Oct 9, 2012

Rousseau ở Montmorency

Buồn cười, đến giờ mà vẫn có người nghĩ Les Confessions là biểu hiện tột cùng của sự ngây thơ ở Rousseau. Sự thành thực có thể đồng nghĩa với ngây thơ, nhưng thành thực đến mức ấy, như Rousseau thể hiện trong Les Confessions, thì chẳng còn tí chút ngây thơ ngẫn ngở nào cả, thậm chí còn đầy rẫy mưu mẹo, chiến lược, đúng kiểu "thật thà là cha tinh quái". Cứ vướng vào mấy thứ cliché suy nghĩ này, mấy cái bẫy đơn giản như thế, lại còn hỏi tại sao lại cứ như thế.

Lôi lại bài "Rousseau ở Montmorency" này, nó tương ứng với một phần quyển 9, gần như toàn bộ quyển 10, một ít quyển 11 ở Phần 2 của Những lời bộc bạch. Giờ đọc lại mới thấy từ năm 2005 đã loay hoay với I tá lồ rồi. (bài này cũng chưa bao giờ đăng ở đâu)

Trong Những lời bộc bạch, cái hồ Enghien nổi tiếng vào thời của Rousseau hình như tên chính thức là Montmorency.

(Sophie được nhắc tới ở đây là bà d'Houdetot, tình yêu duy nhất trong đời Rousseau, nhưng lại là người tình của Saint-Lambert bạn ông, và là nguyên mẫu của Julie trong Julie; Những lời bộc bạch dành rất nhiều trang viết về bà d'Houdetot, chắc phải ngang với về bà de Warens, mối tình đầu đời của Rousseau, đậm màu sắc loạn luân)


“Montmorency” là một từ thần kỳ hiện lên từ những trang sách thuở nhỏ của tôi. Montmorency, đó là mơ ước về một thiên đường giáo dục, một mô hình học tập mà Rousseau dựng lên trong Émile. Trong thế giới của Rousseau, con người có quan hệ chặt chẽ với thiên nhiên; ông đề xuất lối giáo dục tự do, chủ yếu dựa vào thiên nhiên. Chính vì thế cậu bé Émile sẽ được dạy địa lý không phải bằng những khái niệm nhồi nhét, những bài giảng khô cứng, mà qua việc tìm đường về khi bị lạc trong khu rừng Montmorency. Thành phố nhỏ xinh xắn Montmorency ở ngoại ô phía Bắc Paris cũng là nơi Rousseau sống liên tục trong sáu năm.

Công dân của thành phố tự do Genève, Rousseau đi khắp châu Âu, nhưng quãng thời gian ở Montmorency chắc chắn là quan trọng hơn cả trong sự nghiệp trước tác của ông, cả về văn chương lẫn triết học. Sáu năm ở ngôi nhà nhỏ Mont-Louis (từ 1756 đến 1762) Rousseau viết và xuất bản những tác phẩm quan trọng nhất: Julie hay nàng Héloïse mới, Émile hay về giáo dục, Khế ước xã hộiThư gửi d’Alembert. Nằm không xa hồ Enghien nổi tiếng dành cho nhu cầu bơi lội của người dân thủ đô vào mùa hè, ngôi nhà Mont-Louis trên ngọn đồi dốc nay trở thành bảo tàng, con đường chạy qua trước nhà giờ mang tên Jean-Jacques Rousseau. Một ngày trời nắng muộn cuối mùa thu, người đàn bà luống tuổi trông coi khu nhà dẫn tôi đi thăm nhà. Dừng lại ở phòng ngủ của nhà văn, ở tầng trên, một căn phòng được sửa sang nhờ sự giúp đỡ của một người bạn, theo lối “căn hộ” thế kỷ XVIII với phòng chờ, phòng ngủ, nơi để và thay quần áo. Trước khi rời khỏi phòng, người hướng dẫn chỉ vào cửa sổ nhỏ trổ trên tường, đối diện với giường ngủ, và nói ngày trước, những hôm trời quang như hôm nay, Rousseau có thể từ đây nhìn thấy Paris, “thành phố của tiếng ồn, bùn lầy và khói bụi”.

Nhà văn Ý Italo Calvino trong một bài giảng năm 1958 tên là “Thiên nhiên và lịch sử trong tiểu thuyết” chứng minh rằng thiên nhiên trong truyền thống văn học cổ kéo dài cho đến Rousseau luôn hàm chứa trong nó ý tưởng về một tính siêu nhiên, một đấng cứu thế mà tinh thần có thể giao hội. Chỉ khi “tiêu diệt” xong kiểu thiên nhiên đó, tiểu thuyết hiện đại mới thực sự ra đời. Thiên nhiên với Rousseau là nơi để trốn ra khỏi vùng “kinh đô cát bụi bay nhiều” (Nguyễn Bính). Ngồi trong khu vườn đầy nắng nhưng vẫn có phần cô quạnh của Rousseau, ngay ở chiếc bàn đá tròn giản dị, dường như một thiên nhiên đầy âm thanh và ý nghĩa bỗng trong phút chốc truyền đến với tôi, một người khách từ xa đến. Ngày nay khu đồi vẫn khá yên tĩnh. Mọi thứ không có vẻ thay đổi nhiều lắm, ngoại trừ một nửa ngôi nhà được xây thêm vào thế kỷ XIX, gá thẳng vào nhà cũ, thành ra từ cửa sổ phòng ngủ Rousseau không thể còn nhìn thấy Paris được nữa.

Giai đoạn Montmorency này Rousseau phải trải qua không ít những tổn thất về tình cảm. Với một người đa cảm như ông, những người bạn mất đi để lại những vết thương không nhỏ. Bà d’Epinay, rồi Grimm, những người bạn Montmorency, rồi những người bạn Paris như Saint-Lambert hay Sophie. Và đặc biệt là người bạn mà ông coi là thân thiết nhất, Diderot. Diderot khiến ông cảm thấy tổn thương nặng nề khi viết thư cho ông, nói rằng: “Chỉ người nào độc ác mới cô độc”, mà Rousseau là một người “cô độc bẩm sinh”, tác giả của một trong những cuốn sách đẹp nhất về sự cô đơn: Những mơ mộng của người đi dạo cô độc.

Trước khi chuyển sang ngôi nhà Mont-Louis, Rousseau ở sát gần đó, trong một ngôi nhà tuyệt đẹp tên là “Ermitage”. Trong vòng một năm rưỡi, ông ở ngôi nhà mới xây dành riêng cho ông, và bắt tay viết Nàng Héloïse mới. Đó chính là ngôi nhà mà bà d’Epinay, một trong số những người bạn gái thân thiết của Rousseau, dùng làm món quà tặng nhà văn. Trong tác phẩm Tự thú ông kể bà bạn nói với ông đầy thân tình: “Con gấu của tôi, đây là chỗ trú ẩn của anh; anh đã lựa chọn nó, tình bạn tặng nó cho anh”. Đó là một món quà bất ngờ, vì bà d’Epinay khi thấy Rousseau tỏ ra thích khoảnh đất, đã xây ngôi nhà một cách bí mật để tặng lại cho ông. Nhưng rồi Rousseau chỉ ở được chốn thiên đường trần thế đó trong vòng khoảng một năm rưỡi, ngay trước khi chuyển sang Mont-Louis cùng với Thérèse Levasseur và bà mẹ của Thérèse (chỉ sau đó một thời gian rất ngắn, vì thích Paris hơn nên bà mẹ không ở đó nữa, để lại ngôi nhà cho hai người). Một cuộc tình duyên với một người bà con của d’Epinay chính là nguyên do khiến ông nhận được một bức thư lịch sự nhưng cương quyết mời ra khỏi nhà, khi năm 1856 đã bước sang những ngày cuối cùng.

Nhưng cuộc sống ở Mont-Louis cũng mang lại cho ông những người bạn mới. Thuê được ngôi nhà từ Mathas, người quản lý thuế má cho hoàng thân Condé với giá rất rẻ, Rousseau và “cô thợ giặt” Thérèse Levasseur nhanh chóng có láng giềng. Trong khi những người bạn Paris như Diderot hay d’Alembert của nhóm “Bách khoa toàn thư” sửng sốt trước tin Rousseau thuê nhà ở xa Paris (“Sao anh lại đến đó ở, anh không còn yêu chúng tôi nữa hay sao?”), một vị thống chế nhà ở gần đó, de Luxembourg, sau một thời gian quen biết, tỏ ý muốn sửa chữa ngôi nhà giúp Rousseau và Thérèse. Lúc đầu Rousseau không muốn, cả đời Rousseau không muốn được ai giúp, nhất là từ một nhà quý tộc. Vị thống chế đã thuyết phục được ông Mathas chủ nhà của Rousseau. Và thế là ngôi nhà được sửa sang, trong thời gian thợ làm việc, Rousseau và Thérèse chuyển sang ở nhà của vị thống chế. Ngoài ra, cũng nhờ vợ chồng người láng giềng hào hiệp mà ở cuối khu vườn, “donjon” (tòa tháp canh) mới được xây lên. Trước đó nó chỉ là một cái bàn nhỏ đặt cuối vườn, thông thống gió. Rousseau hay ngồi đó để viết. Từ nay nó đã trở thành một căn phòng nhỏ biệt lập và ấm áp. Ngoài việc giữ gìn sức khỏe, những bức tường mới xây còn giúp Rousseau một việc nữa: trước đó nhiều lần giấy tờ ông để lại trên bàn bị hai “kẻ tọc mạch” (cách gọi của chính Rousseau) láng giềng đọc trộm. Hai người đàn ông tò mò đó sống ở ngôi nhà hiện nay là nhà nghiên cứu Rousseau ở phố Mont-Louis.

Với gia đình Rousseau cũng như ở đại đa số gia đình thời đó, nước là cả một vấn đề nan giải. Nước nhà Rousseau dùng phải đi lấy ở tận chân đồi. Và dĩ nhiên phải dùng cực kỳ tiết kiệm. Thế nên trong nhà ông có thứ dụng cụ lạ mắt, chậu đựng nước vách rất dày, với một chiếc gáo đục thủng ở cán để lấy nước ra từ chậu theo từng giọt một. Trong phòng Thérèse cũng có một chậu nhỏ hình chữ nhật với các dụng cụ làm vệ sinh cơ thể. Nước cũng được tính bằng giọt. Cả trong phòng hai vợ chồng (phòng Rousseau nằm trên tầng) đều có chiếc kéo màu vàng cắt tim nến. Ngoài nước, nến cũng là thứ không thể phí phạm. Trên chiếc bàn nhỏ hơi võng xuống đặt giữa phòng đặt một mảnh giấy đang viết dở. Trên bàn này Rousseau đã viết những trang của Thư gửi d’Alembert trong đó ông phản đối việc xây dựng nhà hát ở Genève, bởi vì ông e dân thành phố quê hương ông sẽ ưa chuộng các thứ giả tạo bôi lên người, các thứ hóa trang sân khấu, để mà quên đi con người thật của mình. D’Alembert không giận ông vì chuyện này, nhưng nhóm “Bách khoa toàn thư” sẽ không tha thứ cho Rousseau vì đã động đến vị giám đốc đầy uy tín của họ.

Trong ngôi nhà đã trở thành bảo tàng khi đó đang có trưng bày về bộ sưu tập cây cỏ (herbier) mà Rousseau gửi tặng cho Madeleine, “cô bé Madelon”, con gái người bạn của ông, bà de Lessers. Nhưng khi còn sống ở Montmorency, thực vật học còn chưa trở thành niềm say mê của ông. Khi đó con người ông vẫn bị niềm say mê thứ nhất của cuộc đời chiếm trọn vẹn: âm nhạc. Cuộc trưng bày cũng bày những bản nhạc mà Rousseau viết theo lối ký âm của riêng ông, bởi vì ông nghĩ cần phải có một ngôn ngữ mới cho âm nhạc. Viện hàn lâm âm nhạc từ chối sáng tạo này.

Khi viết xong Émile với những ý kiến phàm tục, phạm thánh động chạm đến Nhà thờ, cuốn sách bị cấm và có lệnh bắt luôn tác giả. Trong Émile, Rousseau khẳng định: “Chúng ta không biết chút nào tuổi thơ: với những tư tưởng sai lầm mà chúng ta có sẵn về nó, càng làm thêm nữa chúng ta sẽ càng sai lầm.”. Nhưng vị thống chế de Luxembourg đã kịp thời cấp báo, và khi triết gia tỏ ra do dự, nài xin ông đi trốn. Ngay trong đêm ông ra đi trên một chiếc xe ngựa, hướng về vùng Jura, Thụy Sỹ. Trên đường chạy trốn xe ông gặp xe của những viên mõ tòa thừa lệnh đến bắt ông. Hai bên chào nhau thân ái, và những người mõ tòa sau đó báo cáo lại với cấp trên là Ông Rousseau không có nhà, nơi họ có lệnh phải bắt ông. Và thế là đường lưu lạc của Rousseau lại tiếp tục, sau những vinh quang và những khó nhọc, ông đến Thụy Sỹ, và rồi không hiểu nghe ai xui khôn xui dại, sang London. Thành phố khổng lồ nuốt chửng ông (tương tự như nó sẽ làm với Zola sau này), nước Anh với ông không hề thân thiện, bởi nếu ông nắm vững tiếng Pháp và tiếng Ý, thì tiếng Anh với ông là cả một gánh nặng, lúc nào ông cũng ngờ người ta đang âm mưu làm hại ông. Nước Anh còn khiến ông mang nhục, vì đã phải ngửa tay lấy tiến trợ cấp của vua George III, trong khi Rousseau kiêu hãnh đã từng từ chối tiền trợ cấp của Louis XV nước Pháp. Rồi Paris lại mở cửa cho ông, với điều kiện ông không được viết về chính trị nữa. Lệnh cấm đó giúp ích rất nhiều cho văn học Pháp: ông viết các tác phẩm tự truyện, và thể loại tiểu thuyết tự thuật đã được khai sinh với Confessions (Tự thú), viết từ năm 1764. Cuốn sách được in ở Genève thành hai phần, năm 1782 và năm 1789 (sau khi Rousseau đã qua đời).

Hầu tước de Girardin mở tiếp cho ông một chốn thần tiên nữa, sau Montmorency, sau Chamberry: Ermenonville. Ngày 20 tháng Năm năm 1778, ông đến nơi ở mới, được xây theo kiểu Clarens của Nàng Heloïse mới, bởi de Girardin là người tôn thờ Rousseau, thậm chí còn nuôi con mình theo những gì tác phẩm Émile “chỉ dẫn”. Sống được ở đó vài tuần thì Rousseau mất, nhưng ông còn được nằm lại mảnh đất đẹp đẽ đó đến năm 1794, khi Cách mạng Pháp cả quyết ông là thiên tài, vĩ nhân nước Pháp và đưa ông đến Panthéon, đặt nằm đối diện với Voltaire.

Ngày nay, Montmorency không còn tên là Émile như hồi cách mạng. Nó trở lại mang tên Montmorency (sau rất nhiều lần đổi đi thay lại) một cách nhất quán từ thời Louis-Philippe. Tuy thế Émile và Montmorency vẫn là hai từ không thể tách rời nhau, vẫn là một hình ảnh đẹp về một thiên đường giáo dục xa vời nhưng cũng vô cùng gần gũi.

No comments:

Post a Comment