Apr 18, 2011

Viết văn và mặc cảm Caliban

lại một bài lục lại ;p

Một trong những giới thuyết lạ lùng nhất về viết văn, tiểu luận “Mặc cảm Caliban” của Linda Lê thực hiện một khám phá đi sâu dần vào khoảng bóng tối chứa chấp đầy hiểm nguy ngự trị ở người sáng tạo. Vở kịch The Tempest (ở Việt Nam thường được biết đến dưới cái tên Bão táp) của Shakespeare đặt vào trung tâm nhân vật Prospero ông chủ của hòn đảo hoang, con người thông thái, chúa tể của ngôn từ, cùng tả hữu phụng sự Ariel, phần ánh sáng và Caliban, kẻ hoang dã. Luận đề xuất phát của Linda Lê là: cũng giống như Theseus không thể tìm ra được bí mật mê cung nếu không chạm trán quái vật Minotaur, Prospero không thể vượt trội hơn được nữ phù thủy Sycorax chủ cũ của hòn đảo nếu không nhìn thấy được ở sự tối tăm của Caliban một phần của chính mình.

Nhà văn viết bằng thứ tiếng không phải ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ rất giống Caliban: Caliban được Prospero dạy để nói được bằng một thứ tiếng không phải của mình. Một mặt thuần phục (một cách tạm bợ) ông chủ, một mặt nuôi trong mình tham vọng lật đổ, nhà văn ở tình huống này muốn trở thành như Caliban đạt tới được đỉnh cao nghệ thuật của Prospero. “Nhà văn lưu vong chọn viết bằng tiếng Pháp phải chịu mặc cảm Caliban”, Linda Lê viết; trong sự tận tụy với ngôn ngữ của nhà văn ấy pha trộn không ít thì nhiều “tà giáo”. Một trong những hậu quả của điều này là nhà văn lưu vong “không có chỗ ở bất kỳ đâu”, cả ở đất nước trước đây của mình (bởi anh ta đã mất đi cái mà Kafka gọi là “hơi thở âm vang của tổ quốc”) cũng như tại mảnh đất đã đón nhận anh ta. Nhà văn lưu vong là một vị khách đáng ngờ, một kẻ xâm nhập, vĩnh viễn ở trong mối mâu thuẫn nội tại.
Để giải quyết vấn đề hóc búa này, Linda Lê đề nghị nhà văn lưu vong coi lựa chọn về ngôn ngữ của mình không phải là một sự phản bội, mà là lựa chọn của một số phận. Caliban học từ ông thầy Prospero, nhưng ngôn từ của Caliban không thông thái, thuần hòa mà chỉ được dùng cho một mục đích duy nhất: nguyền rủa. Các nhà văn lưu vong làm phong phú cho thứ ngoại ngữ mà họ dùng để viết, nhất là phần u tối, phản kháng, bất quy tắc. Nabokov đã chứng minh điều này một cách rực rỡ, và Cioran (triết gia Rumani viết tiếng Pháp), người thầy của Linda Lê, cũng vậy. Viết văn bằng tiếng nước ngoài là chủ đề chính của Vu khống, một cuốn tiểu thuyết đặc biệt u ám và đen tối trong danh mục tác phẩm của Linda Lê.

“Mặc cảm Caliban” nằm trong vô số tiểu luận mà Linda từng viết; các tiểu luận này chủ yếu in trong ba tập: Tu écriras sur le bonheur (Mi sẽ viết về hạnh phúc), Le Complexe de Caliban (Mặc cảm Caliban) và Au fond de l’inconnu pour trouver du nouveau (Xuống tận đáy cái chưa biết để tìm ra cái mới). Hiếm nhà văn nào viết về nhiều nhà văn khác như tác giả tập truyện ngắn Lại chơi với lửa. Linda Lê thường xuyên viết về những nhà văn lạ lùng, kỳ quặc, điên rồ, nhất là đã bị lãng quên một phần; bà chủ yếu viết về những nhà văn cũ, xa xưa, gần như không có chút quan tâm nào tới các nhà văn cùng thời, và giải thích rằng thời gian đã kiểm chứng giùm các tác giả ấy, cũng như tác phẩm của họ. Trong lần sang Việt Nam vừa rồi, mỗi khi được hỏi về kinh nghiệm viết văn, Linda Lê đều nói bà đọc rất nhiều trong khi viết, mặc dù những gì bà đọc không ảnh hưởng nhiều tới việc viết. Ở những nhà văn thuộc “dạng” Linda Lê, viết văn và đọc văn không bao giờ là tách biệt. Nhiều nhà văn không đọc mấy trong suốt cuộc đời của mình, thực tế cuộc sống và ký ức cá nhân đã làm nên đủ chất liệu cho tác phẩm của họ, nhưng các nhà văn đồng thời là độc giả lớn tạo ra một mỹ cảm hỗn hợp đọc-viết hết sức đặc biệt; văn chương của họ không phải là phép cộng của từng cuốn sách độc lập, mà là dòng lưu chuyển phức tạp và đặc quánh những mảng đọc và viết. Tác phẩm của những nhà văn này có phần nền là sự đọc, tức Caliban, bóng tối và phần viết lộ ra ngoài tức Ariel, ánh sáng, giống như ẩn dụ của vở kịch The Tempest mà Linda Lê sử dụng để phân tích hoàn cảnh nhà văn của mình.

Trong tập Lại chơi với lửa có nhiều truyện ngắn góp thêm tiếng nói cho dòng lưu chuyển sự đọc và sự viết, bóng tối và ánh sáng này, như “Lọ mực” hay “Vết cắn”; truyện “Con ruồi” ở đầu tập trình bày một khung cảnh kỳ khôi: nhà văn viết và con ruồi đọc qua vai nhà văn những gì hiện ra trên trang giấy. Nhà văn và cái phần đen tối của anh ta tượng trưng bởi ruồi không sao ký kết được một giao kèo cùng tồn tại bảo đảm cho một sự cân bằng nhất định của sáng tạo; kết quả là nhà văn thua cuộc, phải trả giá bằng sinh mạng của mình.

Văn chương của Linda Lê không hướng vào cuộc đời mà hướng vào văn chương, một văn chương về văn chương, nơi không có chỗ cho sự nhẹ nhõm và, như một người từng nhận xét, không có cả chỗ cho hài hước. Cuộc viết dài dặc của Linda Lê có điểm xuất phát nhọc nhằn: khi Prospero của The Tempest hết phép thuật, trở lại làm người bình thường và cảm thán rằng: “Mọi phép thuật của ta đều đã bị tiêu diệt, ta không còn lại sức mạnh nào ngoài sức mạnh của chính ta, mới yếu ớt làm sao!” Và Linda Lê viết ngay sau đó: “Lời kết luận của Prospero là điểm xuất phát của nhà văn. Anh ta không có sức mạnh nào khác ngoài sức mạnh của chính mình, và sức mạnh ấy khoác một bộ trang phục lưỡng đôi: một nửa Caliban một nửa Ariel. Hai người anh em ấy không còn là đối nghịch của nhau nữa. Viết, là dịch từ ngôn ngữ của người này sang ngôn ngữ của người kia”.

---------------
đọc lại bài viết cũ, tự dưng lẩn thẩn nghĩ: đã là độc giả của Nguyễn Ngọc Tư thì khó là độc giả của Linda Lê, và ngược lại

3 comments:

  1. NhiLinh: "đọc lại bài viết cũ, tự dưng lẩn thẩn nghĩ: đã là độc giả của Nguyễn Ngọc Tư thì khó là độc giả của Linda Lê, và ngược lại" -- This comment is VERY wRONG.

    ReplyDelete
  2. I get the wrong ones in
    And let the right ones out

    :d

    ReplyDelete
  3. Cần những bản dịch mới cho văn chương Linda Lê, Nhị Linh ạ.
    Qua tất cả những gì Nhị Linh đã giới thiệu về tác giả này, tôi cảm thấy điều này. Bản dịch sao cho thật là "Linda Lê"? Dịch đâu có dễ, phải không? Dịch giả cũng là một người sáng tác. Rất đáng được biết ơn.

    ReplyDelete