Aug 25, 2011

Ý kiến

về hội nghị nhé, đăng hẳn trên Nhân Dân :p

Các lý do để khác

Milan Kundera từng viết, để chỉ ra sự khác biệt giữa lịch sử thông thường và lịch sử văn học (cụ thể là lịch sử tiểu thuyết), cũng là để nhấn mạnh vào sự nghiệt ngã của công việc sáng tạo, đại ý rằng trong lịch sử “thường” vẫn có tên những người thất bại ở các cuộc chiến (Napoléon chẳng hạn), nhưng lịch sử văn học thì bỏ qua mọi thất bại. Cuốn tiểu thuyết thất bại, tác phẩm nghệ thuật thất bại không có chỗ đứng trong lịch sử lẽ ra dành cho nó.

Điều đó còn có nghĩa là cho dù tác giả đầu tư bao nhiêu sức lực, thời gian và cả tâm huyết vào tác phẩm của mình, thì tác phẩm ấy vẫn nhiều nguy cơ thất bại. Đã một thời (cái thời ấy giờ đây vẫn còn sót lại nhiều tàn dư) người ta lấy tâm huyết làm một tiêu chí kim chỉ nam và kết quả là lịch sử không ghi lại được mấy tác phẩm, đại đa số rơi vào cái hố lãng quên (một cách thích đáng). Chỉ riêng điều này (một tấm gương!) thôi đã là một lý do để nhà văn của ngày hôm nay phải có một ý thức khác với nhà văn các thế hệ trước, và một ý thức về sự khác.

Hội nghị Những người viết trẻ Toàn quốc lần thứ VIII chắc chắn sẽ không có mấy khác biệt trong cách tổ chức một hội nghị, cũng vẫn sẽ là đại biểu của các địa phương trong cả nước, những gặp gỡ trao đổi, hội thảo, trò chuyện, cả những hục hặc về chuyện tại sao người này là đại biểu người kia không, ấm ức của các cá nhân đối với ban tổ chức, với ban chấp hành hội địa phương, vân vân và vân vân. Đến giờ thì cũng không ai còn đủ cả tin mà trông đợi những thay đổi lớn lao từ một cuộc tụ họp dăm ba ngày.

Nhưng ta cũng đã nhìn thấy một số khác biệt, trước hết là ở thái độ thẳng thắn. Một nhà văn làm đơn kiện tại sao mình không phải là đại biểu của hội nghị trong khi có nhiều đóng góp cả về tác phẩm lẫn hoạt động hội, một người khác chỉ nghe phong thanh mình có tên trong danh sách đại biểu là lập tức làm thông cáo báo chí cho khắp nơi đều biết. Sự thẳng thắn này khác với những âm ỉ trong lòng tích tụ nhiều năm và thường xuyên được thể hiện theo những “đường xiên”, cái mà ta vẫn thấy rất phổ biến trong suốt chiều dài tồn tại của hình thức hội nhà văn, ở vô số nhà văn, kể cả những người rất nổi tiếng, để rồi khi có dịp “tức nước vỡ bờ” như một dịp đại hội tương đối “thoáng” thì sẽ bùng lên thành những ý kiến nóng bỏng và đốp chát.

Khác biệt lớn khởi đầu từ những khác biệt nhỏ. Các nhà văn trẻ hiện nay, mặc cho mọi chê bai về “tác phẩm kém tầm” hay “thiếu vốn sống”, những lên án về tình dục tràn lan hay “mì ăn liền”, cũng đã thể hiện được mong muốn khác biệt người cùng thời và khác với những thế hệ trước. Nói gì thì nói, mong muốn này, cùng nỗ lực về độc lập (ít nhất là không phụ thuộc vào các hội đoàn) chính là cơ sở then chốt cho mọi sáng tạo.

Lẽ dĩ nhiên, đây mới chỉ là khác biệt ở bề mặt, nó cũng không đảm bảo cho thành công chắc chắn nào. Điều này cũng là dễ hiểu, vì biết bao khuyên nhủ của các bậc cha chú dành cho lớp hậu sinh, khi thì trân trọng nâng niu, lúc thì trịnh trọng kẻ cả xoa đầu, cho tới giờ đã tỏ ra cũng chẳng mấy hữu hiệu. Chẳng hạn như các bậc cha chú rất thường lo lắng nhà văn trẻ không nhập được vào cuộc sống thực, thiếu trải nghiệm phong phú, rồi thế nào cũng dẫn ra những Nguyên Hồng và Vũ Trọng Phụng. Thế nhưng lấy đề tài xã hội nóng bỏng thì cũng nhiều người đã từng, nhưng đề tài lớn không làm nên tác phẩm lớn, thậm chí rất nhiều người chỉ tạo ra được rặt những thứ ngô nghê nhồi nhét những quan sát hấp tấp, được khen ngợi là “ngồn ngộn hiện thực” nhưng không khác gì mấy so với khi ta tập hợp vài chục tờ báo chuyên về xã hội rồi đặt một nhan đề chung để tạm bợ mà biến thành tiểu thuyết. Lại có lời khuyên ngược hẳn lại (những lời khuyên cho dù khác nhau thì cũng hay có một điểm chung là không mấy ích lợi), là hãy cô đơn, náu mình, đoạn tuyệt với đám đông, rồi thì chưa đủ cô đơn cho sáng tạo vân vân và vân vân. Thế rồi những con người cô độc, những dã nhân của xã hội cũng chẳng thắng được trong cuộc chạy đua vào lịch sử nghệ thuật; nhìn chung họ tạo ra các tác phẩm căng thẳng, cương cứng, mệt mỏi vô lối và đượm màu sắc của một thứ chủ nghĩa lãng mạn lạc lõng sót lại từ một thời xa xôi nào đó.

Lý do để khác thì nhiều, thậm chí khác biệt luôn luôn phải là một tiêu chí hiển nhiên, nhưng làm thế nào để khác biệt thì chẳng ai trả lời hộ được cho các nhà văn, bởi chỉ cần rập khuôn theo một câu trả lời có sẵn, tức thì nhà văn đã bước ra khỏi con đường của khác biệt. Điều này cũng là dễ hiểu, vì vẫn là Milan Kundera từng viết trong một tiểu luận, và cũng vẫn hết sức nghiệt ngã: lịch sử nghệ thuật có thể tàn lụi, còn những thứ lăng nhăng về nghệ thuật thì trường tồn.

7 comments:

  1. chẳng ai trả lời hộ được, thì làm sao có thế tìm được câu trả lời từ một hội nghị các nhà văn quốc doanh, và trẻ?

    ReplyDelete
  2. Tôi cũng có ý kiến, dù không biết có vọng đến tai bác không.
    Là tôi không vào được cái blog của bác, cố mãi cuối cùng mở ra đọc được nửa chừng thì pằng một cái, nó trắng tinh. Mấy lần liền, tôi không đọc nữa mà vào vội comment xem có lên được không, trước khi nó đóng lại...

    ReplyDelete
  3. Nhà văn và nhà nước có đủ lý do để không thể khác. Họ đều là nhà.

    ReplyDelete
  4. Đều là nhà, nhưng nhà văn họ là nhà chung cư. :)

    ReplyDelete
  5. có nhiều người hỏi em: sao em không ở trong hội nhà văn mà lại có giấy mời đi dự hội nghị? Híhí. Ở một đất nước bốn mùa hội hè thì chỉ đi xem hội chứ ai lại chờ mong vào sự thay đổi? :P

    ReplyDelete
  6. đi xem cũng là tiếp tay cho hội hè :)

    ReplyDelete
  7. uh, trong lúc nhảm thì cái gì cũng nhảm xừ nó rồi. làm con sâu ngọ ngoạy cho dẻo thân chẳng vui hơn à;p

    ReplyDelete