Feb 14, 2013

Của nả thuở nhỏ


Một câu thật ám ảnh suốt thời tôi còn nhỏ: “Tã đẹp nói dối”. Đây hẳn là đầu tiên ý vị chua chát, mặt trái của cuộc đời dần dần hiện lên, đe dọa đè lấp những hình ảnh kính vạn hoa lấp lánh trong cái nhìn trẻ con. Tại sao tã đẹp lại đi nói dối, tại sao tã lót lại đẹp, và lại đi nói dối. Cuộc đời này thật ra phũ phàng, những truyện đọc thuở nhỏ ngoài việc mở rộng phạm vi cái nhìn còn giúp con người ta lờ mờ có nhận thức về sự phũ phàng ấy.

“Tã đẹp nói dối” là tên một chương trong cuốn truyện Không gia đình của Hector Malot. Sau này tôi mới biết, tuổi nhỏ của miền Nam trước đây biết quyển truyện này qua cái tên Vô gia đình; suốt một thời bọn trẻ con miền Bắc đọc truyện dịch của Hoàng Thiếu Sơn, thì bọn trẻ con miền Nam đọc truyện dịch của Hà Mai Anh, một người tôi mới được biết là đã qua đời đúng vào năm 1975. Hector Malot và Jules Verne, và cuốn truyện của Amicis ở miền Bắc dưới bàn tay Hoàng Thiếu Sơn tên là Những tấm lòng cao cả, ở miền Nam dưới bàn tay Hà Mai Anh nó tên là Tâm hồn cao thượng. Tôi từng gặp Hoàng Thiếu Sơn một lần, lúc tôi còn rất bé, còn ông ấy đã rất già, trên một căn gác nhỏ chất đầy sách, ông ấy và ông Lê Bá Thảo là những đại thụ của ngành địa lý, tôi theo bố tôi đi chúc Tết thầy, hồi ấy tôi chưa biết được rằng mình được hưởng nhiều lợi ích thế nào từ ông già cô đơn ấy, người không chỉ đã dịch Những linh hồn chết của Gogol, bộ sách mở toang cho tôi cả một thế giới thảm đạm, mà còn đã dịch Cuộc lữ hành kỳ diệu về cậu bé Nils Holgersson, mở ra cả một thế giới lấp lánh, nhưng thật ra cũng vô cùng ảm đạm. Hai tập sách ấy, một màu xanh, một hồng nhạt, là quà tặng cho tôi năm tôi chừng mười tuổi.

Cuộc đọc sách thuở nhỏ là những lần đau thắt tim gan vì tại sao những con sói ấy lại chết, trong Người đi săn và con sói lửa của Nguyễn Quỳnh, tại sao con khỉ Tườu Ngộ trong Ở nơi biển cả lại vô ý bất cẩn để phải bỏ mạng như thế, tại sao cậu bé Tom Jones của Fielding cuộc đời lại trầm luân đến thế, Quasimodo đen đủi đến thế. Và tại sao tã đẹp lại nói dối.

Những lần “vượt rào” bắc ghế lên nóc tủ lục cái va li da khóa kín mới kích thích và tuyệt vọng làm sao. Trong ấy là thế giới khác, thế giới nhất quyết người lớn không muốn bọn trẻ con đụng vào. Mẫn và tôiĐêm màu tím, Trên bờ sông hoang vắngNgã ba đường, nhưng nhất là phải chạm được vào Trăm năm cô đơn huyền bí thì mới đích thực là một sự vươn tới u buồn khó hiểu. Đọc trộm đến đúng trang 150 thì tôi không thể tiếp tục được nữa, mặc dù thời ấy bộ Thủy hử sáu tập mượn từng quyển tôi đọc làu làu, chỉ cần vài tiếng là xơi xong cả tập để háo hức chạy xuống hết năm tầng gác rồi lại chạy lên năm tầng gác nữa đổi truyện. Cú đổi truyện ấy cũng là một đóng góp cho sự hé mở vào thế giới người lớn. Cặp vợ chồng trẻ, người chồng rất cao lớn râu quai nón, cởi trần ra mở cửa, mắt tôi hút vào cái giá sách để hàng Thủy hử nhưng còn bị hút hơn về phía cái giường, nơi người vợ nhỏ nhắn xinh đẹp tuyệt vời tóc rối trễ nải chỉ hiện ra từ phần vai trở lên bên trên cái chăn miệng hơi mỉm cười bối rối trước sự xâm nhập đúng vào một thời khắc riêng tư của một thằng bé chạy nhanh nhưng không nhanh mồm nhanh miệng. Sau đó mấy năm, cô vợ chết vì một chứng bệnh nan y.

Robin lục lâm với “tu sĩ Tấc” bầu bạn với tôi những giờ dài đằng đẵng đi theo mẹ đến cơ quan rồi bị quẳng vào xó thư viện cơ quan. Lần nào tôi cũng chỉ mượn đúng quyển ấy, dù đã đọc đến thuộc lòng. Chắc cần rất nhiều sự kích thích hào hùng để qua được buổi chiều ngây ngất nắng như chẳng bao giờ có thể chấm dứt. Kể từ đó, tôi mắc nghiện những thư viện nhỏ bé chơ vơ chẳng ai đoái hoái ở những góc phố, tầng gác hoang vắng. Những dãy dài giá sách bọc bụi dẫn tôi thẳng đến với Jules Verne, Tám mươi ngày vòng quanh thế giới và nhất là sau này Cuộc thám hiểm trong lòng đất, hồi hộp say mê cả những lần đọc lại khi nhóm người bị núi lửa bất chợt phun trào thổi bắn lên mặt đất, rồi nhà bác học thử nói đủ mọi thứ tiếng mà ông biết, cuối cùng xác định được mình đang ở xứ Phần Lan. Sau này tôi lần mò đọc tất tật những gì Jules Verne từng viết tại thư viện Alliance Française 42 phố Yết Kiêu, cả những truyện chán nhất và dài nhất. Mãi cách đây khoảng trên chục năm tác phẩm đầu tay của Jules Verne mang tên Paris vào thế kỷ XX mới được in dưới dạng di cảo. Năm ấy, bước chân vào nghề nhà văn, Jules Verne đã viết ngay một thứ xám xịt tận thế theo kiểu dystopia nhưng nhà xuất bản Hetzel khôn ngoan lọc lõi đã gợi ý hay là viết về tiến bộ của khoa học và niềm tin của con người vào tương lai, và theo đó Jules Verne đã viết hàng trăm tác phẩm và trở thành Jules Verne, thay vì lẽ ra phải trở thành một Ballard trước Ballard rất rất nhiều năm.

Và cuối cùng là những người da đỏ. Tô-mếch là một kỷ niệm, nhưng tôi còn nhớ mắt tôi đã ghim chặt theo đúng một góc như thế nào vào dãy kệ để sách của hiệu sách lớn nhất Hà Nội hồi ấy trên phố Tràng Tiền khi thấy Cuộc báo thù của người Inca. Rồi Oskeola thủ lĩnh da đỏ, cuốn truyện dạy cho tôi biết rằng khi bị lạc trong rừng ban đêm thì hãy để lỏng cương ngựa cho con ngựa tự tìm đường, nó sẽ hít mùi rễ cây mà đoán định hướng đi. Chỉ có điều sau này chưa bao giờ tôi cưỡi ngựa, cũng chưa cắt lấy cái đầu của tên kẻ thù nào. Tôi chỉ biết mình hoàn toàn hình dung được cảnh tượng.

Andersen, mãi gần đây tôi mới nhận ra, đã đúng tuyệt đối khi nhìn vào thế giới trẻ nhỏ bằng con mắt ấy, con mắt của chết chóc, buồn bã thê lương, ma quái và tuyệt vọng. Chỉ tâm hồn trẻ con mới chứa được hết ngần ấy thứ. Cho dù chương gần cuối của Không gia đình đã tên là “Tã đẹp nói thật”, thì cũng có cứu thoát được gì đâu.

Hình ảnh minh họa :p


Ai mà chẳng mơ thành hảo hán.


Rô bin lục lâm của những buổi chiều không biết ngừng lại.


Biển của một thời đã mất :p


Hai chú bé quá oách.


Người da đỏ ấy. Sau rồi chết sạch.


Sang năm mới rồi đọc lại bài này vẫn thấy buồn cười :p

Thêm hình cho em TN :p


Thêm hình cho bạn Quách :p



45 comments:

  1. Ụa tôi chưa từng nhìn thấy người Inca mí Hảo hán trảng cát. Bạn có cuốn nào của Liên Xô không?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Liên Xô đầy, đang định hôm nào đem trưng bày cả bao tải :p

      Delete
    2. Có cuốn naò về thời Vệ quốc cho tôi mượn nhé :lay lay:

      Delete
    3. Ối, khỏi phải lay :p

      "Tuyết bỏng" đọc chưa? "Đội cận vệ thanh niên" hai tập có phải về thời í không nhể?

      Delete
    4. Khồng, phải là Coxchia-Lùn, đấy mới là đỉnh cao. Hoặc "Ti mua và đồng đội", hoặc "Thời thơ ngây", "Những ngọn cờ trên tháp", "Tuổi mười bày" vưn vưn...Bạn Alex đọc những cuốn ấy đê, đừng đọc mấy cuốn của bạn Nhị Linh. Cái cuốn "Thời thơ ngây" đến giờ vẫn hậm hực là không biết kết thúc truyện dư thế lào, vì mấy trang cuối bị rách mất. Hic.

      Delete
    5. Tuổi 17 toàn con gái mà tận hai tập đọc ớn chết, Coxchia Lùn tớ có quyển đẹp cực hehe. Ti-mua giờ thuộc loại hiếm và đắt nhất trong giới sưu tầm đồ bao cấp :p

      Delete
    6. Coxchia Lùn đã đọc đến thuộc lòng và vì nó mà ước mơ trở thành công nhân đứng máy :beauty:

      NGoài truyện thiếu nhi thì có cái gì phản gián tớ cũng mê lém đó. Kiểu như Chiếc khuy đồng í.

      Delete
    7. Loạt Xê-mi-ô-nốp nhá. À có truyện "Cái chết trên chấm phạt đền" phản gián thể thao nữa :p và truyện gì của Tiệp Khắc có chi tiết vẩy tàn thuốc lá lên cái khóa va li để xem tình nương có ăn trộm tài liệu không, sau này mình đã áp dụng mấy lần trên tinh thần học hỏi há há.

      Delete
    8. Nếu mà nói thiếu nhi Xô Viết á, đỉnh cao của đỉnh cao phải là "Cánh buồm đỏ thắm" :)) :)). Tớ còn nhớ hồi xưa có một cuốn luôn được đem ra phát cho học sinh giỏi là cuốn "Rô bin xơn trên hoang đảo". Cuốn này hình như có nội dung na ná một cuốn nào đó của Jules Verne, về một nhóm tù binh bị rơi khinh khí cầu, phiêu dạt vào một hòn đảo hoang rồi thiết lập cuộc sống dựa trên những kiến thức khoa học, kiểu kiểu thế, quên mất tên truyện dzồi!

      Delete
    9. Thiệt tình, bạn Quách nói thế khác gì bảo mình chẳng bao giờ được học sinh giỏi :p

      Đây, mời bạn ngó hai cái ảnh tớ vừa up thêm, bao nhiêu năm, giờ sách chỉ còn được như thế thôi, thông xảm nhá :))

      Delete
    10. Khồng. Cuốn Cánh buồm đỏ thắm, NXB Cầu Vồng mà tớ đọc hồi xưa là cuốn khổ to, bìa cứng cơ (Giống bác sĩ Ai bô lít ấy). Còn một cuốn nữa là cuốn "Chó hoang Đin gô". Cuốn này cũng là một vết thương lòng đối với tớ. Hồi xưa, tớ mượn một chị hàng xóm đọc, thích lắm, nhớ mãi. Cách đây mấy năm tớ hay la cà một hiệu sách cũ trên đường Nguyễn Trãi, cũng tốn kha khá tiền vào quán này nên thi thoảng cũng được phép đòi hỏi này nọ. Một lần tớ mua cả đống sách với điều kiện tặng thêm cuốn "Chó hoang Đin gô". Đồng chí chủ quán gật ngay, sai đàn em tìm. Tìm mãi không thấy (tìm thật, không phải tìm giả vờ đâu)nên hẹn mình hôm sau qua lấy. Lần sau mình đến, quán đã đóng cửa, nghe nói là không thuê ở chỗ í nữa. Từ bấy đến nay mình không tìm Chó hoang Đin gô nữa. Vì quá đau lòng :)) :)) :))

      Delete
  2. Ngày xưa phiên âm hay của nó :))
    Nhị Linh có Chú bé sợ toán không?

    ReplyDelete
    Replies
    1. không có mới đau :( hồi í hình như là mượn thư viện đọc, nhìn chung hồi ấy mượn đọc nhiều chứ có được sở hữu mấy đâu, Mít Đặc em còn chả có hehe

      Delete
  3. Mình nhớ có một truyện nào ấy của Tàu, có cô gái kia bị ép gả đã hỏi bà vú: đời này buồn hay vui? nếu đời này là buồn thì em sẽ nghe lời đi lấy chồng, nếu đời này vui thì em sẽ tự vẫn!

    Đúng là đời buồn thật, vì ai ai cũng còn sống cả :(

    ReplyDelete
  4. Ở đây toàn sách em mới mua đấy, ngày xưa chỉ có Chú bé Ti-co-lo với cả Ở nơi biển cả thôi.

    ReplyDelete
  5. Đọc cái này em thấy vừa buồn vừa dzui.:D

    ReplyDelete
    Replies
    1. thấy buồn là bị mắc bẫy đấy :p

      Delete
  6. Trăm năm cô đơn bố em cất kỹ quá, sát trần nhà nên không leo lên lấy trộm được, chẳng phải vali ngăn tủ khóa gì sất. Cứ trưng ra đấy mới ngứa mắt. Thế mà đến bây giờ vẫn chưa đọc :)) Hồi ấy đành an phận với Nghìn lẻ một đêm và truyện Tàu. Andersen thì tất nhiên là khóc nát bét sách, bao giờ cũng là favorite. Nhờ ổng mà biết Đời không như là mơ từ lớp 1. Trong gia đình đọc khi bé. Sau này lớn đọc Trong gia đình và Về với gia đình thấy chán hơn hẳn. Mà quyển cuối, không tìm ra được tên gốc tiếng Pháp là gì.

    ReplyDelete
    Replies
    1. En famille. Bản dịch Sài Gòn (hình như cũng Hà Mai Anh) là Trong gia đình thì phải.

      Delete
  7. Vâng, đúng rồi. Nhưng Về với gia đình cơ. Cuốn mà có chi tiết cậu bé còn bị làm ở mỏ than ấy.

    ReplyDelete
  8. À tìm ra trong Wikipedia của Hà Mai Anh: Hóa ra là Romain Kalbris. Hình như tiếng Việt có mỗi bản của dịch giả này thôi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. giời, thế sao không hỏi sớm, nhìn cái ảnh anh mới up lên kia kìa :p

      với cả chắc em nhớ nhầm rồi, truyện này là về thằng bé đi biển, còn chuyện mỏ than vẫn là "Không gia đình"

      Delete
    2. Hehe thế à :D Lẫn cẫn rồi. Quyển nọ quàng sang quyển kia. Nhưng rõ ràng Sans famille vẫn ấn tượng nhất nhỉ :D Giữ được sách oách thế? Hay là anh mới đi chăn về gần đây thôi?

      Delete
    3. Tất cả trên đây đều mới thửa đấy :p

      Sách còn giữ được (ít lắm, mất nhiều ghê rợn) thì ví dụ như thế này hehe:

      http://nhilinhblog.blogspot.com/2011/04/sach-xxxii-sach-van-con-cua-mot-thoi.html

      Delete
    4. Thôi được rồi, để hè em về lục gầm giường bố xem còn gì liên hoan được ko hehe. Mọi thứ đã được chuyển từ trần nhà xuống gầm giường.

      Delete
  9. Có nhiều bạn cùng chung hồi ức "bắc ghế lục trộm valise sách" nhỉ? He he. Hồi xưa mình cũng toàn thế, nhưng sách của bố mình toàn truyện phản gián Liên Xô. Đọc say sưa phết. Vụ Tô mếch và Thủ lĩnh tia chớp đen vẫn là một nỗi niềm cay cú của tớ với bạn Nhị Linh. Rõ ràng hai đứa cùng lục cái đống sách phế thải ấy, vậy mà bạn Nhị Linh lại tóm được mà tớ thì sau khi nghe tin trèo lên lục lại cũng không tìm được nữa. Ôm mối hận lòng từ bấy đến nay, vết thương vẫn chưa liền miệng. Mỗi lần nhìn thấy chữ "Tô mếch" là lại thấy đau lòng. :)) :))

    ReplyDelete
  10. Mình tưởng bản Không gia đình phổ biến của miền Bắc là Huỳnh Lý dịch chứ nhỉ?

    Cuốn Cuộc du lịch kỳ diệu của Nin Hơ Gớc Xơn do Hoàng Thiếu Sơn dịch có vẻ khác bản mình có (chưa xem lại được ai dịch).

    Ngoài ra còn có Cuộc phiêu lưu của Pinh Gơ Lơ (2 tập) của Liên Xô cũng hấp dẫn lắm (là hồi ý).

    ReplyDelete
    Replies
    1. À, tôi không nói Hoàng Thiếu Sơn dịch "Không gia đình". Loạt ấy là Huỳnh Lý, "Trong gia đình" là người khác dịch nhưng cũng Huỳnh Lý hiệu đính. Hoàng Thiếu Sơn dịch "Cuộc lữ hành kỳ diệu" Nils Holgersson và "Những tấm lòng cao cả" thôi.


      Trong số các "Pinh" hồi ý thì tôi nhớ nhất "Xa-mu-en Pinh", thật ra là một câu chuyện rất buồn.

      Delete
  11. Các cụ đều già mà còn tươi nhỉ,
    Con cũng giống các cụ, cũng thi thoảng bon chen sách cũ, mỗi lần cả bị mang về nhà (giờ thì đường Nguyễn Thái Sơn chỗ con mua vừa rẻ vừa tình ấy nó dẹp để làm đường rồi ạ).

    Nhưng các cụ ơi, con hỏi điều này, sao con đọc nhiều nhưng quên cũng nhiều, chỉ nhớ sơ sơ đại ý, cốt truyện, tình tiết lớn, còn câu cú, hành văn, sao quên tiệt tọc ạ.
    Cũng muốn lưu giữ cái hay, cái đẹp để sau này dạy con của con, dạy học trò của con, nhưng không thể ạ.
    Con còn nhỏ tuổi, muốn hỏi các cụ, mong cụ chỉ giáo ạ!

    ReplyDelete
  12. Xa mu en Pinh chính là bản in về sau với phiên âm kiểu khác của Pinh gơ lơ. Bản sau này chỉ có một tập và khổ to (không nhớ có phải in ở Liên Xô không). Tác giả hình như của một loạt tác phẩm khoa học viễn tưởng của Liên Xô: đầu giáo sư Đô oen, Người cá, Người tìm thấy mặt…

    ReplyDelete
    Replies
    1. Trùng tên bạn ạ, tác giả Người cá, Đầu giáo sư Đô-oen... là Aleksandr Belyaev, ông này VN dịch rất nhiều.

      Samuel Pingl lại là của Sergey Belyaev, hình như VN chỉ dịch mỗi cuốn Pingl.

      Pin-gơ-lơ 2 tập, với Pinh 1 tập là do 2 người khác nhau dịch.

      Delete
    2. hí hí thảo nào thấy khác nhau thế :p

      Delete
  13. Hình như in ở LX đấy bác, bìa cứng màu tím có hình biểu diễn xiếc bay ra từ nòng khẩu đại bác, chi tiết đáng nhớ nhất của truyện. À mà là "Xê-mu-en".

    tetekh: đọc mà quên được chính ra mới là tốt chứ :p

    ReplyDelete
  14. Cho em mượn cuốn Tix-tu ngón tay cái xanh được ko?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nghe như phần thưởng cho độc giả lâu năm nhỉ :p

      Delete
    2. Thế có được coi là đồng ý ko?

      Delete
    3. Có gì mà không được. Cần gì thì drop cái mail nhé: nhilinhblog@gmail.com.

      Delete
    4. Nghe cứ như cần gì có đó nhỉ? :P

      Delete
  15. Hi Linh

    Mình đang kiếm truyện "người đi săn và con sói lửa", tìm kiếm lâu rồi mà không có được, mình có gửi mail cho bạn theo địa chỉ nhilinhblog@gmail.com
    Nếu có mong bạn chia sẻ với mình. Thân!

    ReplyDelete
  16. Chào Nhị Linh. Mình tìm kiếm truyện Ở Nơi Biển Cả và Tix-xu Ngón tay Cái Xanh đã rất lâu rồi. Hôm nay tìm được blog của bạn mình mừng quá. Thấy cái bìa sách vẫn y như trong ký ức ngày bé. Bạn có thể cho mình mượn để đọc lại được không? Nếu không thì cho mình xin bản ebook cũng được. Mail của mình là kimngadao@gmail.com.
    Cảm ơn bạn rất nhiều.

    ReplyDelete
  17. Chào Nhị Linh. Mình đã tìm kiếm rất lâu những cuốn truyện thiếu nhi mà bạn viết ở trên. Mình muốn đọc lại truyện chuyện Tix-Xu Ngón tay Cái Xanh và truyện Ở Nơi Biển Cả. Liệu mình có thể mua những cuốn sách đó ở đâu? nếu không bạn có thể cho mình xin bản ebook được không? Email của mình: kimngadao@gmail.com
    Cảm ơn bạn rất nhiều!

    ReplyDelete
    Replies
    1. bạn thử tìm trên sachxua.net xem, thường thì trên đó sách gì cũng tìm được cả :p

      Delete
  18. Mình rất xúc động khi nhìn thấy bìa cuốn sách 'Ở nơi biển cả", Mình đã đọc cuốn này hồi lớp 6 do 1 cô ban cùng lớp cho mượn.Mấy năm qua nhiều lần tìm ở các hiệu sách cũ, trên mạng nhưng ko thấy, mình muốn cho con trai được đọc cuốn này vì nội dung rất bổ ích

    ReplyDelete
  19. Chào bạn.
    Bà xã mình rất thích cuốn Ở Nơi Biển Cả và mong muốn cho con gái đọc.
    Mình tìm rất lâu rồi không thấy. Thấy bạn có mình mừng quá.
    Mong bạn tao điều kiện giúp đỡ.
    Trân trọng!

    ReplyDelete
  20. nếu bác không phải tiến sĩ văn hoá đọc thì cũng có thể được :p

    ReplyDelete