Jun 29, 2009

Vượt con sông Rubicon

Đó là cách diễn đạt của triết gia Edgar Morin, khi nói tới tham vọng khoa học của mình và của thời đại ngày nay. Khoa học và trí tuệ luôn cần táo bạo đi theo những hướng mới, dù cho ban đầu có thể rất khó hình dung và chấp nhận. Đây là một điều gợi ý rất có giá trị cho Việt Nam, bởi từ lâu nay, ở đây đó, chúng ta vẫn tự phê phán rằng mình “đố kỵ cái trừu tượng”, chỉ luôn bám chặt vào những điều cụ thể.

Nguyên văn câu nói của Morin như sau: “Tham vọng duy nhất của chúng ta là vượt sông Rubicon và thám hiểm vùng đất mới của tính phức hợp” (tr. 53), trong cuốn sách Nhập môn tư duy phức hợp, NXB Tri Thức, Chu Tiến Ánh và Chu Trung Can dịch. Sông Rubicon, như chúng ta đều biết, là con sông-giới hạn của La Mã; các nhà cầm quân của La Mã có cái lệ là không vượt qua con sông này để đánh chiếm các nơi, nhằm giữ gìn sự ổn định của Rome. Caesar đã vượt Rubicon và đã xây dựng được một sự nghiệp võ công và chính trị hiển hách.

Đây là một sự quay trở lại đầy cô đọng và quyến rũ của Edgar Morin. Một số tập trong bộ sách Phương pháp của ông đã được dịch ra tiếng Việt, cùng với các tác phẩm về Trái đất như ngôi nhà chung của chúng ta, các bàn luận về liên kết tri thức, và đặc biệt là Bảy tri thức tất yếu cho nền giáo dục tương lai, nơi Morin trình bày lý thuyết của mình về một nền giáo dục toàn diện, tìm cách tránh khỏi sự đui mù của hiểu biết khi cứ tự khuôn vào những bộ môn chật hẹp.

Với Morin (sinh năm 1921), một trong những triết gia và nhà xã hội học Pháp có uy tín nhất còn sống hiện nay, sự đơn giản hóa là một nguy cơ cho trí tuệ, bởi nó “cắt xét nhiều hơn là thể hiện thực tại” (tr. 1). Đơn giản hóa và lòng tin mù quáng vào “trật tự” khiến cho bức tranh chuẩn xác của đời sống và tự nhiên không bao giờ được nhìn nhận đầy đủ, bởi một lẽ rất đơn giản: trong trật tự có vô trật tự, trật tự và vô trật tự cấu thành nên mọi cấu trúc vật lý và cấu trúc sinh học, kể cả con người. Trong mỗi hệ thống, sự vận hành luôn là phức hợp, thậm chí là nghịch chiều lẫn nhau; chẳng hạn như ở con người, các phân tử, tế bào liên tục chết đi nhưng toàn bộ hệ thống vẫn được gìn giữ ở mức độ ổn định cần thiết.

Sử dụng nhiều lý thuyết hiện đại, Edgar Morin đi đến kết luận về “tính tất yếu của tư duy phức hợp” (tr. 15). Lý thuyết được Morin sử dụng nhiều hơn cả là điều khiển học và đặc biệt là “lý thuyết thông tin”, với sự nhấn mạnh vào yếu tố “tiếng ồn” và “nhiễu” như một thành phần then chốt trong lý giải hệ thống “tư duy phức hợp” của ông. Lý thuyết của Morin, như chính ông khẳng định nhiều lần trong sách, không nhằm để tạo ra một thứ “quyền lực” áp đặt, mà là một “thách thức” với trí tuệ.

Điều thú vị là cùng lúc với Nhập môn tư duy phức hợp của Edgar Morin, NXB Tri Thức cũng xuất bản một tác phẩm quan trọng khác, Máy tính và bộ não của John von Neumann, Hà Dương Tường dịch. Von Neumann là nhà bác học nổi tiếng trong lĩnh vực toán học và nghiên cứu máy tính, với sự so sánh cơ chế hoạt động của máy tính với bộ não chúng ta; von Neumann cũng là người được Morin trích dẫn nhiều lần ở phần lý luận để xây dựng “lý thuyết phức hợp”.

Phía bên kia con sông Rubicon đang dần rộng mở cho những ai không e ngại cái trừu tượng. Nhưng, theo đúng tinh thần “tư duy phức hợp”, cũng cần biết rõ là Caesar người vượt sông sau khi thành công tột bậc đã có một kết cục không thể bi thảm hơn.

CVD

-------------

Et tu, Brute? dịch nôm ra thành "Cả mi nữa ư, CHHV?" :)

9 comments:

  1. Cái câu cuối có in trên báo không thế?

    ReplyDelete
  2. "Tiếng ồn" và "nhiễu" có phải là noise và perturbation? Tôi chưa đọc cuốn sách này nhưng đọc entry này thì có cảm tưởng rằng complexity ở đây không phải là complexity như tôi nghĩ.

    ReplyDelete
  3. Câu có từ "bi thảm" ấy ạ? Có :)

    "tiếng ồn" đúng là "noise" còn "nhiễu" thì tôi không để ý từ gốc (không ghi trong bản dịch thì phải) nhưng tôi đoán đúng là "pertubation". Khái niệm complexity ở đây đúng là không giống như thông thường (tôi nghĩ dịch thành "phức hợp" không hoàn toàn chuẩn, mà đúng hơn là một đối nghĩa của simplicity). Bác thử đọc xem sao, chỉ dày hơn 100 trang. Ý tưởng của Morin là tìm một chỗ đứng giữa triết học và khoa học, đề nghị đi tìm một bản thể luận mới chứa đựng được các môn khoa học hiện đại.

    ReplyDelete
  4. Câu Et tu ấy chứ. À mà quyển 7 tri thức tất yếu còn bán không nhỉ?

    ReplyDelete
  5. Ơ thế mỗi thứ Hai là ngày đầu tuần em phải thiền chạy qua nhà bác à. Thế này chẳng mấy chốc mà thành chính quả nhỉ. :)

    ReplyDelete
  6. Von Neumann cũng là một trong những người đặt nền tảng cho kinh tế học hiện đại đấy ạ, tiếc là mất sớm quá người ta chưa kịp đặt ra giải Nobel.

    ReplyDelete
  7. Marcus: thiệt là quá chỉnh :)

    Linh: chắc vẫn bán đấy, sách ế :p

    ReplyDelete
  8. bác Linh mua đọc rồi cho em mượn hén.
    Đọc bác NL giới thiệu sách hấp dẫn quá.

    ReplyDelete
  9. Bác Linh, hôm qua em còn thấy trên giá nhà chị Hoa-Đinh Lễ (chắc bác biết :)

    ReplyDelete