Jun 11, 2010

(04). Tiếng Việt 1933

[câu này là của Amos Oz, nhà văn Israel nổi tiếng nhất (đại ý): "vấn đề lớn nhất của văn chương Israel là phải dùng ngôn ngữ của các nhà tiên tri để tả nhân vật đi đổ rác"; vấn đề của Phạm Công Thiện thì ngược lại: phải viết sấm ngôn bằng ngôn ngữ con trâu tát nước gầu sòng mái gianh sơn cước khói lam chiều; đây là lời kết cho chủ đề Phạm Công Thiện, mặc dù đang hết sức ăn khách hic]

Mới gần đây tôi được tặng một số Văn học tạp chí, tờ báo của hai nhân vật Dương Bá Trạc (chủ bút) và Dương Tụ Quán (chủ nhiệm); đây là hai anh em ruột, xen vào giữa họ còn có Dương Quảng Hàm. Trước đó Dương Bá Trạc cùng Nguyễn Bá Trác đã là tả phù hữu bật cho Phạm Quỳnh làm Nam Phong. Nam Phong cũng có cả sự góp sức của bố Nguyễn Bá Trác là Nguyễn Bá Học. Ngoài họ Dương này còn có một họ Dương khác có nhiều công đối với báo chí Quốc Ngữ thời kỳ đầu, là Đông Lĩnh Dương Phượng Dực, học trò cưng của ông bác nhà Nguyễn Công Hoan; Dương Phượng Dực sẽ sinh ra một nhân vật sau này cũng nhiều kỳ tích, là Dương Kinh Quốc. Nghe nói khi Dương Kinh Quốc mất đi, gia đình bán tủ sách, thị trường sách cũ đã được một phen náo loạn.

Nhìn thấy cả một chồng Văn học tạp chí tất nhiên là tôi muốn hốt cả :) nhưng chỉ được lấy một số, mà ngồi giở xem từng cái mục lục để chọn số nào thật oách thì cũng ngại, thế là nhác nhìn thấy có số 13 chọn liền (1/3/1933). Thương nhất là người bị dị ứng bụi sách cũ.

Năm 1933 cũng là năm ấn hành quyển sách vẫn được coi là đầu tiên trong lịch sử phê bình văn học Việt Nam: Phê bình & cảo luận của Thiếu Sơn Lê Sĩ Quý, một nhà phê bình tài hoa nhưng không có nhiều may mắn về mặt hậu thế.

Thời kỳ này tiếng Việt như thế nào?

Số 13 của Văn học tạp chí mở đầu bằng bài "Bàn về vấn đề viết quốc-ngữ cho trúng" của THUCDẬT (không rõ là ai). Một vài đoạn:

"Đọc V.H.T.C. số 11, bài đầu, về vấn-đề viết chữ quốc-ngữ cho trúng, tôi lấy làm phục cái ý-nghĩ của tác-giả, song tựu trung cũng có điều tuy không đáng công-kích, nhưng phải thêm bớt, cái ý-nghĩ tốt ấy mới thành một vấn-đề được.

Thường xem báo, đọc sách, về phần riêng tôi, một điều đáng chán hơn hết. Là thấy trong nhiều bài rất có giá-trị, mà lại có lắm chữ viết sai tiếng, khiến đọc-giả đôi khi phải hiểu sai nghĩa."

"Tiếng ta, trong ba Kỳ, đều là một tiếng. Nhưng vì non sông cách-trở, vì tập-tục gây nên, mà xứ này xứ nọ còn có nhiều giọng nói, tiếng nói khác nhau."

"Nếu so sánh những tiếng trại bẹ ấy, trong ba Kỳ thời người Bắc nói lỗi tiếng nhiều hơn người Trung-Nam. Ấy là nói sự lầm lộn trong đám có học thức với nhau, chí như kể sự sai lầm tiếng nói ở thôn quê thời không làm sao mà kể hết được."

"Trong bài "Vấn-đề viết quốc-ngữ cho trúng" của V.H.T.C. số 11, trang 64, tác-giả có kể câu: "nhờ đó vụ sung đột ấy khỏi xinh ra chiến tranh" của ông Phan-Khôi, rồi trích một chữ xinh và nói rằng ông Phan-Khôi lại lầm chữ sinh ra chữ xinh. Tôi xem xong, ngẫm nghĩ mà tức-cười suốt một ngày, đến nay hễ nhớ... lại cười... Tôi cười, vì trong câu của ông Phan-Khôi đó có đến hai chữ phải trích, chứ không phải một chữ. Hai chữ ấy là chữ sung và chữ xinh. Tác-giả bài "Vấn-đề viết quốc ngữ..." trích chữ xinh là lầm, sao lại không biết trích chữ sung cũng là lầm. Sung đột phải nói là xung đột, xinh ra phải nói là sinh ra mới trúng giọng."

"Ấy, đã đành rằng tiếng nói trong ba Kỳ, nơi nào cũng có ít nhiều tiếng nói sai giọng, (không kể những tiếng nói khác nhau như cái nói cái ô, cá trăn nói cá quả vân, vân), đã đành như thế, song muốn cho chữ quốc-ngữ có nhứt định, ta cần phải đổi lười làm siêng, lại phải biết chỗ sai lầm mà cải quá, hoặc cầu thày sửa đổi mới nên được."

"Tác-giả bài "Vấn đề..." lại còn trích những chữ hãy của ông Đào-duy-Anh, viết trong "Thế Giới Sử", mà bàn rằng: hay là ở Trung-Kỳ vẫn nói vậy chăng (nghĩa là nói hễ ra hãy). Không phải; người Trung Kỳ không lộn chữ hễ ra hãy. Huống chi ông Đào-Duy-Anh lại là người quê ở đàng-ngoài, thời không biết ông học đâu mà lại dùng hãy làm hễ, hay là ông cho chữ hễ là tục mà tự ý đổi ra chữ hãy. Đó lại là một vấn đề khác, cũng can hệ đến nền-móng quốc-văn, ta sẽ bàn trong một bài sau.

Theo sự nghe thấy của tôi, thời trong ba Kỳ, chỉ có kẻ học thức hai tỉnh Quảng-Bình và Quảng-Trị là nói ít sai tiếng và viết rất trúng chữ. Một người quê quán tỉnh Quảng-Bình, thường hay viết báo là Hoài-Nam tiên sanh; tôi xin giới thiệu cùng độc-giả, để khi đọc những bài vở của tiên-sanh, cho có ý xem xét chữ mà suy nghĩ, chắc cũng có ích cho sự viết trúng chữ quốc-ngữ. Ở Bắc-hà, thời có Phạm-Quỳnh tiên-sanh, văn cũng ít khi có chữ lầm. Nơi Đế-đô có Vân-Hán tiên-sanh và Hòe-Đình tiên-sanh là hai anh em, thường hay nghiên cứu quốc-văn và hay luyện chữ cho trúng tiếng.

Nếu trong hội-đồng biên-tập bộ Việt-Nam Tự Điển là cái then chốt tương lai của quốc-văn, gồm có những tay học thức, có lòng nhiệt thành với quốc-văn, như các tiên-sanh kể trên, thời họa may việc định hình cho mỗi chữ mới có phần xác-tạc được; bằng không thời bộ Việt-Nam Tự Điển rồi e cũng chẳng khác các bộ "Giáo-Khoa-Thư" là những sách "Loài chim đẻ ra... chứng" mà ta thường nghe trẻ em lắp đi lắp lại trăm ngàn vạn lần vậy.

Tôi viết đến đây, gác bút, đọc lại bài này, trong lòng vẫn hoài nghi, không biết có khỏi lầm chữ không. nếu còn có chữ sai lạch, thời quốc-văn Đại-Cồ-Việt ta khó viết thật. Mong nhờ các bậc am tường chỉ giáo."

[World Cup rồi hay sao nhỉ; lâu lắm rồi tôi không xem bóng đá, từ khi nghĩ rằng đã học được mọi ngón nghề của Emmanuel Petit, Francesco Totti và Marco Simone, những thần tượng ngày xưa, đều là cầu thủ thuộc một thế hệ đã xa hic; chứ trước đây có dạo tôi còn viết bình luận bóng đá hằng ngày, một độc giả chăm chỉ và hâm mộ chính là... Giò Lang Ben :d]

[đêm lại mưa hic nghe thật là buồn]

------------

Quảng cáo hộ cho bên sachxua.net: từ 16 đến 20 tháng Sáu này tại Thư viện Hà Nội có triển lãm "Báo chí Việt Nam (1865-1954)". Sự kiện đặc biệt đấy: đây mới là dịp đấu-xảo lịch-sử báo-chí lần thứ ba của Việt Nam, hai lần trước đều đã cách đây nhiều chục năm và đều là ở Sài Gòn.

Lần triển lãm-trưng bày này tôi quyết định không tham gia ngay từ đầu, tuy nhiên cũng cho bên đó mượn bốn tờ báo để bày, hai tờ trước 1945 và hai tờ thuộc giai đoạn 1945-1954. Đố các bác đi xem về mà nói đúng được mấy tờ báo của tôi là những tờ nào đấy :d

36 comments:

  1. Hồi xưa các cụ viết "thời" chứ không viết "thì" đọc nghe quê quê mà yêu nhỉ.
    "...thời họa may việc định hình cho mỗi chữ mới có phần xác-tạc được; bằng không thời..." từ "xác-tạc" chưa nghe bao giờ, không hiểu cụ này ghép từ Hán Việt hay là sao.

    ReplyDelete
  2. Cái luật yêu cầu từ ghép phải nối với nhau bằng dấu - có lý quá nhỉ. Nếu ngày nay vẫn áp dụng nó thì việc làm ra cái phần mềm dịch Anh Việt dễ hơn nhiều.

    ReplyDelete
  3. không có cái luật nào, ít nhất là hiển ngôn, quy định cái đó đâu bác ạ

    các nhà ngôn ngữ học, kể cả những người sống qua thời đó, cũng đều nói cách viết này hình thành một cách tự phát, và cũng không phải ngay từ đầu đã có (có thể tham khảo Hoàng Phê về lịch sử tiếng Việt)

    ReplyDelete
  4. À, nhân tiện cái tờ Phổ Thông hôm nọ xem, cái tên Lềnh đềnh là ngày xưa miền Bắc hay dùng để gọi Bồ nông đấy. Từ đó giờ mất dạng nhỉ.

    ReplyDelete
  5. "xác" thì dễ rồi, còn "tạc" không hiểu có phải là "tạc" trong "tạc đạn" không :d

    từ "lềnh đềnh" rất tượng hình nhé, theo nguyên tắc chiều hướng phát triển của ngôn ngữ thì những từ tượng hình xuất hiện trước rồi sau này nhiều khả năng bị thay thế bởi những từ dạng khác - và chúng ta bước vào mối quan hệ "võ đoán" giữa sở năng sở biểu theo đúng lý thuyết của de Saussure :)

    ReplyDelete
  6. các bạn ở nhà sướng nhé, tha hồ đấu-xảo này nọ. Mình nhớ một lần lâu lâu tán phét trong SG, PTVân có nói đại ý muốn làm triển lãm những tờ báo có tuổi thọ ngắn nhất VN. Đó là một ý hay, ko biết trong đấu-xảo lần này có gì tương tự?
    Mình chờ bài của anhyêu tường thuật vụ này, nhé! :X (Z)

    ReplyDelete
  7. đề nghị em ĐG nói rõ ai là "anhyêu" kẻo lại gây ra những hiểu lầm không đang có và/hoặc dậy sóng giang hồ nhé

    lịch sử báo chí Việt Nam, cũng như lịch sử báo chí bất kỳ nước nào, có phần sinh động nhất tạo nên từ các tờ báo có tuổi thọ ngắn, thậm chí cực kỳ ngắn, như tạp chí "Lửa Thiêng" chỉ ra được có hai số trước khi bị biến cố 75 cắt ngang

    đã có nhiều phân tích về cái này, anh cũng từng viết

    ReplyDelete
  8. ở miền nam dạo trước dùng chữ "chữ" thay vì chữ "từ" như bây giờ: tôi đã đổi dần dần nhưng thỉnh thoảng vẫn lẫn với nghĩa "from" của "từ". tiếng Việt độc âm, tưởng là dễ, đâm ra lại gây phức tạp: một chữ có nhiều nghĩa, như "từ" chẳng hạn, và nhiều khi một chữ cần phải ghép với một hai chữ khác thì mới có một nghĩa đặc trưng nào đó; điều này cụ Cao Xuân Hạo đã đề cập. thêm vào đó, dù độc âm, nhưng trong khi nói (colloquial), người Việt có thói quen nói chữ kép, và đôi khi cái chữ kèm theo ấy chỉ là âm nhại để đệm thôi.

    hì hì, "tạc đạn"? có lẽ "tạc" ở đây liên hệ đến "tạc tượng" và "như in như tạc". còn "xác" (phải chăng biến dạng từ "sát" nghĩa là "rất gần") thì liên hệ với "chính xác" và "xác thực". vậy hiểu "xác-tạc" là "precise" hay "exact" được không nhỉ?

    có một dạo tôi chủ trương gạch nối nhưng sau mỏi tay, văn bản trông rối mắt, với lại nhiều trường hợp không chắc ăn, cho nên thôi [nsc]

    ReplyDelete
  9. "tạc đạn" bây giờ là "lựu đạn" (grenade) hỉ [nsc]

    ReplyDelete
  10. có mỗi anhyêu ở đây thôi, anh thì tất nhiên ko phải rồi và anh cũng nói ko đi dự buổi đó, nên tính vào làm gì? :P.
    Từ "tạc đạn" mà sang thành "lựu đạn" thì tiếng Việt quả là thay đổi nhiều lắm rồi. Hiện, em vẫn dùng gạch nối, nhưng dùng cho những trường hợp mang ý nhấn mạnh, hoặc tạo hiệu quả về mặt âm thanh, ví như nói chân-xác thì sẽ cảm thấy nó mạnh hơn là chân xác, và có cảm giác từ có độ ngân hơn.(Z)

    ReplyDelete
  11. "tạc đạn" là từ Hán Việt mới đau chứ: 炸 彈 . "tạc" ở đây nghĩa là "nổ": nổ ầm ầm chết người í, chứ không phải nổ như ông PCT tuyên bố vung vít là sẽ dịch toàn bộ tác phẩm của Nietzsche từ tiếng Đức trong vòng 5 năm và đem Nietzsche vào trong lòng thanh niên dân tộc gì gì ấy! hì hì [nsc]

    ReplyDelete
  12. à, Z bắt đầu viết hồi kí chưa thế :) [nsc]

    ReplyDelete
  13. hoặc: người-chưa-từng-đọc-sách, chẳng hạn [nsc]

    ReplyDelete
  14. bác NSC, nếu đợi hồi ký của em có lẽ sẽ ko biết đến ngày nào, từ bé tới lớn em ko có thói quen ghi nhật ký, lại cũng không nghĩ rằng đời mình có cái gì đáng ghi hồi ký, và có lẽ cũng ko đủ trung thực với chính mình để mà viết hồi ký :P

    ReplyDelete
  15. hị hị tạc là nổ mà, bác hihihi, "lựu" thì sao nhỉ? hì

    Z: anh nói anh không tham gia tổ chức cuộc trưng bày này chứ không phải là không đến xem, lần này phải đi xem chứ, nhiều cái quý hiếm lắm, mặc dù anh cũng xem ảnh hết rồi

    không có ý khiêu khích gì, nhưng kiểu viết dùng gạch nối một phrase tạo nhấn mạnh anh thấy là kiểu viết rất đặc trưng của tác phẩm tuổi xanh, gần đây thì thêm một trường phái mới dùng cách này, là "trường phái Như Huy"

    bác Như Huy tha tội cho em nhá :d

    viết liền từ vào với nhau cũng đã từng có người chủ trương, nếu không nhầm thì Nguyễn Háo Vĩnh trước 1945 và sau này Nguyễn Bạt Tụy (các thông tin này đều có thể tìm thấy ở Hoàng Phê)

    có một bài rất hay của Nguyễn Hiến Lê phê một quyển sách của Nguyễn Bạt Tụy, đăng "Bách Khoa", sau in lại trong tuyển tập

    bộ tuyển tập NHL 4 tập (Nguyễn Q. Thắng làm) cũng vui: tôi biết thông tin muộn nhưng vẫn mua được thoải mái tập 3 là tập "Ngữ học" vì thiên hạ đổ xô đi mua tập "Triết học", hihi NHL có mảng chữ Hán và triết học rất dở nhưng lại được hâm mộ, mảng dịch thuật Pháp văn cũng bình thường, trong khi mảng ngôn ngữ học rất xuất sắc thì lại chẳng mấy ai quan tâm

    hiện nay ngoài Krishnamurti thì Nguyễn Hiến Lê cũng cực kỳ mốt đấy :)

    ReplyDelete
  16. NH thì viết kiểu gạch nối lâu rồi mà, nói anh ấy là dạo gần đây, anh ấy bực mình đấy! :P
    Em không xếp mình vào dạng tuổi xanh đâu nhé, từ 1995 trở đi em đã dùng kiểu gạch nối rồi, vì em thích. Một kiểu khác em đã dùng từ lúc đó là đặt từ "Và" ở đầu câu. Và vẫn tiếp tục thích tới giờ.
    Tất nhiên cũng ko phải cứ thích thì viết, mà có lý do của nó.
    Thế đính chính lại là anhyêu là TQ nhé :D, ko liên quan tới các anh nào khác trong phạm trù viết lách nhé! (Z)

    ReplyDelete
  17. "lựu" là quả lựu (hình như thế), nhưng nếu tượng hình thì phải là quả na chứ nhể (nhưng chỉ đúng với grenade của Mỹ thôi, chứ Đức Quốc Xã xem phim thấy grenade như cái que í)

    @Z: chỉ là cách nói "hello" thôi mà :) [nsc]

    ReplyDelete
  18. quả "na" trong nam là trái "mãng cầu" [nsc]

    ReplyDelete
  19. vẫn mua được thoải mái tập 3 là tập "Ngữ học" vì thiên hạ đổ xô đi mua tập "Triết học", hihi NHL có mảng chữ Hán và triết học rất dở nhưng lại được hâm mộ, mảng dịch thuật Pháp văn cũng bình thường, trong khi mảng ngôn ngữ học rất xuất sắc thì lại chẳng mấy ai quan tâm

    right (tôi chỉ ôm tập 3) [nsc]

    ReplyDelete
  20. Hoi ten, rang mong ban dau da xa...Jun 13, 2010, 12:52:00 AM

    P C Thie^.n tuy gan` nhung chac la` thuc tinh?, biet ra*ng` ma^y' chuc nam sau, Viet ngu+~ va^n~ hay~ con` lung' tu'ng khong biet ne^n A BO*` CO*` hay A BE^ XE^, thi` lam` sao ma` dich gia? NL co' the^? lam` Triet gia duoc. Thie^.n cung~ biet con tra^u se~ bi. doi xu tan` nha^n~ den no^i~ lam` cho buoi to^i' cung~ phai? bie^n' mat. Cho nen bac NSC noi' dung, ben canh gioi thieu van hoc Au-My~, NL dang thuc hien phat trien ngon ngu Viet la` rat can thiet va` dang qui' la*m'. Hoan Ho^ NhiLinh.

    ReplyDelete
  21. ê, viết bình luận bóng đá hồi nào nhỉ? ký tên gì?

    ReplyDelete
  22. euro 2004, ký tên thật thì bác mới biết để mà hỏi han và thể hiện lòng hâm mộ được chứ :d

    ReplyDelete
  23. @dấu câu: em cho rằng các dấu câu luônlà một thứ công cụ sở hữu cộng đồng, nói xanh - chín e rằng ...hơi lạm dụng màu sắc:D. Có nhiều cách nhấn mạnh cụm từ mà không liên quan đến cú pháp như viết hoa, nghiêng, gạch.. và nhiều gạch với em rất hấp dẫn như trong Harry Porter (Kẻ - mà - ai - cũng - biết - là - ai - đấy). Nói "trường phái N.H" trong sử dụng dấu gạch ngang hơi...tội nghiệp bác N.H hehe. Các nhà văn không xanh như Rusdie vẫn dùng nó như thường. Dù dùng nhiều thì hơi rối mắt và nhiều khi không cần thiết thật.

    ReplyDelete
  24. gạch nối có hai dấu cách (space) hai bên và gạch nối không có hai dấu cách hai bên: công dụng khác nhau đấy!

    à, bà con cô bác có biết là mình ảnh hưởng cách đánh dấu (!, ?, :, ;, ", ') của Mỹ chứ không phải của Anh và của Pháp? [nsc]

    ReplyDelete
  25. hic, khác hẳn nhau chứ lị

    dấu ngoặc kép của tiếng Việt là hỗn hợp: kiểu Mỹ, nhưng lại thường đánh dấu phẩy dấu chấm bên ngoài ngoặc đóng chứ không bên trong, và gần như không dùng '

    có vẻ như cách trình bày mấy cái dấu này trong tiếng Pháp cũng là mới, sách đời xưa không kiểu ngoặc kép to khuỳnh rồi space trước sau như thế

    ReplyDelete
  26. dấu ngoặc kép của tiếng Việt là hỗn hợp: kiểu Mỹ, nhưng lại thường đánh dấu phẩy dấu chấm bên ngoài ngoặc đóng chứ không bên trong

    nhận xét rất tinh tế! rất khoái! :)))

    ["một bác già già ký tên là NSC"] (sao chép artistic expression của Goldmund, không hề có hợp đồng sang nhượng bản quyền, hì hì)

    ReplyDelete
  27. Về Vườn Địa Đàng...Jun 14, 2010, 7:22:00 AM

    Nhị Linh chắc phải "take a break" để lướt qua trò chơi "cuộc đời" này do Gs. Ha` Dương Tường giới thiệu:
    http://sgtt.com.vn/Loi-song/123975/Tro-choi-cuoc-doi.html

    Ông tác giả đã chết mất rồi. Hu hu...

    ReplyDelete
  28. Slogan cuả NL hiện nay:

    "Tôi nghĩ đến những cửa Ô mở rộng." (Mai Thảo)

    ... Có đường vào nhưng biết chắc có đường ra?

    hu hu...

    ReplyDelete
  29. em Maze Rice đấy hả? câu đó không phải slogan, mà là xít tây sần :) context của câu đó còn cay đắng hơn cơ

    bài của GS Tường đọc rồi chỉ hiểu được tí chút hic

    ReplyDelete
  30. Ui ui đừng cay đắng thế, ngọt tí đi nào, Maze thích cuả ngọt cơ :-d
    Maze muốn xem "những phố dài xao xác heo may" nó ra làm sao, mùi hương cốm là hương như thế nào... NhiLinh có thương Mai Thảo thì phải biết cách làm cho những cưả Ô luôn rộng mở nhé...

    ReplyDelete
  31. Nhị Linh, còn có một bài viết "Mi có biết chúng ông là ai không?". Ehèm... ưhừ... Văn sĩ nói hay lắm. Nhưng nói thật nhe, không hiểu sao, tôi thì tôi nhớ một câu ông văn sĩ Inrasara nói, đại khái, đọc mấy năm văn học Việt ổng cũng chịu, không hiểu văn học đó muốn và nói về cái gì... Xin bác Inrasara thứ tội nếu tôi nhớ nhầm.

    ReplyDelete
  32. Cho nên, quên Mai Thảo đi, chúng ta phải đọc báo Công An, hay hơn.

    ReplyDelete
  33. Tôi thật sự kính phục Inrasara. Một mình ông ta lại có thể làm được bao nhiêu điều lớn lao cho văn học và ngôn ngữ Chăm.

    ReplyDelete
  34. Hi, just wanted to say, I loved this blog post. It was inspiring.
    Keep on posting!

    ReplyDelete
  35. Hi, of course this piece of writing is really good and I have learned lot of things from it concerning blogging.
    thanks.

    ReplyDelete
  36. This site certainly has all the information and facts I needed concerning
    this subject and didn't know who to ask.

    ReplyDelete