Jan 11, 2012

Một năm sách vở

báo Tết :d

Lại thêm một lần nữa, khi năm sắp kết thúc, giới xuất bản có cảm giác u ám vì những khó khăn gặp phải, còn độc giả thì thở dài vì hình như trong năm, tình hình vẫn là sách in ra thì nhiều nhưng đại đa số là sách dán mác best-seller.

Khó khăn chung thì vẫn muôn thuở: kinh tế khủng hoảng, cạnh tranh khốc liệt, sách lậu hiện ra ở mọi ngõ ngách, thêm cả một điều mới mẻ bắt đầu xuất hiện sau chừng dăm bảy năm ngành xuất bản thực sự đi theo một hướng mới: có vẻ như số lượng sách in ra đã đạt tới mức bão hòa, độc giả thể hiện một sự thờ ơ nhất định với cả những mảng sách theo truyền thống rất được quan tâm.

Như một “triệu chứng”, ngay đầu năm 2011 cuốn tiểu thuyết những ngã tư và những ngọn đèn (Trần Dần) được in ra, số phận tác phẩm của nhà thơ tự nhận mình “được cái hoạn nạn” này như thể tương ứng với một năm nhiều sự kiện mang tính chất hoạn nạn của ngành xuất bản, cũng như vẽ ra những ngã tư vô hình cho các hướng đi của sách vở.

“Đại lộ lớn” của ngành xuất bản Việt Nam hiện nay là sách thiếu nhi, các dòng romance, chick-lit, phiêu lưu, kỳ ảo. Sự co lại của những tác phẩm văn học lớn của thế giới là điều dễ nhận thấy trong năm 2011, sau vài năm khá tưng bừng. Sau một năm, ta chỉ có thể điểm thấy một số tác phẩm tốt của văn học dịch như Người phàm (Philip Roth), Nỗi lòng (Natsume Soseki), Thất lạc cõi người (Dazai Osamu), Casanova ở Bolzano (Márai Sándor), Nếu một đêm đông có người lữ kháchTử tước chẻ đôi (Italo Calvino), Đổi chỗ (David Lodge), Gỗ mun (Ryszard Kapuściński), Một tiểu thuyết PhápCửa sổ trên tháp đôi (Frédéric Beigbeder). Như vậy là sau một số năm sách văn học dịch trình độ cao được khai thác trên diện rộng với không ít thành quả, lượng độc giả của mảng sách này không những không tăng mà còn có dấu hiệu giảm.

Cả ở mảng sách không phải văn học, sự hào hứng và rầm rộ của những năm vừa qua cũng phai nhạt tương đối nhiều, tác phẩm nghiên cứu lớn hiện diện được trong các hiệu sách phổ thông khá ít, đó là trường hợp của Gen vị kỷ (Richard Dawkins), Người lính thuộc địa Nam Kỳ (Tạ Chí Đại Trường), Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại Nam Kỳ 1862-1874 (Trương Bá Cần), Luận về biếu tặng (Marcel Mauss), Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885 (Yoshiharu Tsuboi), Người Ba-na ở Kon Tum (Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi).

Sự tập trung quá nhiều vào các dòng sách dễ dàng tìm thấy độc giả (tạm gọi là sách best-seller) không có gì là xấu, vì nhu cầu của xã hội là vô cùng đa dạng, và người có “gu” đọc khác nhau đều có quyền tương đương về việc được thỏa mãn nhu cầu, nhưng hiện tượng đó cũng đặt ra một số vấn đề: nó cho thấy ngành xuất bản đang thực sự gặp khó khăn, cố gắng “lấy ngắn nuôi dài”, thậm chí nếu mệt mỏi quá thì bỏ luôn dài mà chỉ nuôi ngắn; độc giả Việt Nam không mấy ưa sách có chất lượng cao, tác phẩm nghiên cứu dài hơi, sâu sắc, và nhóm độc giả tạm gọi là “cao cấp”, đủ sức tự đánh giá chất lượng sách dừng lại ở số lượng nhỏ, không mấy phát triển theo thời gian; phong trào “văn hóa đọc” nghe chừng rộn ràng mấy năm qua thực chất mới chạm đến được bề mặt của sách vở chứ chưa có khả năng dò xuống những tầng sâu hơn của vấn đề.

Một nền xuất bản lành mạnh và có chất lượng cao là nền xuất bản ra được sách của những tác giả khó, kỹ tính, sâu sắc nhưng không dễ tiếp nhận, bên cạnh sự sôi động nhộn nhịp của các dòng sách và tác giả ăn khách ở các thời điểm. Các tác giả trình độ cao, nhất là nhà văn lớn, thông thường không trở thành một hiện tượng bán hàng ồ ạt, nhưng những nhà xuất bản lâu năm, nhiều kinh nghiệm đều hiểu rằng muốn thực sự tồn tại lâu dài với một nền tảng vững chắc thì cần tạo ra những sách long-seller chứ không hẳn các best-seller, đấy là còn chưa nói đến tác động của dòng sách long-seller này lên danh tiếng cũng như thứ hạng, uy tín của nhà xuất bản trong thế đối sánh với các cơ sở khác.

Những long-seller này ở Việt Nam những năm vừa qua thể hiện ở một số trường hợp, chẳng hạn các phẩm được tái bản nhiều lần trong nhiều năm của Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh, Haruki Murakami, sách của các tác giả thuộc vào hàng kinh điển: Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Dostoevsky rồi Nghìn lẻ một đêm, Truyện cổ Grimm. Ngoài ra còn cần kể đến một xu hướng khác đã bắt đầu phát triển, ở một mức độ khá ngầm không dễ thấy nhưng cũng kiên trì và đã đạt được một số thành tựu: đó là công việc in lại các tác phẩm một thời gian dài vắng bóng. Vài năm trước đó là Phan Khôi, Vũ Bằng, Trương Tửu, Kiều Thanh Quế, Vũ Đình Long… và trong năm 2011 vừa rồi những người hiếu cổ vui mừng được thấy lại những tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật, hai tập tác phẩm văn xuôi Lưu Trọng Lư và một tuyển tập tác phẩm khảo cứu của Đào Trinh Nhất.

Có một điều khá kỳ lạ cần nhắc tới cuối cùng, ngành xuất bản huy động nhiều tác nhân vào từng dự án sách, và nếu nhìn qua thì tính chất tập thể, tính chất xã hội của sách vở nổi lên rất rõ, nhưng thật ra, ở chính nơi đây, vai trò của các cá nhân lại rất to lớn. Chắc chắn là ở Việt Nam vai trò (trong bóng tối) của các nhà biên tập còn chưa được nhìn nhận đầy đủ, mặc dù họ chính là những người chính yếu quyết định hướng đi của toàn bộ cỗ máy sách vở. Chẳng thế, không hẹn mà gặp, vào cái thời sách in lâm vào tình trạng bi đát, thậm chí đứng trước mối đe dọa phải biến mất, mấy tác phẩm văn học lớn gần đây đã vinh danh các nhà biên tập sách như là những yếu tố quan trọng của nền tri thức: đó là nhà biên tập ương bướng mang biệt danh “Don Quixotte” trong tiểu thuyết Dublinesca của Enrique Vila-Matas, và cả trong hai bộ tiểu thuyết lớn lừng danh nhất của vài năm trở lại đây đều có hình ảnh nhà biên tập vô cùng độc đáo: nhân vật Komatsu trong 1Q84 của Haruki Murakami và nhân vật Bubis trong 2666 của Roberto Bolaño.

-----------

hehe, cùng Philippe Claudel, PA25 vào Viện Hàn lâm Goncourt

10 comments:

  1. Đã đọc báo Tết.

    Đoạn liệt kê không thấy nhắc Trò chuyện trong quán La Catedral, Những thứ họ mang, Người không quê hương, Ông hoàng mưa?

    Dù sao thì cũng bi đát nhỉ, cứ phải đếm trên đầu ngón tay thế kia.

    ReplyDelete
  2. Không kể hết vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu là vì ở đây chủ yếu chỉ định nói về một nền xuất bản lý tưởng... chắc không bao giờ có khi mình còn đang sống hehe.

    ReplyDelete
  3. Với cuốn Nỗi lòng của Natsume Soseki mặc dù bản dịch của Đỗ Khánh Hoan nhưng cũng không sướng lắm đâu ạ. Có lẽ do một - phần - trách - nhiệm của người biên tập.

    ReplyDelete
  4. danh sách tác phẩm nghiên cứu lớn ko thấy " Siêu lý tình yêu" , theo e là cuốn khủng nhất năm .

    ReplyDelete
  5. Có vẻ như bác NL "cố tình" ít nhắc đến những cuốn của NXB Tri thức, tiêu biểu như: Đối thoại Socratic, Siêu lý tình yêu...
    Một số dòng sách, một số cuốn mà NL điểm, chưa chắc đã đủ đại diện cho tình hình xb năm qua.

    ReplyDelete
  6. các bác muốn có phụ lục chi tiết đi kèm không :d

    ReplyDelete
  7. Để tạo sự hoàn chỉnh và sự thuyết phục cho bài viết thì bác cần đưa ra những dữ liệu và cơ sở cần thiết và quan trọng nhất cho bạn đọc, chứ đâu phải là cứ có a hỏi đến rồi bác lại vặn lại là "muốn có phụ lục chi tiết đi kèm không"?
    Đây là cách nói không khiêm nhường và bảo thủ đó bác NL ạ!

    ReplyDelete
  8. Đồng ý với "Sự tập trung quá nhiều vào các dòng sách dễ dàng tìm thấy độc giả (tạm gọi là sách best-seller) không có gì là xấu,...chứ chưa có khả năng dò xuống những tầng sâu hơn của vấn đề."
    Hừm, vai trò "trong bóng tối" của các BTV chắc lâu lâu nữa mới được thừa nhận, hay gọi đó là "sát thủ bóng tối" đi nhỉ?!

    ReplyDelete
  9. thích từ " hiếu cổ " anh dùng , mang dấu ấn PQ rõ nét .

    ReplyDelete