Oct 15, 2010

Để chào Linda Lê

Tối hôm qua, Linda Lê ngồi ở một hội trường Hà Nội và mở đầu bài "intervention" của mình như sau:

"Je ne m’arrogerai pas aujourd’hui le droit de parler au nom de ceux qui jettent des passerelles entre l’Orient et l’Occident, ni de ceux en qui sommeille un ambassadeur du brassage des cultures. Ils n’ont guère besoin de moi pour dénoncer l’étroitesse d’esprit et prononcer un réquisitoire contre le rejet du natif d’ailleurs, qui engendre l’aveuglement et le fanatisme."

Ngại dịch lắm, đại khái là Linda Lê từ chối vai trò là người "bắc nhịp cầu Đông -Tây", để phát biểu một cách hết sức cá nhân.


Tất nhiên là như vậy, nhưng tôi vẫn nghĩ, ngồi ở đó không phải một nhà văn cá nhân, mà là một mẫu nhà văn. Mẫu nhà văn đặc biệt hiếm ở bất kỳ nơi đâu, theo kiểu (dans le sillage de) Maurice Blanchot chăng? Những nhà văn rất hiếm hoi chọn một con đường hiểm. Mẫu nhà văn ấy không thể nhân bản đại trà; ở đâu nó cũng hiếm, nhưng ở Việt Nam thì chỉ đơn giản là chưa bao giờ có. Hic.


Đây là đoạn về chính trị trong bài nói của Linda Lê:


"Toute œuvre doit être politique, en ce sens qu’elle s’interroge sur la place de l’individu parmi ses pareils, sur sa contribution à la préservation de certaines valeurs morales, telles que la fraternité et l’humanité, sur son adaptation, difficile ou non, aux circonstances, selon les caprices de la roue de la Fortune, qui avantage quelques élus au détriment du reste du troupeau. Toute œuvre, accomplie dans l’ombre, se révèle ainsi insurrectionnelle : elle ne laisse pas en repos le lecteur, obligé de révoquer ses principes en doute, de se demander si son insertion dans un corps social ne se fait pas aux dépens de sa singularité, s’il ne sacrifie pas aux conventions pour se ménager une issue de secours quand il est amputé de ses ressources."

"Mọi tác phẩm đều phải có tính chất chính trị, hiểu theo nghĩa nó tự vấn về chỗ đứng của cá nhân giữa những người khác, về đóng góp của cá nhân trong việc lưu giữ một số giá trị đạo đức, như tình anh em và sự nhân đạo, về sự thích ứng của anh ta, dù cho có khó khăn hay không, với các hoàn cảnh, theo những thất thường của bánh xe Số mệnh, cái ưu tiên hàng đầu cho một vài người được đặc tuyển và bỏ mặc đám đông còn lại. Như vậy là mọi tác phẩm, được thành tựu trong bóng tối, đều là nổi loạn: nó không để cho độc giả được ngơi nghỉ, buộc anh ta phải đặt nghi ngờ đối với các nguyên tắc của mình, tự hỏi xem liệu việc mình gia nhập một tổng thể xã hội có gây tổn hại tới tính chất riêng có của mình hay không, liệu anh ta có hy sinh vì các quy ước để tự thu xếp cho mình một lối thoát chừng nào bị mất đi các nguồn sống hay không."


------------


Lục lại blog cũ:


Để chào Cioran


“Để chào Cioran” là bài thứ tám trong tập Mặc cảm Caliban (Le Complexe de Caliban).

Tôi nợ ở Cioran sự ngạo nghễ được là một người trú dân*. Tôi gặp ông lần đầu tiên năm mười tám tuổi. Ông đưa cho tôi Lời thú tội của một người ăn thuốc phiện Anh quốc. Nhưng lại nói về một cuốn sách khác của Thomas de Quincey: Cô tu sĩ hiếu chiến Tây Ban Nha**. Câu chuyện cuồng loạn (échevelé) về một cô gái trẻ người xứ Basque thoát ra khỏi một tu viện kín và đi khắp thế giới trong trang phục một chàng thanh niên, giết rất nhiều nhân vật trên đường đi, rất giàu tính khơi gợi đối với kẻ nào yêu các nhân vật nữ không phải là người ở đây. Đọc Cioran, người ta hình dung ra một kẻ ghét người, tự bảo vệ mình trước mọi sự đột nhập, trốn lủi đằng sau các tam đoạn luận của mình để tránh xa những kẻ quấy rầy. Thế nhưng, Cioran lại là con người ân cần nhất mà tôi từng biết. Ông khuyến khích tôi viết, mặc dù bản thân ông từng so sánh tiểu thuyết với một vở bi kịch bán hạ giá. Con người lưu vong, con người rời xa đất nước trong ông thích thú khi có ở bên cạnh mình những người chọn câu “vứt bỏ tất cả” làm phương thức sống. Tôi đã lấy câu này trong Cám dỗ tồn tại làm châm ngôn: “Kẻ nào chối bỏ ngôn ngữ của mình để tiếp nhận một ngôn ngữ khác thì cũng thay đổi căn cước, thậm chí là thay đổi mối thất vọng (déception). Là kẻ phản bội một cách anh hùng, hắn cắt đứt với những kỷ niệm của mình và, cho đến một mức độ nào đó, với chính bản thân hắn.” Tôi đã cắt đứt với bản thân tôi, nhưng tôi cần đến những hình mẫu, các nhà luân lý học giống như Cioran, những người trộn lẫn sự thần bí và một sự sáng suốt sắc nét, trao những từ ngữ cao cấp cho sự bất tiện vì đã sinh ra và biến kẻ trú dân trở thành một nhân vật của tất cả các nghịch lý, và do đó là của tất cả các khả năng. Cioran tâm sự với tôi rằng ông thích những người đã vượt qua mọi giới hạn, vươn đến với sự khoái lạc của im lặng. Ông nói đã thất bại trong việc đạt tới sự thanh thản, bởi vì, cũng giống như các nhà thần bí, ông sở hữu một khí chất nóng nảy (tempérament sanguin) và ông tìm kiến sự thuần khiết trong nỗi hủy hoại, sự chóng mặt của nền đáy ở các độ cao. Ông đã thất bại bởi vì ông nương theo ngôn từ. Cần phải nhìn thấy ở đó một sự thoái vị. Nếu có nhiều lòng ngạo nghễ hơn, ông đã im lìm. Ông yêu Amiel***, người viết không cho ai cả và chỉ luẩn quẩn trong vòng tròn chữ nghĩa của mình như một con sóc nhốt trong lồng. Amiel là đối nghịch hoàn toàn của Cioran, ông có một ý thức Cơ đốc và một bản chất Phật. Ông là một thầy tu lẩn lánh thế giới. Cioran có một ý thức Phật và một bản chất Cơ đốc. Ông thèm muốn cái trống rỗng hoàn hảo nhưng thiên hướng ngả về các giới cực ngăn cản ông lắng nghe các bài học của Lão Tử. Ông nói rằng mình mang trong mình một kẻ sát nhân chưa tự hoàn thiện bản thân, một tên giết người thay vì bắt tay vào hành động thì lại mài giũa từ ngữ và biến lời lẽ của mình thành một lưỡi dao trần gây thương tích lên người đọc và thức tỉnh anh ta. Các văn bản của Cioran ngời lên một thứ ánh sáng làm quáng mắt, không thể chịu đựng đối với ai đó chỉ đòi hỏi ở triết học một sự an ủi. Tôi là kẻ đốt lửa, Cioran từng nói với tôi. Những đám lửa mà tôi đốt lên thanh tẩy tôi. Tôi những muốn trở thành một tên tội phạm, giống như cô tu sĩ hiếu chiến Tây Ban Nha, người giết tất cả những kẻ gặp phải. Điểm yếu của tôi là tin vào thứ ngôn từ gặm nhấm, bóp nghẹt, làm máu sôi lên và cứu rỗi****. Nhưng ai còn tin vào một thứ văn chương cứu rỗi đây? ông tự vấn. Những từ của Cioran đã cứu tôi vào một thời điểm khi tôi nghi ngờ tất thảy. Cioran điều khiển tiếng Pháp bằng sự khéo léo của một người thợ đồng hồ tâm hồn và sự chính xác của một bác sĩ phẫu thuật giỏi xẻo một miếng thịt trên cơ thể sống. Tinh thần của Cioran mang nợ nhiều ở cơ thể ông. Những châm ngôn của ông là những cơn xoáy lốc cuộc đời. Sự hỗn loạn ông làm này sinh ở người đọc của ông mang tính cứu rỗi. Người ta tóm lấy các từ và trở thành người sở hữu những viên kim cương đen sáng lập lòe trong đêm.




* Métèque.
** Vẫn chưa hiểu La Nonne militaire d’Espagne là dịch từ quyển nào nữa. Tên sách của Thomas de Quincey phải nói là hơi linh tinh.
*** Amiel: một nhân vật rất đặc biệt và lừng danh hồi đầu thế kỷ XX, được hầu hết những người tự cho là có nội tâm phong phú yêu quý (Albert Thibaudet từng dành một phần ba quyển Intérieurs của mình cho bác này). Đó là một thầy giáo triết học Thuỵ Sĩ cả đời chỉ làm một việc là viết nhật ký (không bao giờ xuất bản trong khi sống), dày hàng nghìn trang, suốt ngày băn khoăn không biết có nên lấy vợ hay không. Trong tập Caliban Linda Lê cũng có một bài tên là “Amiel”. Ở một chỗ khác LL viết rằng cái tình thế trơ trọi và bị cắt đứt khỏi đất nước, ngôn ngữ đã đẩy bà đến chỗ thích các nhà văn bên lề. Từ đó giải thích tại sao có Cioran và Amiel.
**** Bài này triển khai một loạt từ có cùng căn: saluer (chào), sauver (cứu, cứu chuộc), salutaire (cứu rỗi). Rất khó để tự bản thân những từ này trong tiếng Việt nói lên được sự liên quan của chúng, nên phải có chú thích.

6 comments:

  1. cám ơn phần giới thiệu Linda Lê. like [nsc]

    ReplyDelete
  2. Đọc đồng chí này bằng tiếng Pháp là chết luôn. Thôi cứ chờ dịch thôi :D Merci.

    ReplyDelete
  3. Nhưng mà cái mở Intervention thật hay. Anh có cả bài ko ạ? Thôi thì tiếng Pháp cũng đành. hic.

    ReplyDelete
  4. ừ để anh gửi file đầy đủ cho, chịu khó đọc, 20 trang đấy :)

    ReplyDelete
  5. Tinh thần của Mario Vargas Llosa tương hợp với Linda Lê khi viết thế này: "It is the case that, albeit to a lesser extent, all fiction make their readers live “the impossible,” taking them out of themselves, breaking down barriers, and making them share, by identifying with the characters of the illusion, a life that is richer, more intense, or more abject and violent, or simply different from the one that they are confined to by the high-security prison that is real life. Fictions exist because of this fact."

    ReplyDelete
  6. Đặc biệt thú vị là sự từ chối bắc cầu Đông-Tây, từ chối, như Phạm Quỳnh trước kia và các bourgeois bây giờ, bốc bên này một tí, bên kia một tí (kiểu "vật chất phương Tây - tinh thần phương Đông") rồi trộn lại thành một liều nhão nhoét.

    ReplyDelete