Jan 5, 2010

Sách (III) phụ đề: Giết :)

Nghe cũng kinh các bác nhẩy. Toàn văn còn kinh hơn: Giết chết một con chim mốc-kinh. Dĩ nhiên đây chính là bản dịch quyển To Kill a Mockingbird mà nhiều người miền Bắc giờ đã giề từng đọc.

Nhân trên báo đang có tranh luận về phiên âm hay không phiên âm, vì vẫn chưa cho ra đời được cái Phiên âm (II) nên tranh thủ tiện tay có quyển sách mới bới được tôi bèn xuống tay liền hehe. Bìa sách vẽ một cái hình hơi giống bao cao su nhưng thật ra là một người bị trùm đầu kín mít chỉ hở đôi mắt, vẽ cách điệu, phía trên đằng sau là mấy cái chấn song đại diện cho nhà tù. Hình người màu trắng toát, hẳn là có ý tạo tương phản với người da đen là nhân vật được "Lời giới thiệu" cho là trung tâm của cuốn tiểu thuyết.

Tên tác giả ghi là "Ha-pơ Li" (tức Harper Lee, dĩ nhiên), dưới dòng nhan đề là tiểu chú "Tiểu thuyết Mỹ", Lương Minh Tâm và Phương Hiên dịch, in năm 1973, NXB Lao động (số lượng in ghi sau sách: 15.070, in tại nhà máy in Thống Nhất, khổ sách 12x19 chứ không phải 13x19 thông thường). Chắc hẳn thời đó đây là một sự kiện của văn học dịch tại Hà Nội, vì thời ấy với Mỹ ta có triết lý "Cái hầm chông là điều nhân đạo nhất" và Nguyễn Tuân viết Hà Nội ta oánh Mỹ giỏi.

Cạnh trang có dòng chữ "NHÀ XUẤT BẢN MONG BẠN ĐỌC GÓP Ý KIẾN, PHÊ BÌNH" (dòng chữ này làm tôi rất bồi hồi vì thật ra tôi cũng thuộc loại giờ đã giề, rất quen thuộc với câu đại-khái-là-slogan đầy tính cầu thị và hứa hẹn này) là trang ghi rõ: "Dịch theo bản tiếng Anh: "To kill a Mockingbird" NHÀ XUẤT BẢN ĐẠI HỌC MÁT-SCƠ-VA, 1969". Thật ra đây là một bản rút gọn, rất gọn, tổng số trang sách chỉ có 234 trang, lược bỏ rất nhiều (cỡ hai phần ba). Ngay đầu tiên đã là mấy dòng "Cha tôi tên là E-ti-cơ Phin-chơ. Ông là luật sư ở thị trấn Mây-cơm [chú thích ở dưới: Mây-cơm: một thị trấn ở bang E-lơ-be-mơ, thuộc về phía đông nam nước Mỹ. (N.D.) Có vẻ như người dịch không biết Maycomb là một địa danh tưởng tượng] Lần đầu tiên mới biết về thị trấn này, tôi thấy đó là một thị trấn cổ lỗ, chán ngắt." Như vậy là đoạn mở đầu nói về nguồn gốc gia đình Finch đã bị bỏ đi. Cứ như vậy, thêm một chút là lại bị bỏ đi một đoạn, nhiều chỗ viết lại câu văn.

Nhưng cái tôi quan tâm nhất là "Lời giới thiệu" của "Những người dịch". Sau đây là vài đoạn:

"Qua phong trào đấu tranh của nhân dân lao động, sinh viên, trí thức tiến bộ Mỹ v.v... chống cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam của đế quốc Mỹ, chúng ta thấy rõ ràng có hai nước Mỹ: một nước Mỹ của bọn tư bản độc quyền chuyên áp bức bóc lột và gây chiến xâm lược; một nước Mỹ của những người lao động cần cù, yêu tự do, yêu con người và đấu tranh chống lại xã hội Mỹ tàn khốc, nước Mỹ của những người mang dòng máu bất khuất của Oa-sinh-tơn (Washington), Linh-cơn (Lincoln), nước Mỹ với chân lý "Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng" của Gie-phơ-xơn (Jefferson), nước Mỹ với Giôn Rít (John Reed), người chiến sĩ đầu tiên của giai cấp vô sản Mỹ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng dưới ngọn cờ lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản."

Cùng với hai nước Mỹ, có hai dòng văn học Mỹ, trong đó có một "dòng văn học làm vinh dự cho một nước Mỹ chân chính với các tác phẩm nổi tiếng của các nhà văn xuất sắc Bi-chơ Xtô (Beecher Stow), Uýt-mơn (Whitman), Giéc Lăn-đơn (Jack London), Thi-ơ-đo Đrai-dơ (Theodore Dreiser)."

"Tuy vậy, tác phẩm Giết chết một con chim mốc-kinh còn có những hạn chế. Chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm có tính tích cực, song cũng còn có chỗ nhân đạo một cách chung chung. Giữa xã hội Mỹ tàn bạo mà luật sư E-ti-cớt vẫn không đề phòng cẩn thận, ông vẫn nghĩ rằng mang một khẩu súng trong người tức là khêu gợi kẻ khác bắn vào mình, ông cho rằng kẻ thù chỉ nhằm vào ông để báo thù chứ không "hèn hạ" đến mức báo thù hai đứa con nhỏ của ông, do đó ông thiếu đề phòng và suýt nữa thì Giêm và Sói con bị giết."

Đúng theo sơ đồ của hồi đó, sau màn đề cao tính chất tiến bộ của tác phẩm là các nét về nội dung, rồi phê phán một số thứ như là nhân đạo chung chung và nửa vời, rồi cuối cùng chốt hạ bằng mấy nhận xét về "nghệ thuật" như là giọng văn trong sáng dễ hiểu bạn đọc trẻ dễ tiếp cận etc.

Trong "Lời giới thiệu" (khoảng 15 trang) cũng trích dẫn ba quyển sách in vào thời đó: tập truyện ngắn Hoa dại, tập truyện ngắn Mỹ, NXB Lao động, 1972, trong đó có tới ba truyện viết về nạn phân biệt chủng tộc; Nói chuyện Mỹ..., các tác giả gồm C.B., Đ.X., T.L., Chiến Sĩ và Trần Lực, NXB Quân đội nhân dân, 1972; và Mỹ mà xấu, Vla-đi-mia Pô-dơ-me, NXB Văn học, 1964. Bác nào có mấy quyển này thì để lại cho tôi hoặc cho mượn nhé :)

P.S. Xem xét lại vấn đề phiên âm tên riêng nước ngoài, cân nhắc các lý lẽ, tôi vẫn nghiêng về "phe" viết nguyên dạng, không phiên âm. Tuy nhiên cũng có ngoại lệ: sách có đối tượng là độc giả trẻ con thì nên có phiên âm, đi kèm với nguyên dạng.

17 comments:

  1. Chào mừng ăn chơi nhảy múa trở về có quà đầy tay mà không bị sóng thần cuốn trôi!

    Quả nhiên là giết chết một con chim mô đen thất kinh. Mình có tập truyện ngắn Lối sống Mỹ tất nhiên là lên án lối sống của bọn Meo hở ra là hiếp dâm và lường gạt, thỉnh thoảng còn giết người vì ganh tị:) tác giả là ai quên mất rồi!

    ReplyDelete
  2. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete
  3. hehe bạn Vịt cảm phiền mình xóa phát nhé, đang lên cơn dị ứng ảnh ọt

    ReplyDelete
  4. quả phiên âm này nhiều khi éo le lộn cả ruột.

    ReplyDelete
  5. em nghĩ nên làm ngược lại, viết nguyên dạng nhưng chú thích thêm phiên âm với điều kiện người viết phải thực sự biết cách phát âm chứ không phải cái kiểu ghi từ gốc Đức mà đọc theo tiếng Anh

    ReplyDelete
  6. À ừ quên mất viết ngược đấy, viết đúng nguyên dạng rồi chua phiên âm ở lần đầu xuất hiện tên riêng đó; chính tôi cũng làm như thế nhiều lần rồi.

    ReplyDelete
  7. Mình ủng hộ cách viết ngược ấy, thế có lẽ là ổn nhất, hướng dẫn được bọn dốt (như mình) mà vẫn gú gồ bình thường

    ReplyDelete
  8. hahaha cười gần chết phần Lời giới thiệu.

    Để nguyên bản cũng khó ha. Nguyên bản đúng như tiếng địa phương thì có khi nhà in không in được. Ví dụ chỉ có chữ ü với ö trong tiếng Đức mà nhà in chuyển dạng thành u với o hết cả. Thế thì mấy thứ khó nhằn như tiếng Tàu tiếng Thổ thì làm thế nào.

    Vì thế em nghĩ rằng cần có 1 chuẩn nhất định, phiên âm cũng được. Tại sao mình chấp nhận Tây Ban Nha bấy lâu? Quan trọng là cái chuẩn này phải được sử dụng bởi (hầu hết) các phương tiện truyền thông và sách trong cả nước. Chứ tùy tiện như hiện nay là không thể chấp nhận được.

    Để hôm nào rảnh em sẽ bàn thêm về vụ này.

    ReplyDelete
  9. Cái vụ phiên âm phiên iếc này là một quả đắng đối với bất kỳ quốc ja nào chứ ko riêng VN.

    Nhưng đối với VN, do cục hậu quả mà lịch sử để lại nên chi là có nhiều thứ rất tréo ngoe. Chẳng hạn ông Kim Jong-il là con ông Kim Nhật Thành.

    Tôi thì tôi theo trường phái vừa phiên vừa để nguyên dạng, theo kiểu quen thế nào thì làm thế ấy. Chủ yếu cho độc giả hiểu là được.
    Chứ cực đoan theo kiểu "cứ theo tiếng Anh hết" thì cũng bết lắm và nhược tiểu lắm lắm.
    Tôi cá là chọn ngẫu nhiên 100 người Việt thì số biết Viên(g)-chăn sẽ nhiều hơn số biết Vientiane.
    Còn nói lấy theo (phiên theo) đúng tiếng nguyên bản thì là bất khả thi. Bởi vì khi đó
    nước Grudzia (hoặc Georgia) sẽ thành nước (có trời mới biết) Sakartvelo.

    ReplyDelete
  10. Kinh thật, toàn sách có 234 trang mà giới thiệu thôi đã 15 trang, ôi trời.

    Mà khi đọc sách, mình thường xuyên bỏ qua các thể loại giới thiệu với lại bình luận in kèm trong sách,

    Nhất trí với comment của em FreaKologost về khoản phiên âm.
    Marcus @: cái gì lỡ rồi (như Tây Ban Nha) thì phải chấp nhận, chứ từ mới mà cũng giữ cách đó thì nản lắm.

    ReplyDelete
  11. hôm qua em coi đá banh Việt Nam đá với Lebanon. Coi một hồi, nghe anh BLV nói mới biết hóa ra VN đang đá với Li-băng...ặc ặc..

    ReplyDelete
  12. @mỵ: ý marcus là Tây Ban Nha đã được chấp nhận rồi thì phải lấy cái đó làm chuẩn. chứ không viết là Espagna hay Spain hay gì gì khác. Quan trọng là cần có 1 cái bộ chuẩn, dùng để tra cứu được cho bất cứ ai muốn (và phải) dùng cho chuẩn.

    ReplyDelete
  13. Li-băng thì là phiên âm theo tiếng Pháp mà bác Rem.

    ReplyDelete
  14. Theo thiển ý của tôi, thì phiên âm hay không phải phụ thuộc vào đối tượng độc giả và ngôn ngữ để chuyển ngữ sang tiếng việt, có quen thuộc hay không.
    Nếu dịch sách tiếng anh tiếng mỹ ra tiếng việt mà đối tượng độc giả là người trẻ, biết ngoại ngữ thì giữ nguyên không sao cả. Nhưng nếu dịch tiếng anh tiếng mỹ cho đối tượng người lớn tuổi không biết ngoại ngữ chỉ biết tiếng nga bập bõm thì làm thế nào?
    Nếu dịch từ tiếng nga tiếng abu đabi hay tiếng thổ nhĩ kì chẳng hạn thì sao ? có phải phiên âm không ?
    Định hướng độc giả, không có nghĩa là định hướng học thuật.

    Hì, tôi xin hỏi thêm 1 câu hỏi ngoài lề, giả sử khi nhà xuất bản của Anh hay mỹ nào đấy muốn dịch các tác phẩm của anh Cao Viet Dung ra tiếng Anh tiếng Mỹ thì anh thích để nguyên tên hay phiên âm?

    ReplyDelete
  15. =)) lời giới thiệu buồn cười đến thú vị.

    ReplyDelete
  16. Thời nay, dấu tiếng Việt đã nằm đầy đủ trong tiêu chuẩn Unicode, cho nên không có lý do gì không viết đủ dấu như chính người Việt viết. An Nam ta rất nhiều mặc cảm, đụng đến Tây Mỹ là "a lê hấp" vứt hết dấu đi, đẩy họ ra đằng sau tên, trông rất chướng! Còn câu hỏi của bạn zig, nhà cháu xin đề nghị tên tác giả vẫn để nguyên là Cao Việt Dũng một cách hùng hồn như thế, chớ nên viết là "Dung Cao" trông nhảm lắm! (Tiếng Anh "dung" là "cứt", nhưng không nhằm nhò gì với tên Dũng đẹp đẽ kia cả.)

    Google bây giờ tìm kiếm với dấu tiếng Việt. Mai này, URL của website cũng có dấu tiếng Việt đàng hoàng.

    Chúng ta nên ghi nhận là Anh Mỹ dùng Spain và Pháp dùng Espagne, nhưng cả hai tên này đều không phải là tên do chính người Tây Ban Nha dùng.

    ReplyDelete
  17. For most up-to-date news you have to go to see web
    and on web I found this site as a finest site for newest updates.

    ReplyDelete