Jun 23, 2014

Vũ Trọng Phụng trong lịch sử văn chương Việt Nam: một số nhìn nhận mới

“… trong văn chương tiền chiến khuôn mặt thời đại không phải chỉ có trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, nó có mặt trong rất nhiều tác phẩm của nhiều tác giả, nhưng nó kết tinh, nó điển hình nhất trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, nó điển hình đến độ vượt thoát ra khỏi chính thời đại nó…”
(Dương Nghiễm Mậu)



Người ta hay nghĩ, theo định kiến, rằng khi đã có nhiều thời gian, có “độ lùi thích hợp”, mọi thứ sẽ được nhìn nhận chính xác và thấu đáo hơn, ta có thể hiểu sâu sắc hơn nhiều đối tượng; nhưng điều đó sai, hay ít nhất là không luôn luôn đúng. Kể từ “cột mốc” bài viết của Lê Tràng Kiều, “Vũ Trọng Phụng, một trong những người mở đầu cho nghề phóng sự ở nước ta”[1], gần 80 năm qua những công trình nghiên cứu, bình luận về Vũ Trọng Phụng và tác phẩm của ông đã tích tụ lại khổng lồ, trong đó ta đếm được tên tuổi của hầu như mọi nhà phê bình tên tuổi đã làm nên lịch sử phê bình văn học Việt Nam. Khối công trình ấy, rất nghịch lý, càng làm nổi lên một vấn đề: Vũ Trọng Phụng và tác phẩm của ông rất khó nắm bắt, càng đọc thêm những bình luận về ông càng như thể thấy mông lung hơn một hiện tượng văn học. Kiều là “đá thử vàng phê bình” của rất nhiều thế hệ thì Vũ Trọng Phụng và tác phẩm của ông cũng là một đá thử vàng khác của những thế hệ hoặc tiếp sau hoặc đồng thời, nơi giới thiệu, trình bày và triển khai của rất nhiều ý tưởng, cách tiếp cận, bút pháp và lý thuyết. Càng chất thêm sự diễn giải vào giữa, càng tăng độ mờ giữa đôi mắt chúng ta và đối tượng cần khảo sát.


Cụm từ “Vũ Trọng Phụng và tác phẩm của ông” được lặp lại có chủ ý: bởi điều đầu tiên cần lưu tâm ở hiện tượng Vũ Trọng Phụng là dường như trong suốt một lịch sử phê bình xung quanh Vũ Trọng Phụng ấy, con người và tác phẩm cứ hòa quyện vào nhau không mấy khi tách bạch rõ ràng, cho dù là dưới ngòi bút của nhà phê bình nào, theo trường phái nào. Sự bình luận của người đời sau, có cách xa thời đại Vũ Trọng Phụng đến thế nào cũng mặc, như thể không khi nào thôi lưỡng lự giữa tác phẩm Vũ Trọng Phụng và bản thân con người ông.

Bởi vì có lẽ cuộc đời Vũ Trọng Phụng quá hấp dẫn (biết đâu còn hấp dẫn không kém tác phẩm của ông). Kể từ số tạp chí Tao Đàn đặc biệt về Vũ Trọng Phụng năm 1939, rồi nhất là cuốn sách của Lan Khai, Vũ Trọng Phụng - mớ tài liệu cho văn sử Việt Nam[2], những chi tiết về tính khí, cách sống, đặc biệt cái chết Vũ Trọng Phụng, đã trở thành nguồn cung cấp cho vô cùng nhiều bình luận. Văn nghệ sĩ nổi tiếng cùng thời với Vũ Trọng Phụng rất nhiều người viết “chân dung” ông, biến cuộc đời Vũ Trọng Phụng trở thành cuộc đời nhà văn Việt Nam nổi tiếng hơn cả trong suốt non một thế kỷ. Mà cuộc đời ấy lại thật ngắn và thật ra không nhiều biến cố, không có nhiều lưu lạc, lại được miêu tả là đặc biệt chỉn chu (khác rất xa hình ảnh văn nhân tiền chiến sôi động và nhiều phóng túng vẫn thường thấy: Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Vỹ, Lê Văn Trương…). Kết quả là cho đến giờ, một số ấn bản đầu tiên tác phẩm của Vũ Trọng Phụng còn rất nhiều bí hiểm, gần như hoàn toàn tuyệt tích (ví dụ bản Giông tố của nhà Văn Thanh năm 1937 hay bản Số đỏ năm 1938 của nhà Lê Cường), vẫn còn sót lại rất nhiều vấn đề văn bản chưa được giải quyết thấu đáo, nhưng dường như ai cũng rành rẽ cuộc đời Vũ Trọng Phụng. Có thể nói ngắn gọn rằng ở trường hợp nhà văn Vũ Trọng Phụng, hình ảnh con người đã bao trùm hẳn lên sự nghiệp trước tác.

Bài viết muốn nhấn mạnh trước hết vào cái đặc điểm theo đó hình ảnh con người Vũ Trọng Phụng rất nhiều khi như thể làm lu mờ chính tác phẩm của ông, và ở trường hợp như vậy, sẽ là logic nếu nghĩ rằng theo thời gian, dần dần Vũ Trọng Phụng đã trở thành một kiểu hình tượng có thể được sử dụng cho nhiều mục đích, từ đó dẫn tới khía cạnh thứ hai mà bài viết muốn phân tích: Vũ Trọng Phụng luôn luôn xuất hiện một cách mạnh mẽ trong phê bình văn học Việt Nam ở những thời điểm có ý nghĩa bước ngoặt và biểu tượng cao, trong một diễn ngôn kép rất đặc biệt và thú vị; ở những thời điểm ấy, các nhà phê bình thường xuyên tiến hành một công việc hai mặt, một đằng thì góp sức biện hộ nhiều điều cho Vũ Trọng Phụng (chủ yếu xung quanh con người và nội dung tác phẩm của ông), “chỉnh lý” lại để ông ăn khớp hơn vào những thời sau này, đằng kia thì ra sức khéo léo dùng hình tượng Vũ Trọng Phụng để biện hộ cho bản thân mình, cho những đặc điểm nổi bật của tư tưởng thời đại mình. Lẽ dĩ nhiên, hiện tượng Vũ Trọng Phụng đủ phong phú để nhiều lần được “sử dụng” như vậy; Vũ Trọng Phụng có lẽ chứa đựng đầy đủ các yếu tố có sức sống lâu dài để thời nào người ta cũng nhìn thấy được ở đó tính chất ích lợi. Và cuối cùng, bởi quanh Vũ Trọng Phụng, lịch sử diễn giải ông thường trực xoay quanh con người ông và nội dung tác phẩm, nhiều lúc thậm chí còn thấm đẫm ý thức hệ, thành ra nhiều vấn đề quan yếu về hình thức nghệ thuật của tác phẩm Vũ Trọng Phụng không mấy được coi trọng; một ví dụ then chốt là người ta luôn luôn xếp Vũ Trọng Phụng là một tiểu thuyết gia lớn của Việt Nam, một nhà văn quan trọng bậc nhất của lịch sử tiểu thuyết Việt Nam, thế nhưng phần chính yếu tác phẩm của ông lại không hoàn toàn là tiểu thuyết, kể cả những tác phẩm ngày nay vẫn được xếp vào thể loại “tiểu thuyết”, một cách đương nhiên.

*
*       *

Con người Vũ Trọng Phụng quá hấp dẫn nên ngay từ sinh thời của ông cũng như về sau này, người ta thường hay nhìn nhận văn nghiệp của ông thông qua con người, đưa quá nhiều nhìn nhận dính dáng đến cuộc đời, con người và tính cách của ông vào những bình luận tác phẩm, lại có rất nhiều “lời chứng” đơn thuần về cuộc đời và cách sống của ông, tách biệt hẳn khỏi tác phẩm. Điều này khiến cho tác phẩm Vũ Trọng Phụng hiếm khi nào được phân tích một cách rạch ròi, khách quan. Số phận nghiệt ngã, cuộc đời nghèo khổ mà Vũ Trọng Phụng trải qua dường như khiến người ta, một cách vô thức, “tô vẽ” cho ông khi viết về ông sau này. “Truyền thống” ấy đã khởi đầu ngay từ khi Vũ Trọng Phụng còn sống, nhất là khi ông bất ngờ qua đời, và trong “truyền thống” này ta bắt gặp rất nhiều khuôn mặt nổi bật như Lan Khai, Nguyễn Tuân, Ngọc Giao… Sau này, ở Sài Gòn, có thêm Vũ Bằng viết không ít về Vũ Trọng Phụng, nhấn mạnh vào cuộc đời của ông. Mọi sự nhấn mạnh đều có mục đích và đều ít nhiều làm lệch đi một bức tranh tổng thể.

Trên Giai phẩm Văn học của Sài Gòn (số 170 ra tháng Tám năm 1973), Vũ Bằng viết bài “Vũ Trọng Phụng nhà văn dơ dáy hay trong sạch?” có thể coi là một ví dụ tiêu biểu cho cái truyền thống đã nói tới ở trên đây. Vũ Bằng sớm đưa ra một nhận xét: “… bốn mươi năm về trước, vào thời mồ ma Phụng thì chắc chắn trong mười người phải có tới chín nhà đạo đức thật và đạo đức giả bảo Phụng là nhà văn dơ dáy, can cái tội khiêu dâm và Phụng viết nhiều khi trắng trợn không thể tha thứ được[3]” (tr.14), rồi ông “thú nhận” ngay: “Nói có anh hồn Phụng, mà dấu diếm [sic] cũng chẳng lợi gì, nếu có nhà văn hay ký giả nào đang [sic] coi là nhơ bẩn, dơ dáy, khiêu dâm, bần tiện vào thời đó thì người ấy phải là tôi, chớ không phải Phụng[4]”. Cách giải thích của Vũ Bằng cho hiện tượng mặc dù “xấu xa” hơn Vũ Trọng Phụng nhiều nhưng ông ít bị chỉ trích về lối sống là bởi “Phụng được giới văn nghệ chú ý hơn tôi nhiều lắm cho nên bao nhiêu mũi dùi đều nhắm vào Phụng là người chính yếu, chớ không nhắm vào người thứ yếu là tôi”, thành ra VTP bị đả kích dữ dội, còn Vũ Bằng thì chỉ “bị đả kích vừa vừa”[5]”.

Vũ Bằng đã theo đúng cái cách “thuật chuyện” ta rất hay thấy ở bạn bè, những người quen biết Vũ Trọng Phụng từ khi ông còn sinh thời, để khẳng định tác giả Giông tố “thực thà trong phạm vi văn nghệ”, “sẵn sàng chịu trách nhiệm” vì khi viết văn toàn ký tên thật, trong khi Vũ Bằng hay dùng bút hiệu. Cũng nhà văn từng một thời nhiệt thành thú nhận lối sống trác táng của mình ví dụ như trong Cai lặp lại đa số những gì Lan Khai, Ngọc Giao, Nguyễn Tuân… từng viết, về sự trong sạch của ngòi bút Vũ Trọng Phụng, nhấn mạnh vào sự nghèo khổ mà Vũ Trọng Phụng phải gánh chịu như một nguyên nhân khiến ông hay đi vào những đề tài nóng bỏng: “Vũ trọng Phụng vì đặc tài cũng có mà vì cần phải sinh sống bằng nghề văn cũng có, nên luôn luôn có sáng kiến do đó những đề tài anh chọn phần nhiều là giựt gân (đối với thời đó)[6]”. Ta luôn thấy thấp thoáng đâu đó đằng sau lời bộc bạch của bạn bè Vũ Trọng Phụng cảm giác thương tiếc trộn lẫn với mặc cảm tội lỗi, có lẽ xuất phát từ ấn tượng quá mạnh do cuộc sống khổ đau và nhất là cái chết đau thương của tác giả; những người sống sót hay có cái nhìn rất mủi lòng về những người đã chết, nhất là chết trẻ.

Xu hướng chung của cách tiếp cận này là tìm cách chứng minh Vũ Trọng Phụng là một con người “trong sạch” chứ không “dơ dáy”, muốn tìm cách “rửa” khỏi Vũ Trọng Phụng những lời cáo buộc về “văn chương dâm uế” bắt nguồn từ Thái Phỉ rồi còn được tiếp nối bởi nhiều cây bút khác, như Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Rất nhiều lập luận đã được huy động ở hướng chứng minh này, nhưng nếu nhìn kỹ càng và khách quan, ta sẽ thấy rằng những lập luận ấy vẫn luôn luôn dính chặt vào con người cá nhân của Vũ Trọng Phụng, rồi sau này được thêm vào không ít lý lẽ liên quan đến thời cuộc, xã hội, môi trường chính trị. Đã có cả một “công cuộc thanh tẩy hóa”, thậm chí “thánh hóa” mà kết quả là biến Vũ Trọng Phụng trở thành tương tự một hình tượng thanh sạch, biểu tượng của nhà văn cùng quẫn trong đời sống nhưng can đảm đối diện với bất công xã hội.

Hình tượng ấy sẽ trở nên đặc biệt hữu hiệu vào những lúc xảy ra biến động lớn trong lịch sử văn chương Việt Nam. Các nhà phê bình, khi cần thay đổi quyết liệt về tư tưởng (một hệ hình tư duy), luôn luôn tìm thấy ở Vũ Trọng Phụng, ở cái hình tượng đã không ngớt được “thanh tẩy” ấy một nguồn cổ vũ to lớn, một tinh thần bất khuất nâng đỡ cho những thời điểm khó khăn. Gần đây, ta thấy ngay sau khi có công cuộc Đổi Mới, Vũ Trọng Phụng đã trở thành một trong những đề tài thu hút hơn cả (bên cạnh đó còn có Vũ Bằng). Nhưng hãy quan tâm đến hai thời điểm xa hơn: miền Bắc giữa thập niên 1950 và miền Nam giữa thập niên 1960. Đây là thời điểm phức tạp, nhiều biến cố ở cả hai miền, là khi các nhóm văn nghệ đang có nhu cầu rất mạnh về khẳng định chỗ đứng và tuyên khai những tư tưởng mới. Vũ Trọng Phụng đã xuất hiện một cách đầy ý nghĩa ở cả hai miền: năm 1956 ở Hà Nội và năm 1966 ở Sài Gòn.

Năm 1956, NXB Minh Đức của Trần Thiếu Bảo in cuốn sách Vũ Trọng Phụng với chúng ta, gồm có bài của các tác giả: Đào Duy Anh, Hoàng Cầm, Phan Khôi, Sỹ Ngọc, Nguyễn Mạnh Tường, Văn Tâm, Trương Tửu. Cùng năm 1956 ấy, NXB Minh Đức cùng NXB Văn Nghệ (Hội Văn Nghệ Việt Nam) tổ chức kỷ niệm nhân ngày giỗ (lần thứ 17) của VTP tại Nhà Hát Lớn thành phố, tháng Mười (năm 1946 NXB Minh Đức đã tổ chức ngày giỗ VTP tại Hà Nội nhân dịp xuất bản Số Đỏ), “Vì ngưỡng mộ tài năng và văn nghiệp VŨ TRỌNG PHỤNG người đã làm vẻ vang cho văn học Việt nam cận đại” (Lời Nhà xuất bản in trong sách).

Điểm qua, nội dung cuốn sách quan trọng trên (nó quan trọng vì các tác giả không lâu sau đó sẽ vướng mắc vào những câu chuyện văn nghệ pha chính trị và ý thức hệ để rồi bặt tiếng một thời gian rất dài, cũng bặt tiếng luôn là những bình luận về Vũ Trọng Phụng) có những ý kiến hết sức tập trung nhằm “lắp ghép” Vũ Trọng Phụng vào lý tưởng của thời đại:

Trong bài “Nhớ Vũ Trọng Phụng”, Nguyễn Mạnh Tường viết: “Làm thế nào ta thương tiếc được một chế độ dồn người trí thức đi vào chỗ tuyệt lộ như vậy?”, rồi: “Ngày hôm nay, khóc Vũ Trọng Phụng là một thái độ chính trị[7]” và còn rõ ràng hơn: “Cách Mạng như cơn bão táp, khuynh đảo xã hội cũ, đang kiến lập một xã hội mới. Nhìn lại lịch sử văn học nước nhà trong giai đoạn giữa hai cuộc đại chiến, tôi không thấy một tác phẩm nào đặc sắc và tiêu biểu hơn các cuốn sách anh để lại cho chúng ta[8]”. Đào Duy Anh trong bài “Nhớ Vũ Trọng Phụng” thì cho Vũ Trọng Phụng đã “quyết dùng ngòi bút để công nhiên phơi bầy tất cả những tội ác của xã hội đương thời[9]”. Sang đến Hoàng Cầm, nhà thơ “Bên kia sông Đuống” đã không ngần ngại lấy Số đỏ làm thước đo chế độ: “Trong 8 năm kháng chiến, trước mắt tôi, những nhân vật của Số Đỏ bỗng dưng biến mất[10]”, nhưng cũng chê trách chút ít thời mình đang sống: “Thoáng cái bóng rất nhiều nhân vật của Vũ Trọng Phụng đôi khi còn hiện lên, lảng vảng trong chế độ tốt đẹp của ta[11]”, và rồi Hoàng Cầm còn tâm niệm rằng “chúng tôi […] sẽ nối chí anh đem ngòi bút xông pha mạnh mẽ vào cuộc sống, diệt kỳ được những cái xấu, dựng kỳ được những cái tốt trên cơ sở của tình yêu thương con người[12]”. Phan Khôi có một bài viết mang nhan đề rất chừng mực, “Không đề cao Vũ Trọng Phụng chỉ đánh giá đúng”, nhưng ông cũng lồng Vũ Trọng Phụng vào thời của mình, dùng các thước đo đương thời để đánh giá tác giả của Vỡ đê một cách hiển ngôn: “Có thể nói Vũ Trọng Phụng là một nhà tiểu thuyết hiện thực phê phán có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa của đêm trước Cách mạng tháng Tám[13]”. Trương Tửu, với sự hùng hồn thường thấy của mình, là người thể hiện rõ nhất mong muốn “kéo” Vũ Trọng Phụng về với thời của mình, cả về mặt tư tưởng lẫn từ ngữ; ông đánh giá Vũ Trọng Phụng có “một quan niệm văn nghệ chân chính, cách mạng[14]”, rằng Vũ Trọng Phụng đã “tung hoành nơi tiền tuyến vũ bão tấn công kẻ địch hết đợt này đến đợt khác, không mệt mỏi[15]”. Trương Tửu cho rằng: “Cuốn Vỡ đê đã tố cáo và lên án cả cái xã hội thống trị độc ác, dâm ô, sảo trá [sic] ấy. Tác giả truyền cho ta lòng căm thù sâu sắc đối [sic] một chế độ bóc lột và áp chế cực kỳ vô nhân đạo và gây được trong đầu óc ta ý chí phá đổ chế độ ấy[16]” (tr.17), không những thế với Trương Tửu, trong Vỡ đê, Vũ Trọng Phụng còn gần gũi với các chiến sĩ cách mạng: “Vũ Trọng Phụng đã có cảm tình đặc biệt với những chiến sĩ cách mạng đấu tranh cho quyền lợi của quần chúng bị bóc lột và áp bức. Trong Vỡ đê, ông đã ca tụng những người cộng sản trong tòa báo Lao động thời Mặt trận bình dân[17]” (tr.18)

Cùng trong nhóm tác giả kể trên, Văn Tâm cần được xem xét riêng, vì bài viết của ông trong Vũ Trọng Phụng với chúng tôi nhan đề “Vũ Trọng Phụng “người thư ký” của thời đại”[18] chỉ là một trích đoạn ngắn từ cuốn sách Vũ Trọng Phụng nhà văn hiện thực sẽ được xuất bản năm 1957 ở NXB Kim Đức.

Còn ở miền Nam, nhiều tờ tạp chí văn chương đã thực hiện các chuyên đề đặc biệt về Vũ Trọng Phụng. Ngoài số Văn học mang tên “Đêm kịch tưởng niệm nhà văn Vũ Trọng Phụng” đã nói ở trên, ta có thể kể tới một chuyên đề rất quan trọng của Văn, tờ tạp chí văn chương lớn nhất thời ấy. Trên số 67 ra ngày 1/10/1966 mang tên riêng “Đặc biệt: Tưởng niệm Vũ Trọng-Phụng”, các nhà văn hàng đầu miền Nam đã góp mặt. Sau khi đăng lại bài viết trước đây của Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật, Tam Lang, Nguyễn Tuân, Ngọc Giao, số báo còn có bài của Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo, Nguyễn Mạnh Côn và Trần Phong Giao. Qua đây, ta có thể thấy được ý hướng “hợp thức hóa” Vũ Trọng Phụng và văn nghiệp của ông vào một di sản văn chương miền Nam lúc ấy đang thực hiện quá trình hình thành điển phạm và ký ức riêng của mình, một cách đối lập với văn chương miền Bắc cùng giai đoạn. Tương tự như ở trường hợp Hồ Xuân Hương, Vũ Trọng Phụng cũng được cả miền Bắc lẫn miền Nam đề cao theo những cách khác nhau (mà ta thấy là rất đậm màu sắc ý thức hệ); có lẽ chỉ cần nhìn vào cách “khai thác” cùng các đối tượng ở hai miền cũng có thể nhìn ra được một mảng lịch sử tư tưởng rất quan trọng của cả một giai đoạn, khi nhu cầu xây dựng những ý tưởng mới mẻ trở nên cấp thiết, nhu cầu ấy lại song hành cùng nhu cầu khác biệt với nửa kia của đất nước.

Nguyễn Mạnh Côn, khi đó là nhà văn đàn anh của Sài Gòn, viết một bài dài mang tên “V.T.P. một giầu có và một thiệt hại”[19], Mai Thảo, nhà văn sáng lập tờ tạp chí Sáng Tạo hồi năm 1956 và ở thời điểm 1966 đã trở thành một nhân vật đầu đàn, viết bài “Bàn chải cứng và sà bông [sic] đen” khẳng định rằng “khuôn mặt Vũ-trọng-Phụng hiện lên, không phải là cái khuôn mặt chói lòa của một thiên tài, nhưng là cái khuôn mặt rất bình thường và rất đặc biệt đó của một con người can đảm[20]”. Hưởng ứng quan niệm “văn chương dấn thân” của Jean-Paul Sartre, Mai Thảo cho rằng tác phẩm của Vũ Trọng Phụng mang các yếu tố của một sự dấn thân vì xã hội: “Tiểu thuyết Vũ-Trọng-Phụng đầy những cái bẩn. Đó không phải là một thứ tiểu thuyết phòng khách, mà là một thứ tiểu thuyết đầu đường, nó bẩn, nhưng tác dụng nó làm sạch một xã hội. Nó là bàn chải cứng và sà bông đen[21]”. Trong công trình xây dựng một “nền văn hóa” mới (năm 1956, Mai Thảo từng viết bài “Sài Gòn thủ đô văn hóa Việt Nam” trên số 1 của tạp chí Sáng Tạo), các nhà văn Sài Gòn thuở ấy đã lựa chọn từ di sản văn chương tiền chiến những gương mặt có thể tiếp tục đồng hành cùng họ, trong số ấy Vũ Trọng Phụng nổi lên như một ngôi sao.

Trên số Văn này, đặc biệt quan trọng ở phương diện đang bàn tới ở đây là bài viết của nhà văn Dương Nghiễm Mậu, thuộc một thế hệ nhà văn tương đối mới đang quyết liệt khẳng định chỗ đứng của mình trên văn đàn (năm 1966, Dương Nghiễm Mậu mới xuất bản một vài tác phẩm). Trong bài “Viết về Vũ Trọng Phụng”, Dương Nghiễm Mậu đã xếp Vũ Trọng Phụng ở vị trí rất cao trong văn chương tiền chiến: “để lại cho chúng ta một bức họa sâu sắc, đầy đủ hơn hết tình trạng xã hội ấy thì chúng ta phải nói đến những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Có người nói rằng trong khi còn ở Pháp, Tạ Thu Thâu đã nói muốn biết xã hội Việt Nam ra sao chỉ cần đọc Vũ Trọng Phụng thì biết[22]”. Thế hệ nhà văn mới của miền Nam hết sức mạnh dạn đánh giá và đề cao Vũ Trọng Phụng: “Người ta có thể gán cho tác phẩm của Vũ Trọng Phụng màu sắc bi quan, bất mãn, thiếu xây dựng - đó là một sự lầm lẫn - Vũ Trọng Phụng phải là người can đảm tin tưởng hơn hết, và xây dựng hơn hết…[23]”, thậm chí còn hết sức đề cao: “Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng như một bức thông điệp nhân đạo gửi cho nhân loại với tất cả yêu thương và tin tưởng của một người đã sống và chết đi trong đau khổ, đói rét, bệnh tật” hay: “Vũ Trọng Phụng trình bày xã hội theo con mắt của mình, đó là con mắt của một thiên tài, và với ý thức của một chiến sĩ cách mạng”[24].

Các nhà văn và nhà trí thức miền Bắc cần khẳng định mình hay thế hệ nhà văn mới ở miền Nam cần xác lập vị thế của mình đều đã tìm đến Vũ Trọng Phụng như một nguồn cảm hứng lớn, như một “vị thánh bảo trợ”. Điều đáng lưu ý là cả hai phía đều nhấn mạnh vào tính chất “cách mạng” của ông. Dương Nghiễm Mậu lặp lại ý này một cách tường minh hơn: “Mà trong khi đó có khi chính Vũ Trọng Phụng, hay bất cứ những người viết nào khác lại là những người lo xây dựng, lo lành mạnh cho đời sống hơn ai hết. Trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng đã minh chứng điều đó với chúng ta. Có tiếng gào thét đòi cách mạng, đòi được sống tốt đẹp hơn nào mạnh bằng tinh thần những tác phẩm mà Vũ Trọng Phụng đã viết?[25]” Và cũng như các đồng nghiệp miền Bắc của mình, Dương Nghiễm Mậu cũng “kéo” nhà văn tiền chiến về với thời thập niên 1960 của miền Nam dưới một hình thức diễn ngôn hết sức đáng chú ý: “Thử hỏi sống trong tình trạng độc lập của chế độ Ngô Đình Diệm đã có ai được quyền viết phổ biến những tác phẩm đả kích bằng những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng?[26]” (tr.65)

*
*       *

“Vũ Trọng Phụng” như một hình tượng mang nặng một nội hàm tư tưởng và ý thức hệ như vậy, nên cũng không khó hiểu khi tìm trong lịch sử diễn giải Vũ Trọng Phụng ở Việt Nam, không có nhiều tác phẩm nổi bật về nghệ thuật viết văn của ông, và các đặc điểm hình thức tác phẩm Vũ Trọng Phụng thường xuyên được nhìn nhận rất hời hợt[27].

Sau rất nhiều thao tác “tô hồng” để “rửa sạch” cho Vũ Trọng Phụng khỏi điều mang tiếng về “dâm uế” hay “dơ dáy” đã được thuật lại một phần ở trên đây, thật không dễ dàng để quay trở lại vấn đề này. Thế nhưng, ngay như Phan Khôi cũng từng có một nhận xét: “Vũ Trọng Phụng có một cái “tật” hay nói về sinh lý phụ nữ[28]”. Cái nhìn của Vũ Trọng Phụng thực sự rất quan tâm đến những gì dơ dáy, bị chúng hấp dẫn, và thường xuyên nhất, văn chương của ông trở nên đặc biệt khoái hoạt và quyến rũ ở những nơi động chạm đến thói xấu con người, những cảnh tượng không sạch sẽ, và tất tật những mặt tối của các nhân vật mà ông dựng ra. Vũ Trọng Phụng không giỏi tả cảnh, không mấy để ý đến đối thoại nội tâm, những gì đẹp đẽ thì không mấy khi đề cập. Vũ Trọng Phụng hoàn toàn thuộc một cõi văn chương đi sâu vào sự đen tối và rất nhiều khi ta thấy ông thực sự có khoái cảm ở trong cõi văn chương ấy. Cũng chính điểm này khiến tác phẩm của ông đối nghịch không chỉ với một truyền thống văn chương Việt Nam “tùng cúc trúc mai” mà đối nghịch luôn cả với các nhà văn “tả chân” cùng thời; sự khác biệt, thậm chí đối nghịch ở đây là nằm ở mức độ.


Cuối cùng, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng rất nổi tiếng, chính Phan Khôi ngay vào năm 1956 đã đánh giá: “Tôi nói Vũ Trọng Phụng là một nhà tiểu thuyết, một nhà tiểu thuyết có tài…[29]”. Thế nhưng, Trương Chính và nhiều người khác không hẳn là không có lý khi chỉ ra, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng là phóng sự gọi tên là tiểu thuyết. Vũ Trọng Phụng là người viết phóng sự và kịch rất giỏi, nhưng không phải tiểu thuyết. Về sau này, với sự “mở rộng” của khái niệm tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng đường hoàng trở thành một nhân vật lớn của lịch sử tiểu thuyết Việt Nam. Ở đây dường như lại xuất hiện một sự thiếu công bằng (không kém sự thiếu công bằng của nhiều chục năm Vũ Trọng Phụng thiếu vắng trong lịch sử văn học chính thống, phải đợi đến khi có nỗ lực của những người như Hoàng Thiếu Sơn, Nguyễn Đăng Mạnh… thì Vũ Trọng Phụng mới dần dần có vị trí trở lại), vì tác phẩm của Vũ Trọng Phụng rất khó gọi tên là tiểu thuyết đúng nghĩa. Có lẽ “khoái cảm” của Vũ Trọng Phụng đối với những cái dơ dáy và nực cười như đã nói ở trên đã khiến ông rất giỏi dựng cảnh, dàn cảnh một cách sinh động, hoạt kê nhưng tác phẩm của ông lại rất thiếu màu sắc của tiểu thuyết đích thực, rất ít miêu tả phong cảnh và suy nghĩ nội tâm (hoặc những khi có miêu tả và suy nghĩ thì thường lại viết rất vụng). Phân tích kỹ một số tác phẩm tiêu biểu thì có thể thấy rằng “tiểu thuyết” Vũ Trọng Phụng là một phép cộng khá giản đơn của tài nắm bắt chi tiết trong phóng sự và tài dựng cảnh trong kịch (ở cả phóng sự lẫn kịch, Vũ Trọng Phụng đều đặc biệt xuất sắc và có những thành công lớn và độc đáo). Nhiều người từng lý giải sự “ẩu” trong cách viết của Vũ Trọng Phụng (đối nghịch hoàn toàn với sự trau chuốt mà ta thấy ở Nguyễn Tuân, người cùng thời và là bạn của ông) xuất phát từ sự thật rằng Vũ Trọng Phụng phải viết rất nhiều cho các báo và nhà xuất bản ngõ hầu kiếm tiền, kiếm sống. Nhưng lý lẽ này quá yếu, không che lấp được rằng ở Vũ Trọng Phụng không có một ý hướng viết tiểu thuyết thực thụ; có lẽ vì quá mong muốn thời trước 1945 có một tiểu thuyết gia lớn mà nhiều nhà văn học sử đã coi tác phẩm của Vũ Trọng Phụng là các tiểu thuyết đương nhiên hoàn chỉnh.


(bài đã đăng trên một tạp chí)




[1] Văn học tạp chí, số 4 ra ngày 8/6/1935.
[2] NXB Minh Phương, Hà Nội, 1941.
[3] Tạp chí Văn học số chuyên đề mang tên “Đêm kịch tưởng niệm nhà văn Vũ Trọng Phụng”, tr.14.
[4] Nt., tr.15.
[5] Nt.
[6] Nt.
[7] Vũ Trọng Phụng với chúng ta, NXB Minh Đức, 1956, tr.3.
[8] Sđd., tr.5.
[9] Sđd., tr.6.
[10] Sđd., tr.7.
[11] Sđd., tr.8.
[12] Nt.
[13] Sđd., tr.11.
[14] Sđd., tr.15.
[15] Nt.
[16] Sđd., tr.17.
[17] Sđd., tr.18.
[18] Sđd., tr.12-14.
[20] Nt., tr.67.
[21] Nt., tr.68.
[22] Nt., tr.54-55.
[23] Nt., tr.60.
[24] Nt.
[25] Nt, tr.62.
[26] Nt., tr.65.
[27] Suốt một thời gian dài, không nhiều công trình nghiên cứu tập trung đi sâu vào nghệ thuật hay hình thức tác phẩm Vũ Trọng Phụng. Hiếm hoi trong số đó là công trình tồn tại dưới dạng bản thảo đánh máy mang tên Khảo luận Giông Tố của Vũ Trọng Phụng (tiểu thuyết hiện thực xã hội) của Vũ Nghị Hy, “Chứng chỉ Văn chương Quốc âm”, Viện Đại học Đà Lạt, 65-66. Trong công trình này, Giông tố được mổ xẻ chi tiết cả về ưu điểm lẫn nhược điểm.
[28] Vũ Trọng Phụng với chúng ta, tr.11.

10 comments:

  1. Cảm ơn anh về bài viết này, không biết nó có được nhiều người đọc không, riêng tôi thấy tính tham khảo rất cao, cái nhìn lạ.

    ReplyDelete
  2. không biết nó có được nhiều người đọc không

    ReplyDelete
    Replies
    1. nhiều người đọc không quan trọng bằng người nào đọc bác ơi :p

      Delete
  3. à, nếu tính bằng các con số có thể thống kê được thì bài này đã có khoảng chục nghìn người đọc, thực chất thế nào thì không biết

    ReplyDelete
    Replies
    1. Như vậy cũng hay, may ra sách chú VTP nhiều người tìm đọc. Em được Nhã Nam tặng Giông Tố từ tết năm ngoái, mà mới đọc xong cách đây 2 tháng, lòng ngậm ngùi ngẫm câu "Nếu ngày nào tôi cũng được ăn miếng bit-tet thì tôi không chết trẻ thế này" của chú VTP mà cay đắng, vì bản thân cũng 27 tuổi rồi mà chưa làm được tích sự gì! Nghịch dại lên face viết cái stt thèm ăn bít-tết ai ngờ bị tai nan luôn. Ngẫm lại quả thật có lỗi với tiền nhân ghê gớm :p

      Delete
  4. khả năng cao hơn là hiệu ứng sẽ ngược hẳn lại

    ReplyDelete
    Replies
    1. em không nghĩ vậy :p theo như chỗ bạn bè em thì thấy giờ lại tìm đọc VTP, một dấu hiệu đáng mừng

      Delete
  5. ăn nhiều bít tết cẩn thận dính bò điên đấy

    ReplyDelete
    Replies
    1. à, thèm ăn thôi, chưa được ăn đã nằm viện nên chắc em không dám ăn :p bò xào vẫn ok

      Delete
  6. Giờ mới đọc bài này, hay quá

    ReplyDelete