Oct 9, 2016

Đà Lạt, et j'entends siffler le train

Cuốn sách mới của Nguyễn Vĩnh Nguyên:


(về Nguyễn Vĩnh Nguyên, xem thêm ở kiaở kia)

Đà Lạt, trong cảm tưởng của tôi, là chốn ở giữa, một nơi trung tính, cái chốn rất hữu hiệu để dung hòa sự hoa lá cành lắm lúc quá đà của người Huế, sự xô bồ đặc trưng Sài Gòn. Có những nơi như thế, chẳng hạn Nam Định đối với người miền Bắc là một ga xép bào bớt đi sự bặm trợn Hải Phòng cũng như nỗi cảnh vẻ nhiều đời Hà Nội, hoặc giả giữa Hải Phòng và Hà Nội cũng có một ga xép khác, nằm ở chính giữa: Cẩm Giàng Hải Dương.

Cuốn sách Đà Lạt, một thời hương xa đặc biệt chú trọng vào những quãng trú chân của người từ xa đến. Nó được một người từ rất xa phát hiện, Alexandre Yersin, và số phận của nó nhiều phần được tạo nên bởi những người từ xa đến.

Đỗ Long Vân ở Đà Lạt

Ở chương "Thiên đường của những kho sách" mở đầu phần thứ hai, Nguyễn Vĩnh Nguyên kể về quãng thời gian 1963-1965 Đỗ Long Vân làm quản thủ thư viện của Viện Đại học Đà Lạt và nhắc ngay đến Vô Kỵ giữa chúng ta.

Đây là một tác phẩm lớn khác của Đỗ Long Vân:


Đà Lạt quả thật là một chốn của sách. Chương về Nguyễn Bạt Tụy, một chương rất đáng nhớ của Đà Lạt, một thời hương xa, nhấn mạnh vào điều này. Giờ đây, Nguyễn Bạt Tụy chủ yếu chỉ còn được biết đến trong giới sưu tầm sách, ai cũng mơ tiếp cận được kho sách nghe nói rất bí hiểm của nhân vật kỳ lạ này.

Nguyễn Thị Hoàng ở Đà Lạt


Nguyễn Thị Hoàng chỉ được nhắc đến rất thoáng qua, trong một câu duy nhất của cuốn sách. Đà Lạt đã làm nên bối cảnh cho một trong những cuốn tiểu thuyết nhiều xúc cảm nhất một thời:

"Minh cũng đi từ sáng sớm với mấy người bạn. Chúng nó đi picnic chiều mới về. Ở Prenn, ở Bồng lai, hay Blao gì đó. Trâm cũng nghe không rõ khi Minh nói với nàng. Thật là Trâm không còn nghe gì nữa những điều gì Minh đã nói. Chỉ còn tiếng Minh vọng lên thành một âm thanh mơ hồ, hỗn loạn. Trâm cúi nhìn bàn tay. Những ngón chơ vơ, nhỏ nhắn, buồn buồn."

Vũ Khắc Khoan ở Đà Lạt

Vở kịch này


rất được tác giả Đà Lạt, một thời hương xa quan tâm, và nó đúng là một vở kịch đặc biệt, nó được trình diễn lần đầu do ban kịch sinh viên Trường Giang ở Đà Lạt.

Nhất Linh ở Đà Lạt

Nhất Linh ở Đà Lạt, đó là quãng trước Nhất Linh ở Sài Gòn. Cuốn sách dưới đây:


liên quan đến một câu chuyện được kể lại trong Đà Lạt, một thời hương xa. Tác giả bộ sách "luận đề" này, Lê Hữu Mục, có lần lên Đà Lạt, tới nhà Nhất Linh, không gặp chủ nhà nhưng rất thích thú vì thấy đứa con trai của nhà văn đang thổi sáo một bản nhạc của mình. Nguyễn Vĩnh Nguyên cũng sử dụng một số chi tiết lấy từ Luận đề về Nhất Linh, nhưng là từ tập hai của bộ sách.


Các nhân vật và những câu chuyện của họ xuất hiện như những bóng người trên sân ga. Tiếng còi tàu luôn luôn gợi về những kỷ niệm buồn buồn: "Que c'est triste un train qui siffle dans le soir", và tiếng còi tàu cũng là một trong những thứ ngay lập tức gợi ký ức: ngay đoạn mở đầu À la recherche du temps perdu, Marcel Proust đã nhắc tới tiếng còi tàu xa xa, nó là âm thanh "xác định không gian", nó cũng là âm thanh xác định các khoảng của ký ức. Tiếng còi tàu làm ta chỉ chực lao về quá khứ: "J'ai failli courir vers toi, j'ai failli crier vers toi. C'est à peine si j'ai pu me retenir". Đà Lạt là một nhà ga, nó kích thích người ta viết, về kỷ niệm và trong kỷ niệm, nhưng nó cũng đòi hỏi sự viết ấy tương ứng được với bầu không khí của hoài niệm. Đây đã là cuốn sách thứ hai của Nguyễn Vĩnh Nguyên về Đà Lạt, sau Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách. Sự viết có hai con đường: đi từ đơn giản rồi phức tạp dần lên, hoặc là từ những rối bòng bong đi về phía đơn giản.

Không, xin lỗi, tôi muốn nói lại: sự viết chỉ có độc một con đường, mặc dù trông như thể có nhiều lựa chọn: chỉ có thể đi từ phức tạp đến đơn giản. Raymond Queneau từng viết một câu, đặt ở đề từ một cuốn sách của mình, một câu nhìn qua rất phi lý, nói đại ý rằng ở bên dưới vẻ bên ngoài rất phức tạp, cuốn sách có thể vô cùng đơn giản.

Một trong những chương nhiều xúc cảm nhất của Đà Lạt, một thời hương xa là chương về Phạm Công Thiện. Phạm Công Thiện của một thời tài danh, của những đêm đi xuyên thành phố trong mưa. Nhưng, nhảy qua đầu Phạm Công Thiện luôn đi, đó có thể chính là một việc cần làm. Thời điểm quan trọng nhất trong cuộc đời tinh thần của Phạm Công Thiện là thời điểm của Ý thức bùng vỡ. Đúng, ý thức cần phải bùng vỡ. Chỉ có điều, mặc dù đã nhìn rõ hướng, Phạm Công Thiện vẫn liên tục đâm vào các ngõ cụt.


Đà Lạt chính là nơi tôi thực hiện chuyến đi xa đích thực đầu tiên trong đời, năm mười bảy tuổi. Từ Sài Gòn, tôi chẳng hiểu gì khi ai cũng cười cười lúc tôi nói định đi xe đò lên đó. Đi rồi mới biết, hành khách bị lái xe liên tục bán lại dọc đường, và phải mất chừng tám hay mười tiếng mệt nhoài mới tới được nơi. Năm ấy, các vị thần của tôi là Metallica, Guns n'Roses, tôi nghe nhạc tại một quán cà phê mà tôi tình cờ nhìn thấy trên đường phố dốc, nhiều lần tôi đến đó, có những lúc chiếm được chỗ ngồi ngay trước cửa kính, mà không hay biết đó là quán cà phê Tùng danh tiếng, đề tài cho một chương trong Đà Lạt, một thời hương xa, cũng là nơi sở hữu bức tranh Thiếu nữ xanh của Đinh Cường suốt một thời gian dài. Năm ấy, sau khi thấy Hồ Than Thở hay thác Prenn thực sự rất kitsch, tôi lạc vào những con đường chạy quanh các đồi thông, rùng mình ớn lạnh trước sự vắng vẻ, trước màn sương không rơi từ trên trời xuống mà bốc lên từ dưới mặt đất, mà không biết rằng hai mươi năm sau, dẫu chưa một lần trở lại Đà Lạt, tôi sẽ viết về cuốn sách lấy nó làm đề tài, của một người bạn lâu năm nhưng ít gặp; nó là một chốn sẽ không để bất kỳ ai từng đặt chân tới có thể đi khỏi một cách dễ dàng.

15 comments:

  1. "Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
    Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
    Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
    Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
    Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
    Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
    Cười với nắng một ngày sao chóng thế
    Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
    Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
    Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
    Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
    Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn..."
    - Tuệ Sỹ

    ReplyDelete
  2. Chào anh, em vừa đọc quyển sách này tuần trước và cực kỳ yêu thích nó. Có cái gì đó cảm nhận về Đà Lạt không gọi được tên sau khi đọc quyển sách này thì anh đã nói hộ, đó chính là tiếng còi tàu và trên sân ga. Cám ơn anh!

    ReplyDelete
  3. có vẻ lần này Nguyễn Vĩnh Nguyên đã thực sự tìm được nhiều độc giả rồi đây :p

    ReplyDelete
    Replies
    1. "Như đôi mắt sớm thành ga cô quạnh..."

      Delete
  4. thật không ngờ là đến một ngày sẽ có người trích thơ Lu Tử D. ở blog của tôi đấy :p

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyên Sa cũng có nhiều câu dễ thương lắm, sao nhà phê bình lúc nào cũng chê bai là thơ dễ dải, tin tin ;-p
      Ổng dỗ dành để đám học trò sống ngoan, hiền lành, lãng mạn giữa cơn bao~ tố trên Titanic, không tốt sao?

      Delete
  5. Nguyên Sa Nguyên Sả Nguyên Sà
    trời mưa chó ốm ấy là Hà Đông

    ReplyDelete
  6. Xin phép bác Nhị Linh cho em hỏi. Bác thấy cuốn "Đỉnh cao đế quốc: Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp" có ổn không?

    ReplyDelete
  7. Chắc Nhị Linh lên Đà Lạt khi nó đã bị các nhà xây địa ốc và du khách tàn phá đi hơi nhiều, chứ lúc trước Đà Lạt thật sự đẹp, nhờ thiên nhiên. Trưởng giả nhưng dịu hiền, tây đầm xen lẫn với thượng du... Người Pháp thật tài hoa, họ chọn chỗ nào xây đô thị thì chỗ ấy sẽ đẹp. Hoa lá cành thì ở đâu mà chẳng vậy, Huế Hà Nội Sài Gòn Đà Lạt...

    ReplyDelete
  8. so what?

    tôi thấy rất nực cười, những người không ngừng khẳng định người Pháp và chế độ thuộc địa thì tốt etc.

    tôi đang nói đến ĐL ở lần đầu tiên tôi đến đó, chưa có gì được xây hết

    ReplyDelete
  9. Tôi có nói người Pháp và chế độ thuộc địa thì tốt không?
    Tôi nói họ tài hoa, thiết kế đô thị đẹp.

    ReplyDelete
  10. Không phải tất cả người Pháp nhưng một số họ tài hoa thì rõ rồi.
    .
    Tôi cũng có một người bạn Pháp, ông ấy già, già lắm nhưng vẫn toát ra vẻ tài hoa như thường, một lần trò chuyện ông ấy nói với tôi rằng “những cuộc tình ngoài gia đình khi nó đến với bạn thì dù bạn không muốn nhận nhưng cũng không phải sợ nó vì đó là món quà Thượng Đế ban tặng cho bạn”. Tôi tâm đắc lắm nên có lần khi biết một cô gái đang mắc phải chuyện như vậy, loay hoay, bấn loạn để thoát, tôi thấy thương hại mới dùng câu đó để an ủi. Thế rồi sau đó chính tôi với cô ấy lại mắc phải nhau, rồi bị bà xã tôi phát hiện, trong lúc mất bình tĩnh tôi quên béng lời tài hoa kia của ông người Pháp, chỉ có cô gái là nhớ để trấn an tôi, nhưng khi đến tai vợ tôi và nhóm bạn bè của bà ấy thì câu đó không còn là của ông già người Pháp tài hoa nữa mà là của một con đàn bà mất nết, hư đốn, đáng bị vả vào mặt, bị nguyền rủa blablabla

    Perspective được hình thành bởi địa lý, môi trường, nền kinh tế, thiết chế xh, cùng với văn hóa, truyền thống, định kiến, etc. Theo tôi perspective mới là điều đáng nói, đáng để tâm suy nghĩ, nghiên cứu trong tất cả mọi câu chuyện.

    ReplyDelete
  11. Hehheh sợ vãi cả một đề án quy hoạch đô thị, một bộ phim tài liệu người Pháp đầu tiên đến Đông Dương, một luận án triết học về nhân sinh quan các thứ í chứ

    ReplyDelete