Jan 20, 2010

Sách (VI): Dại

Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, à nhầm, mài sắt nên kim, à vẫn nhầm, cứ tìm sẽ thấy cứ xin sẽ được :) Nói dài dòng một chút, chứ chuyện thật ra chỉ là hôm trước nói về quyển Giết chết một con chim mốc-kinh, nhân đọc trong lời giới thiệu có nói tới mấy quyển có liên quan đâm ra muốn được nhìn thấy, thì nay đã được cầm một trong số đó: Hoa dại - tập truyện ngắn Mỹ, Đắc Lê dịch, NXB Lao động, 1972 (in 20.130 cuốn).

Theo lời chú thì các truyện trong tập dịch từ nguyên bản tiếng Anh rút từ một số tập truyện của các nhà xuất bản Ngoại văn Mát-xcơ-va, Đại học Mát-xcơ-va, Bảy biển Béc-lin (CHDC Đức). Tên các tác giả đều phiên âm nhưng sách được làm rất cẩn thận, cuối sách có "Sơ lược tiểu sử các tác giả" và có ghi tên theo đúng tiếng Anh. Các nhà văn là Giéc Lăn-đơn (Jack London), Ô. Hen-ri (O. Henry), Ơ-xkin Con-đoen (Erskine Caldwell), Giéc Con-roi (Jack Conroy), Uy-li-ơm Xe-roi-ơn (William Saroyan), Rút Xtên-bớc (Ruth Steinberg), Phi-líp Bo-nô-xki (Phillip Bonosky), Rinh Lát-nơ (Ring Lardner), Đo-rơ-thi Pa-cơ (Dorothy Parker), Mi-len Bren (Millen Brand) và Leng-xtơn Hiu-dơ (Langston Hughes). 12 nhà văn, tổng cộng 20 truyện.

Ngoài Jack London, O. Henry và Langston Hughes quá nổi tiếng, các bác đặc biệt chú ý nhé: có hai nhà văn cùng quãng thời gian đó cũng được giới dịch thuật Sài Gòn khai thác không ít là William Saroyan và Erskine Caldwell. Người thứ hai thì mới gần đây NXB Văn hóa Sài Gòn đã cho in lại quyển Kinh nghiệm đời văn, Trần Phong Giao và Nhã Điển dịch.

Đặc biệt, chắc vì Hoa dại là một tập sách "trọng điểm" thành thử ra nó có cả một "Lời giới thiệu" rất oách của Nguyễn Đức Nam, một chuyên gia văn học phương Tây rất nổi tiếng thời ấy, của ĐH Tổng hợp (rất tiếc là Nguyễn Đức Nam không viết quyển sách nào cả). Lại một số đoạn hay:

"Trong các nhà văn này có người đã đi đến với chủ nghĩa cộng sản, như Phi-líp Bô-nô-xky. Ông đã từng sang thăm Việt-nam, được Hồ Chủ tịch tiếp chuyện và từng viết sách về Việt-nam."

"Nhìn chung, trong sáng tác, Ô. Hen-ri không có sức mạnh và chiều sâu của những nhà văn hiện thực Mỹ đầu thế kỷ như Giéc Lăn-đơn hay Thi-ơ-đo Đrai-dơ. Mặc dầu đã trải qua một con đường đời khá gian truân vất vả, Ô. Hen-ri vẫn không hết ảo tưởng về xã hội Mỹ, cho nên trong khá nhiều trường hợp, ông không tránh được bệnh tô hồng hiện thực, làm dịu nhẹ những mâu thuẫn có thật trong xã hội Mỹ, bằng cách tìm một lối kết thúc bất ngờ có hậu cho những câu chuyện của mình hoặc tô đậm màu sắc trữ tình, hài hước trong những tình huống mà ông miêu tả."

7 comments:

  1. Hoa dại là một phần tuổi thơ của mình nhé. Bà nội đọc Hoa dại cho mình nghe, rồi bà mắt kém thì mình lại đọc Hoa dại cho bà nghe. Chắc bé quá nên giờ không còn nhớ đoạn phê bình ảo tưởng về xã hội Mỹ của cụ Ô. Hen-ri nữa. À mà Túp lều bác Tôm của Ha-ri-ét Bít-chơ Xtâu với Không gia đình của Héc-tô Ma-lô bản in cũ cũng có những đoạn phê bình xuất sắc như trên hay sao ấy bác nhỉ?

    ReplyDelete
  2. NL đề cập " bệnh tô hồng hiện thực, làm dịu nhẹ những mâu thuẫn có thật trong xã hội Mỹ" qua các sáng tác cuả O'Henry thì nó khá cũ. Hiện thực đó vẫn còn kia với những mâu thuẫn mới chồng lên các lớp cũ. Nhưng điều đó không có nghiã rằng VN không cần học hỏi gì ráo ở xã hội Mỹ này. VN bị tụt hậu nặng nề, nhưng có vẻ như dơn dơn, tà tà. Xuất khẩu gạo đứng nhì thế giới không có nghiã ta đây là to lớn lắm rồi. Xã hội có tiến bộ văn minh hay không đó là chuyện lớn. Sự lỏng lểu, rệu rã cứ như một căn bệnh. Nói thật, người VN giỏi không phải ít, nhưng cớ sao bộ máy nhà nước, hành chánh, kinh tế nó kỳ quặc, trống đánh xuôi kèn thổi ngược như rắn không đầu vậy? Trong khi người Mỹ, dù đang sống trong một cường quốc, rất ý thức rằng xã hội cuả họ đang có nhiều "vấn đề" cần phải cải cách. Ở Mỹ, vẫn có những cuốn sách - nhiều loại, không hẳn chỉ chính trị - bị các NXB từ chối in, tác giả tự bỏ tiền phát hành và chẳng hề bị bắt bớ và bán rẻ [hoặc chưa :-].

    ReplyDelete
  3. Nhờ nhắn tin giùm:
    www.tanvien.net offine due to server down.
    Tks
    Jan 20
    2.39 pm

    ReplyDelete
  4. Nhiệt Đới BuồnJan 23, 2010, 3:15:00 AM

    NL: "Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, à nhầm, mài sắt nên kim, à vẫn nhầm, cứ tìm sẽ thấy cứ xin sẽ được :)"

    - Cho tôi đoán nhé, NL cũng đã nhiều lần gặp, không những gặp mà còn đi thăm, không những đi thăm mà còn thích "ma" nưã, phải không?

    - Vì NL quá may mắn, gặp được, thấy vài loại ma giáo, cho nên mới là một NL đằm điạ và sáng suốt. Bằng không,... ngại nói quá.

    ReplyDelete
  5. Lời chú = Lời chú thích, đúng không anh?

    Vậy tại sao anh lại dùng "Lời chú" chứ không phải "Lời chú thích", hay là vì "Lời chú thích" bị lỗi trùng ngôn lặp từ chi đó, mà chỉ cần "Lời chú" là đủ ý rồi?

    ReplyDelete
  6. Buồn cười, "con chim mốc-kinh" là... con chim gì nhỉ? Wikipedia viết thế này: "Mockingbirds are ... best known for the habit of some species mimicking the songs of insect and amphibian sounds as well as other bird songs, often loudly and in rapid succession." Thế thì ta dịch là "chim nhại" có hay không?

    Còn việc "tô hồng hiện thực" kia, các cậu ở Việt Nam chẳng biết gì cả, mặc cảm đầy mình, thỉnh thoảng bắn xẻ (lại chim nữa) vài phát về phía cái gọi là đế quốc tư bản Mỹ, ra vẻ mình đạo đức lắm ấy. Nghèo mà ham! Dĩ nhiên, họ có khối vấn đề, nhưng họ cũng có khối người giỏi, kể cả giới đối lập chính thức, và họ được phát biểu tự do! Hoan hô!

    ReplyDelete
  7. Theo tôi Nguyễn Đức Nam có viết Sếchxpia, sách danh nhân nhưng tôi thấy dài dòng lan man, không tập trung vào bản thân Sếchxpia.
    Thời đó làm gì có internet và Wikipedia mà tham khảo. Từ điển Anh Anh cũng rất hiếm. Chắc vì thế nên cứ phiên là chim mốc-kinh cho chắc ăn.

    ReplyDelete