Aug 10, 2011

Văn chương của sự không vô can


Trong vòng hơn nửa năm kể từ khi tiểu thuyết những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần xuất hiện và mau chóng trở thành một sự kiện, văn xuôi Việt Nam của năm 2011 thêm phần phong phú nhờ sự đóng góp của hai nhà văn kỳ cựu, Nguyễn Xuân Khánh (tiểu thuyết Đội gạo lên chùa) và Ma Văn Kháng (tiểu thuyết Bóng đêm), trong đó một nổi bật về độ dày dặn, một cho thấy nỗ lực theo đuổi ngôn ngữ thời đại của tác giả. Rồi, chất lượng văn xuôi của năm nay đã tăng lên cùng sự xuất hiện tác phẩm của hai nhà văn đang rất sung sức và được nhiều người mong chờ: tập truyện ngắn Lãng du của Tạ Duy Anh và tiểu thuyết Chảy qua bóng tối của Đỗ Phấn.

Lãng du (NXB Thời đại) tập hợp 11 truyện ngắn viết trong những năm gần đây của Tạ Duy Anh, trong đó một số đã kịp nổi tiếng từ trước như “Mr. B.”, “Lãng du” hay “Gã lộn ngược”. Không bắt mình dính chặt vào tác phẩm quá khứ, trong cả tập truyện này Tạ Duy Anh chỉ còn để phảng phất bầu không khí hậu cải cách ruộng đất (từng đậm đặc trong “Bước qua lời nguyền” của cách đây hơn hai mươi năm) trong truyện “Lão đào mồ”. Cũng không tự buộc mình vào một hình ảnh khổ nhọc của viết lách gò bó từng hiện lên rất rõ trong Lão Khổ hay Đi tìm nhân vật, Tạ Duy Anh đã có một sự ung dung đáng kể trong lựa chọn đề tài và triển khai câu chuyện, cũng như cách hành văn, đặt câu.

Điều đặc biệt của Lãng du là đa phần các câu chuyện đều hướng tới việc trở thành một phúng dụ hay ngụ ngôn, để trình bày những ý tưởng có tầm vóc phổ quát, chẳng hạn như về ký ức: “ký ức cũng biết chơi trò gian giảo” (“Lãng du”, tr. 91) hay về sự sống, chết: “Người khôn không phải chọn thời để sống mà chọn thời để chết” (“Chết thử”, tr. 130). Nhưng điều còn đặc biệt hơn là một số truyện dường như lúc nào cũng sẵn sàng để trở thành một ngụ ngôn làm độc giả ớn lạnh, rồi rốt cuộc lại không thành, cứ ở đâu đó ngấp nghé nơi ngưỡng cửa. Có lẽ bởi Tạ Duy Anh quá mơ hồ, nhưng cũng có lẽ bởi chính điều ngược lại: chúng quá rõ ràng, mà ví dụ rõ hơn cả là truyện “Cha tôi, tôi và con trai”, một minh họa quá khéo léo cho triết lý “ném chuột sợ vỡ đồ quý”.

Sự ung dung của viết lách ấy, Đỗ Phấn đã có ngay từ tiểu thuyết đầu tiên của mình, Vắng mặt, để giờ đây tiếp tục thể hiện và phát triển trong Chảy qua bóng tối (NXB Trẻ). Nhưng cũng chính vì sự nhuần nhuyễn và trôi chảy này mà Đỗ Phấn dường như khiến chúng ta lúc nào cũng đụng phải một nghịch lý trong sự viết: câu chuyện diễn biến rất hoạt và nhanh nhưng cứ liên tục bị vấp vào hằng hà sa số dấu chấm hỏi đặt ra như các chướng ngại vật mà ta phải vượt qua. Nhân vật không ngớt tự hỏi mình, và tác giả cũng liên tục đặt câu hỏi. Nếu chịu khó ngồi thống kê chi tiết, Chảy qua bóng tối có lẽ mang nhiều dấu chấm hỏi nhất trong số các tiểu thuyết Việt Nam từ trước đến nay.

Chảy qua bóng tối xoay quanh Xóm Bến ven sông với các nhân vật chính Quảng, Hoạt, Thuận, Chiến, rồi những người đàn bà và những đứa con. Đỗ Phấn không ngại thoải mái miêu tả đồ vật và phong cảnh thiên nhiên, những thứ giờ đây thường bị các nhà văn trẻ dè dặt tránh đi. Những miêu tả ấy thường xuyên tinh tế và cầu kỳ, kỹ lưỡng. Tác giả (như đã thấy trong Vắng mặt) cũng cầu kỳ trong rất nhiều miêu tả cảnh ân ái, không bao giờ sống sượng nhưng cũng không bao giờ hời hợt trong sự e lệ, thẹn thùng, và nổi bật lên từ các khía cạnh ấy là nỗi quyến luyến: với quá khứ, với những con người và những cảnh vật.

Một đặc điểm của cách viết Đỗ Phấn trong Chảy qua bóng tối là những lời xen ngang ở cuối mỗi chương của tác giả, với một câu lặp đi lặp lại nhiều lần: “Mình viết như thế! Mình viết như thế!” Thủ pháp này hẳn là cần thiết trong một cuốn tiểu thuyết nhiều khi không xác định được đâu là nhân vật chính, nó cho thấy nhà văn không vô can đối với câu chuyện của mình, cũng như với cuộc sống xung quanh. Đỗ Phấn luôn luôn dùng tới tài nhận xét của mình để giữ câu chuyện lúc nào cũng sát kề với cuộc sống thực. Tính chất ấy, tức là chủ đích không chối từ vai trò can dự của nhà văn, cũng đã xuất hiện không ít lần trong tập truyện ngắn của Tạ Duy Anh, nhất là dưới dạng lộn ngược của truyện ngắn “Những kẻ vô can”.

10 comments:

  1. Ấn tượng của tôi về TDA là Xưa kia chị đẹp nhất làng (cái năm rầm rộ giải thưởng với rất nhiều truyện ngắn đáng đọc ấy...) Và thấy TDA cũng chỉ nên viết truyện ngắn (hay là tôi chỉ nên đọc truyện ngắn của ông ấy thôi :)
    À, bác thấy chưa, bác vừa gieo vần ồn một cái, thế là có ngay một cái entry kéo dài mấy chục comment, hiểm thật!

    ReplyDelete
  2. "Đỗ Phấn không ngại thoải mái miêu tả đồ vật và phong cảnh thiên nhiên, những thứ giờ đây thường bị các nhà văn trẻ dè dặt tránh đi."

    Em tò mò chút, tại sao các nhà văn trẻ bây giờ lại dè dặt tránh việc miêu tả đồ vật và phong cảnh thiên nhiên?

    ReplyDelete
  3. BA: chắc là không biết tả, hoặc lười, hoặc cho rằng như thế mới "hiện đại":)

    ReplyDelete
  4. ý bác Ly là bây giờ TDA già mất rồi không đẹp nhất làng được nữa chứ gì :p

    để hôm nào rảnh tôi lục lại những đoạn tả cảnh của vài bạn nhà văn gần đây hí hí

    ReplyDelete
  5. Híhí, em cũng mún học văn tả cảnh và tả đồ vật:). Anh Nhị Linh chép lại vài đoạn làm mẫu đi.

    ReplyDelete
  6. đợi xem tả ngón tay út thế nào đã :pp

    ReplyDelete
  7. Vầng, trộm mồm chứ tóc tai rụng tiệt cả rồi, đẹp làm sao được nữa :)
    Nhắc đến tả cảnh lại nhớ đến ngày bé đọc những đoạn tả cảnh núi rừng của ông Ma Văn Kháng, thèm đi nhỏ rãi...
    Giờ thì... lại có tả ngón tay út à... nghe quen quen. Có phải là cái ngón tay út "cong cong" khi cầm tách trà phải không nhỉ??

    ReplyDelete
  8. mới đọc được chiêu gãi ngón tay của ca sĩ Đ. trên TTVH:))

    ReplyDelete
  9. hí hí, bắt ghế ngồi đợi trước hiên nhà. [kiểu này đợi tới lúc mình tả được cảnh và đồ vật chưa chắc đã có]

    Ngày xưa nghe giang hồ đồn là có người vì thấy mình không miêu tả được nên quyết không làm nhà văn, giờ không biết đã học thêm được gì chưa?

    hay là "vinh quang và phẩm cách nằm ở chỗ họ không viết"? ;)

    @GM: Em tưởng, trong viết văn, "miêu tả" dễ hơn một số thứ khác.

    ReplyDelete
  10. Văn miêu tả ở VN đọc Tô Hoài em thích đủ rồi:P. Không nhớ ai tả "cảnh" bà lão mù nuôi con mà lần đầu tiên đọc, em nôn. Về ngón út, em trình bày trước là cố ý chú ý tới công năng sử dụng, ngoáy và ngọ ngoạy một số thứ (liên tưởng "con sâu":D). Đọc Hugo tả thích, nhưng em không hình dung được việc một cuốn tt bây giờ tả chỉ để mà tả. (Tại chưa đọc Đỗ Phấn).

    ReplyDelete