Mar 27, 2017

Nguyễn Thế Anh

mới trở lại, Việt Nam thời Pháp đô hộ:


In lại từ ấn bản Lửa Thiêng đầu thập niên 70; xem thêm hai tác phẩm khác của Nguyễn Thế Anh, cũng Lửa Thiêng cùng giai đoạn ở kia.

Rất cám ơn cơ sở xuất bản đã hết sức đều đặn gửi cho tôi các ấn phẩm của mình. Mà không chờ đợi gì cả. Chỉ riêng điều này đã làm các bạn rất khác so với nhiều cơ sở xuất bản khác, trong đó có chỗ được tôi đi bán sách hộ cho, thậm chí còn là chỗ bạn bè, nhưng sau đó đã ngưng luôn, chỉ vì ghét tôi, tuy tôi chưa bao giờ nói gì xấu cho họ, hehe.

Tôi đã giới thiệu hai cuốn sách cùng "tủ" này, ở kiaở kia.

Dẫu đã nói mấy điều trên đây, chúng ta cũng cần thẳng thắn: cho đến lúc này, với Việt Nam thời Pháp đô hộ, tôi mới thấy tủ sách quay trở lại được với chất lượng ban đầu mà hai cuốn, La Sơn Phu Tử và Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, đã "hứa hẹn", một cách bất thành văn. Trong tổng số sách đã xuất bản ở đây, còn có thêm quyển về Nhật Bản của Vĩnh Sính (mà tôi sẽ sớm nhắc tới, nó rất quan trọng), nhưng ngoài đó ra, trong một thời gian không ngắn, chất lượng các ấn phẩm sụt hẳn, tính tổng cộng có khoảng bốn, năm quyển không cách gì so được với mức kỳ vọng tối thiểu.

Ở đây, cần nói rõ hơn: như thế nào là một cuốn sách "tốt"? Theo tôi nghĩ, một cuốn sách tốt không phải là một cuốn sách tròn trịa, một cuốn sách đọc đến đâu hiểu đến đấy, sáng lòa và sáng bừng. Một cuốn sách đích thực có một "lực cản" trước người đọc. Một cuốn sách thì gây nghi hoặc. Người ta cứ nghĩ trình bày sáng sủa một điều gì đó, sách lại nhiều tranh ảnh đẹp thì tức là tạo ra một cuốn sách tốt. Người ta cũng hay nghĩ tỏ ra mình "giải quyết" được một vấn đề nào đó thì trở thành một tác giả, đại khái, của mảng sách non-fiction. Điều đó không đúng.

Những cuốn sách đích thực gây khó chịu. Nhiều lúc gây khó chịu khủng khiếp và lâu dài. Tạ Chí Đại Trường chính là một minh chứng. Tôi thấy rất mừng cho Tạ Chí Đại Trường, tôi cũng rất mừng cho sách nói chung, vì các tác phẩm của Tạ Chí Đại Trường, giới nouveau riche của Việt Nam không thể đọc được. Sách không dành cho tất cả mọi người thì mới là sách. Sách ai cũng đọc là sách hướng dẫn du lịch hoặc sách dạy làm bánh.

Một cuốn sách thì có một khía cạnh, nó rất vô hình nhưng nó có: một cuốn sách phải có viễn kiến.

Tủ sách có Việt Nam thời Pháp đô hộ, vì tôi có đủ (do được gửi đều đặn: cám ơn các bạn một lần nữa), là một tủ sách không tồi. Nhưng có những thời điểm nó sụt giảm chất lượng nghiêm trọng. Theo tôi, nguyên nhân là, rất nghịch lý, nó quá ít liều lĩnh. Đừng vo tròn, đừng tìm kiếm những gì đã hết góc cạnh. Hãy phiêu lưu, nếu không phiêu lưu được, thì ít nhất hãy thách thức. Không giá trị nào thực sự trường tồn, ngoài giá trị của sự phiêu lưu.

Một ví dụ: khi làm Charles Maybon, tại sao cứ phải đi lại lối mòn? Maybon còn là tác giả của những cuốn sách rất kỳ quặc, chẳng hạn hai quyển này:


Còn mấy quyển nữa thuộc tủ sách, tôi sẽ không nhắc đến. Chúng rất tròn trịa, chúng như thể nói lên rất nhiều điều, chúng rất chỉn chu. Thế nhưng, lại thêm một nghịch lý: chúng sẽ không sống lâu đâu.

Giờ quay lại cuốn sách của Nguyễn Thế Anh.

Những gì Nguyễn Thế Anh nói trong cuốn sách, nhất là vào thời điểm hiện nay, không mới mẻ. Nhưng đây là một trong những cuốn sách rất hiếm có cái mà tôi gọi là "viễn kiến".

Thật ra, lịch sử là gì? Là các chi tiết? Rất có thể, nhưng đó còn là sự sắp xếp các chi tiết ấy. Và ở đây, nghịch lý lớn nhất mới hiện ra: càng cố công sắp xếp, người ta càng tạo ra những cuốn sách lịch sử tồi.

Những cuốn sách như cuốn sách của Nguyễn Thế Anh rất quan trọng, vì nó trình bày trong sự sắp xếp kín đáo. Sử gia có sắp xếp, nhưng sự sắp xếp đó không bao giờ là chủ đích. Tạ Chí Đại Trường nói, lịch sử không bao giờ có cùng đích. Sử gia cũng không tự thiết lập các mục đích cho riêng mình. Một sử gia muốn chứng minh người khác sai bằng mọi giá, đó đích thị là một sử gia tồi.

Những cuốn sách kiểu như thế này có một sự thâm trầm (mà tôi nghĩ là khía cạnh quan yếu của "viễn kiến"): một ví dụ lớn khác là Việt Nam Pháp thuộc sử của Phan Khoang (xem ở kia). Cả sách của Phan Khoang, cũng giống sách của Nguyễn Thế Anh, không có gì mới mẻ, và cũng không để lộ dụng công sắp xếp. Nhưng khi cần nghĩ về Phạm Quỳnh, tôi đọc chính cuốn sách của Phan Khoang, mặc dù Phan Khoang không đặc biệt quan tâm đến Phạm Quỳnh. Nhưng Phan Khoang đặt Phạm Quỳnh vào đúng chỗ. Những cuốn sách về Phạm Quỳnh, tuyệt đại đa số, hoặc tìm mọi cách vùi dập Phạm Quỳnh (và chứng minh người khác sai), hoặc bất kể mọi giá chứng minh Phạm Quỳnh vĩ đại (và cũng chỉ ra người khác sai): như thế, rất giống đi câu nhưng các con chì đã kéo sẵn sợi dây chìm xuống ngay từ đầu.

Đang trong lúc tôi thấy đã đến lúc cần nhìn nhận cẩn thận Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, thì nhận được Việt Nam thời Pháp đô hộ: phần cuối cuốn sách trở nên rất hữu ích cho tôi. Sự trình bày của đoạn này khiến tôi nhìn thấy ngay một số điều. Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu sang Nhật cùng thời gian, nhưng Phan Chu Trinh hiểu ngay lập tức người Nhật nghĩa là như thế nào. Phan Bội Châu thì không hiểu. Và từ đầu đến cuối, nhân vật Việt Nam duy nhất gắn bó lâu dài lợi ích của mình với Nhật Bản, chỉ có độc một người: Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Điều này giải thích rất nhiều cho việc tại sao Cường Để chẳng làm nên tấn trò gì thực sự có trọng lượng.

Nhưng, Phan Chu Trinh ấy, người ta bàn rất nhiều, có điều, tôi thấy, càng ngày càng rõ hơn, di sản lớn nhất mà Phan Chu Trinh để lại, là gì? Mấy khẩu hiệu ư? Không, tôi không nghĩ thế. Các hoạt động và trước tác ư? Tôi cũng nghĩ là không nốt. Đám tang và năng lực chấn hưng tinh thần đông đảo người ta ư? Cũng có thể, nhưng điều này rất đáng ngờ, không thể xác quyết được.

Thế nhưng, chắc chắn có một điều mà ta xác quyết được, và tôi nghĩ đó chính là di sản lớn nhất mà Phan Chu Trinh để lại cho Việt Nam: di sản xuất sắc nhất của Phan Chu Trinh chính là Phan Khôi và Đào Trinh Nhất.

3 comments:

  1. Bài viết của bạn thật hữu ích. Hiện nay nhu cầu thẩm mỹ ngày càng gia tăng với ước muốn sở hữu đôi mắt hai mí to tròn. Nhưng vấn đề mà nhiều người quan tâm là bấm mí mắt giữ được bao lâu.

    ReplyDelete
  2. cái comment trên hay vậy

    ReplyDelete