Dec 1, 2009

Không vội

Đọc thấy câu "Tôi còn nói nhiều về Thơ nữa. Không vội, tôi mới 28 tuổi" của Trần Dần trích từ Nhật ký Trần Dần, 1954, đoạn mở đầu bằng "Vào chiến tranh, tôi muốn thơ tôi thế nào?" đặt ở đầu Đi! Đây Việt Bắc! (hùng ca - lụa, 1957), in lại năm nay (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn; cuối sách có lời bạt Lại Nguyên Ân mới viết, tiêu đề "Đôi dòng ghi sau tác phẩm Đi! Đây Việt Bắc! hùng ca - lụa của Trần Dần". Lại nhớ đến Vũ Trọng Phụng: 28 tuổi Vũ Trọng Phụng đã kịp chết, đã kịp "viết để không chết" (theo cách nói của Maurice Blanchot) xong xuôi. Nhớ đến Vũ Trọng Phụng là vì NXB Phụ nữ vừa cho in Hà Nội cũ nằm đây của Ngọc Giao, một trong các nhân vật quan trọng của Tiểu thuyết thứ bảy, tức là một trong những tờ báo "trẻ" ra đời nhằm lật đổ sự thống trị của tập đoàn Tự Lực (tức là Tự Lực văn đoàn) của Phong hóaNgày nay (triền miên trên Tiểu thuyết thứ bảyHà Nội báo, đều của Tân Dân Vũ Đình Long, đó là chưa kể đến Ích Hữu, ít nhất trong những số đầu, là các tranh cãi liên miên, nhiều khi xúc xiểm nhau nặng nề của hai phái).

Trong tập sách của Ngọc Giao có hai bài về Vũ Trọng Phụng (có lẽ nên coi Vũ Trọng Phụng là biểu tượng của phong trào chống Tự Lực, cũng như Tự Lực là biểu tượng của phong trào chống Nam Phong - bên nhóm Nhất Linh hồi ấy hay gọi Nam Phong là "bà già ở phố Hàng Da"; đúng là sóng sóng dập vùi, lớp sau đè lên lớp trước hehe), một bài là "Chiêu niệm Vũ Trọng Phụng" viết ngay từ hồi ấy, bài kia viết sau này (1989): "Đôi điều tôi biết về Vũ Trọng Phụng".

Đợt này đang kỷ niệm Thăng Long cái gì đó, rất chi nhiều sách vở tung bay phấp phới, trong đó đa phần đáng vứt đi cả, nhưng chịu khó tìm thì cũng có một vài cái hay.

Sách vở nói chung của dạo này thì để chút nữa viết tiếp.

+ Khá là khó nghĩ về không khí báo chí văn chương Việt Nam thời những năm 1930. Qua rất nhiều miêu tả và bút lục còn để lại thì Tự Lực văn đoàn và nhóm Tân Dân cạnh tranh nhau ác liệt vô cùng, thế nhưng trong "Chiêu niệm Vũ Trọng Phụng" thì Ngọc Giao lại có đoạn viết như sau:

"Đây là câu chuyện cũ: chúng tôi, một số lớn văn nghệ sĩ Bắc Hà - từ 1935 trở đi - đều giúp ông Vũ Đình Long mà dạo đó mặc dầu chúng tôi không nhận, người ta cũng cứ gọi là văn phái Tân Dân, nghĩa là một văn phái đối lập với anh em Tự lực văn đoàn. Sự thực đâu có thế, chúng tôi chỉ là những nhà văn độc lập, nhưng mảnh buồm tơi tả không bảo nhau mà giạt cả vào một bến, bởi vì không có gió để ra khơi!"

Thế thì thật ra là thế nào?

+ Một trong những cuốn hay gần đây là Triết học nhân sinh của tôi của Vương Mông, cựu bộ trưởng văn hóa Tàu, từng đi chăn cừu hay chăn dê ở Tân Cương mười sáu năm trời. Cái điều khoái là bản dịch của cô Phạm Tú Châu, người mà tôi nghĩ là dịch giả tiếng Trung đáng tin cậy hơn cả hiện nay.

8 comments:

  1. vội thế, viết cho xong đã rồi hẵn post

    ReplyDelete
  2. Không vội! Bác NL cứ từ từ mà viết. :-)

    ReplyDelete
  3. Cái này theo ngôn ngữ xóm Bựa là Bế tinh đợi nứng :))

    ReplyDelete
  4. hehe câu đó rất hay thưa bác xe ôm

    ReplyDelete
  5. Triết học nhân sinh của tôi chứ không phải Triết lý anh ạ.

    ReplyDelete
  6. Ừ đúng rồi nhỉ, đã sửa :)

    ReplyDelete
  7. VTP có truyện ngắn Hồ liu hồ ly sê sàng, đọc như đá xoáy Tỏa nhị kiều . Một người đả kích Tự lực ra mặt nữa là : Nam Cao ( Một truyện Sú vơ nia,...).

    ReplyDelete