Dec 20, 2010

Tình và rác


Nếu chở người yêu bằng xe máy đi trên phố nhỏ Hà Nội ngay sau một cái xe rác chạy chậm rề rề trước mặt, bạn sẽ hiểu sự kết hợp của tình yêu với rác rưởi là một điều có thể, dù cho nó có kỳ cục đến đâu. Nhưng nói thế nào đi nữa, “Tình và rác” (Ivan Klíma, Bạch Phương dịch, Bách Việt & NXB Văn học) vẫn cứ là một nhan đề không bình thường cho một cuốn tiểu thuyết. Nhìn thấy một cái nhan đề như thế này, hẳn người ta nhanh chóng hiểu ra rằng đây ắt không phải là một câu chuyện tình đơn thuần.

Tình yêu bất khả trong “Tình và rác” đẹp như mọi tình yêu bất khả. Nữ ca sĩ nổi tiếng Patricia Kaas từng tuyên ngôn: “Amour impossible, quoi de plus terrible” (Tình bất khả, còn có gì khủng khiếp hơn đây). Nhân vật chính của “Tình và rác”, một nhà văn, có với Daria, cô nghệ sĩ thích linh hồn lẩn quất trong những thứ đồ vật vô tri, một mối tình trên những căn gác xép, mối tình của những chia tay góc phố và những câu nói rợn người vì buồn bã: “Anh có nghĩ là mọi tình yêu đều ham mê những hy vọng ngang trái hay không?” (tr. 44), ấy là câu Daria hỏi người tình. Câu hỏi này, hẳn không một người đàn ông nào ở hoàn cảnh như Người Tình của Daria dám trả lời.

Sự buồn bã này cứ kéo lê thê suốt cuốn sách, kể cả trong những cuộc trò chuyện bông phèng giữa những người cùng đội dọn rác với nhân vật chính, lẽ ra phải là những con người đầy sinh lực, như các nhà văn thường tạo ra - thì ít nhất cũng nên có một đối cực nào đó trước sự thê lương của rác và những kỷ niệm đau lòng cứ đan cài, xen kẽ với nhau. Người đọc của “Tình và rác” không thể mặc sức thả mình vào một đoạn về mối tình ngang trái nhưng đẹp kia, vì biết chắc rằng chỉ vài dòng nữa thôi họ sẽ quay trở về với phố phường Praha từ điểm nhìn của những con người cả ngày tiếp xúc với bẩn thỉu. Sự buồn bã này có lẽ chính là “màu” đặc trưng của văn chương Trung Âu nói chung, của vùng Bohemia nói riêng, nhất là văn chương của những nhà văn có chung kinh nghiệm trải qua thời kỳ Đức Quốc xã rồi tiếp nối ngay vào một thời kỳ cũng đen tối không kém. Bầu không khí này ta cũng bắt gặp ở trong những cuốn tiểu thuyết mỏng của Kertész Imre khi ông miêu tả đời sống Hungari trong những năm 1970.

Ivan Klíma mang trong mình một quá khứ xa giống với rất nhiều nhà văn thành danh ở châu Âu sau Thế chiến thứ hai: quá khứ của người Do Thái đeo ngôi sao David, trại tập trung, sự sống sót thần kỳ, và niềm tuyệt vọng tiếp theo. Cả bố mẹ lẫn Ivan Klíma đều thoát khỏi trại tập trung (với Klíma đó cụ thể là trại Terezín, đúng ra là một trại trung chuyển tù nhân Do Thái, nhưng cũng không phải là một nơi kém nguy hiểm tính mạng), nhưng sang đến chế độ mới, bố Klíma lại bị bỏ tù. Những nét tiểu sử này được Klíma đưa vào “Tình và rác”, đi kèm với những nhận xét cay đắng: “Ở đất nước chúng tôi, tất cả mọi thứ đều đang vĩnh viễn được tái chế: niềm tin, những tòa nhà và cả tên của những con phố” (tr. 89).

Vậy là thêm một đại biểu xuất sắc nữa của văn chương Séc đã đến Việt Nam, sau những người xuất chúng như Bohumil Hrabal của những truyện hài hước không thể không bật cười và Milan Kundera sâu cay chua chát như màu một bức tường cũ Praha. Dĩ nhiên, còn có một nhà văn nữa rất gắn bó với Praha, tuy không bao giờ viết bằng tiếng Séc: Kafka. Kafka có một vị trí đặc biệt quan trọng trong tâm hồn nhà văn nhân vật chính của “Tình và rác”: sau khi được “khai tâm” về văn chương bằng “Chiến tranh và hòa bình” của Tolstoy, người đã khích lệ con đường văn chương của anh ta là Kafka, mặc dù thật khó hình dung văn chương của Kafka có thể thực sự hỗ trợ tinh thần theo hướng tích cực cho bất kỳ một ai. Với nhân vật chính của “Tình và rác”, tác phẩm của Kafka bị cấm lưu hành tại Séc là vì ông đã quá trung thực. Chắc hẳn vì muốn noi theo tấm gương ấy mà nhà văn của “Tình và rác” đã kết hợp hai thứ đó với nhau ở tác phẩm của mình; trong một bầu không khí dị hợm - và bất khả - mọi kết hợp kỳ cục đều là có thể.

Nhị Linh

1 comment: