“Istanbul. Hồi ức và thành phố” (Orhan Pamuk, Nguyễn Quốc Trụ dịch, Nhã Nam & NXB Văn học)
Không có nhiều hồi ký nhà văn được dịch ra và đón nhận nồng nhiệt ở Việt Nam. Sau “Sống để kể lại” của Gabriel García Marquéz và “Hội hè miên man” của Ernest Hemingway, “Istanbul” của Orhan Pamuk đã kịp thời đến để bổ khuyết cho thiếu hụt này. Istanbul của Pamuk không chỉ là một bức tranh, một câu chuyện kể, mà còn là một tâm hồn sống ngập ngừng thở trên những hoang phế điêu tàn mà chỉ một nhà văn đặc biệt nhạy cảm mới có thể nắm bắt và miêu tả được.
“Vắng mặt” (tiểu thuyết của Đỗ Phấn, Bách Việt & NXB Hội Nhà văn)
Văn học Việt Nam lại thất bát thêm một mùa 2010. Đã lâu lắm rồi các nhà văn Việt Nam nhớn nhác với những cách tân mà dường như quên đi mất rằng văn chương có thể không nằm về “phương ấy”. Khi các giải thưởng văn học chính quy đều gắng gượng mà trao, một nỗ lực nho nhỏ về kể chuyện giản dị như “Vắng mặt” của họa sĩ Đỗ Phấn hoàn toàn xứng đáng được coi là một điều có ý nghĩa cho một năm buồn bã của văn học trong nước.
“Oh boy!” (Marie-Aude Murail, Trần Anh Thư dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn)
Một tác phẩm thuộc dòng nhiều người đọc nhưng ít khi thực sự được đánh giá cao: văn học thiếu nhi. “Oh boy!” bắt đầu đưa đến Việt Nam loạt tác phẩm của Murail, một nhà văn chắc hẳn rồi đây sẽ được xếp vào hàng kinh điển của lịch sử văn học thiếu nhi thế giới. Năm 2010 cũng chứng kiến một sự tăng tiến nhảy vọt của dòng sách văn học thiếu nhi ở rất nhiều tiểu thể loại và với sự tham gia của rất nhiều cơ sở xuất bản.
“Tình và rác” (Ivan Klíma, Bạch Phương dịch, Bách Việt & NXB Văn học)
Cuốn tiểu thuyết xuất bản vào cuối năm củng cố thêm cho sự thắng thế trở lại của một số nền văn học lâu nay ít được quan tâm như văn học Hungari, Ba Lan, Ý… Klíma, một nhà văn lớn người Séc, đưa chúng ta quay về với một bầu không khí chính trị ngột ngạt tại các nước thuộc khối Đông Âu trước đây với một giọng văn buồn bã bậc thầy rất hiếm thấy.
“Tư liệu các Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII” (Hoàng Anh Tuấn biên soạn, NXB Hà Nội)
Trong dòng sách nghiên cứu, đây là một cột mốc quan trọng trong tiến trình nhìn lại lịch sử Việt Nam từ những khía cạnh mới, xuất phát từ các nguồn tài liệu mới. Các Công ty Đông Ấn có một kho lưu trữ khổng lồ, trong đó có hàng vạn trang liên quan đến Việt Nam. Lịch sử Việt Nam, để có thể toàn diện, còn cần được đặc biệt quan tâm về phương diện thương mại. Dĩ nhiên, lịch sử không chỉ gồm có những nhà chính trị và quân sự kiệt xuất, cùng những câu nói lừng danh và các âm mưu xảo quyệt được hậu thế say mê.
No comments:
Post a Comment