Nov 27, 2009

Tự đặt tên cho mình

Chúng ta thử đọc đoạn văn sau đây trong cuốn tiểu thuyết rất đặc biệt mang tên “Lời hứa lúc bình minh” (của Romain Gary, Nguyễn Duy Bình dịch, Nhã Nam & NXB Văn học): “Mãi sau này, khi lần đầu tôi nghe tên Tướng de Gaulle trên đài phát thanh, lúc ông đọc lời kêu gọi lừng danh của mình, phản ứng trước tiên của tôi là tức giận bởi tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện lấy cái tên đẹp đẽ này mười lăm năm trước đó: Charles de Gaulle, cái tên hẳn sẽ làm mẹ tôi vừa lòng” (tr. 35). Đoạn văn này, ngoài việc nhắc tới de Gaulle là nhân vật có ý nghĩa quan trọng trong đời nhân vật chính, còn “định giọng” cho cả cuốn tiểu thuyết.

Bởi “Lời hứa lúc bình minh” là câu chuyện về công cuộc định danh, xác lập một sự nghiệp trên cơ sở một cái tên có đủ sức biến một con người thành một “nhân vật lịch sử”; nhưng ở đây có một điều rất hi hữu: logic của người mẹ và người con trai trong cuốn tiểu thuyết không dừng ở mức thông thường là xây dựng tương lai dựa trên những gì hiện có, mà là làm thế nào để xứng đáng được với cái tên do chính họ đặt ra.

Romain, con trai của một bà mẹ đơn độc, một người di dân với đầu óc được tráng một thứ men tráng lệ có tên gọi niềm tin ở thành công nhất định sẽ có của tương lai, đã thất bại thảm hại trong mấy nỗ lực tìm kiếm vinh quang bằng âm nhạc, hội họa hay các môn nghệ thuật khác, chỉ còn lại văn chương như hy vọng cuối cùng. Niềm thất vọng của Romain Kacew, Do Thái gốc Litva, muôn lần như một, sẽ sống dậy đầy đau đớn mỗi khi vấp phải những cái tên thiên tài âm nhạc như Menuhin hay Heifetz, như thể chính những cái tên riêng ấy có quyền năng gây đau khổ. Khi Romain còn nhỏ, người mẹ ấn đàn vào tay con và ấn cả niềm tin sắt đá rằng con trai bà sẽ ngang hàng với những thần đồng danh tiếng nhất. Niềm tin này không hề bình thường như một niềm tin đúng nghĩa - bà mẹ “biết” con trai mình sẽ kỳ vĩ; bà không hy vọng, mà bà bắt buộc tương lai phải quy thuận mình, vì một lẽ rất giản đơn: quá khứ đã khước từ bà.

Chúng ta sẽ thấy Romain Gary miêu tả cái cơ chế niềm tin kỳ quặc (nhưng cũng thật đẹp) này tài tình như thế nào trong một văn phong gây sửng sốt trong niềm sung sướng phát hiện rằng văn chương chẳng việc gì phải sầu khổ, nặng nề mà vẫn bộc lộ được tất cả những gì đặc quánh nhất, tinh chất nhất của tình cảm con người. Còn nhỏ, cậu bé Romain dành trọn những ngày dài để viết ra trên giấy các cái tên ngõ hầu tương xứng nổi với mình, hay nói đúng hơn là xứng nổi với cậu và mẹ cậu, người không một lúc nào tách khỏi cậu, người đã bằng một lời hứa ở bình minh của cuộc đời mà chi phối hoàn toàn con đường đời sau này của cậu, ngay cả khi bà đã không còn sống nữa.

Thường thì người ta đi từ cái nhỏ đến cái lớn, đôi khi may mắn thì đến được cái lớn lao (“tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”), còn mẹ con Gary lại từ một cõi lớn lao nào đó bước ra cuộc đời, giơ gậy và chỉ tay bắt cuộc đời phải tuân phục sự kỳ vĩ mà họ đã mang sẵn trong người. Với bà mẹ của Romain, Victor Hugo là Tổng thống Cộng hòa, và không thực tế nào đủ sức lay chuyển cái hình dung méo mó ấy; còn Romain thì đi đến một kết luận chắc hẳn làm sững sờ bất kỳ ai từng động tay vào viết văn: “Tôi gần như đi đến kết luận là với tư cách phương tiện biểu đạt văn chương, bút danh là chưa đủ, mà còn cần phải viết sách nữa” (tr. 24).

“Lời hứa lúc bình minh”, một cách xuất sắc như văn chương vốn phải như vậy, như thể nói rằng con người ta tuyệt đối có thể lấy hư cấu bao trùm lên thực tại, coi thực tại chỉ là một phản ánh nào đó nhất thời và ngẫu nhiên của trí tưởng. Romain của “Lời hứa lúc bình minh” tự đặt tên cho mình để lôi hẳn cõi sống bên trong ra làm “khuôn mẫu” cho đời thực, còn Romain Gary sau này cũng sẽ tự đặt tên cho mình thành Émile Ajar, bắt cuộc đời chấp nhận thêm một hiện thân khác nữa của ông; khi ấy cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của “giai đoạn Ajar” sẽ là “Cuộc sống trước mặt” (1975), một cách viết lại chính “Lời hứa lúc bình minh”.

Nhị Linh

+ Lần này chẳng nghĩ ra một cái tít khác nữa, lấy đúng cái tít chính thức vậy.

16 comments:

  1. Con gái lớn của tôi cũng đã tự đặt một tên cho mình. Bạn này còn có suy nghĩ kỳ lạ là cái tên thật phải được giữ bí mật. Giữ bí mật đến nỗi tôi ngờ rằng bạn ấy đã quên cả cái bí mật thiêng liêng của mình rồi.

    ReplyDelete
  2. May quá, lại có sách để đọc rồi!

    ReplyDelete
  3. Bài này hay quá Nhị Linh ạ. Cảm ơn bác!

    ReplyDelete
  4. Marcus: có phải là vì cái tên "Romain"? ;)

    ReplyDelete
  5. hehehe rất có thể, cái này em không kiểm soát được ;)

    ReplyDelete
  6. Mình đang đọc dở cuốn này. Nếu có thể, mong Nhị Linh cho biết sơ qua tiểu sử của dịch giả Nguyễn Duy Bình. Vì mình biết có một dịch giả Nguyễn Duy Bình khác nhưng chuyên về văn học Nga và đã dịch khá nhiều tác phẩm của văn học Nga, cụ thể là của Solokhov, chẳng hạn “Họ chiến đấu vì tổ quốc”. Tò mò xem trong cuốn “Những người dịch văn học Việt Nam” mới hay ông đã mất từ năm 1985.

    ReplyDelete
  7. Tất nhiên là không phải NDB đó rồi. Anh NDB là một chuyên gia văn học Pháp, hiện làm việc cho một trường đại học ở VN. Cái cuốn "Những người dịch văn học VN" viết cái gì ấy nhỉ, tôi cũng có mà hình như chưa bao giờ giở ra xem :)

    ReplyDelete
  8. Co' xuat' ban? "cuoc song truoc mat" khong anh?

    ReplyDelete
  9. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete
  10. Các bác thích làm thơ đề nghị sang bên Hội Nhà văn nhé.

    ReplyDelete
  11. Cuốn "Những người dịch văn học VN" là một cuộc điểm danh có phần chiếu lệ của NXB Đông Tây về các dịch giả văn học VN. Nói "chiếu lệ" vì trong đó không nhắc gì đến các dịch giả miền Nam, đặc biệt là trước 1975, và nhiều tên tuổi khác bị bỏ sót trong khi có những trường hợp rất ngộ nghĩnh lại nghiễm nhiên xuất hiện, ví dụ nhà thơ Tố Hữu.

    ReplyDelete
  12. dịch văn học VN là dịch ra tiếng gì nữa hả bác?

    ReplyDelete
  13. "Chúng ta sẽ thấy Romain Gary miêu tả cái cơ chế niềm tin kỳ quặc (nhưng cũng thật đẹp) này tài tình như thế nào trong một văn phong gây sửng sốt trong niềm sung sướng phát hiện rằng văn chương chẳng việc gì phải sầu khổ, nặng nề mà vẫn bộc lộ được tất cả những gì đặc quánh nhất, tinh chất nhất của tình cảm con người."

    Câu này hay quá và đúng quá.

    ReplyDelete
  14. Nhị Linh thử kiểm tra xem có gì không ổn không nhé: trang 288 nhân vật kể có 03 bộ pijama bằng lụa, nhưng đến trang 308 anh chàng lại nhớ 06 bộ pijama lụa.
    Hay mình đọc sót chi tiết nào nhỉ?

    ReplyDelete