngôn ngày: “Ai phận người nấy.” Lòng kiêu ngạo của chàng, ta từng nói,
bởi chàng sợ khi nhập cuộc đời chàng với một đàn ông hay một phụ nữ, không sớm
thì muộn người ta sẽ trách móc nơi chàng, như thể đó là một lỗi lầm to lớn, cấu
hình con người chàng. Vậy nên, chàng chui tọt vào ẩn trốn bên trong cõi tự ái,
mếch lòng bởi cái giả định nhơ nhớp chỉ phát xuất từ chàng, và chàng nhất quyết
sống cô độc, giữa những giằng xé, không kèm theo niềm an ủi nào. Ở đó, trong một
lùm cây đầy hoa bao quanh, đang ngủ cái kẻ thư hùng đồng thể ấy, thật say sưa
trên cỏ, đẫm mình trong nước mắt. Lũ chim, bị đánh thức, hân hoan chiêm ngưỡng
khuôn mặt sầu muộn kia, xuyên qua các cành cây, và chim họa mi không muốn cất
lên những khúc cavatin lảnh lót. Cánh rừng trở nên uy nghi như một nấm mộ, bởi
sự hiện diện ban đêm của nhân vật thư hùng đồng thể kém may mắn. Hỡi lữ khách lạc
bước chân, bởi tinh thần phiêu lưu mà rời bố bỏ mẹ, ngay ở tuổi non trẻ; bởi những
đau đớn mà cơn khát từng gây cho ngươi, trên sa mạc; bởi tổ quốc mà có lẽ ngươi
đang đi tìm, sau khi đã lang thang, sống đời phát vãng đằng đẵng, nơi những
vùng đất xa lạ; bởi con ngựa của ngươi, người bạn trung thành, kẻ đã cùng ngươi
chịu đựng đời lưu đày và lam sơn chướng khí mà tâm tính ma cà bông từng khiến
ngươi băng qua; bởi phẩm giá mà con người được trao từ những lãng du trên các mảnh
đất xa ngái và những biển chưa từng được khám phá, giữa những băng vùng cực, hoặc
dưới ảnh hưởng của một mặt trời như thiêu đốt, chớ đưa tay, như thể với một đợt
run rẩy gió nhẹ, chạm vào những lọn tóc kia, chảy tràn trên mặt đất, trộn lẫn
vào với cỏ lục. Hãy đứng cách ra nhiều bước chân, như vậy ngươi sẽ cư xử khá
hơn. Mái tóc ấy là thiêng liêng; đích thân nhân vật thư hùng đồng thể muốn thế.
Chàng không muốn các làn môi con người thành kính hôn lên tóc chàng, chúng được
ướp hương từ hơi thở của núi, cũng như trán của chàng, nó rực sáng lên, trong
khoảnh khắc này, giống những vì sao trên trời. Nhưng, sẽ tốt hơn hết nếu nghĩ
chính một ngôi sao đã hạ xuống từ quỹ đạo của nó, xuyên không gian, đậu lên vầng
trán oai vệ kia, mà nó bao lấy với ánh sáng kim cương của mình, giống như một
hào quang. Màn đêm, đưa ngón tay gạt nỗi buồn của chàng đi, vận trên mình tất tật
những duyên dáng vốn dĩ nhằm ăn mừng giấc ngủ của hiện thân sự thẹn thùng kia,
cái hình ảnh hoàn hảo của sự ngây thơ các thiên thần kia: tiếng rột roạt lũ côn
trùng ắng lặng hẳn đi. Các cành cây xòa xuống chàng sự cao nhã rậm rì của chúng,
để ngăn chàng khỏi dính sương, và cơn gió, vừa làm ngân lên những sợi dây cây
đàn hạc du dương vừa gửi đến các hợp âm vui tươi, xuyên qua nỗi im lặng vũ trụ,
về phía cặp mí mắt hạ xuống, chúng nghĩ mình đang bất động mà dự vào bản công
xe đầy nhịp điệu của các thế giới treo lơ lửng. Chàng mơ là chàng hạnh phúc; bản
tính cơ thể chàng đã biến đổi; hoặc giả, ít nhất, chàng đã bay vọt lên trên một
cuộn mây tía, về phía một tầng cầu khác, nơi cư ngụ của các sinh thể cùng bản
tính với chàng. Hỡi ôi! cầu cho ảo tưởng của chàng kéo dài cho tới cơn bừng tỉnh
của rạng đông! Chàng mơ thấy những bông hoa nhảy múa thành vòng tròn quanh
chàng, giống những quầng hoa điên rồ to lớn, và tẩm đẫm chàng trong những hương
thơm dịu ngọt của chúng, giữa lúc chàng hát một điệu tình, trong vòng tay ôm của
một con người mang vẻ đẹp ma thuật. Nhưng, hai cánh tay chàng chỉ đang quấn riết
lấy một làn hơi hoàng hôn; và, chừng nào thức giấc, hai tay chàng sẽ chẳng còn
ôm nó nữa. Đừng tỉnh dậy, hỡi thư hùng đồng thể; đừng tỉnh dậy vội, ta xin mi.
Tại sao mi không chịu tin lời ta? Ngủ đi… ngủ nữa đi. Ngực của mi cứ việc nhô
lên hạ xuống, theo đuổi niềm hy vọng ảo tượng về hạnh phúc, điều đó ta cho phép
mi; nhưng, đừng mở mắt. A! đừng mở mắt! Ta muốn rời khỏi mi đúng như vậy, để khỏi
phải chứng kiến sự thức giấc của mi. Có lẽ rồi một ngày, với sự giúp sức của một
quyển sách thật dày, trong những trang đầy xúc động, ta sẽ kể lại câu chuyện của
mi, sững sờ trước những gì mà nó chứa đựng, và các chỉ dạy thoát thai từ đó.
Cho tới lúc này, ta đã không thể làm thế; bởi vì, mỗi khi nào ta muốn vậy, nước
mắt lại ào ạt rơi xuống giấy, và những ngón tay ta run lên, mà chẳng phải vì tuổi
già. Nhưng, ta muốn rốt cuộc rồi cũng sẽ có được lòng can đảm ấy. Ta ngao ngán
vì không có nhiều dũng khí hơn so với một phụ nữ, vì ngất xỉu đi, như một đứa
bé gái, mỗi lúc nào suy nghĩ đến nỗi khốn cùng lớn lao của mi. Ngủ đi… ngủ nữa
đi; nhưng, đừng mở mắt. A! đừng mở mắt! Vĩnh biệt, hỡi thư hùng đồng thể! Ngày
ngày, ta sẽ không quên nguyện trời cho mi (nếu đó là để cho ta, ta sẽ chẳng hề
cầu nguyện). Cầu cho sự yên bình ngự trị trong lồng ngực của mi!
II, 8
Những
lúc một phụ nữ, với chất giọng soprano, phát ra các nốt rung động và du dương,
khi được nghe hòa thanh ấy của con người, hai mắt ta ngập tràn một thứ lửa âm ỉ
và vãi đi những tia đau đớn, cùng lúc trong tai ta như thể vang lên âm thanh dồn
dập pháo kích. Có thể phát xuất từ đâu nỗi kinh tởm sâu sắc kia đối với mọi thứ
gì dính dáng đến con người? Nếu những hợp âm bay vút lên từ các thớ của một nhạc
cụ, ta thèm thuồng lắng nghe những ngọc âm đó, chúng khởi đi theo nhịp điệu,
băng ngang các đợt sóng uốn lượn của bầu không khí. Tri giác chỉ truyền đến cho
thính giác của ta ấn tượng về một sự êm dịu đến nỗi làm tan chảy thần kinh và
suy nghĩ; một cơn thiếp ngủ không thể thốt nên lời bao bọc bằng thứ cỏ êm ma
thuật của nó, giống một làn voan làm dịu ánh sáng ngày, quyền năng tích cực các
giác quan của ta và những sức mạnh cuồn cuộn trí tưởng tượng nơi ta. Người ta kể
rằng ta sinh ra trong vòng tay của sự điếc! Ở đoạn đầu tuổi thơ của ta, ta đã
chẳng hề nghe thấy những gì người khác nói với ta. Tới lúc, với những khó nhọc
lớn lao nhất, người ta cũng dạy được cho ta nói, thì cũng chỉ, sau khi đã đọc
trên một tờ giấy những gì mà ai đó viết, ta mới có thể truyền đi, đến lượt ta, sợi
chỉ nối chuỗi lập luận của ta. Một ngày nọ, ngày thảm khốc, ta lớn lên trong vẻ
đẹp và trong sự ngây thơ; và ai ai cũng ngưỡng mộ trí tuệ cùng lòng tốt của kẻ
thiếu niên thần thánh. Nhiều ý thức đỏ mặt xấu hổ trong lúc ngắm nhìn các đường
nét trong ngần kia, nơi tâm hồn của nó đã đặt ngai chúa tể. Người ta chỉ lại gần
nó với lòng kính ngưỡng, bởi vì người ta nhìn thấy trong mắt nó cái nhìn của một
thiên thần. Nhưng không, ta đây vốn biết tỏng rằng những bông hoa hồng hạnh
phúc của tuổi niên thiếu sẽ chẳng bừng nở vĩnh viễn, kết thành vòng với lọn thất
thường, trên vầng trán khiêm nhường và cao quý của nó, mà tất tật các bà mẹ cuồng
nhiệt hôn lên. Ta bắt đầu thấy rằng vũ trụ, cùng cái vòm cao ngất điểm những khối
cầu thản nhiên và gây bực bội, có lẽ không phải cái gì kỳ vĩ nhất mà ta từng mơ
thấy. Vậy nên, một hôm, mệt vì phải rảo bước trên con đường dốc của chuyến du
hành trái đất, vì phải đi, ngật ngưỡng như một kẻ say, len lỏi qua các hầm mộ u
tối của cuộc đời, ta chậm rãi giương cặp mắt ngập sầu muộn của ta, quầng một
vòng xanh nhợ, về phía hõm sâu bầu trời, và ta cả gan xâm nhập, ta, còn trẻ đến
vậy, những bí ẩn thiên đường! Vì không tìm được những gì mà ta đi kiếm, ta nhướng
mí mắt hãi hùng lên cao hơn, rồi lại cao hơn nữa, cho tới lúc ta
trông thấy một ngai vàng, tạo nên từ những chất thải con người và vàng, ngồi ngự
trên đó, cùng một sự cao ngạo xuẩn ngốc, người phủ một tấm vải liệm thật ra là
đống chăn chưa giặt của bệnh viện, cái kẻ tự gọi mình là Đấng Sáng Tạo! Ông ta
cầm trên tay thân hình thối rữa của một người chết, và hết đưa nó từ mắt xuống
mũi lại từ mũi xuống mồm; khi đã tới cái mồm, người ta đoán ngay được ông ta
làm gì với nó. Hai bàn chân ông ta ngập trong một vũng máu lớn sôi lục bục,
trên bề mặt đột nhiên nhô lên, giống lũ sán dây xuyên lên từ dưới lòng cái bô,
dăm bộ mặt dè dặt, rồi chúng lại ngụp ngay xuống, với sự chóng vánh của mũi tên
bay: một cú đá, thật chuẩn xác vào ngay xương bã mía, là phần thưởng lừng danh
cho sự nổi loạn chống lại nội quy, khởi nguồn từ nhu cầu hít thở một môi trường
khác; bởi vì, rốt cuộc, người có phải là cá đâu! Cùng lắm là những con vật lưỡng
cư, chúng bơi lập lờ trong thứ chất lỏng tởm lợm kia!… cho tới lúc, chẳng còn lại
gì trên tay, Đấng Sáng Tạo, bằng hai móng vuốt của bàn chân, như gọng kìm, tóm
lấy cổ một kẻ đang lặn khác, rồi nâng hắn lên trên không, nhấc ra khỏi chỗ cặn
đáy đỏ đục, thứ nước xốt tuyệt hảo! Đối với kẻ đó, ông ta cũng làm giống như kẻ
trước. Thoạt tiên ông ta nhai ngấu nghiến cái đầu của hắn, rồi hai chân và hai
tay, cuối cùng là đến thân người, cho tới chừng nào chẳng còn lại gì nữa; bởi
vì, ông ta nhai rau ráu luôn cả xương. Cứ thế mà tiếp tục, vào những giờ khác
trong sự vĩnh cửu của ông ta. Đôi khi ông ta kêu lên: “Ta đã tạo ra các ngươi;
thế nên ta có quyền làm với các ngươi những gì mà ta muốn. Các ngươi đã không
làm gì với ta, ta không phủ nhận. Ta bắt các ngươi phải đau khổ, để ta cảm thấy
khoái thú.” Rồi ông ta tiếp tục bữa ăn tàn nhẫn của mình, trệu trạo hàm dưới,
nó làm rung bộ râu ông ta vương những mẩu óc. Ôi độc giả, chi tiết vừa xong
không làm ngươi phun nước ra khỏi miệng đấy chứ? Chẳng phải là ai cũng được ăn
một bộ óc như vậy đâu, ngon như thế, tươi như thế, vừa mới được câu lên từ hồ cá cách đây mười lăm phút đồng hồ. Tứ
chi tê liệt, cổ họng câm lặng, ta ngắm nhìn cảnh tượng đó một lúc. Ba lần, thiếu
điều ta đã ngã bật ngửa ra đằng sau, như một người vừa phải chịu một xúc cảm
quá mạnh; ba lần, ta gượng đứng vững. Không một thớ nào trên người ta còn bất động;
và ta run, giống như dung nham bên trong một núi lửa. Rốt cuộc, ngực thắt lại,
không sao đuổi đi nổi với đủ tốc độ không khí, thứ mang lại sự sống, miệng ta
há hốc, và ta buột ra một tiếng hét… một tiếng hét xé lòng… đến nỗi ta có nghe
thấy! Những rào cản trong tai ta đột nhiên bị tháo tung, màng nhĩ vỡ tan dưới cú
ập xuống của khối không khí vang động kia bị đẩy bắn đi xa khỏi ta, và xảy ra một
hiện tượng mới trong cái cơ phận vốn dĩ bị tự nhiên khóa kín. Ta vừa nghe thấy
một âm thanh! Giác quan thứ năm đã hiện ra trong ta! Nhưng khoái lạc nào đây,
khi có khám phá ấy? Kể từ đó, âm thanh con người chỉ đến được tai ta kèm cảm
giác về nỗi đau sinh ra từ lòng thương xót hướng tới một nỗi bất công lớn lao.
Những khi một ai đó nói chuyện với ta, ta nhớ lại những gì ta từng nhìn thấy, một
ngày nọ, phía bên trên các tầng cầu hữu hình, và quá trình chuyển dịch những cảm
giác bị bóp nghẹt của ta thành một tiếng hú thảm thê, mà âm sắc giống hệt với
âm sắc những kẻ đồng loại với ta! Ta không thể đáp lời kẻ kia; bởi vì, các khổ
hình thực thi lên sự yếu ớt của con người, nơi biển cả màu tía tệ hại ấy, lướt
qua trước trán ta, vừa lướt đi vừa gầm lên giống lũ voi bị lột da, và quệt những
cặp cánh lửa qua mái tóc cháy sém của ta. Về sau, khi ta đã biết rõ về nhân
tính hơn, cảm giác thương hại đó còn cộng thêm một cơn thịnh nộ khủng khiếp chống
lại con mụ hổ cái mẹ ghẻ kia, mà lũ con cứng rắn chỉ biết nguyền rủa và làm điều
ác. Sự táo gan của lời dối trá! chúng dám nói rằng cái ác nơi chúng chỉ ở tình
trạng ngoại lệ!… Giờ đây, chuyện đã kết thúc lâu lắm rồi; từ lâu lắm, ta không
nói một lời với bất kỳ ai. Ôi ngươi, dẫu ngươi có là ai đi nữa, chừng nào ngươi
ở bên cạnh ta, thì các sợi dây thanh môn của ngươi cũng không được để buột ra
âm điệu nào hết; thì thanh quản bất động của ngươi không được gắng sức vượt trội
chim họa mi; và bản thân ngươi không được cố sao làm cho ta biết về tâm hồn của
ngươi với sự trợ sức của ngôn ngữ. Hãy giữ một sự im lặng sâu thẳm, mà chẳng gì
gây gián đoạn; hãy nhún nhường chắp hai tay lại trước ngực, và hướng mí mắt xuống
bên dưới. Ta đã nói với ngươi rồi đấy, kể từ viễn kiến từng giúp ta biết được sự
thật tối thượng, đã có đủ những cơn ác mộng hau háu hút máu ở cổ ta, trong những
đêm và trong những ngày, thành thử làm gì còn can đảm để đổi mới, dẫu chỉ bằng
ý nghĩ, các đau đớn mà ta cảm thấy vào giờ khắc địa ngục ấy, kỷ niệm về nó cứ
truy đuổi ta không ngơi. Ồ! chừng nào ngươi nghe thấy tuyết lở rơi từ trên cao
núi lạnh; con sư tử cái thở than, ngoài sa mạc khô cằn, về sự biến mất lũ con của
nó; cơn bão thành tựu số phần của nó; kẻ tội đồ gầm gào, trong nhà tù, hôm trước
ngày lên máy chém; và con bạch tuộc dữ tợn kể, trong những đợt sóng biển, những
thắng lợi của nó trước đám người bơi lội và những kẻ đắm tàu, nói nghe nào, chẳng
phải những giọng nói uy nghi kia đẹp hơn tiếng cười khẩy của con người đấy ư!
Maldoror: I, 14 và II, 1, 2
Maldoror: I, 9
mấy cái maldoror này đọc chán quá
ReplyDeleteô, nói đúng quá, nên không thể trả lời gì hết cả
ReplyDeletexin mời ngài đi đọc Alexis Zorba, chắc chắn ngài sẽ được vừa lòng, có gì nên xem trước ở đây: http://nhilinhblog.blogspot.com/2017/08/tien-but-les-inconnues.html
tiếp tục
"đừng mở mắt" - là một câu thần chú đấy.
ReplyDeleteđiều tệ nhất của "mở mắt" là lựa chọn. chắc là thế.
tuyệt! vẫn là chuyện nhãn lực. à, là nói theo lối phàm phu thôi nhé. cả triệu lượt kẻ nhìn lên trời, nhưng chỉ có dăm ba kẻ được yến-sĩ-phi-lý-thuần soi vào mắt và hiếm hơn vô cùng là một vài giáo chủ thấy có người đang "băng ngang các đợt sóng uốn lượn của bầu không khí."
ReplyDeletecùng cơ chế của hạt neutrino :p
ReplyDeleteám ảnh!
ReplyDeletemột kẻ đắm tàu ufo. vì trên đất này làm gì có ai biết cảnh "lũ voi bị lột da" sống.
hoàn toàn thấu thị: "Kể từ đó, âm thanh con người chỉ đến được tai ta kèm cảm giác về nỗi đau sinh ra từ lòng thương xót hướng tới một nỗi bất công lớn lao. " cái truyền thống Lạc giáo sống động đến thế.
phát II, 8 này là một trong những gì được sử dụng nhiều nhất để suy đoán về tiểu sử Lautréamont đấy, không ít người tin là quả thật L. bị tật điếc khi còn sơ sinh (có lẽ vì miêu tả sự điếc quá sống động, đồng thời cho thấy chính sự điếc lại kích thích sự nhìn)
ReplyDeleteThư hùng đồng thể là cái đ gì thế?
ReplyDeleteà, nghĩa là "ăn thịt hai con chim", một hấp một xào
ReplyDeleteCông nhận, "thư hùng đồng thể" dùng trong bối cảnh này là vô cùng hợp :)
ReplyDelete"Tới lúc, với những khó nhọc lớn lao nhất, người ta cũng dạy được cho ta nói, thì cũng chỉ, sau khi đã đọc trên một tờ giấy những gì mà ai đó viết, ta mới có thể truyền đi, đến lượt ta, sợi chỉ nối chuỗi lập luận của ta." - một câu gây cười khoái trá: khi đảo ngược trật tự, một trật tự, thì lại mở ra một trật tự của nhiều trật tự khác, xếp lớp lớp. cho nên, đúng là cần mở sang "ý luận."
ReplyDelete