Dec 18, 2010

Disquiet

Không phải là về The Book of Disquiet (Livro do Desassossego) của Pessoa, quyển sách đang trở thành mốt thời gian này đâu đấy nhé :)

Mà là một quyển khác: L'Homme inquiet (Den orolige mannen) của Henning Mankell, trên bìa bản tiếng Pháp (của Anna Gibson, như mọi khi - NXB Seuil, tủ sách "Policiers") ghi: "La dernière enquête de Wallander" (Cuộc điều tra cuối cùng của Wallander). "L'Homme inquiet" có nghĩa "Người đàn ông lo âu". Kurt Wallander đã về già, quãng lục tuần, mua được nhà nông thôn để rời căn hộ Mariagatan như đúng sở nguyện từ rất lâu (cái gì ở Kurt Wallander cũng chậm đến khó tin: một chiếc Peugeot mới mà phải mất vài tập liền Wallander mới mua nổi - vấn đề không phải là thiếu tiền, mặc dù thu nhập của Wallander không cao; chắc bạn hiểu tôi muốn nói gì, cái đó thuộc về bản tính rồi). Ở ngôi nhà mới, Wallander cuối cùng đã có một con chó, một labrador tên là Jussi (hic, là tên một ca sĩ giọng tenor Thụy Điển đấy).

Wallander sẽ không còn điều tra các vụ án nữa. Theo dõi suốt các tập của bộ Kurt Wallander, ý định rời bỏ ngành cảnh sát chưa bao giờ rời bỏ ông, nhưng lúc nào Wallander rồi cũng sẽ "quay trở lại làm cớm", chỉ là sự quay trở lại đó nhọc nhằn ở các mức khác nhau ở những lần. Giờ đây khi việc đó thực sự đến, nó cũng giống như là ta sắp chia tay một người bạn lâu năm, như Wallander từng chia tay Sten Widén người nuôi ngựa đua ở một tâp nào đó, hình như là Chậm một bước. Như là "nhìn những mùa thu đi".

Ở cuối Tường lửa, con gái Linda của Wallander thông báo mình quyết định trở thành cảnh sát. Kể từ đó Linda đã kịp học xong, về Ystad làm cùng sở với bố. Đến L'Homme inquiet Linda sinh một đứa con gái, với Hans von Enke. Và cũng chính là liên quan tới gia đình quý tộc kiêm sĩ quan quân đội cao cấp von Enke mà mọi chuyện xảy ra.

L'Homme inquiet khởi động chậm chạp như mọi cuộc điều tra mà Kurt Wallander từng tiến hành. Lần này còn chậm hơn nữa, hình như là vì nó liên quan đến những cái tàu ngầm, cái thứ chậm rì, nặng nề và phản tự nhiên nhất mà tôi có thể tưởng tượng ra. Câu chuyện thực sự bắt đầu bằng một vụ mất tích. Truyện trinh thám thật ra không có nhiều lựa chọn: tuyệt đại đa số phải bắt đầu bằng một cái chết, hoặc một vụ mất tích. Truyện ma quái (xem phim Polanski thì biết) thì lúc nào cũng tìm cách thu hẹp không gian đến mức tối thiểu: nhân vật chính chỉ nhìn thấy một vài khuôn mặt, không thoát ra được một không gian cực tiểu (để lợi dụng những ám ảnh của chứng claustrophobia?), thế giới rộng lớn bên ngoài, nắng và những đám đông chỉ là các ảo ảnh xa vời, những đích đến tưởng chừng không bao giờ đạt tới được.

Đọc L'Homme inquiet thật là nhọc nhằn, nhất là mấy chục trang đầu. Cũng có thể lý do là vì tôi ghét bọn tàu ngầm ;p

Ở đoạn đầu, Kurt Wallander mắc phải một vụ rắc rối cá nhân liên quan tới công việc. Mọi thứ xuất phát từ một cơn suy sụp tinh thần vì cô đơn và hoảng loạn khó biết nguyên do. Đây luôn luôn là đề tài yêu thích của Mankell, hơn rất nhiều so với những chi tiết vụ án:

"Tuy nhiên, khi về đến Loderup, sau khi đi dạo một vòng với Jussi, sự bấn loạn nội tâm đã chụp lên ông. Thỉnh thoảng ông thấy mình ngập chìm trong một cảm giác bị bỏ rơi, trong ngôi nhà cô độc giữa cánh đồng của ông. Như một xác tàu đắm, ông đã nghĩ. Mình bị đắm xuống ở đây, vào lớp đất dày. Thường thì cơn bấn loạn chỉ kéo dài một quãng thời gian. Nhưng tối hôm ấy, nó cứ dai dẳng mãi. Ông ngồi ở bàn bếp, giở một tờ báo cũ ra và bắt tay lau chùi khẩu súng. Công việc xong xuôi khi mới tám giờ. Sự thúc giục đó từ đâu đến? Ông hoàn toàn không biết, nhưng ông đã quyết định xong. Ông thay quần áo, lấy xe quay trở lại Ystad. Vào mùa đông, thành phố gần như hoang vắng, nhất là vào các buổi tối trong tuần. Tổng cộng chỉ có hai hay ba quán bar và quán ăn còn mở. Đỗ xe lại, ông bước vào một quán ăn trên quảng trường trung tâm. Rất vắng khách. Ông chọn một cái bàn ở góc, gọi món khai vị và một chai rượu vang. Nhưng trước tiên, ông nốc cạn một cốc rượu khai vị. Rồi cốc thứ hai. Nốc cạn, đó là từ chuẩn - ông rót rượu vào nội tạng của mình, hy vọng dìm đi nỗi lo âu. Khi đồ ăn được mang tới, người phục vụ rót đầy rượu vang vào cốc cho ông, thì ông đã say rồi.

- Chẳng có ai nhỉ, Wallander cất lời bình luận. Họ đi đâu cả rồi?

- Dù có đi đâu thì cũng không phải là tới đây. Chúc ông ngon miệng.

Wallander uể oải ăn những gì để trên đĩa. Ngược lại, ông uống hết chai rượu trong vòng chưa tới nửa giờ đồng hồ. Ông lấy điện thoại di động ra, xem tất cả các số lưu trong bộ nhớ. Ông muốn nói chuyện với ai đó, nhưng ai bây giờ? Rồi ông nhét điện thoại lại vào túi, nghĩ rằng ông không muốn cho người khác biết mình đang say khướt. Chai rượu đã cạn, ông đã có khá đủ liều lượng. Nhưng khi người phục vụ tới nói quán sắp đóng cửa, ông vẫn gọi tiếp một tách cà phê và một ly cognac. Khi đứng dậy, thiếu điều thì ông vấp ngã. Người phục vụ quan sát ông, vẻ mệt mỏi.

- Taxi, Wallander nói.

Người phục vụ đi gọi điện thoại - một máy điện thoại gắn trên tường, bên cạnh quầy bar. Wallander lắc lư tại chỗ. Người phục vụ dập máy, gật đầu về phía ông.

Wallander đứng trên vỉa hè trong cơn gió lạnh. Taxi tới, ông leo lên ghế sau. Khi xe phanh lại trước cửa nhà, ông đã sắp ngủ. Ông vứt quần áo xuống sàn rồi thiếp đi ngay sau khi lên giường nằm."

No comments:

Post a Comment