Feb 8, 2014

Borges: Người ở góc phố hồng

Dẫn đầu. “Người ở góc phố hồng” là truyện ngắn nổi tiếng nhất trong thời kỳ đầu của Borges, được viết trong một hoàn cảnh cũng hết sức đặc biệt. Giới thiệu hoàn cảnh ấy có lẽ không gì thích hợp hơn những lời của chính nhà văn trong cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh với Ronald Christ, đăng trên mục “The Art of Fiction No. 39”, tạp chí Paris Review số 40, 1967:

“… Tôi rất rụt rè [về việc viết truyện ngắn] vì hồi trẻ tôi coi mình là nhà thơ. Vậy nên tôi nghĩ, nếu mình viết truyện, ai cũng biết mình là kẻ ngoại đạo, là mình đang xâm phạm vào đất cấm. Rồi thì tôi bị tai nạn. Sẹo vẫn còn sờ thấy đây. Nếu anh sờ vào đầu tôi đây này, anh sẽ thấy. Có thấy đồi núi gồ lên đây không? Tôi phải nằm bệnh viện mất hai tuần. Tôi bị ác mộng rồi bị mất ngủ. Đến lúc ra họ bảo tôi đã gặp nguy cơ, ừm, tử vong, bảo thật phi thường là ca mổ lại thành công. Tôi bắt đầu sợ mình không còn minh mẫn, tôi nghĩ có thể mình không sáng tác được nữa. Nếu thế thì đời tôi kể như xong, vì viết văn rất quan trọng với tôi. Không phải là tôi nghĩ mình viết rất hay hay gì, nhưng tôi biết mình không sống được nếu không viết. Nếu không viết tôi sẽ cảm thấy, hừm, thấy hối hận, anh hiểu không? Rồi tôi nghĩ giờ viết một bài báo hay bài thơ thử xem. Nhưng tôi lại nghĩ,mình đã viết hàng trăm bài báo và thơ rồi, nếu giờ không viết được nữa, mình sẽ biết ngay thế là mình hỏng rồi, là xong hẳn rồi. Thế là tôi nghĩ hay là viết thứ gì đó chưa từng thử bao giờ: nếu không làm được thì cũng không có gì bất thường, vì tôi đâu có đi viết truyện ngắn làm gì? Như thế tôi sẽ được chuẩn bị cho đòn kết liễu, là biết rằng mình đã đến lúc hết. Tôi viết một truyện ngắn tên là, để tôi nghĩ xem, là ‘Hombre de la esquina rosada’, và mọi người rất thích truyện đấy. Lúc đó đúng là nhẹ cả người. Nếu không phải vì bị đập đầu cú đó, có thể tôi sẽ chẳng bao giờ đi viết truyện ngắn cả.”

- AL


Người ở góc phố hồng
Tặng Enrique Amorin

An Lý dịch



Ngộ thật, lại đi hỏi tôi chứ chẳng phải ai khác về mồ ma Francisco Real. Tôi có biết hắn, mà địa bàn hắn chẳng phải dưới này mà là quãng hồ Guadalupe với doanh trại trên mé Bắc ấy. Chưa chạm mặt hắn quá ba lần, đều là cùng một đêm, nhưng đêm như thế chẳng ai quên bao giờ, chính là cái đêm cô nàng Lujanera tự dưng đến ngủ lại chỗ tôi và cái đêm Rosendo Juárez đi khỏi khu bờ sông, chẳng bao giờ thấy quay lại nữa. Các cậu chắc chưa trải đời đến mức biết cái tên ấy, nhưng Rosendo Juárez Tay Cắt từng là tay chì nhất quận Villa Santa Rita. Đi dao như múa, đàn em ông Nicolás Paredes, tức là đàn em của Morel ấy. Đến chỗ chị em lúc nào cũng bảnh bao, phi ngựa đen, đinh thúc bạc; cả người lẫn chó đều kính trọng gã, cả các cô em cũng vậy, ai cũng biết gã đã hạ hai mạng; gã đội mũ mềm chóp cao, vành hẹp, đặt nghênh nghênh trên bờm tóc vuốt keo; con cưng của số mệnh, như người ta vẫn bảo đấy. Bọn nhãi chúng tôi ở quận bắt chước gã cả đến điệu nhổ bọt. Nhưng rồi một đêm đã cho chúng tôi thấy bộ mặt thật của Rosendo.

Nghe thì như bịa, nhưng chuyện xảy ra cái đêm đó đều bắt đầu từ một cái xe ngựa xấc láo bánh đỏ, người chất chật ních, lạch cạch lăn xuống đường đất nện chặt, giữa các lò gạch, lô đất trống, có hai thằng áo đen đánh ghi ta ầm ĩ, xà ích thì liên hồi vụt lũ chó hoang chạy quẩn đớp chân ngựa, ở chính giữa một người quấn poncho ngồi lặng phắc, chính là thằng Đồ Tể khét tiếng, nó đang ngứa ngáy muốn choảng nhau, muốn hạ thằng nào đó. Đêm ấy mát lạnh trời cho, hai thằng ngồi trên nóc xe lật bạt lên, cứ như cái xe lẻ loi này là cả đoàn rước. Đấy chính là việc đầu tiên mở đầu rất nhiều việc đêm hôm ấy, nhưng cái đó mãi về sau chúng tôi mới biết. Đám trẻ chúng tôi từ sớm đã ở salón nhà cô Julia, là một cái nhà bằng tôn sóng nằm giữa đường Gauna với sông Maldonado. Đứng từ xa cũng trông thấy, đằng trước nhà treo một cái đèn đỏ rất trơ tráo, với lại ồn ào nữa. Nhà cô Julia da màu, nhưng chạy việc đàng hoàng đáo để, chẳng bao giờ thiếu người chơi đàn, rượu ngon với bạn nhảy dẻo chân cả đêm không mệt. Nhưng nàng Lujanera, bồ của Rosendo, thì các cô khác cứ là chạy dài đằng sau. Chết lâu rồi, señor ạ, phải nói nhiều khi bẵng đi mấy năm trời tôi không nghĩ về cô nàng, nhưng cậu phải thấy cô ả cái hồi đó, cái đôi mắt đó. Nhìn thấy là đêm khỏi ngủ.

Rượu, nhạc, gái, một lời tục tằn Rosendo ném cho, một cú đập sụm lưng mà tôi nghĩ là thân thiện, đấy, đời chẳng còn gì đáng ao ước hơn. Tôi đang ôm một cô nàng hình như đọc được cả ý định của tôi. Điệu tango thả sức đùa cợt với chúng tôi, cuốn chúng tôi theo rồi rẽ chúng tôi ra rồi lại nhập chúng tôi lại. Nói tóm lại, các anh em đang nhảy, như trong giấc mơ, thì thình lình tiếng nhạc nghe lớn hơn, hóa ra là hòa lẫn vào nhạc của hai thằng chơi ghi ta trên xe, càng lúc càng gần. Rồi gió đổi chiều, không nghe thấy nữa, tôi lại tập trung vào cơ thể mình, vào cô bạn nhảy, vào câu chuyện trong lúc nhảy. Một hồi lâu sau bỗng nghe ầm ầm rất hách, tiếng đập cửa lẫn tiếng nói. Mọi người lặng phắc, một bộ ngực xô cửa, một người bước vào. Người này giống giọng nói như đúc.

Lúc đó với chúng tôi đấy còn chưa phải là Francisco Real, chỉ là một kẻ cao to lực lưỡng, ăn mặc toàn đen, quanh vai quấn cái khăn hung đỏ. Tôi nhớ khuôn mặt pha nét thổ dân, rất góc cạnh.

Một bên cánh cửa lúc mở đập trúng tôi. Giận mất khôn, tôi vung tay trái nhào đến hắn, còn tay phải rờ tìm con dao vẫn giắt trong ống tay áo vét dưới nách trái. Chẳng trụ được lâu. Hắn duỗi tay là gạt bắn tôi đi nhẹ tênh, như phủi bụi. Tôi bò càng đằng sau, tay còn sờ món vũ khí giờ đã vô dụng. Hắn thì đi tiếp như chẳng có gì, vào trong phòng. Đi tiếp, cao vượt lên trên đầu những cậu đang tránh ra nhường đường hắn, như chẳng nhìn thấy ai. Hàng đầu, toàn bọn Ý chỉ giỏi lõ mắt nhìn, vội dạt sang hai cánh như xòe quạt. Nhưng ngay hàng hai là thằng Anh chờ sẵn, chẳng chờ bàn tay kẻ lạ mặt đặt trên vai đã hạ một chưởng đánh bốp vào má. Chỉ đợi có thế xung quanh nhảy bổ vào. Phòng dài phải đến vài thước, thế mà kẻ lạ mặt bị đánh đập xô đẩy từ đầu này đến gần sát đầu kia, vừa đấm đá vừa nhổ bọt vừa huýt sáo. Ban đầu họ nện nắm đấm, sau thấy hắn chẳng buồn đưa tay gạt, họ xòe tay tát, lại lấy đầu khăn quật rất vô hại như đùa nhạo. Tất nhiên vẫn chừa phần lại cho Rosendo, từ đầu vẫn đứng dựa tường đầu đằng kia, lặng phắc không nói gì. Chỉ loay hoay rít thuốc lá, và có lẽ đã chớm nhận ra điều chúng tôi mãi sau đó mới biết. Đồ Tể bị đẩy đến trước mặt gã, đứng thẳng nhưng dính máu, cả đám hú hét đằng sau. Bị huýt nhạo, bị đánh, bị nhổ bọt, nhưng đến lúc đứng trước Rosendo hắn mới nói. Hắn nhìn lên và giơ tay chùi mặt mà nói thế này:

"Tao là Francisco Real, người mé Bắc. Tao là Francisco Real, được chúng nó gọi là Đồ Tể. Tao để cho lũ giẻ rách kia động vào mình, vì tao đang đi tìm một người. Tao nghe bảo dưới xó khỉ ho cò gáy này có một thằng giỏi chơi dao, được chúng nó gọi là Tay Cắt. Tao muốn gặp để được nó dạy cho, cho thứ đồ bỏ như tao, thế nào là một người có gan có óc."

Hắn vừa nói vừa nhìn dõi vào gã kia. Ánh thép bỗng lóe lên trong tay, hẳn là hắn thủ sẵn từ đầu trong tay áo. Xung quanh thôi xô đẩy mà doãng hết ra, tất cả trố mắt nhìn hai người, im phắc nghe thấy cả tiếng thở. Ngay lão mulato mù kéo vĩ cầm cũng chìa cặp môi dày về phía họ.

Đến đó tôi nghe sau lưng xôn xao, ở ngưỡng cửa đi vào khoảng sáu bảy người chắc thuộc băng thằng Đồ Tể. Lão già nhất, mặt mày răn rúm, có bộ ria mép bạc, trông khá quê mùa, bước hẳn vào phòng và hình như choáng váng vì đèn sáng và lũ đàn bà, lễ phép bỏ mũ. Đám còn lại giương mắt nhìn, sẵn sàng nhảy vào nếu thấy thằng nào có ý định chơi bẩn.

Rosendo bị làm sao vậy, sao gã không đi mà đá đít cái thằng cha căng chú kiết hợm hĩnh ra? Gã vẫn im lặng, vẫn nhìn xuống. Điếu thuốc không hiểu nhổ xuống hay tự rơi. Cuối cùng gã cũng thốt vài câu, nhưng khẽ đến nỗi ở đầu kia phòng chúng tôi chẳng nghe thấy gì. Lần nữa Francisco Real lại thách thức và lại bị từ chối. Lúc này, thằng trẻ nhất trong bọn Bắc huýt lên véo von. Cô nàng Lujanera lườm nó muốn đứt đôi người, rồi chen qua đám đàn ông cùng các ả, hất tóc xõa sau lưng, tới đặt tay lên ngực gã bồ, rút con dao trần đưa gã mà bảo:

"Rosendo, em nghĩ anh sắp cần thứ này."

Dưới mái nhà có cái cửa sổ dài nhìn ra sông. Rosendo cầm con dao trong cả hai tay, lật đi lật lại như không hiểu đấy là thứ gì. Rồi bỗng vung tay quăng nó qua cửa, rơi tõm xuống dòng Maldonado. Tôi thấy người lạnh toát.

"Tùng xẻo mày chẳng bõ nhớp tay tao," đối thủ nói, giơ tay định xuống đòn trị. Đến đó Lujanera choàng tay bá lấy cổ hắn, đưa cặp mắt mê hồn nhìn hắn mà nói giọng cuồng nộ:

"Mặc xác cái thứ đó, làm chúng ta tưởng nó là người."

Francisco Real sững sờ mất một thoáng, rồi quàng tay quanh người cô nàng mà thét bảo đàn chơi đi, tango, milonga, và bảo chúng tôi nhảy đi. Bản milonga lan từ đầu này đến đầu kia phòng như đám cháy. Real nhảy rất nghiêm trang, nhưng ôm chặt cứng cô nàng như dính keo, còn cô nàng thì thuận theo. Nhảy đến cửa hắn hét:

"Mở ra, các ngài, ta đưa cô gái đi ngủ!"

Họ lướt ra, má kề má, như trên đỉnh sóng điệu tango, như nhấn chìm trong điệu tango.

Tôi chín rực vì hổ thẹn. Đưa một cô quay thêm một hai vòng, rồi bỏ rơi cô ả. Đổ tại đông người nóng nực, rồi men theo tường ra ngoài. Đêm rất đẹp, đẹp với ai? Cái xe ngựa đỗ góc hẻm, hai cái đàn để thẳng đứng trên ghế, như hai tín đồ Ki tô. Quá cay, cái lối chúng nó vứt đàn lại, làm như chúng tôi chẳng có gan đi trộm hai cây ghi ta rởm. Tôi điên cả người mà nghĩ chúng tôi chỉ là đồ bỏ. Tôi giật bông cẩm chướng trên tai vứt vào vũng bùn, đứng nhìn nó một lúc để khỏi phải nghĩ tới cái gì. Ước sao bây giờ đã là ngày mới, cái đêm này đã đi qua. Đúng lúc đó có kẻ huých vào người, gần như khiến tôi nhẹ mình. Đấy là Rosendo, đang một mình lẩn đi.

"Chỉ giỏi ngáng đường, thằng khốn," gã quặc, không biết muốn xả ra hay vì cớ gì khác. Đi thẳng về bóng tối thẫm dòng Maldonado; tôi chẳng còn thấy gã lần nào nữa.

Tôi đứng nhìn những thứ làm nên cả đời mình: bầu trời rộng không cùng, dòng sông nhọc nhằn chảy, con ngựa ngủ, con đường đất, các lò gạch - và nhận ra mình chỉ là loài cỏ dại mọc bờ sông, nảy lên giữa cẩm chướng dại và xương xẩu. Còn có thứ gì khác mọc lên từ bãi rác này ngoài chúng ta, những kẻ nhũn chi chi khi gặp hung bạo, mồm thì mạnh mà nắm tay thì nhão? Rồi tôi nghĩ, không, mọc trên đất rắn càng phải là rễ cứng. Rác ư? Bài milonga còn hớn hở ầm ĩ trong nhà, gió đưa mùi hoa kim ngân. Đêm quả là rất đẹp. Sao nhiều đến làm người ta hoa mắt, lớp lớp chồng lên nhau. Tôi cố nghĩ những chuyện vừa xảy ra chẳng là gì đối với mình, nhưng vẫn lẩn quẩn nghĩ đến cái hèn nhát của Rosendo và sự ngạo mạn không chịu nổi của thằng người lạ. Thằng cha còn cuỗm được một con đàn bà cho đêm nay. Cho đêm nay và đêm sau, có thể cho vĩnh viễn, vì Lujanera đúng là của xịn đấy. Chúa biết hai đứa nó đi đâu rồi. Chắc chưa xa. Có thể đã lăn xuống cái rãnh đầu tiên mà hành sự.

Khi tôi lại quay vào trong, phòng nhảy vẫn bình thường như không có gì.

Thật lặng lẽ tôi lẻn vào đám đông, nhận ra một hai cậu phía mình đã chuồn còn đám từ Bắc xuống thì đang nhảy cùng tất cả. Không có xô đẩy cự cãi gì, ai cũng cảnh giác và lịch thiệp. Nhạc có vẻ ngái ngủ, mấy đứa con gái nhảy với bọn Bắc thì câm như hến.

Tôi có đề phòng, nhưng lại không ngờ sự xảy ra.

Ngoài cửa có tiếng đàn bà khóc và tiếng nói đã quen tai, nhưng lại bình thản, quá bình thản, cứ như không phải của người nào, bảo cô ta:

"Vào đi, em yêu," rồi lại tiếng kêu khóc. Giờ giọng kia có vẻ hết kiên nhẫn.

"Mở ra tao bảo, mở ra con điếm khốn nạn kia, mở ra, con chó!" Hai cánh cửa tã bung ra và cô nàng Lujanera đi vào, có một mình. Đi vào như bị ai đó lùa vào.

"Có con ma đuổi cô ta," thằng Anh nói.

"Có người chết, bạn ạ," lúc đó Đồ Tể nói. Trông hắn ta như say. Hắn đi vào, và chúng tôi giãn ra cho hắn như lúc nãy, hắn cao vượt lên, lảo đảo vài bước mù lòa, rồi đổ vật xuống như súc gỗ. Một trong đám bạn lật hắn nằm ngửa, kê cái poncho làm gối. Khi đứng lên người nó đầy máu. Chúng tôi thấy vết há hoác trên ngực, máu ộc ra làm cái khăn đỏ tươi đổi màu đen thẫm, nãy khuất dưới cái poncho không ai thấy. Một con bé lấy rượu và ít giẻ cháy sém ra sơ cứu. Hắn không có sức giải thích nữa. Lujanera thì cứ đứng đấy lơ lưởng nhìn hắn, thõng tay hai bên. Trông ai cũng đầy vẻ dò hỏi, cuối cùng thì cô ta cũng bật ra. Cô ta bảo mình đi với Đồ Tể ra ngoài lô đất trống, rồi một kẻ lạ mặt đến, điên dại thách thằng kia đánh nhau rồi đâm hắn, cô ta thề không biết là ai nhưng không phải là Rosendo. Ai mà tin được?

Người nằm dưới đất đang hấp hối. Tôi nghĩ dù là ai thì kẻ đó cũng làm một nhát rất đẹp. Nhưng thằng cha phải nói là cừ. Lúc hắn đập cửa, nhà cô Julia còn đang đun nước mate, món nước chuyền một vòng lại chỗ tôi rồi hắn vẫn còn ngáp. “Che mặt cho tao,” hắn nói khi ngửi thấy tử thần. Danh dự là thứ cuối cùng hắn còn lại, không muốn xung quanh thấy mặt mình nhăn nhó lúc giãy chết. Một người lấy cái mũ cao của hắn đậy lên mặt. Hắn cứ thế chết, dưới cái mũ cao ấy, không kêu tiếng nào. Thấy ngực hắn ngừng thở rồi chúng nó mới dám bỏ mũ ra. Mặt hắn có cái vẻ kiệt sức của người chết; đây từng là một trong những kẻ ngông nghênh nhất từ doanh trại xuống tận mé Nam, nhưng giờ hắn chết và ngậm miệng rồi, tôi không thấy ghét hắn nữa.

"Muốn chết thì chỉ cần một điều là sống," một con nhỏ trong đám đông nói, rồi con khác suy tư hơn:

"Thằng cha kiêu hãnh thế, mà giờ chỉ làm mồi nhậu ruồi."

Bọn Bắc bắt đầu xì xào với nhau rồi hai đứa cùng nói một lúc:

"Con đàn bà giết ông ấy."

Một đứa hét vào mặt cô ta hỏi có phải thế không, bọn còn lại quây lấy cô. Quên mất phải thận trọng, tôi lao vào giữa chúng nhanh như chớp. Bối rối đến nỗi còn không kịp rút dao ra. Hình như gần hết đều dồn mắt vào tôi, dù không phải tất cả. Tôi mỉa mai bảo:

"Nhìn đôi tay người đàn bà này xem. Cô ta lấy đâu ra sức và dũng khí mà đâm dao chứ?"

Rồi nói thêm lạnh băng:

"Ai mà nghĩ người xấu số đây, nghe nói ở gần chuồng thì gáy to thế, mà lại về chầu trời thê thảm ở cái xó bỏ đi như chỗ này, trước nay chẳng có chuyện gì, chẳng có thằng lạ mặt nào đến gây rối rồi ở lại đợi bị nhổ vào mặt?"

Lần này cũng không ai cắn câu.

Lúc đó giữa cảnh im lặng có tiếng ngựa phi lại gần. Cảnh sát. Ở đây không nhiều thì ít ai cũng có lý do chẳng muốn dính líu đến các quan, nên tất cả đồng tình cho người chết xuống sông. Các cậu nhớ cái cửa sổ dài đã ném dao qua không? Thằng áo đen cũng đi đường đó. Vài người hợp nhau nhấc hắn lên sau khi giải thoát bớt tiền nong của cải trên người cho hắn nhẹ mình, một đứa bẻ ngón tay lấy cái nhẫn. Một lũ kền kền, señor ạ, rỉa róc thằng cha tội nghiệp vô phương tự vệ sau khi có kẻ khác ngon hơn ra tay rồi. Đun một cái là dòng nước khổ sở đã mang hắn đi. Không biết có moi ruột trước không, tôi không nhìn. Lão râu bạc thì cứ chằm chằm nhìn tôi. Lujanera nhân lúc om sòm đã lủi mất.

Đến lúc các quan ngài tới ngó thì phòng nhảy đã lại nhộn nhịp kha khá. Lão vĩ mù biết chơi những bài habanera mà giờ chẳng ai còn kéo nổi đâu. Ngoài cửa bắt đầu tang tảng. Trên đỉnh đồi, dãy cột gỗ đương trông như đứng trơ trọi, ánh sáng mờ chưa đủ thấy dây giăng ở giữa.

Tôi thong thả đi bộ về nhà, qua hai ba ngã tư. Ở cửa sổ thấy ánh lửa rồi lại phụt tắt. Thề với cậu, thấy thế tôi đi nhanh hẳn lên. Rồi, Borges ạ, tôi lại lôi con dao găm rất sắc lúc nào cũng bỏ trong ống tay áo vét, dưới nách trái, rồi săm soi thật kỹ, mà con dao trông sáng loáng, vô tội, chẳng hề thấy vết máu nào.


Dẫn cuối. Ronald Christ có chú thích cuối bài phỏng vấn “có lẽ Borges nhớ nhầm: Truyện ngắn này là ‘Pierre Menard, tác giả cuốn Don Quijote”, in trên tờ Sur số 56 (5/1939). Thực tế là Borges trước đó đã viết hai truyện ngắn: ‘El acercamiento a Almotásim’ (1938), bài điểm sách cho một cuốn sách không tồn tại (tương tự với truyện ‘Pierre Menard’), và ‘Hombre de la esquina rosada’, truyện ngắn đầu tiên của ông, in lần đầu trong Historia universal de la infamia 1935.” Phần dẫn đầu như vậy là có thể quên đi được. Một đoạn bình luận khác (có lẽ) đáng tin cậy hơn, tuy không hấp dẫn bằng, xuất hiện cuối tập The Aleph and other stories 1933-1969. - AL


Borges: Thư viện Babel
Borges: Thợ nhuộm Hákim

4 comments:

  1. bác NL có thể recommend cuốn nào (bản tiếng Anh) của Borges ngoài Ficciones cho em được không? :D

    ReplyDelete
  2. nếu thích giai đoạn đầu (gần FIcciones) sôi nổi nhiệt huyết quái lạ thì Aleph, nếu thích giai đoạn cuối trầm lắng u hoài thì Book of Sand

    ReplyDelete
  3. Còn tiếng Việt thì sao ạ, những bài dịch của chị An Lý đã xuất bản chưa?

    ReplyDelete