Jul 31, 2009

Nhảy đầm, uống rượu, đọc sách

Cuối tuần đi nhảy đầm uống rượu đọc sách cái nhỉ :)) Bài này của bác Nguyễn Chí Hoan viết về tập truyện ngắn Của rơi (Nguyễn Việt Hà, NXB Phụ nữ, 2004), tên đầy đủ của bài là "Nhảy đầm - uống rượu - đọc sách, và cái Hà Nội lãng mạn u sầu).

-------------

Xuyên suốt và bao trùm 19 truyện ngắn trong tập truyện này, từ đầu đến cuối, trước hết không phải là đề tài cốt truyện nhân vật..., mà là cái phong cách nhất quán và xuất sắc của tác giả.

Đó là một phong cách rõ ràng biểu hiện nổi bật trong hai đặc thù về hình thức văn chương: thứ nhất, đó là sự độc đáo của từng câu văn; mỗi câu văn ở đây đều hiển nhiên mang một "bộ gen" của cái đặc thù phong cách này, nghĩa là mỗi câu văn ở đây đều mang cái âm hưởng của giọng nói của một con người cụ thể và như vậy, các câu ở đây thực sự là các phần tử tạo thành một thiên truyện; đặc tính của các câu này như một nguyên tắc cấu trúc dẫn đến đặc thù thứ hai là thuật kể chuyện của tác giả đồng thời cũng là cấu trúc của câu chuyện. Lối cấu trúc này, như ta có thể thấy trong tập truyện, rõ ràng đã phát triển từ các truyện đầu (tất cả các truyện trong tập đều đươc tác giả ghi chú thời điểm sáng tác) qua các truyện về sau, vẽ nên một tiến trình ngày càng trở nên điển hình về cách kiến tạo một thiên truyện của tác giả. Đó là một cấu trúc dòng tâm tư. Tất nhiên nó không phải là cái "dòng ý thức" đã quá nổi tiếng suốt cả trăm năm qua. Và tất nhiên, nó cũng không phải là những chuỗi phân tích tâm lý nhìn từ một góc độ nhà văn, với tư cách như là một đạo diễn kiêm biên kịch lại kiêm cả diễn viên nhập "vai"... Đơn giản nó là một dòng chảy của tâm tư hữu thức - những cái nhớ, cái tiếc, cái muốn, cái cảm thán và cái chủ định, cái hồi tưởng và cái suy ngẫm, v.v…, tất cả những hoạt động thông thường của cái tâm trí gần gũi với bất cứ ai, cũng chất chứa và sâu xa đồng thời cũng sẵn sàng là dễ hiểu với bất cứ ai. Nhưng nó lại là một "con đường vương giả" đi đến chỗ tạo nên một thực tại riêng biệt, một thực tại của tâm trí trong đó những sự phi lý về không-thời gian được nhìn nhận như là tương đương với không-thời gian có tính trần thế bên ngoài tách biệt với tâm tư.

Như chúng tôi đã nhận xét, toàn bộ những đặc tính cấu trúc trên đây là xuất phát từ/dựa vào các câu văn, từng câu văn - giống như thể con mắt của con chuồn chuồn tạo nên bởi những con mắt nhỏ hơn sắp xếp bên trong theo một trật tự chặt chẽ. Ta có thể xem một vài ví dụ trong tập truyện:

a. Mở đầu truyện "Cố rồi sẽ nhớ" tác giả viết:

"Có một ngày rất âu lo đã đến với thằng Nam béo. Bụng bồn chồn tưng tức, giống như đang ngồi giữa một cuộc họp trang trọng bỗng mót tiểu tiện mà không thể đi". (tr.240)

b. Và đây, tác giả viết về một nhân vật nữ thi sĩ trong truyện "Biển lạ":

"Cô thử gào, cái giọng khàn khàn bị lấp nhợt nhạt ngay sau tiếng gió. Giọng khàn chỉ thời thượng trên sân khấu ca nhạc còn trên thi đàn giọng đó là vớ vẩn. Văn chương khắc nghiệt lắm, một trong tứ đại phê bình gia đã chân thành khuyến cáo các cây bút trẻ. Thơ hay phải có giọng. Nhưng to quá thì ồn nhỏ quá thì nhược thánh thót quá thì sến. Làm sao nó phải vừa to vừa nhỏ, hoặc lúc thì dài lúc thì ngắn. Cứng khi cần cứng mềm lúc muốn mềm. (...) Cô đã nghe theo và mất gần hai năm cô mới đau đớn nhận ra là mình lầm lẫn. Cô là phụ nữ, cô không cần cái đó và không thể có cái đó. Cô tháo bớt vòng để buộc chỉ cổ tay thề tuyệt giao với nhà phê bình Tây Đọc, chỉ chơi với ba người còn lại theo kiểu vong niên đó là Nam Gào, Bắc Thét và Đông La." (tr.210-211)

Trong thí dụ (a), câu thứ nhất có vẻ như một câu trần thuật giản đơn. Hơn nữa, đối với một người yêu tiếng Việt khó tính, một câu như thế dễ bị chê là "Tây gỗ" vì sử dụng một kiểu chủ ngữ giả (tuy rằng, đọc cả truyện, ta thấy đó là một "chủ ngữ" thật: "thằng Nam" quên ngày giỗ của bố nó). Nhưng câu này lại mang sắc thái bình phẩm đồng thời là cộng thông, vì những chữ "Có", "rất", "đã", "béo". Điểm nhìn của cái ta gọi là người kể chuyện chấp chới chia hai: phần là phát biểu ý mình, phần nói về đối tượng của phát ngôn ấy. Câu thứ hai tiếp theo và rõ ràng tung hứng hô ứng với câu trên: cái "rất lo âu" bị ví von hết sức giản tiện và dung tục với cái cảm tưởng anh ách khi mót mà phải nhịn. Câu này, cũng bỏ lửng chủ ngữ sau cái mệnh đề đầu câu kèm theo dấu phẩy, khiến ta có thể coi cái phát ngôn này là của "thằng Nam" hoặc người kể chuyện hoặc một ai đó nữa trong cuộc. Thực tế thì với những phát ngôn/bình phẩm như thế này - có rất nhiều trong các truyện ở đây - một người đọc có thể cảm nhận đó là lời của mình.

Trong thí dụ (b), với cũng phong cách nêu trên, câu thứ hai hoàn toàn là một câu nói mồm được diễn đạt thành văn, trong đó, cái chủ ngữ ngữ pháp của câu - chữ "giọng" - bị chữ "chỉ" và chữ "còn" biếm xuống hàng tân ngữ. Bởi lẽ, không cần giải thích, trong văn cảnh cụ thể của truyện và của đoạn trích - phù hợp với phong cách đã nêu trên - câu này là một phát ngôn/cảm nghĩ, hoặc của nhân vật "cô" hoặc của người kể chuyện hoặc của một ai/bạn đọc đó nữa. Những câu tiếp theo trong (b) cũng như vậy, khiến ngay cả "cô" cũng khi là chủ thể hành động khi lại là đối tượng của chuỗi hành ngôn. Bên cạnh đó, lối giao thoa và hàm ngụ các vai người phát ngôn trong những câu văn thế này cho phép cộng thông với nhiều lĩnh vực khác nữa - Đó là kiểu nói lập lờ như: "Cô tháo bớt vòng..." hay "... tứ đại phê bình gia đã chân thành khuyến cáo...", xuất hiện không ngừng trong tất cả các truyện trong tập, nối các phát ngôn của truyện với những câu trích dẫn danh ngôn, với những luận điểm, luận đề đạo đức, triết học, chính trị xã hội, v.v…, đưa tất cả những đường nét chỉ mang tính chấm phá về những lĩnh vực sâu rộng hơn ấy của đời sống xã hội vào một bình diện cùng tồn tại với các phát ngôn của truyện. Đây có lẽ là một khác biệt quan trọng so với cách làm xưa nay là đưa ra những nhân vật kiểu hiện thực với những tiểu sử, vị trí xã hội, nghề nghiệp và quan điểm khác nhau - trong mô hình như vậy, đời sống vẫn là một cái hộp có nhiều ngăn riêng rẽ. Trong mô hình câu của Nguyễn Việt Hà biểu hiện một đặc tính khác của thời hiện đại: sự xâm nhập lẫn nhau ngày càng mạnh mẽ hơn giữa các lĩnh vực đời sống xã hội.

Về mặt hình thức, cái thế giới đương đại ấy - ở đây, rất rõ ràng và cụ thể là đời sống Hà Nội và (một số, tất nhiên!) con người Hà Nội - biểu hiện qua cái mà chúng tôi gọi là một cấu trúc dòng tâm tư. Hoàn toàn có thể thấy ngay phần lớn những thiên truyện ở đây - càng về cuối tập càng trở nên điển hình hơn - đi theo ngoằn ngoèo những đường dây của tâm trạng, của cái nhớ, cái tiếc, cái hồi tưởng, cái ý nguyện. Điều này hoàn toàn phù hợp với đặc tính của các câu văn của tác giả như đã trình bày ở trên. Các câu và đoạn văn như vậy luôn luôn chứa đựng vài ba vai phát ngôn cùng tồn tại, trong đó các vai có thể hoán đổi vị trí, thậm chí đôi khi một vai xưng "tôi" vẫn có thể đứng ở chỗ là đối tượng của sự mô tả, bình phẩm. Đó là cái nhìn từ bên trong, một cái nhìn nội tâm "tôi" nhìn "tôi" như nhìn một kẻ xa lạ khác. Đó là cái nguyên tắc cấu trúc mà mỗi câu đều chứa đựng, hoặc trong chính nó hoặc trong mối liên hệ hiển nhiên với các câu kế cận. Cái nguyên tắc đó, mà chúng tôi đã đề cập ở đoạn trên như một cái nhìn hay phát ngôn song trùng và mở, lại không mang màu sắc phân tâm. Ở đây không có cái vô thức. Ở đây là ý thức và ý thức đó không ngừng hướng đến các câu hỏi từ đời sống xã hội. Ở đây, vì thế, dòng tâm tư chính là tiến trình tự nhận thức - các nhân vật/các vai phát ngôn tự nhận diện nhận chân về mình và về đối tác hay đối ngẫu v.v… Các thiên truyện ở đây do đó đều dựa trên một cái trục tự phê phán/nhận thức lại. Tất nhiên, các quá trình nhận thức lại bản thân đều xuất phát từ một tiền đề, ở đây thường là một sự cố hay một biến chuyển gây bất mãn, hẫng hụt, thất vọng. Vì thế mà nhiều truyện ở đây xem qua giống như những giai thoại phố phường, những tấn kịch buồn nho nhỏ hấp dẫn. Nhưng trong cái thực tại của tâm trí hiện lên trong những truyện ngắn này thì đó là sự phá vỡ những hệ thống và những cấu trúc truyền thống - thể hiện trong những tình yêu "nhạt" và phản trắc, chuyện méo mó thầy-trò hay niềm tin tôn giáo, v.v… Tất cả hiện lên trong tâm trí các nhân vật và bằng ngôn từ, chúng dễ dàng giao thoa với nhau và mở rộng văn cảnh của câu chuyện như một vết dầu loang. Như vậy, kết quả của hình thức thuật chuyện này là sự mở rộng văn bản truyện ra ngoài phạm vi hữu hình của nó. Bằng sự bỏ ngỏ một vai phát ngôn, ở đây có rất nhiều câu văn mở cánh cửa cộng thông sang người đọc, mở rộng sự liên đới của câu chuyện đến những câu chuyện khác ngoài nó, kể cả bằng sự gợi lên một tranh luận tiềm tàng.

Một nhà xuất bản nhận xét văn chương của Nguyễn Việt Hà hấp dẫn giới trẻ. Có lẽ, về mặt hình thức - cái "vỏ ngôn từ" ấy mang lại ấn tượng cởi mở và hội nhập rất hiện đại. Mặt khác, nội dung của nó, với những tấn kịch tự "lột mặt nạ", chứa đựng một mối mâu thuẫn cũng hiện đại nốt: mối mâu thuẫn giữa hình thức với nội dung là cái mang hình thức - giữa cái hiện đại về hình thức kể từ quần áo, tiện nghi, việc làm, việc ăn chơi, cho đến ứng xử, với một bên là các giá trị truyền thống từ niềm tin tôn giáo, tinh thần kẻ sĩ, đạo thầy trò, đạo hiếu cho đến sự chân thành của ái tình - giữa con người hành động với con người tâm trí, luôn luôn là "hai trong một". Sự nuối tiếc những cái ban đầu và tinh thần hoài cổ là một phần trong cái văn hóa hiện đại coi những giá trị quá khứ như thước đo chiều sâu văn hóa. Trong các thiên truyện của tập truyện này, chỉ kể về đời sống Hà Nội và (một số, tất nhiên!) con người Hà Nội, thì cái Hà Nội là toàn bộ những hình thức, nội dung và tinh thần ấy. Đây là những thực tại của tâm trí trong đó những con người thị dân và trí thức, công chức, nhà tu hành, các văn nghệ sĩ nhảy múa trên những đám than hồng của thời kinh tế thị trường. Những dấu chỉ tinh hoa mà họ trưng ra có thể tóm tắt là Nhảy đầm - uống rượu - đọc sách. Thực ra, đây là một khái quát đặc thù của tác giả tập truyện. Các truyện trong tập đều được phân cảnh rõ ràng và tất cả các cảnh đều đẹp - theo nghĩa đó là những cái đẹp của nghệ thuật trong việc nhìn nhận và tái tạo đời sống. Chẳng phải là cái tâm trí của ta thường vẫn "chiếu" cho ta xem những "bộ phim" của sự hồi tưởng hay của giấc mơ đó sao?! Ở đây, trong những thiên truyện này, với một nỗi hoài cổ bảng lảng rất đặc trưng trên những diện mạo hiện đại rất sống động, cái tinh thần Hà Nội hiện lên lãng mạn u nhã và buồn. Trong khi cái lãng mạn và cái thanh lịch là dễ hiểu và dễ hòa nhập vào bối cảnh hiện đại thì cái nỗi u sầu ở đây nghe nghịch tai và tỏ ra phức tạp. Nó chứa đựng một phần quan trọng năng lượng của những truyện ngắn này bởi nó biểu hiện chủ yếu qua những phát ngôn trào lộng, dí dỏm, qua những motif nhại rất bỡn cợt và thách thức - những yếu tố mà, theo nhận xét của chúng tôi, gắn một cách hữu cơ với cái phong cách hết sức đặc thù về câu của tác giả này. Tất cả, đó là một vẻ đẹp phong phú và nhất quán mà hiếm hoi văn chương đã tạo dựng được, trong bối cảnh mà các chuyên gia mệnh danh là cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa hiện đại.

--------------

Lâu lâu không giới thiệu với các bác quyển gì mới in ở Việt Nam nhỉ, chắc các bác chẳng còn gì để đọc nữa (j/k). Hai quyển non-fiction là Alain Robbe-Grillet, sự thật và diễn giải, chị Từ Huy viết (chủ yếu là dịch từ luận án tiến sĩ bằng tiếng Pháp), Bùi Văn Nam Sơn viết lời giới thiệu, Như Huy vẽ bìa, Đại Việt và NXB Hội Nhà văn. Lâu lắm, có thể là chưa bao giờ, có một monography về văn học trong tiếng Việt gây hứng thú đến thế.

Quyển thứ hai: Nhập môn nghiên cứu dịch thuật, lý thuyết và ứng dụng, Jeremy Munday, Trịnh Lữ dịch, NXB Tri Thức. Lần đầu tiên cái tên Venuti đến với người đọc đại chúng Việt Nam thì phải.

Tiểu thuyết thì Chuyện người tùy nữ, Margaret Atwood, An Lý dịch, Nhã Nam và NXB Văn học. Atwood thì chắc khỏi cần nói gì thêm.

Còn sách gì không đáng đọc? (chả dại gì mà nói, thời buổi này các bác ấy google một phát là thế nào cũng chui vào đây, rồi lại vật vã cả ra)

22 comments:

  1. Cho em hỏi xíu: Anh thấy cuốn thứ hai đọc được không? Ý em hỏi cả về bản gốc lẫn bản dịch.

    Thêm nữa là ngoài cuốn này ra, còn có cuốn nào khác viết về dịch thuật mà anh thấy đọc được nữa không?

    Em muốn đọc sâu một chút về Tiếng Việt, nhưng hiện tại thì em không xác định được cụ thể là em muốn đọc cái gì, nghe có vẻ hơi vô lý :)). Vì sau một thời gian em học một ngôn ngữ khác thì em thấy là mình chưa thật sự hiểu rõ Tiếng Việt lắm, một ví dụ là bây giờ em không biết một cách chính xác, thế nào là một câu thuần Việt, hay câu đó có tiếng Việt chuẩn?... (đại khái vậy) Anh giới thiệu giúp em một cuốn nào đó "nhập môn" (nhưng sâu sâu xíu )về Tiếng Việt nhé?

    Cảm ơn anh!

    ReplyDelete
  2. À, em muốn tăng vốn từ vựng tiếng Việt của mình lên, nhưng không biết bằng cách nào, vì nếu nói đọc nhiều lên thì sau một thời gian đọc, em thấy lui tới cũng bao nhiêu đó từ xài hoài.

    Còn nếu cầm nguyên cả cuốn từ điển Tiếng Việt học thì kinh khủng quá, mà cũng không hiệu quả lắm.

    Anh có gợi ý chi khác không?

    (Nhân tiện, anh giới thiệu giúp em một cuốn từ điển Tiếng Việt nào tốt được không? )

    Cảm ơn anh nhiều!

    ReplyDelete
  3. Chuyện người tùy nữ là The Handmaid's Tale đúng không?

    ReplyDelete
  4. Yes, The Handmaid's Tale.

    BA: Hay là em đi nhảy đầm đi :)) Sách về tiếng Việt anh nghĩ nên đọc mấy quyển của Cao Xuân Hạo. Từ điển tiếng Việt nên dùng của Hoàng Phê. Từ vựng thì chắc không có cách nào ngoài đọc thật nhiều, cả sách thời này cả sách thời xưa. Nếu thích đọc tản mạn nhưng thu được nhiều kiến thức thì nên đọc bộ "Chuyện Đông chuyện Tây" của An Chi.

    ReplyDelete
  5. Đúng là phải đi nhảy đầm thật. :))

    Anh đã bỏ qua ý dịch thuật trong câu hỏi của em, có lẽ là hơi nhạy cảm.

    ReplyDelete
  6. The handmaid's tale thì hay lắm, nhưng hình như cuốn này Atwood viết lâu rồi mà? Mấy tác phẩm mới của bà em đọc thấy không thích bằng Handmaid's tale.

    ReplyDelete
  7. Chưa đọc tập truyện này của NVH nhưng đã đọc "Cơ hội của Chúa" rồi, rất hay. Cảm ơn NL đã post bài này.

    ReplyDelete
  8. Nhị Linh đọc bộ 2 cuốn của Richard Yates mới dịch chưa? Dịch có OK không?

    ReplyDelete
  9. Bác đi đúng vào vấn đề quá :))) chính là cái em rất muốn bỏ vào giữa hai dấu ngoặc đơn đấy. Không phải hai mà là ba cơ (cái thứ ba không biết đã in xong chưa nhưng trên bìa hai cái kia thì ghi là sẽ có đấy).

    ReplyDelete
  10. mình mới đọc cái Lễ diễu hành phục sinh (The easter parade)của Richard Yates. Công nhận là dịch rất rợ, mà kg biết người dịch là ai luôn. Khiếp, chưa nói đúng sai, mà ẩu thôi rồi, câu cú loạn hết cả lên, diễn đạt thì ngô nghê. Bao nhiêu cuốn văn học Mỹ tử tế đều bị hiếp dâm hết. Mà các bạn Nhã Nam có vẻ chậm mấy vụ sách hay của Mỹ nhỉ, hay sợ bán kg được nên toàn chơi thriller?

    ReplyDelete
  11. Em chào mình, em cũng tán thưởng vụ cuối tuần nhảy đầm uống rượu mới lị đọc sách!
    Vợ.

    ReplyDelete
  12. Bác Nguyễn Chí Hoan viết cái này khác hẳn nhỉ, trực tiếp, rõ ràng, mạch lạc, giản dị chớ không mông lung, mơ hồ, điệu đà và đánh đố như đa số bài khác. Miềng thích bài này và phong cách viết này.

    ReplyDelete
  13. Nghe chán thật, những tác giả đỉnh cao như Cormac McCarthy với Richard Yates đều bị hiếp dâm cả vậy à.
    Hôm nọ ra hiệu sách còn thấy có cuốn Trôi giạt của Kiran Desai, suýt nữa mua vì tưởng là tiểu thuyết mới của chị này. May lật ra vài trang thì thấy đó chính là cuốn Di sản của mất mát đã được xuất bản

    ReplyDelete
  14. Nhiều lúc thật không hiểu họ làm gì và mình phải làm gì nữa.

    "Trôi giạt" chứ gì, các bác vào đây mà đọc trích đoạn (nhất là bạn Nham Hoa):

    http://www.vinabook.com/troi-giat-m11i35254.html

    Phương Nam cũng vừa in "Hobbit" không có bản quyền.

    ReplyDelete
  15. Văn học Mỹ gần đây có Easton Ellis làm em cuống cuồng muốn tìm đọc. Bác Nhị Linh xem hộ ông này đã có dịch ở Việt Nam chưa?

    ReplyDelete
  16. Em Cill hay em Minh Thi có thể nói cho bạn Blake về B.E.E. không? Cho đến giờ thì chưa có quyển nào dịch đâu.

    ReplyDelete
  17. Man rợ nhỉ, quả bìa Angelina Jolie trong phim Changeling nữa chứ. Lễ diễu hành phục sinh thì có hình anh Brad Pitt ở trần đè lên em nào đó, ở bìa 2 giới thiệu là đã dựng phim. Mình tò mò search thì ra là dự án pre-production. Các bạn câu khách tợn.

    ReplyDelete
  18. Nếu anh Nhị Linh duyệt thì sẽ có bác Blake ạ. =))

    ReplyDelete
  19. Không ai muốn nói à? Anh cũng mới đọc ít Bret Easton Ellis, một ít "American Psycho", "Less than Zero" và "The Rules of Attraction". Cảm giác chung về các tiểu thuyết thời kỳ đầu là hao hao Murakami Ryu, từ cách nhìn đến giọng văn.

    Nếu muốn tìm hiểu thêm (nhất là về khía cạnh trào lưu văn hóa-văn chương) thì em search cụm từ "Brat Pack" ấy.

    ReplyDelete
  20. Thanks bác, em tìm được ebook American Psycho rồi. Còn quyển America của Kafka thì không thể nào tìm nổi, và cả thư gởi Milena + nhật kí 1914 -> 1923 nữa. Tiếng Đức thì có nhưng lại không biết đọc :)Em hỏi tay Ellis vì vừa mới xem cái film của Genet, un chant d'amour, hay chết người :)) . Cái film đó được giới thiệu bởi bác gì rất đỏng đảnh, rồi tiện thể bác ấy giới thiệu Ellis luôn :)

    ReplyDelete
  21. "Alain Robbe-Grillet, sự thật và diễn giải" & "Nhập môn nghiên cứu dịch thuật, lý thuyết và ứng dụng" mua ở đâu thế bác ơi?

    ReplyDelete
  22. cả hai đều có đầy ở Đinh Lễ rồi

    ReplyDelete