Sep 7, 2009

Đáp

+ Tôi trả lời phỏng vấn anh Nguyễn Trương Quý, cho một tờ tạp chí trong Sài Gòn

Kundera là nhà văn có ý thức sâu sắc về lối viết và được hâm mộ từ lâu trên thế giới. Là người đã dịch một số tác phẩm của Milan Kundera, đến cuốn mới in ở VN là Những mối tình nực cười, anh đánh giá thế nào về ảnh hưởng của Kundera với đời sống viết lách VN?

Một mặt, tôi nhận thấy cái tên Milan Kundera được nhiều nhà văn nhắc tới. Nếu như đó là dấu hiệu của ảnh hưởng thì chắc chắn Kundera có ảnh hưởng không nhỏ ở Việt Nam, theo tôi là ngang với Garcia Márquez, mặc dù Kundera và Garcia Márquez rất khác nhau: nếu một người là biểu tượng của tư duy phân tích lạnh lùng, thậm chí ác độc thì người kia hay được coi là một bậc thầy phóng túng và nồng nhiệt, đầy nhân tính. Ở một số nhà văn lớn tuổi có yếu tố “phản tỉnh” như Nguyễn Khải hay Nguyên Ngọc dấu ấn của Kundera là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng một nhà văn chỉ thực sự lớn khi không ai có thể bắt chước được.

Mặt khác, nếu nói trung thực thì tôi thất vọng với sự tiếp nhận Kundera ở Việt Nam. Không phải ở chỗ Kundera có ít người Việt Nam đọc, mà là vì việc đọc Kundera dẫn tới hai thái cực: hoặc là người ta sùng kính Kundera đến mức cuồng tín, hoặc là người ta hời hợt đến mức giống như nói mình đọc Kundera để không bị mang tiếng là “đi sau trào lưu”. Cuồng tín dẫn tới lố bịch, còn hời hợt là con đường đi thẳng tới “kitsch”, cả hai đều là đích ngắm lớn của Kundera trong suốt đời viết văn. Khi gặp phải những trường hợp ấy, tôi thấy rất tiếc, tiếc cho Kundera ít hơn là tiếc cho độc giả của ông.

Theo tôi, cái làm cho Kundera trở nên khác biệt và nổi bật nằm ở đặc điểm: ông là người tỉnh táo. Nếu muốn tiếp thu tinh thần Kundera thì có lẽ đó là điều quan trọng hơn cả. Nội dung và hình thức tất nhiên không thể phân biệt rạch ròi, nhưng sau một thời gian dài tiếp cận đủ các tác phẩm của Kundera theo hướng phân tích “chiến lược văn bản Kundera”, tôi nghĩ rằng văn phong không phải mặt mạnh của ông, mà tài năng của ông chủ yếu nằm ở ý tưởng, cách nhìn và khả năng phân tích, dẫn dắt, thậm chí thao túng tâm trí người đọc. Đọc Kundera cũng cần đặc biệt tỉnh táo.


Đọc Những mối tình nực cười, tôi thấy có những khía cạnh cười cợt trào lộng tưng tửng như truyện cổ châu Âu kiểu Andersen, Grimm hay Perrault. Không có khía cạnh chiến thắng hả hê kiểu Thiện-Ác phân minh hay đòi công lý sát sạt, mà những con người nạn nhân ở đây cũng không đau buồn quá mức trong bối cảnh những tình huống có tính ngụ ngôn. Liệu đấy có phải là ảnh hưởng của một vùng địa-văn hóa chịu ảnh hưởng qua lại của các thuyết triết học vốn cung cấp cho con người một thái độ cởi mở mà hiện sinh?

Người đọc tinh ý hẳn sẽ nhận ra trong Những mối tình nực cười có một độ chênh nhất định. Hai truyện đầu (“Sẽ không ai cười” và “Quả táo vàng của ham muốn vĩnh cửu”) rất giống với giọng văn Đông Âu mà người đọc Việt Nam đã quá quen, nói chính xác là Đông Âu xã hội chủ nghĩa, với những tình huống trái khoáy “vừa phải”. Năm truyện còn lại khác hẳn, và đó mới là Kundera nhà văn lớn mà chúng ta vẫn được thưởng thức. Cách lựa chọn và sắp xếp của tập truyện hẳn có nhiều phần bắt nguồn từ ý đồ xây dựng cấu trúc và niềm ham mê con số 7 của Kundera. Tuy nhiên, giới phê bình thế giới đều nhất trí coi tập truyện ngắn này có giá trị ngang bằng mọi tiểu thuyết khác của Kundera, và điều đó rất chính xác, nhất là khi đọc những truyện như “Chơi trò xin đi nhờ xe” hay “Edouard và Chúa”, hai kiệt tác nho nhỏ.

Độ chênh đó cũng là một điều đáng lưu tâm: có một Kundera Đông Âu, có một Kundera Tây Âu, nhưng còn có thêm một Kundera nữa, và đây mới là nhân vật đáng nói nhất: Kundera không Đông Âu cũng không Tây Âu, một con người vừa ở giữa vừa không thuộc về đâu, một người châu Âu thực thụ với đầy đủ những phẩm chất tiêu biểu nhất, và cũng không phải là một người châu Âu đơn giản.


Nói về Kundera, ông được xem như thuộc về dòng văn học (hay văn hóa) nào, Séc hay là Pháp? Slavic hay Latin? Anh đã dịch những tác phẩm văn học Pháp do những tác giả Pháp viết khác thì có sự khác biệt nào với Kundera không?

Như trên đã nói, xác định Kundera thuộc về đâu là một việc rất không đơn giản, và theo tôi còn không mấy ý nghĩa. Kundera chế nhạo (chế nhạo vốn là sở trường của ông) tính cách Séc, nhưng ông cũng chế nhạo cung cách Pháp, ông bỏ đất nước Séc nhưng cũng không mấy thoải mái khi ở Pháp (rất nhiều năm nay Kundera từ chối trả lời phỏng vấn báo chí Pháp và có lần thậm chí còn cho xuất bản sách của mình tại các nước khác trước khi in ở Pháp, dù ông viết bằng tiếng Pháp). Cách viết của Kundera cũng không giống nhà văn Pháp nào khác. Cũng không dễ tìm được một tương đồng nào ngoài cái vòng Séc-Pháp ấy. Tôi thích coi Kundera là một nhà văn thường trực hướng tới cái phổ quát, một con người quá sáng suốt thành thử không thể thực sự thoải mái ở đâu, trong một đường biên giới cụ thể nào. Tôi cũng thích coi Kundera là một nhà văn thiên tài trong việc lật mặt nạ: mặt nạ của con người và cả mặt nạ văn hóa, người ngay tức khắc nhìn ra sự xấu xa của chế độ toàn trị nhưng cũng không tốn nhiều thời gian để hiểu các khiếm khuyết của xã hội dân chủ. Một người như vậy, nếu bạn hiểu điều này, không có nơi nào để thuộc về. Cảm giác này sẽ càng rõ hơn khi đọc tiểu thuyết gần đây nhất của ông mang tên L’Ignorance.


Mặc dù có những giá trị phổ quát, nhưng ở VN, tôi cảm giác sách của Kundera vẫn chỉ hợp với một số ít những người đọc thành thị như Hà Nội, những người có “điệu tâm hồn” hợp với các nhân vật của ông - những trí thức lỡ nhịp. Vắt sang chuyện phê bình, có gì khác biệt giữa cách cảm thụ cũng như đánh giá Kundera giữa người phê bình/người đọc châu Âu với người Việt không?

Giới phê bình đã viết rất nhiều về Kundera, và cũng có rất nhiều điều khác nhau được viết ra (điều này cũng là bình thường). Trong khi các nhà phê bình châu Âu quan tâm tới mặt triết học trong tư tưởng Kundera cũng như cách tiến hành công việc viết văn, mối liên hệ giữa ông và các nhà văn khác, thì tôi cũng đã từng đọc vài chuyên luận của giới nghiên cứu Mỹ chỉ tập trung phê phán cách nhìn phụ nữ không được trân trọng cho lắm của ông, và quan điểm khó xác định của ông về tôn giáo. Điểm thứ hai này bạn đọc Việt Nam có thể hiểu được nếu đọc tiểu thuyết Điệu valse giã từ, nơi trái với đạo đức Thiên chúa giáo thông thường, kẻ gây tội ác giết người lại không phải chịu trừng phạt, thậm chí còn không sám hối, một thứ âm bản kỳ dị và vô cùng phá cách của Tội ác và hình phạt. Đây cũng là tác phẩm tôi thích nhất của Kundera.

Quả thực nhân vật người trí thức không mấy được ưu ái trong tác phẩm của Kundera. Thường xuyên có chuyện trí thức phải đi lau cửa kính hay tự lố bịch hóa trong một cuộc hội thảo khoa học ở các tiểu thuyết của ông. Còn lại, việc cách viết của Kundera hướng tới sự phổ quát không đồng nghĩa với việc những điều phổ quát ấy là phổ quát như nhau với mọi người. Tôi tin rằng người đọc Việt Nam cần có cái nhìn phê phán lớn hơn nữa ngay cả trong tiếp nhận các kiệt tác văn chương thế giới.


Gần đây, có thể thấy dòng văn học Trung-Đông Âu được giới thiệu lại và dịch khá rầm rộ ở VN, từ Cô đơn trên mạng, Xin cạch đàn ông (Ba Lan), Những ngọn nến cháy tàn (Hungary), Tình ơi là tình, Cô giáo dương cầm (Áo)… Bối cảnh của Kundera cũng là từ nước Tiệp Khắc những năm Chiến tranh Lạnh. Người đọc băn khoăn là, cái chân dung xã hội Tiệp Khắc hay là Séc đó có phản ánh trung thực không? Vì một nhà văn khác, Cao Hành Kiện, dù được giải Nobel, nhưng trước đó ít ai biết và ở Trung Quốc cũng không ghi nhận ông cùng Linh Sơn.

Các tác phẩm được kể tên trên đây mới chỉ là khúc dạo đầu ngắn ngủi của rất nhiều tác phẩm khác sẽ được ra mắt trong thời gian tới đây. Văn học Trung-Đông Âu là một mối quan tâm đặc biệt của tôi, tôi được biết rằng sắp tới không ít nhà văn danh tiếng sẽ được dịch ra tiếng Việt, với sự góp sức của nhiều dịch giả nhiều năm sống ở các nước như Hungary, Ba Lan hay Áo. Liên quan tới Kundera, tôi rất mong hai nhà văn mà Kundera coi là bậc thầy, Robert Musil và Hermann Broch, sớm được dịch.

Kundera chưa bao giờ là một nhà văn hiện thực, nên vấn đề phản ánh trung thực có lẽ không nên đặt ra, hoặc cần đặt ở một góc độ khác. Nếu sinh ra ở một đất nước khác chứ không phải Séc, chắc hẳn Kundera cũng sẽ nhìn ra và miêu tả tài tình những gì nực cười, những gì lố bịch, những gì xấu xí ở đó. Nhưng bởi vì đó là nước Séc, nên chúng ta có thể nghĩ rằng qua một nhà văn như Kundera, cái xã hội Séc đã được cộng thêm một không gian mới, không gian văn chương. Cái đó mới là đáng kể, và rất khó nói xã hội hiện thực hay xã hội như trong văn chương Kundera là “chân xác” hơn.

20 comments:

  1. một bác thụt vào một bác thò ra:)

    ReplyDelete
  2. Vì chưa cầm tờ báo in ra trên tay để đối chiếu nên tôi phải bỏ bài trên blog xuống chờ thôi. Thêm nữa, tôi có sửa lại vài chi tiết trong bài phỏng vấn, ví dụ "cởi mở và đón nhận sự khác biệt" thay vì chữ "hiện sinh", cũng như ý "K chưa bao giờ là nhà văn hiện thực" mà tôi có trao đổi lại với NL là dễ gây hiểu lầm cho người đọc, mặc dù có nói là "hoặc cần đặt ở một góc độ khác".
    Để tôi post lại cùng ảnh dịch giả, cái đó mới hot (đã có độc giả nữ xô vào hỏi rồi đấy :-)).

    ReplyDelete
  3. Đồng ý với bài này :-)

    ReplyDelete
  4. hehe em xin bác TQ, ảnh trông gớm chết đi được

    ReplyDelete
  5. ảnh có mặc quần đùi không ạ?

    ReplyDelete
  6. Bọn Mỹ ghê nhỉ, đã bảo thủ lại còn cực đoan, một quần Tây, hai quần đùi, chứ nhất định không chịu quần lửng à? ;))

    ReplyDelete
  7. Mình vẫn hơi thắc mắc bác Nguyễn Khải với bác Nguyên Ngọc có dấu ấn Kundera như thế nào ?

    ReplyDelete
  8. Nguyên văn câu hỏi của chị So ở entry bên kia là: "Bạn NL sắc sảo quá, và nhiều thông tin rất mới mẻ với tôi, chẳng hạn như dấu ấn Kundera ở Nguyễn Khải và Nguyên Ngọc, sao bạn không cho ví dụ nhỉ, người trần mắt thịt thật khó mà thấy."

    @KV: Bọn Pháp có mặc quần lót không? :-) Thấy bọn Mỹ mặc quần lót ra ngoài quần bó (Siêu nhân toàn mặc thế) nên nghĩ bọn Pháp sáng tạo hơn phải khác đi nhỉ.

    ReplyDelete
  9. chị So có thể search trên google theo cú pháp như sau: "nguyễn khải"+kundera và "nguyên ngọc"+kundera

    có người còn thắc mắc về chuyện Nguyên Ngọc và Nguyễn Khải có phải là nhà văn "phản tỉnh" không, theo tôi thì họ đúng là nhà văn "phản tỉnh", theo nghĩa đến một lúc cách nghĩ của họ cũng như cách viết của họ đột nhiên thay đổi (so với trước); cái này tôi cũng phân biệt với "sám hối"

    còn vấn đề "phản tỉnh" đến đâu, có đúng như một số người muốn không, thì tôi không bàn tới

    ReplyDelete
  10. @LSD: "Những mối tình nực cười" tuy có vẻ bi bỉ mà bán rất chạy nhé, đấy gọi là trào lưu hả bác :D

    hehe theo tớ thì là do các đồng chí mua sách hầu như ai cũng nghĩ đó là "truyện cười" [nghe lỏm em bé mua sách đứng cạnh nói thế]

    ReplyDelete
  11. @TQ: Cái đó anh phải hỏi bạn NL hay today20 chứ? Nhưng em đọc TTVH & ĐÔ của anh Pút tím thì thấy nói theo thống kê cho biết bọn Pháp không thay [] thường bọn Mỹ. Nhà tắm lại nằm ở cuối hay lang chứ không nằm trong phòng. ;P

    ReplyDelete
  12. Nhà tắm mà "hay lang" là thế nào nhỉ. Chắc ý nói "hành lang". ;)

    ReplyDelete
  13. Anh cho em hỏi:

    1/ Nhà văn "phản tỉnh" khác nhà văn "sám hối" như thế nào ạ?

    2/ Nếu Kundera chưa bao giờ là nhà văn hiện thực, thì ông được xếp và được xem là nhà văn "gì"?

    Cảm ơn Nhị Linh trước.

    ReplyDelete
  14. thì là vì các ông ấy có sám hối đâu :) phản tỉnh, đi ngược lại chút chút, chứ danh hiệu "sám hối" trong văn học Việt Nam giai đoạn này hình như thuộc độc quyền Chế Lan Viên, mà là sám hối nhiều lần, sám hối chuyên nghiệp

    tốt nhất là không xếp vào "gì" cả

    ReplyDelete
  15. Ý em muốn hỏi: Nếu "phản tỉnh" như anh viết "theo nghĩa đến một lúc cách nghĩ của họ cũng như cách viết của họ đột nhiên thay đổi (so với trước)" thì "sám hối" sẽ như thế nào?

    Sẽ hối hận về cách viết của mình trước đây và thừa nhận cách viết đó "không đúng"/"không phù hợp"...? Hay sẽ như thế nào? (Em đang muốn hiểu cách hiểu và định nghĩa của anh về "nhà văn phản tỉnh" và "nhà văn sám hối" chứ em không thắc mắc vậy các nhà văn anh kể tên có "sám hối" hay không)

    ReplyDelete
  16. sám hối thì cá nhân hơn, có hối hận etc., còn phản tỉnh thì hoàn toàn có thể không phải chỉ cá nhân: nhận thức lại về những cách nghĩ, cách viết đã từng thống trị chẳng hạn; đặt vào so sánh thì cũng liên hệ với những cách nghĩ, cách viết đã từng thống trị, một nhà văn "sám hối" hẳn là người dằn vặt, đau khổ vì bản thân anh ta đã từng như vậy, phục vụ cho những thứ như thế, còn nhà văn "phản tỉnh" nhìn ngược lại vấn đề ở một phương diện rộng hơn bản thân anh ta

    ReplyDelete
  17. Thế bác sám hối hay phản tỉnh :P mà nững bài "Đáp" à la marque NL-CVD giờ thuộc hàng hiếm vậy!

    ReplyDelete
  18. a, bỗng nhiên nhớ ra cái này, hay đấy

    tất nhiên là không cái này mà cũng chẳng cái kia

    ReplyDelete