May 22, 2011

Thạo việc chịu đựng


Khi Picasso vẽ bức tranh lập thể đầu tiên của mình, ông hai mươi sáu tuổi; trên toàn thế giới, nhiều họa sĩ khác cùng thế hệ ông gia nhập cùng ông và đi theo ông. Nếu khi ấy một người lục tuần tiến tới để bắt chước ông mà vẽ theo chủ nghĩa lập thể, thì ông ta sẽ có vẻ rất thô kệch (điều này là đích đáng). Bởi tự do của một người còn trẻ và tự do của một người đã già là những lục địa không gặp được nhau.

“Khi còn trẻ, bạn có nhiều người bên cạnh, còn về già, bạn cô độc”, Goethe viết (Goethe về già) trong một bài thơ trào phúng. Quả thực, khi những người trẻ tuổi bắt tay vào tấn công những tư tưởng được công nhận, những hình thức đã được thiết lập, họ thích tụ tập lại thành các băng nhóm; khi Derain và Matisse, hồi đầu thế kỷ, cùng nhau trải qua những tuần dài trên các bãi biển Collioure, họ vẽ những bức tranh giống nhau, nổi bật bởi cùng thẩm mỹ dã thú; tuy nhiên, cả hai đều không cảm thấy mình bắt chước người kia - và, quả thực, cả hai người đều không phải như vậy.

Trong một sự đoàn kết đầy vui vẻ, vào năm 1924 những người siêu thực chào đón cái chết của Anatole France bằng một bài cáo phó-châm chích ngu ngốc đến đáng nhớ: “Những người giống như ngươi, xác chết kia, chúng tôi chẳng yêu quý gì!” Eluard viết, khi ấy ông hai mươi chín tuổi. “Cùng Anatole France, một chút sự quỵ lụy của con người cũng ra đi. Cầu cho đó là một bữa tiệc, cái ngày người ta đem chôn sự khôn khéo, chủ nghĩa truyền thống, lòng yêu nước, chủ nghĩa cơ hội, sự ngờ vực, chủ nghĩa hiện thực và sự thiếu tấm lòng!” Breton viết, khi ấy ông hai mươi tám tuổi. “Cầu cho cái người vừa chết đi kia […] đến lượt mình ra đi trong làn khói! Còn lại rất ít thứ của một con người: vẫn còn thật đáng tức giận khi hình dung về người ấy, rằng dù thế nào đi nữa thì ông ta cũng từng tồn tại”, Aragon viết, khi ấy ông hai mươi bảy tuổi.

Những từ của Cioran quay trở về với tôi nhân nói tới những người còn trẻ và nhu cầu của họ về “máu, những tiếng hét, sự hỗn loạn…”; nhưng tôi phải vội vã nói thêm rằng các nhà thơ trẻ tuổi đi tiểu vào xác chết của một tiểu thuyết gia lớn ấy không vì thế mà ngừng là những nhà thơ đích thực, những nhà thơ đáng ngưỡng mộ; thiên tài của họ và sự ngu xuẩn của họ trào ra từ cùng một nguồn. Họ gây hấn một cách dữ dội (một cách trữ tình) đối với quá khứ và tận tụy, kèm thứ bạo lực (trữ tình) ấy, với tương lai mà họ coi mình được đảm nhiệm, mà họ thấy được thứ nước tiểu tập thể vui tươi của mình chúc phúc.

Rồi đến lúc Picasso cũng già. Ông một mình, bị băng đảng của mình bỏ rơi, cũng bị bỏ rơi bởi lịch sử hội họa khi ấy đã rẽ sang hướng khác. Không chút tiếc nuối, với một khoái cảm của người theo chủ nghĩa hoan lạc (chưa bao giờ hội họa của ông tràn ngập hào hứng đến như vậy), ông đến ngụ trong ngôi nhà của nghệ thuật ông, biết rằng cái mới không chỉ nằm ở phía trước, trên con đường lớn, mà còn cả ở bên trái, bên phải, bên trên, bên dưới, đằng sau, ở mọi hướng có thể của cái thế giới không thể bắt chước của ông, chỉ thuộc về một mình ông (bởi sẽ không ai bắt chước ông: những người trẻ tuổi bắt chước những người trẻ tuổi; những người già thì không bắt chước những người già).

Thật không dễ để một nghệ sĩ trẻ thích cách tân quyến rũ được công chúng và làm cho mình được yêu quý. Nhưng khi sau này, có cảm hứng từ tự do tuổi già của mình, lại thêm một lần nữa anh ta chuyển hóa phong cách của mình và rời bỏ cái hình ảnh người ta vẫn có về anh ta, thì công chúng sẽ do dự trong việc đi theo anh ta. Gắn liền với giới trẻ của điện ảnh Ý (nền điện ảnh vĩ đại không còn tồn tại nữa), Federico Fellini đã được hưởng trong một quãng thời gian dài sự ngưỡng mộ của tuyệt đại đa số; Amarcord (1973) là bộ phim cuối cùng của ông với vẻ đẹp thơ ca khiến mọi người phải đồng lòng nhất trí. Rồi, sự phóng túng của ông còn xổ tung thêm nữa và cái nhìn của ông sắc bén hơn; thơ ca của ông trở nên phản trữ tình, chủ nghĩa của ông trở nên phản hiện đại; bảy bộ phim trong mười lăm năm cuối đời ông là một bức chân dung không thương xót về thế giới nơi chúng ta sống: Casanova (hình ảnh về một tính dục phô bày, đạt tới những giới hạn thô kệch của nó); Prova d’orchestra; Thành phố của phụ nữ; E la nava va (vĩnh biệt châu Âu mà con tàu đã ra đi về phía hư vô, với những bản air của opera làm nền); Ginger và Fred; Intervista (lời chào vĩnh biệt lớn với điện ảnh, với nghệ thuật hiện đại, với nghệ thuật nói ngắn gọn); La Voce della luna (lời vĩnh biệt cuối cùng). Trong những năm ấy, tức tối cả trước thẩm mỹ đòi hỏi hết sức cao của ông và trước cái nhìn chán nản mà ông đặt xuống cái thế giới đương đại của họ, các phòng khách, báo chí, công chúng (thậm chí cả các nhà sản xuất) quay lưng đi với ông; không còn nợ nần gì ai nữa, ông nhấm nháp “sự thiếu trách nhiệm vui tươi” (tôi trích lời ông) của một tự do mà cho tới khi ấy ông còn chưa biết đến.

Trong mười năm cuối đời, Beethoven không còn gì để chờ đợi từ Viên, từ giới quý tộc của nó, từ các nhạc sĩ vinh danh ông nhưng không còn nghe ông nữa; mặt khác ông cũng không còn nghe họ nữa, không chỉ bởi vì ông đã bị điếc; ông đã ở đỉnh cao nghệ thuật của ông; các bản xô nát và tứ tấu của ông không giống với cái gì hết cả; bởi sự phức tạp trong cấu trúc của chúng, chúng đã ở rất xa chủ nghĩa cổ điển mà vẫn không gần với tính chất bột phát dễ dãi của những nhà lãng mạn trẻ tuổi; trong sự tiến hóa của âm nhạc, ông đã chọn một hướng đi không được ai theo; không môn đồ, không người kế nghiệp, tác phẩm của tự do tuổi già ông là một sự kỳ diệu, một hòn đảo.

(MK)

9 comments:

  1. có từ khác cho "sự thiếu tấm lòng" không, hehe?

    ReplyDelete
  2. Đoạn này mình thấy chưa rõ nghĩa bằng bản dịch tiếng Anh: "Họ gây hấn một cách dữ dội (một cách trữ tình) đối với quá khứ và tận tụy, kèm thứ bạo lực (trữ tình) ấy, với tương lai mà họ coi mình được đảm nhiệm, mà họ thấy được thứ nước tiểu tập thể vui tươi của mình chúc phúc".

    ReplyDelete
  3. F.F hi hi hi hi.
    "Intervista (lời chào vĩnh biệt lớn với điện ảnh, với nghệ thuật hiện đại, với nghệ thuật nói ngắn gọn)"

    Cảnh hai nv chính trong la dolce vita già nua xem lại hình ảnh của mình và khóc rồi để các phóng viên Nhật Bản quay lại mới hài hước làm sao.
    H

    ReplyDelete
  4. bác có bản tiếng Anh quẳng cho em cái đi, thank you

    ReplyDelete
  5. để vài hôm nữa về nhà đã

    ReplyDelete
  6. Đoạn ấy theo bản dịch tiếng Anh thế này: "They were violently (lyrically) aggressive toward the past and with the same (lyrical) violence were devoted to the future, of which they considered themselves the legal executors and which they knew would bless their joyous collective urine."

    ReplyDelete
  7. Thật ra thì cũng có dư một bản, có thể gửi được, nhưng ít ra cũng gì gì lại chứ ai cứ đơn phương thế này nhỉ:)

    ReplyDelete
  8. hehe ok có đi có lại chứ ;p

    ReplyDelete