May 5, 2011

Ngọc Giao trong Một đêm vui



Quyển sách có các trang xếp được như bộ tú lơ khơ hic. NXB Hương Sơn, Hà Nội, 1951, in lại từ Phổ thông bán nguyệt san, 1937. Được một bạn bên sử học tặng :)

Bìa sau quảng cáo Tiểu Nhiên Mị Cơ:


--------------


Một đêm vui tập hợp 12 truyện ngắn in trên Phổ thông bán nguyệt san năm 1937; Ngọc Giao viết và đăng những truyện này trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy trước đó. Cả Phổ thông bán nguyệt sanTiểu Thuyết Thứ Bảy đều là ấn phẩm của nhà Tân Dân do Vũ Đình Long làm chủ. Trước 1945, Ngọc Giao đặc biệt gắn bó với Tân Dân, ông từng là thư ký tòa soạn cho Tiểu Thuyết Thứ Bảy, và trong Hà Nội cũ nằm đây mới in gần đây, Ngọc Giao đã kể lại nhiều câu chuyện liên quan đến Tân Dân, Vũ Đình Long cũng như những người có liên hệ mật thiết với nhóm này. Có thể coi Tân Dân của Vũ Đình Long là một đối trọng quan trọng phá vỡ thế “độc quyền” của Tự Lực Văn Đoàn: trong suốt một thời gian dài giữa các ấn phẩm thuộc hai nhóm đã xảy ra tranh luận, đụng độ nhiều khi gay gắt, được thể hiện rất rõ ràng trong tập sách 13 năm tranh luận văn học của Thanh Lãng.

Tập Một đêm vui được Hương Sơn tái bản tại Hà Nội vào đầu năm 1951 (vẫn in kèm Lời đầu sách của Phùng Tất Đắc, ở cuối lời đầu sách này ghi rõ “Nam Định, ngày 6 tháng 7 năm 1936”); kể từ đó tập sách này không thấy được in lại nữa và trở nên rất khó tìm. Tuy nhiên, đây lại là tác phẩm rất quan trọng để biết về văn phong cũng như suy tư, cách nhìn nhận của Ngọc Giao giai đoạn khởi đầu sự nghiệp.

Đọc những tác phẩm sau này của Ngọc Giao, ta thấy ông quan tâm nhiều đến việc miêu tả cuộc sống người lao động bình thường, những cảnh sống ở Hà Nội và những gì gắn bó với bản thân ông, nhưng Một đêm vui lại đi vào một Hà Nội khác hẳn, và thể hiện thái độ sống của ông. Điều này đã được Lãng Nhân Phùng Tất Đắc chỉ ra ngắn gọn: “Giới thiệu tập này của ông Ngọc Giao, tôi chỉ muốn chú ý đến một đặc tính của hầu hết các truyện ông Ngọc Giao viết: đặc tính về luân lý.” Nhìn chung, trong Một đêm vui, Ngọc Giao miêu tả những mặt khuất, thậm chí là những mặt tiêu cực của đời sống con người, nhất là đời sống những con người Hà Nội.

Mọi truyện ngắn trong Một đêm vui (“Một đêm vui”, “Lòng mẹ”, “Dĩ vãng”, “Đôi mắt đẹp”, “Ảo ảnh”, “Bỏ giấc mơ hoa”, “Lệ vui”, “Hà Thành”, “Chim lồng”, “Đời nó thế!”, “Chợ chiều”, “Những đoạn tình”) đều có câu chuyện buồn bã, nhiều thất vọng về sự lật lọng, thiếu luân lý và đạo đức của con người. Đặc biệt, Ngọc Giao thường xuyên sử dụng thủ pháp ghi chép lại hồi ức, từ một điểm nhìn của hiện tại để nhìn lại những gì đã xảy ra trong quá khứ, và rất hay dùng những bức thư.

“Một đêm vui” là bức thư của một người chị gái gửi em trai. Người chị gái kể cho cậu em tên “Thanh” của mình về những bước đường cuộc đời mình: từ chỗ được cha mẹ gả chồng lên sống ở Lạng Sơn, yêu chồng và cũng được chồng yêu, vì ghen tuông mù quáng mà gây ra thảm cảnh, để rồi bị cả chồng lẫn gia đình mình đuổi đi, phải dấn thân vào đời giang hồ của một cô gái bán hoa lê la sàn nhảy, phòng tiệc, “hò hét, cười đùa, đập chai, ném cốc” (tr. 16). Trong những bước mỗi lúc một đi xuống sâu hơn ấy, điều duy nhất còn lại khiến người chị gái được thanh thản và lưu giữ niềm tin vào cuộc sống là nỗ lực kiếm tiền giúp đứa em trai thành đạt trong học hành, rồi lấy vợ. Ngày cưới của người em, chị ta lên Hà Nội, mua một bó hoa rồi đứng ở ngoài bữa tiệc cưới, sau cùng giẫm nát bó hoa rồi ra đi, bụng thầm hỏi: “Gió, mưa… ta biết ngủ nơi nào, đêm nay” (tr. 20).

Truyện thứ hai của tập, “Lòng mẹ”,cũng ở dạng một bức thư của con trai một “bà lớn” gửi cho mẹ. Suốt nhiều năm, đứa con trai này bị người mẹ vứt bỏ, sống cực khổ với bố mẹ nuôi, rồi với cha ruột, bị đặt ra ngoài xã hội quyền quý vì thân phận đứa con hoang sinh ra trong cuộc tình vụng trộm. Đến cuối truyện thì “bà Án”, sau khi nhận được lá thư nói trên, đã bảo con gái lớn của mình đến tìm đứa con trai, và câu chuyện kết thúc có hậu: “Trong lòng Tâm nhẹ nhàng, vui sướng, vì từ đây Tâm biết lòng người mẹ thương mình… vì từ đây Tâm sẽ được trở nên một người dân lương thiện trong khi cắp sách đến học đường để thâu thái cái học vấn uyên thâm cao quí của loài người” (tr. 35). Đến đây thì ta hiểu nhận định của Phùng Tất Đắc về văn chương Ngọc Giao trong Một đêm vui: “Ông Ngọc Giao ưa tìm tòi khám phá trong tâm lý. Ông muốn dõi theo sức bồng bột của tình cảm, nhưng trước sau, vẫn không quên rằng truyện mình viết là để đăng trong Tiểu Thuyết Thứ Bảy, tập báo của gia đình”. Ngọc Giao không đẩy quá các miêu tả để chúng quá mức chi tiết, và luôn luôn dành kết cục cho những tình cảm đẹp. Điều này thể hiện rõ nhất trong truyện thứ tư của tập, “Đôi mắt đẹp” kể về sự đoàn tụ gia đình sau những “lạc lối” của người chồng, hay truyện thứ tám, “Chim lồng”, nơi người vợ lầm lạc bị người chồng trừng phạt đầy khổ sở nhưng đến phút cuối cùng thì được “tha bổng” vì người chồng, sau rất nhiều mưu mô lập ra để trả thù người vợ hư hỏng, không đành lòng làm đứa con của mình mất đi người mẹ; điều này đúng như Phùng Tất Đắc viết: “ngòi bút của ông [Ngọc Giao] không dám quyết đi theo những cuộc mông lung của tình cảm, rút lại bao giờ cũng lấy cứu cánh là bổn phận, cái bổn phận khắc khổ vạch ra bởi luân lý nghìn xưa”. Đây là đặc trưng, điểm mạnh, nhưng đồng thời cũng là điểm yếu của ngòi bút Ngọc Giao, vì thường xuyên dừng lại ở những tình cảm đẹp mà không đẩy tiếp cho các sự việc đi hết logic của mình.

Trong Một đêm vui, còn có mấy truyện ngắn đáng lưu ý nữa, và ở đây bắt đầu xuất hiện một Ngọc Giao quyết liệt hơn trong xử lý số phận nhân vật của mình, không còn đi theo mô hình chung như Phùng Tất Đắc nhận định nữa: “Nhân vật của ông [Ngọc Giao] không có những tình cảm sôi nổi, không gặp những sự kích thích quá nồng nàn, nên đến chung cục vẫn rập theo khuôn mẫu của luân lý, không mấy khi đi chệch ra ngoài”. Đó là các truyện ngắn “Dĩ vãng” và “Chợ chiều”. “Dĩ vãng” vẫn là truyện Ngọc Giao sử dụng cái nhìn hồi cố, lần này là qua lời kể của nhân vật “lão Xương” cho nhân vật xưng “tôi”, một cậu bé mới lớn. Cuộc đời lão Xương chỉ toàn biết đến đau khổ và lừa gạt, cuộc tình say đắm hồi trẻ của lão trên đất Ai Lao là một sự mỉa mai lớn, và đến kết cục, lão bỏ mạng trong cơn say thuốc phiện, giữa đống đổ nát hoang tàn của đời mình. “Chợ chiều” lại có cốt truyện có thể nói là “giật gân”: cuộc tình tay ba giữa hai mẹ con và một chàng thanh niên. Sự đàng điếm, trụy lạc của một giới người Hà Thành được Ngọc Giao miêu tả sinh động, và cái khuôn khổ luân lý mà ông luôn luôn tuân thủ đã dẫn ông tới chỗ để cho mọi thứ trong cuộc sống hai mẹ con Hoàng và Hạnh sụp đổ, Hạnh bỏ ra đi trong mưa gió bão bùng.

Ngọc Giao đặc biệt chỉ trích lối sống Âu hóa vội vã, dẫn tới sự đàng điếm, băng hoại về đạo đức, xói mòn các nếp sống cũ từ xa xưa. Điều này Phùng Tất Đắc cũng đã lưu ý: “tác phẩm của ông Ngọc Giao có thể để trong tay mọi người được, không đến nỗi di hại như một vài thứ quà mới mà những kẻ hiếu kỳ, không suy xét kỹ, vội đem nhập cảng vào xã hội ta”. Truyện “Chợ chiều” như đã nói ở trên là một minh chứng rõ ràng, nhưng nổi bật hơn cả ở phương diện này trong Một đêm vui là truyện “Hà Thành” (tr. 92-tr. 101).

Nếu đã quen với một Ngọc Giao hoài cổ, say đắm với những nét vẻ xa xưa đẹp đẽ của một thành phố hào hoa như Hà Nội, thì độc giả có thể tìm thấy một Ngọc Giao rất khác ở câu chuyện này, câu chuyện nói đến khả năng tha hóa con người của Hà Thành. Người con gái tên Khanh từ Huế ra Hà Nội đã gặp những điều không một ai mong muốn cho một cô gái trẻ. Viết dưới dạng bức thư mà Khanh gửi cho người bà ở Huế, câu chuyện cho chúng ta biết Khanh là “cháu một vị đại thần đã bỏ mình vì nạn nước, thời vua Thành Thái dời ngôi. Nó là con một người cha đã tòng chinh sang mẫu quốc rồi bị tử thương trong hồi Pháp-Đức chiến tranh” (tr. 94). Cô con gái danh giá ấy đã cầu xin bà mình như sau: “lạy bà, xin bà tha cho cháu tội dối lừa bà, cái tội bôi nhọ một dòng danh giá, quí tộc, cái tội làm đĩ ở ngoài xứ Bắc, tỉnh Hà thành”, và tiếp theo là một loạt miêu tả không mấy tốt đẹp: “Hà thành! Một tỉnh cháu thèm thuồng, mong ước thấy bộ mặt rực rỡ, huy hoàng của nó. Một tỉnh mà nghe người ta ca tụng, cháu cứ yên trí là nơi đô hội có nền văn hóa cao siêu” (tr. 94-95); “Nhưng Hà thành ác nghiệt làm sao! Hà thành đã dần dần làm biến đổi lòng dạ, tâm hồn của cháu, Hà thành luôn luôn có một điệu âm nhạc say vui chẳng tận, Hà thành luôn luôn có một vẻ kiêu sa, dâm dật, cảm người. Mà vẻ kiêu xa dâm dật ấy, nó hiện rõ ràng trong cách trang sức, trong lối đi dáng đứng, trong khóe mắt đầu mày, trong sử đụng chạm không ngượng nghịu của bày trai, gái trẻ trung” (95-96); “Bản âm nhạc làm vui sinh hoạt của Hà thành là một bản âm nhạc phóng đãng, rộn ràng, loạn sạ, tưởng như còn che đậy bao tiếng khóc, lời than của sự xấu xa, giả dối” (tr. 96). Mặc cho cô gái ấy đã rất nỗ lực “chống trả” để thoát khỏi sự quyến rũ của những phù du: “Lạy bà, bà đừng tưởng cháu không chống cự với ái tình kia, với chàng trai trẻ nọ, với Hà thành gớm ghiếc, hung tàn ấy, và cũng đừng tưởng cháu không dùng hết lực để đi theo mục đích tốt tươi của sự học hành” (tr. 97), nhưng cuộc sống ấy vẫn nuốt chửng lấy cô gái, đẩy cô vào một cuộc sống đầy thăng trầm bất trắc, cho thấy đầy đủ hơn về một thành phố Hà Nội nhiều góc cạnh, phương diện cần được văn chương tìm đến, miêu tả, phân tích.

Đọc tập truyện ngắn Một đêm vui, ta có thể thấy được những sự vụng về của hành văn Quốc ngữ ở giai đoạn còn chưa thực sự thành hình, cũng như thấy được sự non nớt trong ngòi bút của Ngọc Giao thời trẻ tuổi luôn luôn tìm đến những cốt truyện éo le, nhiều khi phi lý, nhưng ta cũng thấy sự tận tâm với văn chương của ông, nhất là một tinh thần sử dụng văn chương phục vụ cho lý tưởng đạo đức mà ông thực sự coi trọng, cùng những nền tảng cho một sự nghiệp văn chương đồ sộ trong tương lai.

9 comments:

  1. cảm ơn chị (xin lỗi vì không được biết giới tính trên mạng) đã giới thiệu về một nhà văn xưa của miền bắc - nhà văn Ngọc giao. nhưng tôi lại có thắc mắc là sao ông lại ít được biết như một nhà văn giỏi viết về Hà Nội như Thạch Lam, Tô Hoài, Vũ Bằng... nhỉ. Chị là người trong giới xuất bản xin chị cho biết thêm những lý do "khuất bóng" của ông trên văn đàn lâu nay ? một lần nữa xin cảm ơn chị và kính chúc chị sức khỏe !

    ReplyDelete
  2. Thật ra tôi cũng không biết "giới tính trên mạng" của mình là gì :)

    Ngọc Giao không dính vụ Nhân Văn-Giai Phẩm, cũng không dính vụ "xét lại" hồi thập niên 60, nhưng vẫn mang tiếng "dinh tê", quyển nổi tiếng nhất của Ngọc Giao là tiểu thuyết "Đất" in ở Hà Nội năm 1950; hồi ấy Ngọc Giao thuộc số rất ít nhà văn Hà Nội sống ở Hà Nội, cùng Nhật Tiến (tức anh trai nhà văn Nhật Tuấn tác giả "Đi về nơi hoang dã").

    Các nhà văn hồi 45-54 hoặc theo kháng chiến, hoặc vào Nam, vị thế nhìn chung là rõ ràng, các nhà văn ở lại Hà Nội nếu không phải là viết hẳn cho thiếu nhi (như Thy Thy Tống Ngọc tức Thy Ngọc) nhìn chung sau này đều bị "nghi kỵ", trường hợp của Ngọc Giao là mãi đến cuối thập niên 80 mới bắt đầu in lại, quyển đầu tiên là tập truyện ngắn "Cô gái làng Sơn Hạ" (NXB Văn học).

    ReplyDelete
  3. NG có cuốn tiểu thuyết rất ư là bảnh, Cầu Sương, GNV đọc thời còn Hà Nội của Ngụy, bây giờ chẳng còn nhớ gì
    Hà, hà, NL phi giới tính!

    ReplyDelete
  4. NG có cuốn Cầu Sương hách lắm, GNV đọc khi Hà Nội còn của Ngụy, hà hà, NL phi giới tính
    NQT

    ReplyDelete
  5. vâng đúng vậy, Ngọc Giao viết 7 tiểu thuyết, vài trăm truyện ngắn, vài tập phóng sự, cả truyện thiếu nhi (cho tờ Truyền Bá của Tân Dân); Cầu Sương thì sẽ được in lại thôi, như phần lớn các tác phẩm khác của NG, có điều một vài cái chẳng biết có tìm được không, chẳng có cả trong Thư viện Quốc gia hic

    ReplyDelete
  6. phi giới tính là một xu hướng lớn hiện nay, chắc phải thử xem sao :))

    ReplyDelete
  7. à sau này khi đã xuất hiện trở lại trên văn đàn thì NG lại vướng một vụ nữa cũng kỳ cục, là vụ "Nam Cao trộm gà" ầm ĩ một thuở; hôm trước ở buổi kỷ niệm 100 năm ngày sinh NG bác Nguyên đầu bạc (người quen của Mr Tin Văn :p) nhắc lại đầy đủ sự tình vụ đó

    ReplyDelete
  8. bác này có phải tác giả Hà Nội cũ nằm đây không? Em thích đọc cuốn đó kể về HN thời xưa, chuyện in ấn xuất bản này nọ, chắc chỉ có bác ấy thôi nhỉ? (Z)

    ReplyDelete