Jan 30, 2015

Cánh cửa của Szabó Magda

Cánh cửa trong cuốn tiểu thuyết Cánh cửa của Szabó Magda (Giáp Văn Chung dịch, Nhã Nam & NXB Văn học) (một cánh cửa đến hé ra một chút cũng chẳng bao giờ chứ đừng nói có lúc nào mở rộng) đến một thời điểm gay cấn bị bổ vỡ từ bên trong bằng một nhát rìu. Lưỡi rìu đầy hăm dọa xuyên qua cánh cửa là hình ảnh của phim kinh dị: The Shining của Stanley Kubrick, tất nhiên, đi cùng với nụ cười quái dị của Jack Nicholson. Nhưng cuốn tiểu thuyết này của Szabó chỉ viết về mối quan hệ giữa một nhà văn nữ và một bà giúp việc, nó có nhất thiết phải giống phim kinh dị như thế?

Hình ảnh kinh hãi ấy phải xuất hiện, vì Cánh cửa dữ dội và đáng sợ hơn vẻ bề ngoài rất nhiều. Sự thanh đạm của Szabó Magda trong việc đặt nhan đề các tác phẩm chỉ càng đẩy mọi thứ lên cao hơn trên các cung bậc của cảm xúc (sự thanh đạm ấy: sách tên là Cánh cửa thì bên trong sẽ có cánh cửa, cũng như một tác phẩm khác, The Fawn trong tiếng Anh và Le Faon trong tiếng Pháp, tên như vậy thì quả thật trong sách sẽ có một con hoẵng).

Như vậy là đã có đầy đủ trong tiếng Việt bộ ba lớn nhất của văn chương Hungary thế kỷ 20: sau Márai Sándor (xem thêm ở đâyở đây) và Kertész Imre (xem thêm ở đây), Szabó Magda xuất hiện với tác phẩm thuộc giai đoạn muộn (viết năm 1987) nhưng cuốn Cánh cửa ấy thực sự biến Szabó Magda trở thành tác giả được biết đến rất rộng rãi ở thế giới phương Tây: trong vòng mười năm đầu của thế kỷ 21, các nước nói tiếng Anh và tiếng Pháp phát hiện một nhà văn Hungary đồ sộ (mặc dù có vẻ như vài tiểu thuyết của Szabó từng được dịch sang tiếng Pháp ngay từ thập niên 60 và huyền thoại kể rằng hồi thập niên 40 và 50 của thế kỷ 20, lúc Szabó Magda bị cấm đoán tại đất nước Hungary cộng sản thì bản thảo của bà đã trôi dạt đến tay Hermann Hesse và Hesse đã chúc mừng một nhà xuất bản nào đó vì ông tin họ vừa đào trúng một mỏ vàng): cho đến rất gần đây tôi vẫn đọc được một bài báo trên tờ Magazine Littéraire từ đầu đến cuối viết nhầm “Magda” thành “Madga”.

Nhưng Szabó Magda không làm tôi nghĩ đến Márai Sándor và Kertész Imre mà nghĩ đến một nhà văn Hungary khác: Agota Kristof. Chỉ là cảm giác riêng, nhưng Cánh cửa mang rất nhiều mùi vị của bộ ba tác phẩm của Agota Kristof (đều từng in ở Việt Nam).

Đó là sự quái dị và năng lực kể chuyện lạ lùng, điều thiếu vắng ở cả hai ông lớn Márai và Kertész. Cánh cửa có một bầu không khí rùng rợn rất quỷ dị, dẫu tóm tắt chỉ có thế này: có một khu nhà (người dân Hà Nội cách đây mấy chục năm dễ dàng hình dung kiểu khu nhà ấy, có công an khu vực, cán bộ tuyên huấn và sự gần gũi sát sạt của hàng xóm láng giềng), ở khu nhà ấy có một bà quản gia tên là Emerenc, một người đàn bà lúc nào cũng trùm khăn trên đầu. Emerenc nhận lời giúp việc cho nhân vật chính, là một nhà văn nữ vừa được chuyển từ nhà nhỏ hơn sang nhà lớn hơn sau những năm bị cấm đoán tác phẩm (“sự nghiệp văn chương bị treo bút mười năm của tôi vừa tái khởi” (tr.11)); nhà văn nữ ấy sống cùng chồng cũng làm công việc gì đó liên quan đến sách vở. Sống cùng trong nhà của nhà văn nữ còn có con chó (đực nhưng lại mang tên) Viola, một nhân vật hết sức quan yếu.

Những nét trên đây làm ta nghĩ ngay đến cuộc đời của bản thân Szabó Magda. Thêm nữa, có một lần trong Cánh cửa, Emerenc gọi bà nhà văn bằng tên: “Magduska” (tr.242), đó là tên âu yếm của “Magda”. Tức là ta hoàn toàn có thể nghĩ câu chuyện này liên quan mật thiết đến cuộc đời thực của Szabó (còn rất nhiều chi tiết khác cũng đi thẳng từ cuộc đời Szabó vào sách như cái lần bà được nhận giải thưởng văn chương rất danh giá); nhưng điều này không hề quan trọng. Emerenc mới là người chiếm lĩnh sân khấu, ngay từ lúc mới xuất hiện: bà “cao, xương xẩu, dáng to lớn dù đã đứng tuổi, không béo nhưng vạm vỡ, tỏa ra sức mạnh như một Valkyrie” (tr.12), một người giúp việc lý tưởng: “bà làm việc như một cái máy, không thương xót bản thân mình” (tr.15).

Szabó Magda trong Cánh cửa làm một việc này: cho thấy một mối quan hệ giữa hai con người (dẫu có con chó Viola làm trung gian) có thể rùng rợn đến đâu. Không phải chỉ chuyện tình ái mới có thể gay cấn, cũng chẳng phải chỉ chuyện kinh dị mới đáng sợ: cái dị thường của cuộc sống thường nhật mới đáng sợ hơn cả.

Emerenc và nhà văn nữ ấy sống bên cạnh nhau (hai nhà rất gần nhau, từ bên này có thể nhìn sang bên kia) hơn hai chục năm, và ngay khi mới gặp nhau bà nhà văn đã phát biểu: “Tôi nghĩ ban đầu tôi sợ Emerenc” (tr.23). Emerenc là người đáng sợ, với những thói quen lạ lùng: không bao giờ bà nằm, căn nhà nhỏ của bà tuyệt đối đóng kín cửa đối với bất kỳ ai không có ngoại lệ (nhà văn nữ chính là người duy nhất từng một lần lọt vào đó trong một đêm bão bùng - bão chính là điểm yếu duy nhất của Emerenc, và chứng kiến không gian sống bí ẩn kia). Emerenc liên tục chế giễu thói quen đi nhà thờ của bà nhà văn (trong đời thực, Szabó Magda cũng có quan niệm rất đặc biệt về tôn giáo): “Bà đối lập với Giáo hội bằng sự cuồng tín gần như của thế kỷ 16, không chỉ với các cha cố, mà cả với Chúa và tất cả các nhân vật trong Kinh Thánh” (tr.29). Dần dà Emerenc giống như hiện thân của một vị Chúa: quyết định mọi việc trong khu phố, có cả một “triều đình” vây quanh, là Sutu, Adélka, Polett, ông trung tá và đứa cháu trai, bà lại vô cùng sung túc, thêm nữa lại có quan điểm hết sức rõ ràng về sống và chết, thậm chí còn quyết định ai nên chết. Và Emerenc vô cùng hào phóng, ban phát những đặc ân cho những ai mà bà thấy là xứng đáng: một “đức Chúa song song” (bà lại còn có thể thuần hóa bất kỳ người nào và con thú nào: con chó Viola là một ví dụ sống động đến đáng sợ đôi khi). Nhất là bà lại hết sức bí ẩn.

Sự bí ẩn như vòng hào quang vây quanh Emerenc xuất phát từ quá khứ. Hiện tại của bà giống như ánh xạ chuẩn xác, cụ thể của những gì từng xảy ra: càng đi vào quá khứ của Emerenc ta càng hiểu tại sao bà có cách suy nghĩ ấy, lối cư xử đó, quan niệm kia. Bí mật đầu tiên mà nhà văn nữ biết được về Emerenc là tại sao bà lại sợ bão (và nhất là sét) đến thế. Câu chuyện bi thảm về hai đứa trẻ sinh đôi giải thích cho nỗi sợ sét ấy, thời gian đi ở cho người này khiến bà có năng lực về một việc thế kia, câu chuyện về những món đồ từ thiện ở nhà thờ là nguyên do cho nỗi căm ghét Chúa, một mối tình đau buồn khiến bà hiểu cần phải khinh bỉ tri thức, và cũng hiểu cây cối thực sự có thể nhảy nhót chứ không cần nhờ kỹ xảo điện ảnh.

Trong mối quan hệ hơn hai chục năm ấy, Emerenc mới là người dạy nhiều điều cho nhà văn, chứ không phải ngược lại. Những cây cối nhảy nhót nằm ở đoạn Emerenc đi theo bà chủ xem người ta quay bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của bà, và ý kiến của Emerenc là nghệ thuật chỉ toàn những thứ giả dối. Bà phát biểu với nhà văn danh tiếng như thế này: “Tôi không biết sao bà lại có danh, nhưng trí khôn thì ít, bà chẳng biết gì về con người hết” (tr.109), hoặc còn ghê gớm hơn: “Tính nết bà khiếp quá. Cứ như một con ếch phồng bụng lên thế, có lúc nó sẽ nổ bung ra đấy. Bà chẳng hiểu gì cả, chỉ biết cùng đồng nghiệp làm cây cối nhảy múa từ trên trực thăng, lừa đảo thôi. Bà chẳng bao giờ hiểu điều đơn giản” (tr.155).

Nhưng Emerenc cũng sẵn sàng điên tiết bảo vệ người mà bà yêu quý: bà từng đề nghị đi tố giác các nhà phê bình văn học cả gan chê bai tác phẩm của nhà văn (xã hội cộng sản được khắc họa bằng vài chi tiết rải rác trong sách, cũng như quá khứ của những tầng lớp cao đã mất đi vị thế, và cả một hương vị thoáng qua của giai đoạn “địa ngục Hungary” của người Do Thái).

Đó là một mối quan hệ đặc biệt, bởi vì “Emerenc yêu quý không theo cách thông thường” (tr.83), và sau nhiều năm gần gũi với nhau, nhà văn đã nhận ra: “Sự gắn bó giữa chúng tôi gần như là kết quả của những yếu tố không thể xác định nổi, giống như tình yêu” (tr.115).

Mối quan hệ đặc biệt này, bởi quá mức đậm đà, gần như tất yếu phải kết thúc trong thảm kịch. Và nhuốm màu phản bội. Mặc dù “thực ra không một ai đã tính đến chuyện có ngày Emerenc sẽ chết” (tr.61), đến cái ngày cánh cửa đóng kín mít như che giấu một kho châu báu kia bị nhát rìu bổ qua, mọi thứ sụp đổ một cách không thể cứu vãn được. Một mối quan hệ con người, Szabó Magda như muốn nói vậy, còn khủng khiếp hơn mọi thứ gì bình thường vốn được coi là đáng sợ.

Thật ra, một cuốn sách như Cánh cửa không có gì để giải thích nhiều, tự nó đã chứa đựng hết mọi điều mà nó muốn nói, muốn làm người ta hiểu. Cuốn tiểu thuyết của Szabó Magda thuộc vào hàng những tác phẩm lớn lao một cách quái dị như thế.

(ghi chú nhỏ: Szabó Magda là người rất thông hiểu văn chương La Mã, ta hay gặp trong tác phẩm của bà những mảnh nhỏ của một số nhà văn La Mã, nhất là Virgil)

2 comments:

  1. lúc nào cũng ngồn ngộn thế này, em chạy theo mà đuối luôn í

    ReplyDelete
  2. Hoá ra Hermann Hesse là người phát hiện ra Szabó Magda! Cánh cửa đọc tuyệt quá, người ta có thể viết về một người khác đến mức ấy. Mà tại sao nữ tác giả này lại bị cấm trong vòng mười năm hả anh?

    ReplyDelete