Jul 22, 2010

Một sai lầm chết người

Chừng nào thấy cõi đời ô trọc quá mức chịu đựng, ta nên quay lại với trẻ con.

Manolito là tên nhân vật thiếu nhi trong loạt truyện của Elvira Lindo, nhà văn nữ Tây Ban Nha. Manolito Gafotas nghĩa là Manolito cận thị, Manolito đeo kính, ở đây gọi là Manolito Mắt Kính.

Nếu giới thiệu Manolito với bạn, Manolito hẳn sẽ nói như sau: "Hello, cháu chào chú. Cháu tên là Manolito García Moreno, mọi người, kể cả thằng Yihad đầu gấu lẫn thằng Tai To bạn thân nhất của cháu nhưng nó đích thị là một kẻ phản bội con heo, đều gọi cháu là Manolito Mắt Kính. Kể từ thời hồng hoang của lịch sử, từ khởi thủy của thời gian, chưa có một thằng bé tám tuổi rưỡi nào ở khu Carabanchel, tức là nhà tù Madrid, nổi tiếng trên toàn nước Tây Ban Nha như cháu. Cháu sẽ kể cho chú nghe về đời cháu, từ màn đêm của thế kỷ, chuyện đời cháu muốn kể lại chi tiết thì phải tốn cả một bộ bách khoa toàn thư đấy".

"Một sai lầm chết người" rút từ tập Pobre Manolito, tương ứng trong tiếng Pháp là tập Super Manolito, Gallimard Jeunesse xuất bản. Sách được họa sĩ Emilio Urberuaga minh họa.

--------------

Tôi ấy mà, trong đời tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành người hâm mộ câu lạc bộ Real Madrid. Bố tôi ủng hộ Real Madrid, ông bác Nicolás của tôi (đang làm phục vụ bàn tại Nauy) ủng hộ Real Madrid, tất cả mọi người trong dòng giống của tôi đều ủng hộ Real Madrid. Thời kỳ hang hốc, khi Real Madrid còn chưa tồn tại, những García Moreno đầu tiên sống trên Trái đất này một buổi tối nọ bước ra khỏi cái hang của mình để ngắm nhìn một cuộc mặt trời lặn thời tiền sử đẹp vô vàn, đã cảm khái mà thốt lên với nhau rằng:

- Một ngày nào đó sẽ có bóng đá và sẽ có một câu lạc bộ tên là Real Madrid. Nhưng chúng ta sẽ không có ở đó để xem họ chơi bóng.

- Thế nhưng con cháu của chúng ta sẽ ở đó để xem cơ mà.

Cảnh tượng xúc động quá phải không! Sự thật là nếu sống ở Carabanchel mà lại không ủng hộ Real Madrid, tốt hơn hết là bạn nên im miệng vĩnh viễn hoặc đi nơi khác mà sống. Nếu không là người hâm mộ đội Real Madrid, tôi sẽ là nỗi xấu hổ của gia đình. Yihad (thằng đầu gấu) sẽ đánh tôi, bố tôi sẽ phải từ bỏ ý định bước đi trên phố và bác Luisa (hàng xóm sống ở tầng dưới) sẽ nói với mẹ tôi như sau:

- Con trai chị không ủng hộ Real Madrid hả? Chị đã nói chuyện đó với bác sĩ tâm lý ở trường nó chưa?

Tôi tin là mình không quá lời đâu. Tôi sẽ bắt đầu câu chuyện của tôi từ thuở hồng hoang, nghĩa là ngày 7 tháng Giêng năm 1995.

Ngày thứ Bảy lịch sử ấy, Real Madrid chơi một trận với F.C. Barcelona, thế là mẹ tôi bèn làm hai cái tortilla: một rất nhẽo và ướt cho ông tôi và bố tôi, hai người thích trứng mềm nhợt như nước mũi, còn cái kia cho Ngốc và tôi, chúng tôi thì lại thích thật là khô vào. Mẹ cho tất cả vào một cái phích giữ nhiệt mua qua kênh truyền hình bán hàng, rồi mẹ chào tạm biệt chúng tôi, nước mắt lưng tròng.

Không phải chỉ có chúng tôi đi xem trận đấu: trên phố chúng tôi gặp cả một đoàn diễu hành một trăm nghìn hàng xóm. Chúng tôi không tiến quân về phía sân vận động Santiago Bernabeu mà về phía Tropezón, quán bar nổi tiếng nhất trong khu chúng tôi.

Mỗi lần có trận đấu, toàn bộ khách khứa trong quán Tropezón đều mang theo đồ ăn bởi vì bác chủ quán nói rằng, vào những ngày lịch sử như thế, đừng hòng có chuyện bác chui vào bếp nấu nướng cho mọi người ăn. Bác nói trong đời bác đã làm nô lệ quá đủ rồi, và cũng chính vì vậy mà bác đã bỏ lỡ những bàn thắng quan trọng nhất của lịch sử bóng đá.

Một hôm, ông tôi nói với bác:

- Anh chỉ cần làm một việc là đóng cửa quán bar của anh lại rồi ngừng phàn nàn thôi.

Nhưng bác chủ quán Tropezón nói xem các trận đấu ở nhà thì còn ra cái gì, đứng sau quầy ở quán Tropezón của bác mà xem thì mới thực là đỉnh cao. Chiến thuật của bác là hỏi các ông bố như sau: “Trong trận anh sẽ uống bao nhiêu cốc bia?” hoặc “Bao nhiêu cốc rượu?” Ông bố đáp, chẳng hạn: “Mười bảy”, thế là bác chủ quán bèn nói bác thấy chưa được nhiều cho lắm đâu, ông bố phải nghĩ kỹ hơn đi, trước khi mọi chuyện quá muộn. Khi ấy ông bố mới nói: “Thôi vậy thì thêm ba bia nữa nhé, thừa còn hơn thiếu mà”. Thế là bác chủ quán bèn xếp cả một dãy cốc lên mặt bàn. Vào lúc trận đấu nghỉ giải lao, tôi từng chứng kiến nhiều ông bố khóc lóc, xin xỏ:

- Ezequiel, xin anh đấy, rót thêm cho tôi một cốc nữa đi, tôi khát quá!

Nhưng bác chủ quán cứ đứng yên sau quầy bar mà nói như đinh đóng cột:

- Rất tiếc nhé, anh phải nghĩ từ trước chứ.

Tin hay không thì tùy bạn nhưng cách tổ chức này hoạt động tốt ghê lắm nhé; chưa từng có một ông bố nào đổi quán bar cả đâu.

Bác ấy có một châm ngôn như thế này:

- Cứng rắn với khách. Chủ quán luôn luôn có lý, chính vì thế mà chủ quán mới là chủ quán. Nếu khách không thích các quy tắc này, họ cứ việc đi chỗ khác: “quán bar thì còn nhiều hơn cả người Trung Quốc!”

Điều này được viết trên một tấm bảng treo phía trên quầy bar, bên cạnh bức ảnh lồng khung chụp năm đứa con của bác. Bên dưới khung ảnh có thể đọc được dòng chữ: “Bố ơi, đứng lái xe nhanh quá nhé”. Ezequiel không có cả ôtô lẫn bằng lái, và lúc nào bác cũng ghen tị với bố tôi vì bố để bức ảnh lồng khung chụp chúng tôi trên chiếc xe tải của bố, bên cạnh đài radio. Vậy là, thứ Bảy mồng 7 tháng Giêng ấy, toàn khu Carabanchel tập trung ở quán Tropezón. Người ta mang theo ghế từ các quán bar khác, nhìn rất là choáng nhé. Cả tôi cũng ở đó, làm ra vẻ thích món bóng đá lắm (tôi giả vờ kể từ khi biết suy nghĩ), để không bị bố tôi truất quyền thừa kế. Tôi sẽ đau lòng lắm nếu Ngốc được lấy cái xe tải. Thế nên kể từ khởi đầu cuộc tồn tại của tôi, tôi không hề thú nhận với bất kỳ ai là tôi không hiểu gì khi xem đá bóng hết cả.

Để trở thành một ai đó trong cuộc đời, tôi phải làm ra vẻ là mình hiểu biết lắm.

Khi các cầu thủ ghi bàn thắng, tôi trở nên điên loạn luôn, tôi hét to hơn mọi người khác, nói tóm lại tôi cũng tự khẳng định được mình trước người khác. Nhưng mà đôi khi tôi nói quá nhiều, thành ra nói hớ và thế là thôi đấy, thảm họa liền. Đó chính là chuyện đã xảy ra vào buổi chiều đáng nguyền rủa ấy, khi tôi quá đà.

Sai lầm này thiếu điều làm tôi mất mạng. Khi Real Madrid ghi bàn thắng thứ tư, tôi trèo lên ghế, tôi hít một hơi thật dài và tôi lấy hết sức lực mà gào lên:

- Nào tất cả mọi người, cùng hét hu-ra ba lần chúc mừng Romario đi!

Tôi hét to đến nỗi kính tôi bị mờ tịt đi, thành thử tôi không thấy ngay là mọi khuôn mặt đều hướng cả về phía tôi. Thế nhưng tôi vẫn nghe được xung quanh tôi một “sự im lặng đáng sợ”. Một sự im lặng chết chóc. Tôi chùi kính để nhìn chuyện gì đang diễn ra. Khi ấy họ đã quay sang nhìn bố tôi, như thể họ là những tay trong các quán rượu miền Viễn Tây đang nhìn một kẻ lạ mặt bước vào. Tất cả những người này đều muốn bố tôi thanh toán tôi, nhưng bố tôi luôn luôn phản đối bạo lực thân thể (khác hẳn mẹ tôi) nên việc duy nhất mà bố làm là cúi đầu xuống đầy vẻ ngượng ngập. Còn tôi thì thấy đầu đau như búa bổ, hệt những lúc ăn một cái tát. Nhưng tại Tropezón, người ta không chỉ chơi trò tra tấn tâm lý theo kiểu cổ điển đâu. Thế nên tôi đi tìm ông tôi để ông bảo vệ tôi nhưng, vào đúng thời điểm gay cấn của đời tôi ấy, ông lại đang ngủ gật trong góc quán. Thế là Yihad ra hiệu bảo tôi bỏ kính ra rồi tung một cú đấm nhẹ vào mặt tôi. Vì bố tôi đang có mặt ở đó nên nó không dám đi xa hơn. Thiếu chút nữa thì tôi đã nói cảm ơn nó rồi.

Bố tôi nói với bố Yihad:

- Này, liệu có lúc nào con trai anh thôi đánh thằng con tội nghiệp của tôi không?

Bố thằng Yihad mới đáp:

- Nghe này Manolo, hãy thú nhận là lần này thì con trai anh xứng đáng với cái đó đi! Một thằng nhóc không biết Romario đang chơi cho F.C. Barcelona thì làm sao mà thoát thân dễ dàng như vậy được. Trời ơi, phải có chút hiểu biết tối thiểu chứ! Lại còn nhé, làm gì có thiệt hại vật chất, kính của nó không bị vỡ, xâm phạm lên người thì chỉ ở mức tối thiểu. Lần này thì cách cư xử của thằng Yihad nhà tôi là không thể chê trách. Thậm chí nó còn báo trước cơ mà. Manolo, bảo con trai anh hoặc nó phải tỉnh ra hoặc đừng có quay lại đây nữa nhé.

Bố chưa kịp trả lời thì vừa lúc Real Madrid đã ghi bàn thắng thứ năm, các vị khách liền quên biến các thiệt hại tâm lý, đó mới chính là cái làm tôi đau đớn nhất.

Tôi những muốn quên đi tất cả để Yihad cũng quên đi câu chuyện này nhưng tôi cũng biết chắc rằng, đến thứ Hai, ở trường, tất cả chúng nó sẽ biết câu nói hớ của tôi. Về tới nhà, bố vào phòng tôi để chúc tôi ngủ ngon:

- Đừng lo lắng, Manolito ạ, mai bố sẽ dạy cho con đội hình thi đấu của đội Real Madrid. Như vậy thì sẽ không có ai còn dám giơ tay hay lên giọng trước mặt con nữa.

Bố tắt đèn. Thời gian trôi đi. Tôi tin mình là người duy nhất trên cõi đời không ngủ, nhưng hóa ra ông cũng chưa ngủ, ông nói:

- Manolito, vào ngủ với ông, ủ chân cho ông đi.

Tôi bèn đi nằm, hai chúng tôi đều quay ra cửa sổ. Chúng tôi thường ngủ ở tư thế này.

- Manolito ơi, đừng lo lắng, trận đấu tới, khi nào ăn xong cái tortilla, cháu cứ cùng ông chui vào một góc, ta sẽ đánh một giấc. Sẽ không có ai để ý đâu.

- Ông ơi, thực sự là với ông chẳng có gì là quan trọng hết cả.

- Có chứ, hai thứ: cháu và Ngốc.

Ông tôi, ông tuyệt đỉnh của tôi lúc nào cũng đứng về phe tôi. Tôi nhận ra là ông đang bắt đầu thiếp đi thì bỗng nhiên tôi lay nhẹ người ông để ông giúp tôi cất đi mối nghi ngờ chết người đè nặng lên tôi lâu nay:

- Nhưng mà ông ơi, cháu phải quan trọng hơn Ngốc một tí chút chứ có phải không?

- Một chút, đúng rồi, nhưng không được nhắc lại điều đó đâu đấy.

Một lúc sau, ông đã phát ra tiếng ngáy đầu tiên, tôi bèn thò tay vào trong miệng ông để nhấc bộ răng giả của ông ra. Tôi bảo ông:

- Nếu không có cháu thì ông làm được gì hả ông ơi? Lúc nào cháu cũng phải để ý đến mọi chuyện thôi.

Ông đáp lời tôi bằng một tiếng ngáy rung chuyển toàn thể khu phố.

---------------

Hạng bét của hạng bét

Tôi tên là Manolito García Moreno, nhưng nếu bạn tới khu phố tôi ở mà hỏi bất kỳ một ai:

- Xin cho hỏi Manolito García Moreno?

Thì người kia sẽ nhún vai hoặc sẽ trả lời:

- Làm sao mà tôi biết được.

Bởi không ai biết tôi tên là Manolito García Moreno, ngay cả Tai To, bạn thân nhất của tôi mặc dù đôi khi nó là một kẻ phản bội và là đồ con heo, đôi khi còn là một kẻ phản bội con heo, đúng, nói luôn như thế đấy, cả hai cái cùng lúc, thế nhưng đó là bạn thân nhất của tôi và nó thật tuyệt đỉnh, Tai To cũng không biết đâu.

Ở Carabanchel - khu phố của tôi đấy, đề phòng trường hợp tôi còn chưa nói với bạn - mọi người gọi tôi là Manolito Gafotas, tức Manolito Mắt Kính. Tức là những người có quen biết tôi, dĩ nhiên. Những người không quen biết tôi còn không biết là tôi đeo kính từ khi lên năm. Nói vậy thôi, mặc kệ bọn họ chứ. Người ta gọi tôi là Manolito theo tên cái xe tải chở hàng của bố tôi, còn cái xe được đặt tên Manolito là vì bố tôi có tên Manolo. Và người ta gọi bố tôi là Manolo theo tên bố của bố tôi, rồi cứ thế ngược mãi lên tận thời xửa thời xưa. Phòng khi Steven Spielberg còn chưa biết, tôi xin nói ngay con khủng long Siêu Tốc đầu tiên tên là Manolo đấy, sau đó kéo mãi đến tận cùng của các Manolito García nghĩa là tôi, hạng bét của hạng bét.

Mẹ tôi gọi tôi như vậy vào những thời điểm long trọng. Nhưng mẹ tôi đâu có chịu điều tra gì về nguồn gốc của loài người, mẹ gọi tôi như vậy trước khi cho tôi một cái tát hoặc một cái đét. Tôi ngấy cái vụ mẹ tôi gọi tôi là hạng bét của hạng bét lắm, còn mẹ, mẹ thì ngấy cái vụ trong khu người ta cứ gọi tôi là Mắt Kính. Rõ là hai chúng tôi chán ngấy hai điều khác nhau dù cho chúng tôi là người một nhà.

Tôi thì lại thích được gọi là Mắt Kính. Ở trường tôi, trường có tên Diego Velázquez, bất kỳ ai quan trọng một chút đều có biệt hiệu cả. Trước lúc có biệt hiệu tôi nhát lắm. Khi một thằng đầu gấu cà khịa với tôi, thế nào nó cũng sỉ nhục tôi bằng cách gọi tôi là “bốn mắt” hoặc “mắt kính”. Giờ đây khi tôi đã trở thành Manolito Mắt Kính thì sỉ nhục tôi chỉ là một việc mất thời gian. À ừ thì chúng nó có thể gọi tôi là Thằng Lùn, nhưng lúc này vẫn còn chưa đứa nào nghĩ ra và tôi thì nhất định không cho chúng nó biết ý tưởng này rồi. Thằng bạn Tai To của tôi cũng gặp đúng chuyện tương tự: kể từ khi nó mang biệt hiệu Tai To, chẳng còn ai đi chế giễu cặp tai của nó nữa.

Một hôm khi đi học về chúng tôi xông vào đánh nhau vì nó nói nó thích cặp tai của nó hơn cặp kính đít chai của tôi còn tôi thì nói tôi thích cặp kính của tôi hơn cặp tai đít khỉ của nó. Nó không khoái cái từ “đít khỉ” một tẹo nào thế nhưng như vậy lại là rất chuẩn xác đấy: khi trời lạnh, tai nó ngả sang màu giống hết đít lũ khỉ trong vườn bách thú. Mẹ Tai To nói với nó là chẳng việc gì phải lo vì khi con người ta lớn lên tai sẽ nhỏ lại, mà nếu chúng không nhỏ lại thì các bác sĩ phẫu thuật cắt gọt chúng dễ ợt.

Mẹ Tai To thì tuyệt lắm: cô ấy đã ly dị chồng, cô ấy cảm thấy có lỗi nên không bao giờ nặng tay với thằng con nhằm tránh làm cho chấn thương tâm lý bị trầm trọng thêm, cái chấn thương vẫn được cô Esperanza bác sĩ tâm lý ở trường rất quan tâm. Mẹ tôi cũng không muốn tôi bị chấn thương tâm lý nhưng vì mẹ chưa ly dị thành ra thỉnh thoảng mẹ lại đét tôi một cái, mà mẹ thì thạo cái món ấy lắm.

Đét là một cú đập mà mẹ bạn tặng cho bạn, hoặc nếu không phải mẹ thì sẽ là bất kỳ ai khác, vào trúng cái phần cơ thể con người có tên là gáy. Tôi nói ra điều này không phải vì đó là mẹ tôi, nhưng quả thực mẹ tôi giỏi môn này lắm, trong lĩnh vực đét này mẹ tôi là độc nhất, vô đối, không có người thứ hai. Ông tôi không thích mẹ đét tôi nên ông luôn luôn nói với mẹ: “Nếu con muốn đánh nó thì phải nhằm chỗ thấp thấp thôi chứ, trời ạ, đừng có nhằm vào đầu, nó còn phải đi học cơ mà.” Ông tôi thì siêu đẳng lắm, thực sự ông rất tuyệt, cực kỳ tuyệt. Cách đây ba năm, ông bỏ làng lên đây sống, thế là mẹ cải tạo ban công thành phòng ở rồi đặt vào đó cho ông và tôi một cái đi văng để nằm ngủ. Ngày nào cũng phải gập giường lại thì mệt chết lên được nhưng tôi không hề phàn nàn, vì lần nào ông cũng cho tôi một đồng xu để nhét lợn - tức là ống tiền tiết kiệm chứ không phải lợn thật - thế nên tôi đang ở trên con đường dẫn tới chỗ vô cùng giàu có.

Thỉnh thoảng ông gọi tôi là thái tử thừa kế ngai vàng vì ông nói toàn bộ tiền lương hưu ông tiết kiệm được sẽ là để cho tôi. Mẹ không thích chúng tôi nói đến chuyện chết chóc, nhưng ông đáp rằng trong năm năm còn lại trên cõi đời ông cứ nói tất cả những gì ông muốn. Lúc nào ông cũng nói muốn chết trước năm 2000, ông nói không hề có ý định chứng kiến những gì xảy ra ở thế kỷ tới, ông đã chứng kiến quá đủ ở thế kỷ này rồi. Ông nhất định muốn chết vào năm 1999, và là chết vì cái tuyến tiền liệt, bởi vì đã từ rất lâu người ta cứ quầy rầy ông vì cái thứ đó thành thử sẽ không hay ho gì nếu ông lại chết vì một cái gì khác. Tôi thì tôi nói thích được thừa kế hết tiền lương hưu của ông mà ông lại không chết vì tôi thích ngủ bên cạnh ông Nicolás của tôi, thực sự là cực kỳ tuyệt: tối nào chúng tôi cũng ngủ thiếp đi trong khi đài radio vẫn bật và nếu mẹ tìm cách lấy đài đi thì thế nào chúng tôi cũng tỉnh dậy. Chúng tôi là như vậy đấy. Nếu ông chết đi rồi tôi phải chia sẻ căn phòng cơi nới này với Ngốc thì đúng là chết dở chứ chả chơi.

Ngốc là em trai tôi, em duy nhất đấy. Mẹ không thích tôi gọi nó là “Ngốc”, đúng hơn thì mẹ không thích một cái biệt hiệu nào cả. Nói vậy thôi, tôi cứ tự nhiên mà khởi sự gọi nó như thế chứ chẳng nghĩ ngợi gì. Điều này không giống những lần bạn đặt tay lên trán vắt óc suy nghĩ làm cái đầu của bạn như sắp nổ tung tới nơi, cái tên ấy đến với tôi vào đúng cái ngày nó sinh ra. Ông đưa tôi đến bệnh viện, khi đó tôi năm tuổi; tôi còn nhớ mình vừa có cặp kính đầu tiên và bác Luisa hàng xóm cứ luôn miệng nói: “Tội nghiệp chưa kìa, mới có năm tuổi!” Để thật ngắn gọn, tôi đã tiến lại gần cái nôi với mục đích vạch một mắt nó ra xem, vì Tai To nói nếu mắt em trai tôi bị đỏ thì có nghĩa nó bị quỷ ám. Thế là tôi rắp tâm làm việc vạch mắt với ý định tốt đẹp nhất trên đời, nhưng nó lại oe oe khóc rõ to rõ là thành thạo. Mọi người bèn nhảy bổ vào tôi, cứ như thể tôi mới là kẻ bị ám, thế là lần đầu tiên trong đời tôi bèn tự nhủ: “Đúng là đồ Ngốc!”

Chuyện này thuộc vào những sự việc đã chui vào đầu bạn là không chịu chui ra nữa. Không ai có thể buộc tội tôi đã cố tình đặt biệt hiệu ấy cho nó; thằng em tôi sinh ra là để thế giới này trở nên ngốc nghếch, thế nên nó xứng đáng với biệt hiệu ấy.

Cũng như là chuyện tôi xứng đáng được ông tôi gọi là “Manolito, Joselito Mới”. Bởi ông đã dạy tôi bài hát mà ông thích nhất tên là Campanera; đó là một bài hát rất cổ, từ cái thời còn chưa có phòng vệ sinh ở trong nhà ông tôi còn vô tuyến thì cứ im tịt. Tối đến, chúng tôi chơi trò Joselito, cái thằng bé cổ xưa từng hát trong quá khứ; tôi hát bài hát và sau đó tôi giả vờ ăn cắp hoặc làm những trò xuẩn ngốc tương tự bởi nếu không, một khi đã hát xong Campanera mà chơi trò Joselito là chết dở đấy. Thêm vào đó, ông tôi cứ nước mắt lưng tròng vì bài hát cũ kỹ đến thế và vì thằng bé cổ xưa cuối cùng phải vào tù, còn tôi thì thấy rất ngượng khi nhìn ông tôi khóc vì một thằng bé cổ xưa đến thế, mà ông thì già lắm rồi.

Nói tóm lại, nếu bạn tới khu Carabanchel mà hỏi thăm “Manolito, Joselito Mới”, họ cũng sẽ không nói gì được cho bạn đâu, hoặc là họ sẽ chỉ cho bạn nhà tù ở khu phố tôi để tỏ ra mình hài hước lắm như nhiều người vẫn hay làm. Họ cũng sẽ không biết Manuel, Manolo hay Manuel García Moreno, hoặc nữa là Joselito Mới, nhưng bất kỳ ai cũng sẽ cho bạn biết rất nhiều chi tiết về Manolito, được biết đến nhiều hơn ở bờ bên này sông Manzanares dưới cái tên Mắt Kính, và ở trong nhà thì còn được biết đến nhiều hơn dưới cái tên “hạng bét của hạng bét”.

-----------------

Sinh ra là để cho nhau

Tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện tình từ tận khởi thủy của thời gian.

Một hôm, ông tôi đến đón tôi ở lớp học võ karate; tôi đến đó bởi vì ông nói trông tôi bước đi như một người Trung Quốc và tôi phải sửa ngay đi bởi nếu không mọi người sẽ rất khó chịu khi thấy tôi cứ đi như Fumanchu. Nói vậy chứ tôi đâu có để móng tay dài, có thể móng tay tôi bẩn nhưng chúng không dài, tôi xin nói rõ như vậy.

Thế là ông đến đón tôi và hỏi như thế này:

- Tại sao Tai To bạn chí thiết của cháu không đến học?

- Bạn chí thiết của cháu? Con heo chí chết của cháu thì đúng, tôi đáp, không che giấu nỗi căm hận chất chồng.

Tôi kể cho ông rằng trong khi tôi khởi sự đi học võ karate nhằm thôi đi đứng giống như một người Trung Quốc, thì nó lại dẫn Susana về nhà xem phim Con quỷ Tasmania. Mà nó biết rất rõ là Susana ấy, tôi đã chọn cho tôi ngay vào ngày đầu tiên đi học; hồi năm ngoái, những đứa khác đã giành giật lấy cô ấy trước tôi, như một lũ ấm đầu, rốt cuộc tôi chỉ còn lại có mỗi Jessica Béo Ị. Chúng tôi làm một cặp đính hôn được hai ngày. Ngày đầu tiên, kiểu như là định hỏi một điều gì đó thật thú vị, tôi nói với nó:

- Thế cậu, tại sao cậu lại béo?

- Bởi vì khi nào lớn tớ muốn trở thành ca sĩ hát opera, nó đáp.

Ngày hôm sau con bé ấy chơi lại tôi ngay. Cái con bé đầy lòng hận thù ấy mới hỏi tôi:

- Thế còn cậu, Mắt Kính, tại sao cậu lại đeo kính?

- Để Yihad đập vỡ đấy, nó là một thằng đầu gấu và là bạn tớ.

Chúng tôi không nói gì với nhau nữa. Năm nay, Jessica Béo Ị không còn béo, nó đã được một thằng khác chọn, thằng đó nói nó đẹp trai hơn tôi. Nó nói nó đẹp trai hơn vì nó không đeo kính nhưng ông tôi, sau một lúc ngẫm nghĩ, bảo đàn bà con gái thích những người đàn ông đeo kính vì thường là họ có nhiều tiền hơn. Thế thì, từ giờ đến năm mươi năm nữa cái thằng tay chơi ấy sẽ bớt kiêu kỳ đi nhiều. Thôi được rồi, như tôi đã nói với bạn cách đây một tiếng, Susana Quần Xi líp Bẩn đã cùng Tai To xem phim Con quỷ Tasmania. Tôi nói với ông rằng Susana không chịu tôn trọng cái gì cả, rằng ngay cả khi ai đó đã có lời với nó rồi, nó vẫn sẵn sàng chuồn ngay đi với thằng đầu tiên nhử nó bằng bất kỳ cái gì. Thế nên tính toán hết cỡ thì nó có bốn mươi nghìn hôn phu còn tôi chỉ có một, thế cơ chứ. Ông tôi bèn giải thích rằng tự mình nghĩ mình gắn kết với một cô gái là chưa đủ đâu, còn phải chính thức tuyên bố nữa cơ, phải dẫn cô ấy tới công viên Cây Treo cổ mà nói:

- Anh thích em buổi sáng, buổi chiều và buổi tối.

Nói thế xong rồi là chuyển sang ngày khác, rồi một ngày khác nữa, một ngày khác khác nữa, cho đến mãi mãi, ở trên trái đất này cũng như trong không gian vũ trụ. Ông nói chắc như đinh đóng cột rằng mọi người trên cõi đời này đều từng nói điều đó vào một lúc nào đó trong đời mình.

Tôi không hào hứng lắm với cái việc tuyên bố ấy nhưng mẹ vẫn luôn nói với tôi: “Con thì đừng có giở trò chơi trội, đừng có giở trò chơi trội. Lúc nào con cũng cứ phải nhất định không chịu làm giống như những đứa trẻ con khác!”

Thế là ngày hôm sau, tôi nói với Susana rằng tôi muốn gặp cô ấy sau khi học xong ở công viên Cây Treo cổ để nói với cô ấy một điều khá là quan trọng. Susana nói vào giờ ấy thì phim Con quỷ Tasmania bắt đầu chiếu rồi và cô ấy không muốn vì bất kỳ cái gì trên đời mà để lỡ mất, rồi thì rằng tôi chỉ việc nói thẳng ngay với cô ấy cái điều quan trọng này, vì cô ấy sẽ không đến công viên Cây Treo cổ đâu; hôm trước cô ấy thấy ở đó có một cái bơm kim tiêm trên mặt đất, cô ấy đã cầm nó về tặng mẹ cô ấy thế rồi mẹ cô ấy bỗng dưng nổi cơn động kinh hét lên với cô ấy: “Ngày mai con sẽ không được ra khỏi nhà, cả ngày mai lẫn không bao giờ nữa”. Và thế là kể từ ngày đó, cô ấy chỉ còn đến nhà đứa này hay đứa kia để ăn uống hay để xem phim Con quỷ Tasmania vì ở nhà mọi người thì không có bơm kim tiêm trên mặt đất, trừ khi bố thằng bạn lại làm đúng nghề y tá.

Vậy nên tôi mời cô ấy đến nhà. Thế càng tốt, vì ở nhà tôi có hệ thống sưởi ấm còn trong công viên Cây Treo cổ thì làm gì có. Mẹ để mấy cái gối dựa xuống đất cho chúng tôi để chúng tôi không làm bẩn cái ghế sofa mẹ mua mới toanh cách đây năm năm. Cũng cần phải nói hôm trước đó tôi đã thông báo với mẹ:

- Ngày mai Susana Quần Xi líp Bẩn sẽ đến nhà mình để ăn uống.

Mẹ mắng tôi vì mẹ nói chẳng còn gì tệ hại hơn để mà nói với một cô gái nữa, rằng tốt hơn hết quần xi líp của các cô gái thì đừng có mà nhìn, ngắn gọn thế thôi. Nhưng khi Susana đến nơi và kéo váy lên để ngồi xuống ghế sofa, việc này thì cô ấy luôn làm, mẹ tôi là người đầu tiên nhìn thấy quần xi líp của cô ấy. Mẹ bèn ngay lập tức quyết định để mấy cái gối dựa xuống đất. Sau đó, mẹ gọi tôi vào bếp để đưa tôi mấy cốc sôcôla và thì thầm hỏi tôi:

- Sao lại thế nhỉ, mẹ nó không thay quần xi líp cho nó hằng ngày à?

Tôi đáp là có chứ nhưng quần xi líp của Susana là cả một vụ việc cần được giải thích trên chương trình truyền hình Những Điều Bí ẩn. Mẹ cô ấy đã đến gặp cô Asunción nói rằng Susana làm bẩn quần xi líp ngay cả khi cô ấy có mặc quần áo bên ngoài đi chăng nữa, và cần phải mời các nhà khoa học trên toàn thế giới đến Tây Ban Nha để tìm hiểu tại sao mà mới buổi sáng một cái quần xi líp trắng tinh rời khỏi nhà bên trong một bộ quần áo kín cửa cao tường thì đến trưa khi trở về đã lại đen kịt. Làm sao lại như thế được? Không ai giải thích nổi, điều này thuộc vào loại những điều bí hiểm vĩ đại của hành tinh Trái đất. Tôi đang kể hết những chuyện này cho mẹ thì đột nhiên mẹ lại nói:

- Thôi được rồi, Manolito, thế là đủ với đống quần xi líp rồi, con thì mỗi khi đi giải thích điều gì đó là y như rằng không ai ngăn con lại được nữa. Quay về với cô bạn của con đi.

Mẹ tôi là như thế đấy: mẹ thích tôi trả lời các câu hỏi của mẹ bằng cách nói đúng hoặc không để có thể chạy ra chỗ điện thoại mà thì thụt với bà bạn của mẹ. Vậy thế nên mẹ thích Ngốc hơn, vì nó thuộc loại “con không nói gì nhưng không phải vì thế mà con không nghĩ gì”. Đó là loại trẻ con mà mẹ tôi thích và chính vì vậy nên mẹ đã cưới bố tôi, bởi bố chỉ nói ba lần trong năm: dịp Giáng sinh, ngày sinh nhật và khi đội bóng đá của bố, tức đội Real Madrid, thắng một trận đấu.

Thôi được rồi, thế là tôi quay lại với Susana, cô ấy nói cô ấy thích vô tuyến nhà thằng Tai To hơn vô tuyến nhà tôi bởi vì cái vô tuyến ấy to hơn bao nhiêu xăng ti mét gì đó, và cô ấy không bao giờ uống sôcôla mà không có món Chocopic ăn kèm. Tôi mới bèn nhờ ông tôi xuống dưới nhà mua Chocopic. Tôi nói nếu ông giúp tôi việc này, tôi sẽ nhớ mãi ngay cả sau khi ông đã chết. Ông tôi vừa đi xuống cầu thang vừa nói:

- Susana ghê gớm, rồi nó sẽ vật chết hết tất cả chúng ta.

Sau khi cái bộ phim Con quỷ Tasmania đáng nguyền rủa đó đã hết, giờ của lời tuyên bố đã tới:

- À… tớ muốn nói với cậu rằng… tớ rất thích cái bờm tóc của cậu.

Tất cả những gì tôi tìm ra được để nói là như vậy. Cô ấy mới đáp:

- Đừng hòng, tớ sẽ không cho cậu đâu.

Đúng, tôi công nhận, lẽ ra tôi phải tìm ra một cái gì đó hay ho hơn để nói nhưng dù sao thì cô ấy cũng không nên trả lời tôi như vậy chứ. Giữa chúng tôi bức màn im lặng rơi xuống. Cô ấy xem quảng cáo một lúc rồi nói:

- Chỉ còn thiếu điều cậu là pêđê nữa thôi.

Đến phát này thì đúng là tôi không hề chờ đợi. Tôi bèn giải thích cho cô ấy hiểu:

- Đâu có, tớ thích cái bờm tóc ở trên đầu cậu, chứ có phải là trên đầu tớ đâu.

Thế là cái con bé ấy nó mới phá lên cười vì nó tưởng tượng tôi đeo kính, rồi diêm dúa với cái bờm tóc của nó. Nó cứ nằn nì bắt tôi đeo bờm, tôi thì không hề muốn nhưng nó cứ nằn nì mãi.

Tôi bèn nói:

- Được rồi, tớ sẽ đeo nó nhưng cậu phải là hôn thê của tớ đấy nhé.

Nó đáp liền:

- O.K., O.K., O.K.

Nhìn tôi đeo cái bờm tóc nó cứ thế cười lăn lộn. Tôi đã đeo bờm lên đầu vì rốt cuộc bao giờ tôi cũng làm những gì người ta bảo tôi làm. Ngày hôm ấy, tôi nghĩ chưa từng có ai cười nhiều như Susana: nó nhìn tôi cười như nắc nẻ, vừa cười vừa lấy tay vò lấy vò để cái váy của nó.

Tiếng cười của nó lây truyền sang cho Ngốc; thằng này vẫn luôn đứng về phe người nào cười nhiều nhất. Mẹ cũng đến xem tại sao trong nhà ầm ĩ thế. Khi thấy tôi đeo cái bờm, mẹ nói:

- Manolito, con làm cái trò hề gì kinh thế.

Chỉ còn thiếu cái nước ấy! Sau nửa tiếng đồng hồ cái con bé dở hơi kia cũng ngừng lại được. Nó bắt đầu trách móc tôi vì cái điều nó chán quá và nói cách duy nhất để chiến đấu chống buồn chán là cải trang và trang điểm. Tôi phải rón rén đi vào lấy trộm hộp đồ trang điểm và áo ngủ của mẹ. Susana nói nó là nàng công chúa của Aladin. Tôi thì nó muốn tôi chỉ mặc nhõn cái quần xi líp và đội khăn trên đầu, nó nói tôi là thần đèn của Aladin. Thế là nó bắt đầu chùi chùi cây đèn, có nghĩa cái bình pha lê màu xanh da trời của mẹ, và cứ không ngừng cầu xin:

- Giờ thì hãy dẫn Ngốc, đứa con trai bị đánh cắp của ta, lại đây. Giờ thì hãy giết kẻ đang chiếm giữ cung điện kia. Giờ thì mang cho ta Chocopic, giờ thì một cốc nước…

Tôi chán đến tận cổ vì cứ phải chạy từ phòng này qua phòng khác toát hết cả mồ hôi; so với tôi thì vị thần đèn của Aladin sống sung sướng như một chàng hoàng tử Trung Quốc. Và rồi, đến một lúc, trong khi chùi chùi vào cái đèn thần, nó làm vỡ cái bình xanh da trời và đỏ của mẹ tôi. Tôi tự nhủ trong đầu đúng cái câu mẹ thế nào cũng nói mỗi khi có ai làm vỡ cái gì đó: “Đã biết trước rồi mà.”

Thật là may vì chỉ có chúng tôi ở đó nếu không mẹ sẽ cho tôi một cái tát nghiêm chỉnh ngay trước mặt Susana. Vì nếu mẹ mà đã muốn tát cho bạn một cái vào một thời điểm trong đời mẹ, thì mẹ sẽ làm ngay cả trước hàng triệu khán giả xem truyền hình. Mẹ không hề ngần ngại một tí tẹo nào.

Chúng tôi nhìn ông tôi nhặt các mảnh vỡ của cái bình. Susana nói:

- Nếu cậu là hôn phu của tớ thì đừng có nói là tớ làm vỡ đấy nhé.

Sau đó, Susana cho một nắm Chocopic vào túi áo măng tô và oai vệ đi khỏi như một bà hoàng.

Chúng tôi phải đặt Ngốc lên ghế sofa để nó không bị mảnh vỡ cứa phải nhưng nó vẫn xoay xở rất tài vớ được một mảnh thủy tinh và ngay lập tức cứa đứt tay. Chính tôi là người phải chăm sóc cho nó vì ông tôi, do tình hình đang bị đau tuyến tiền liệt, ông xỉu ngay khi nào nhìn thấy máu. Ngốc mãi không chịu ngừng khóc và, để làm nó nín, tôi phải đưa cho nó nghịch bình đựng bọt cạo râu của bố. Mấy cái lọ bọt này làm nó yên đi được.

Và rồi mẹ tôi xuất hiện. Mẹ không làm cho CIA vì ở CIA người ta không biết mẹ là ai, nhưng tôi thề với bạn là mẹ tôi còn giỏi hơn James Bond cùng tất cả kẻ thù của anh ấy đến cả trăm lần. Mẹ đặt bàn chân xuống đất, sàn nhà kêu “rắc” dưới gót giày mẹ, thế là mẹ nhìn cái bàn và mẹ biết ngay là cái bình đã bị vỡ. Sau đó, mẹ nhìn ghế sofa và mẹ đã biết Ngốc trèo lên đó cùng đôi giày dùng để điều chỉnh hình dạng hai chân của nó; mẹ ngửi thấy mùi bọt cạo râu và mẹ đã đoán ra là Ngốc xịt hết cả bình rồi. Ngó sang phía ông, mẹ đã biết ông nản lắm rồi, và rồi khi nhìn thấy tôi đầu chui sâu vào cổ áo, mẹ đã biết là tôi đang chờ đón một trận mắng. Mẹ hít lấy một hơi trước khi bắt đầu bài diễn văn của mình nhưng ông tôi không để mẹ có thời gian để nói:

- Đừng có nói gì thằng bé vì bố làm vỡ cái bình đấy, cũng là bố đưa bọt cạo râu cho thằng bé kia và đặt nó lên sofa.

Mẹ tôi bắt đầu mắng ông tôi và ông tôi đã tận dụng điều đó để đi ra quán bar uống tách cà phê của ông và ăn những con tôm của ông, ông vẫn có thói quen làm như vậy khi nào không vừa lòng về một cảnh đời nào đó.

Tối đến, tôi chui lên giường ông tôi để ủ chân cho ông. Ông vẫn luôn cho tôi một đồng xu để cảm ơn tôi nhưng tối hôm ấy, tôi nói rằng tôi ủ chân miễn phí vì ông đã cứu tôi thoát khỏi ghế điện.

Ông báo với tôi rằng nếu vẫn là hôn phu của Susana thì tôi sẽ đứa trẻ con đầu tiên trên cõi đời bị nhồi máu cơ tim.

Ngày hôm sau, trong giờ ra chơi, Susana bảo tôi đi chửi một thằng học sinh lớp bốn, mang cát cho nó xây lâu đài và chơi trò dịch hạch với đám bạn gái của nó. Đứa nào bị dịch hạch phải chạy đuổi theo để bắt những đứa khác và không đứa nào được sờ vào người hay thậm chí là sờ thật nhẹ vào người nó vì nếu không đứa đó cũng sẽ bị lây bệnh dịch hạch. Susana bắt tôi làm đứa bị dịch hạch trong suốt giờ ra chơi. Tôi mới tự nhủ: “Tệ kinh lên được!” Lần đầu tiên tôi thấy muốn giờ ra chơi hết sớm. Đó chính là giờ ra chơi khủng khiếp nhất trong cuộc đời của tôi trên cái hành tinh này. Khi lên lớp, tôi nói với Tai To:

- Chiều nay mày có thể mời Susana đến nhà mày mà xem Con quỷ vùng Tasmania, tao phải đi học võ karate.

Không ai có thể nói rằng Tai To là một người giỏi quan sát; tôi tự hỏi làm thế nào mà nó lại không hề bất ngờ gì trước hành động đầy rộng rãi của tôi.

Tôi tha hồ sung sướng tít mù trong buổi học karate. Thầy giáo bảo tôi nhảy lên đá xông phi vào một thằng khổng lồ lực lưỡng học lớp năm. Trong thoáng chốc, tôi tự hỏi không biết thầy tôi có bị điên không hay là thầy muốn tôi teo đời luôn cho xong. Thầy giải thích cách làm cho tôi hiểu. Tôi luôn hiểu ngay lý thuyết và thậm chí còn đủ sức hình dung nó ở trong đầu. Tôi thấy mình đang nhảy những bước dài ba mét, giống như kiểu Karate Kid ở vùng núi đá hiểm trở Colorado nhưng trong thực hành, tôi không biết tại sao nữa, lúc nào cũng hỏng ăn. Như ông tôi nói ấy: “Đời là thế mà”.

Thôi được rồi nhé, bạn sẽ không tin đâu nhưng tôi đã xông phi vào cái đống thịt khổng lồ học lớp năm đó. Giống như là đá chân vào một ngọn núi ấy: thằng kia không nhúc nhích lấy một ly, nhưng dù sao tôi cũng đã xông phi xong xuôi. Vấn đề là khi nhảy lên đá, kính tôi bị văng ra; thế mà mẹ đã dùng dây chun buộc nó vào đầu cho tôi rồi đấy. Tôi thực sự rũ cả người ở môn karate và lại càng rũ ra hơn hơn khi mẹ về đến nhà và nói mẹ hoàn toàn không quan tâm đến việc tôi bước đi như một người Trung Quốc, và tôi sẽ không bao giờ quay lại học karate nữa vì mẹ từ chối mua kính mới cho tôi trong năm nay.

Đây là tin mừng nhất trong năm vì tôi đã quá chán phải đánh nhau với tất cả cái bọn đô con ở trường rồi. Ngày hôm sau, khi tôi nói với Tai To là tôi sẽ không quay lại học karate nữa, trừ khi Tây Ban Nha bị quân Nhật xâm chiếm, nó nói với tôi:

- Tốt quá, giờ thì chiều nào mày cũng có thể dẫn Susana về nhà rồi nhé. Hôm qua nó làm gãy cái điều khiển vô tuyến nhà tao. Nó là nàng công chúa của Aladin còn tao là một vị thần nhưng nó bảo nó thấy rất lố nếu chùi vào một cái đèn thành ra nó quyết định ra lệnh cho tao bằng điều khiển từ xa. Chơi được hai tiếng đồng hồ thì tao nói tao chán cứ phải nghe lời nó lắm rồi thế là nó ném ngay cái điều khiển vào đầu tao. Mẹ tao hỏi hay là tao cố kiếm một con hôn thê khác đỡ man rợ hơn như thế được không.

- Vì nó cũng là hôn thê của mày à?

Chúng tôi bắt đầu cãi nhau về việc đứa nào đã phản bội đứa nào nhưng sau một phút rưỡi thì chúng tôi nhận ra như thế này thì ngu quá, vì Susana có số lượng hôn phu bằng số lượng bọn con trai trong trường chúng tôi. Nó cũng có hôn phu trong cái trường ở đối diện nữa, trong khu nhà của tôi và cả trong cái làng của mẹ nó. Gần như tất tật trẻ con trai Tây Ban Nha đều là hôn phu của Susana. Tai To và tôi chúng tôi bàn luận những chuyện ấy trên đường đi về nhà. Chúng tôi là hai người bạn chí thiết với cùng một vấn đề, như trong các bộ phim khi đến đoạn cuối có thể nhìn thấy hai người bạn chí thiết bước đi xa dần trong cái lạnh, trong màn sương mù kinh khiếp. Chúng tôi thân tình với nhau tuyệt vời nhưng tôi không biết tại sao mọi chuyện lại cứ bị rối tung lên trở lại và chúng tôi đã lại cãi nhau để biết đứa nào có nhiều quyền xem Con quỷ Tasmania cùng Susana vào buổi chiều hơn.

Sự thực là không ai trong chúng tôi muốn phải phụ trách cái con bé Susana nhưng chúng tôi cũng không muốn buổi chiều nó ở với thằng bạn thân nhất của mình. Đối diện với những tình huống kinh khủng đó, ông tôi vẫn luôn nói: “Con người ta ấy, ai ai cũng thật là kỳ cục.”

Thôi được rồi, vậy là chúng tôi sắp sửa đánh nhau đến nơi vì một điều mà chúng tôi không hề muốn thì đột ngột, không hề được báo trước, chúng tôi nhìn thấy Susana cùng một thằng con trai đang nhảy nhót trên một cái ghế băng trong công viên Cây Treo cổ. Chúng tôi tiến lại gần, và thằng đó là… Yihad!

Chúng tôi nhìn chúng nó một lúc lâu, chúng nó vui vẻ với nhau như một bọn điên thực thụ: chúng chơi trò lấy chân đá cặp sách, chúng đẩy nhau để chiếm lấy chỗ ngồi tốt hơn trên cái bập bênh, và khi đã trèo lên rất cao rồi, chúng lại nhảy vù xuống đất. Yihad giật lấy cái bờm tóc của Susana rồi bỏ chạy. Thế là Susana đuổi theo tóm lấy tóc nó rồi nhổ nước bọt. Nhổ nước bọt vào Yihad! Thằng đầu gấu của lớp tôi, của khu phố tôi, của cả nước Tây Ban Nha! Không ai trên đời từng dám nhổ vào Yihad, việc đó sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Tai To và tôi nín cả thở, nó nín thở của nó tôi nín thở của tôi. Tiếng trái tim chúng tôi đập nghe như những cái trống châu Phi báo hiệu một cuộc chiến tranh đầy kinh hãi. Giờ chuyện gì sẽ xảy ra đây?

Sẽ không bao giờ có ai tin cái chuyện xảy ra khi ấy, cả bạn nữa bạn cũng sẽ không muốn tin đâu thế nhưng lại là thật luôn. Tôi thề với bạn điều đó trên đầu ông tôi. Yihad lau bãi nước bọt. Tai To nói thật nhỏ, giọng nó run lên dập dồn:

- Mày sắp được nhìn thấy cái tát mà con bé phải nhận rồi. Sẽ lật cả mặt ra đằng sau đấy.

Thế nhưng nó, tôi, cả thế giới đều nhầm tuốt. Yihad nói:

- O.K., tớ xin lỗi cậu nhé, chỉ là đùa thôi mà, việc gì phải nhổ vào người tớ lắm nước bọt thế.

Sau khi điều đó được nói ra, chúng lại tiếp tục chơi, tiếp tục đẩy nhau và tiếp tục nhảy tanh tách như bọn điên. Tai To và tôi, chúng tôi quay gót bước đi: trước tiên là vì chúng tôi chẳng có liên quan gì trong câu chuyện này và sau đó bởi chúng tôi sợ bọn kia bắt chúng tôi chơi cùng.

Đến nước này rồi thì sẽ thật là đần độn nếu còn cãi cọ để giành Susana. Chúng tôi không nói ra điều đó, nhưng tôi cá rằng cả hai thằng đều nghĩ vậy, và cả hai chúng tôi đều tự nhủ thật là nhẹ cả người vì con bé thích Yihad.

Chiều hôm ấy, tôi mời Tai To đến nhà tôi xem phim Con quỷ Tasmania. Hai thằng tôi tha hồ mà vừa cười giỡn trên ghế sofa vừa xem hoạt hình và nhấm nháp bánh ngọt phết bơ chiêu với nước sôcôla. Hai thằng tôi ngồi dồn về một góc vì chân thằng Tai To hôi rình, cái thằng tội nghiệp này nó không phải là một người hoàn hảo. Ông tôi nhìn chúng tôi rồi nói với mẹ:

- Chúng được sinh ra là để cho nhau.

Và, vào lúc ấy, tôi còn chưa biết ông nói điều này cho tôi và Tai To hay cho Susana và Yihad, cái bọn chắc chắn vẫn tiếp tục chơi ném cát vào mắt nhau ở công viên Cây Treo cổ. Cả chúng nữa, chúng cũng được sinh ra là để cho nhau. Chắc chính cái đó là cái người ta gọi bằng tình yêu.

29 comments:

  1. hay nhỉ, còn mẩu nào nữa ko cậu ơi!? tiếp...

    ReplyDelete
  2. a bạn Xanh :d phục vụ riêng bạn Xanh, vừa post thêm hai nhát nữa, rút từ tập 1 mang tên "Manolito Gafotas" tức "Manolito Mắt Kính", cái đầu tiên là để giải thích lai lịch, tung tích Manolito, cái thứ hai là bonus thêm

    vứi cả là để ăn mừng giùm bác Giò Lang Ben đã bớt được một chút tính ki bo vì đã gửi "Travels in the Scriptorium" ra đây, kèm với một lời đề tặng vẫn rất là gớm như thường lệ, kiểu như là đã thành phong cách cá nhân rồi, nhưng thôi lần này mình thương tình giấu đi hộ bác í :p

    ReplyDelete
  3. Sao cái thằng Tai To không là "đồ lợn phản bội" mà phải là "một kẻ phản bội con heo" nhỉ, hay nó không phản bội bạn Manolito mà chỉ phản bội con heo thôi?

    ReplyDelete
  4. một số từ miền Bắc nghe gớm quá nên dùng tạm từ miền Nam (trong trái tim tôi) :d

    ReplyDelete
  5. @NL: y chi So la thu tu cua tu, viet "do heo phan boi" dung hon la "ke phan boi con heo", con vat gan ghep phai dung truoc tinh tu chi tinh cach.

    ReplyDelete
  6. Chị thường xuyên thấy đời ô trọc quá mức chịu đựng, thế mà vẫn phải cố gắng cười. Thế nên chị rất khâm phục nhiều người lúc nào cũng giữ được thái độ điềm đạm.

    ReplyDelete
  7. chị có thể nói luôn là chị khâm phục em, không có gì phải ngại cả đâu :p

    vụ Tai To: ở đây có thể (và nên) quan niệm "con heo"/"con lợn" là tính từ chứ không phải một danh từ khác:

    nó giống cấu trúc "đồ phản bội xấu xa", lẽ dĩ nhiên ở trường hợp này ta không nói "đồ xấu xa phản bội"

    tiếng Tây Ban Nha viết "un cochino traidor", còn tiếng Pháp viết thế nào vì không có sách ở đây nên không nhớ chính xác, nhưng nhớ là hình như "un cochon de traitre" hay "un traitre cochon", đúng như cách hiểu vừa nói ở trên

    ReplyDelete
  8. vậy chắc ý của câu gốc là "đồ phản bội bẩn thỉu" khi "lợn" được đưa vào thay tính từ "bẩn thỉu"

    ReplyDelete
  9. nếu vậy sẽ không có câu ngay trước: phản bội và con heo: ở chỗ này thì là đẳng lập về quan hệ, nhưng đến câu sau thì có sự chơi chữ, và cốt yếu ở đây là giữ được từ "con heo" đó

    ReplyDelete
  10. right!

    à, có "mông" trong bộ truyện ngộ nghĩnh này đấy, người nhớn cũng nên đọc (chẹp, không phải vì mông). thằng khỉ Tai To có khi bị gọi là thằng có tai mông lừa :))) [nsc]

    ReplyDelete
  11. bác đọc truyện này rồi à?

    ReplyDelete
  12. Nhị Linh dịch truyện này à? Xong câu ấy nhé, sang đoạn này: "nó nín thở của nó tôi nín thở của tôi" chuyển thành thế này thì hợp lý hơn: "nó nín thở đằng nó, tôi nín thở đằng tôi".
    Vẫn còn một vài lỗi biên tập đấy.

    ReplyDelete
  13. Em thích version của Nhị Linh hơn vì nghe nó ngộ hơn, kiểu trẻ con, và không sai. Nín (hơi) thở chứ ko phải động từ nín thở :D
    Version kia người đọc sẽ đọc vèo qua và thế là vèo qua mất rồi. Đây là cảm tính ạ, vì em ko biết bản gốc ra làm sao.

    ReplyDelete
  14. "nó nín thở của nó tôi nín thở của tôi" tác giả cố tính viết như thế, chắc để nguyên được

    đây mới là "phôi" thôi, sẽ còn nhiều chỉnh sửa ạ

    ReplyDelete
  15. "nó nín thở đằng nó, tôi nín thở đằng tôi" - dịch như vậy đọc quen quá, hong lạ và thú vị bằng "nó nín thở của nó tôi nín thở của tôi" . VÌ làm ta liên tưởng đến lối dùng từ ngộ nghĩnh, bất thường nhưng thật sự là của trẻ nhỏ :-)

    ReplyDelete
  16. những vấn đề của sự sống hằng ngày, nếu viết theo kiểu "người lớn" thì có thể nghiêm trọng một cách vô duyên hoặc trừu tượng một cách vô vọng. truyện Manolito "tửng tửng" đến độ "ba đía", vừa đọc vừa cười, nhưng rất thực. thí dụ, thằng Tai To than thở với mẹ nó về tai to thì bà ấy bảo lo gì, mai này tai bé lại, hoặc nhờ bác sĩ giải phẫu xẻo bớt. ặc ặc, các bác tưởng chỉ có thằng nhóc Tai To ngồi lo những chuyện như thế à? :))) [nsc]

    ReplyDelete
  17. Chừng nào thấy cõi đời ô trọc quá mức chịu đựng, ta nên quay lại với trẻ con.

    câu này nặng kí. "quay lại với trẻ con" là quay lại với cái chân thật. người lớn "kiểm duyệt" chính mình và người khác, riết thành quen, cho nên cuộc đời nhiều khi trơ trẽn. Bọn nhóc Manolito nhận xét và phát biểu "inedit", vui là chỗ ấy. :) [nsc]

    ReplyDelete
  18. chỗ 'con heo' lẫn 'nín thở' đều là tuyệt đỉnh của tuyệt đỉnh con nít í ạ!

    ReplyDelete
  19. "nó nín thở của nó tôi nín thở của tôi" là câu hay nhất đấy, cũng như bạn qt có câu dịch rất hay là "ngồi chống nỗi buồn trên cùi chỏ" (http://quanminhtran.blogspot.com/2010/07/ten-minh-house-on-mango-street-cont.html) và cả câu "xông phi" nữa :)) nghe rất dễ thương (chứ song phi thì nghe thành bạo lực liền) nhưng câu "một kẻ phản bội con heo" thì nghe hong hay như vậy (à là ý kiến cá nhân thôi)

    ReplyDelete
  20. mình đồng ý với bạn Càfê. mình thích cái câu "con heo," vui quá.

    ReplyDelete
  21. Sự tôn thời bóng đá ăn vào máu thịt các bạn Tây Ban Nha chả trách sao TBN ko vô địch World Cup

    ReplyDelete
  22. Ố ồ... lại có thêm một vụ muốn "đập vỡ con heo". Hay quá :-p

    Manolito hẳn phả biết là thằng Yihad đã cứu nó khỏi trận bị hội đồng đánh ở quán bar với một cú đấm nhè nhẹ và không gây sứt mẻ mắt kính.

    Con Xì líp Bẩn phải chơi cho thật tận cùng, thật bẩn trong mắt người nhưng bảnh trong mắt nó thì mới biết được ai là vị hôn phu thích hợp với nó.

    Nên chọn ngôi an toàn trong nhà xem Con quỷ Tasmania hay vui đuà thoả thích ngoài công viên Cây Treo cổ?

    ReplyDelete
  23. Tim loi cua dich gia thoi, neu dung tac gia mo phong loi noi cua tre con thi con edit gi nua, thu vi la ai cung benh tre con hihi :) NL goi "quay lai voi tre con" la moi nguoi ai cung quay lai ca :P

    ReplyDelete
  24. Ngày ngày rình rập entry của bạn NL cũng chỉ "tiêu hóa" được mấy cái mẩu này thôi, merci nhé! Đến con heo hay con lợn mình cũng éo dám bình lọ gì chưa nói đến các thể loại "thiên văn địa lý hay văn minh trí thức nhân loại" khác, khà khà khà!

    ReplyDelete
  25. gió xanh gió béo gió ròm
    gió hoang gió chướng gió còm nhiều tên

    ReplyDelete
  26. Gió này gió nọ thế mới vui, lại tiện khi người ta ới gọi mình. Còn hơn cứ Ano, một entry ba bốn cái còm Ano, khi có ai ới gọi, biết người ta gọi bác Ano nào chứ nhể? ;-p

    ReplyDelete
  27. nay U23 VN đá, lại phải lôi bài này ra đọc, thật mình chả khác gì Manolito =))

    ReplyDelete
  28. Cám ơn bttn. Chỗ này như cái nhà kho, Bttn lục hay quá cơ ;) Nhờ bttn mà giờ làm nóng vui quá cơ ;)))

    ReplyDelete
  29. "chỗ này" là sao?

    "nhà kho" nghĩa là như thế nào?

    ơ

    ReplyDelete