Jun 26, 2013

Từ điển và Thế giới

Borges từng viết rất nhiều về thư viện-mê cung, thư viện như một cách hình dung về thế giới. Ông còn viết không ít, lấy cảm hứng rất nhiều từ những quyển từ điển.

Từ điển mô phỏng thế giới, nhưng đã xếp thành trật tự.

Từ điển là một dạng thế giới song song: một bộ từ điển lý tưởng có thể hình dung là quyển có chứa từ tương ứng với bất kỳ cái gì có ở trên đời.


Hai bài thơ dưới đây suy nghĩ về từ điển. Tôi chỉ nói là cả hai đều rất đặc biệt.



nghĩ quanh từ điển

(Nguyễn Ngọc Tư)

Cay se bay lên khỏi bã trầu
đắn đo hằn vết cắn môi
tàn cuộc đôi co loi ngoi nước bọt
những từ tươi quẫy khỏi mặt giấy vàng,
từ gốc Hán cũ càng ngoảnh lại cố hương

nổi trôi trên lớp lớp người
theo đổi dời chúng dai dẳng sống
mẹ mớm cho con chỉ mỗi yêu thương
hóa kim khí rít qua răng vị tướng
thành lời kêu than của kẻ ăn mày

bắt quả tang đê hèn đang làm đau người khác,
chơ vơ đi lẻ
đẹp nịnh bợ chính mình
hạnh phúc thì rộng rinh, đổ vào bao nhiêu niềm vui không chật
(tựa như hạnh phúc là từ không có thật,
giống như công bằng, tự do)
khoảng giấy trắng mang nhiều giải nghĩa nhất

tan nát theo chân cô dâu đi từ giã mối tình đầu
chim mắt đỏ rắc bìm bịp lên sông gọi nước
chiến thắng cắm cờ lên xác anh em
tự tử sủi tăm khi chìm xuống đáy

lời yêu tê dại của người đàn bà Cổ Loa đã hóa thạch,
áp tai vào đá nghe u ơ
tự giải nghĩa u ơ là một nụ hôn ngộp thở

cả ngàn trang không gặp từ tả nhớ,
bới khoảng không sau cuốn sách khép hờ
tìm một từ to bằng một ngàn trống trải, lại nhỏ như một cái xiên dính chặt tim vào xương ức
mỗi nhịp đập mỗi đau
không chết được


Bài dưới đây của Charles Simic, đăng trên The New Yorker số mới nhất:


The Dictionary


Maybe there is a word in it somewhere

to describe the world this morning,
a word for the way the early light
takes delight in chasing the darkness
out of store windows and doorways.

Another word for the way it lingers

over a pair of wire-rimmed glasses
someone let drop on the sidewalk
last night and staggered off blindly
talking to himself or breaking into song.


-----------


11 comments:

  1. Hơn 45 năm sống ở nước ngoài, tôi không biết đã giở các cuốn từ điển song ngữ (Pháp/Đức/Anh/Hán - Việt) được tổng cộng bao nhiều lần, nhưng chắc là không tới 100 lần, mà đa phần là cuốn t/đ Hán - Việt của ĐDA. Xin lỗi, nếu "còm" này chẳng liên quan gì đến hai bài thơ trên, mà tôi không hiểu gì cả! Nhưng có thể liên quan với 'note' trên. Nhớ lại, thì quả thật, những năm tiểu học, tôi bắt đầu xờ mó, đụng chạm đến thế giới bên ngoài qua cuốn từ điển Larousse cũ mèm, bìa - bọc vải đen - rách teng beng, theo gia đình tôi vượt Vĩ tuyến 17 vô Nam năm 54, cùng với một số sách truyện (Le Livre de mon Ami), sách toán tiếng Pháp (Lebossé...). Nhờ có "tủ sách" đó mà thủa nhỏ tôi đã "thuộc lòng" đường phố Paris trước khi mạo hiểm ra tới "(đường) Bonnard" - tức trung tâm Sài Gòn, theo cách gọi của giới "trí thức" thời đó (đi dạo phố Sài Gòn, là "bonnarder"!)...

    Sách tiếng Việt lèo tèo hơn tôi chỉ nhớ bộ Nhà Văn Hiện Đại, giấy mỏng như cánh chuồn. Dĩ nhiên, tôi cố học thuộc lòng cuốn NVHĐ (như mọi cuốn khác lọt vào tay)... Nhưng một hôm nó biến mất, hóa ra ông anh mang đi bán "xon". Bị ông cụ tẩn cho một trận nên thân - tuy không phải bằng đòn gánh - ông anh đi mua lại bộ NVHĐ do nhà Khai Trí xuất bản mới tinh, bìa cứng mầu xanh lá cây. Tuy biết sách mới không quý bằng sách cũ, nhưng cầm đọc sướng hơn, và tôi đã đọc hết bộ hơn một lần (Tôi nhớ là rất bực tức vì phần nói về nhà văn Nhất Linh có đâu hai trang, kể cả hình, mà tôi nghĩ là đã bị nxb cắt xén để làm vừa lòng tổng thống NĐD?)...

    ReplyDelete
    Replies
    1. đang lục bộ NVHĐ của Khai Trí cho bác xem lại :p

      Delete
    2. Chả thấy đâu cả! :o(

      Delete
    3. hì tối qua tôi đã xem, hoá ra tôi lại có bản của nhà Thăng Long 60 chứ không phải bản Khai Trí, tôi lại không thực sự rành lịch sử bộ này nên đang định nghiên cứu thêm tẹo :p

      Delete
    4. Nói vậy chứ bác có chạy đi đâu mà sợ :D

      Delete
  2. Nhà văn hiện đại, hình như không có bản Khai trí chịu trách nhiệm ấn hành mà chỉ có bản Khai trí đống bìa. Nghĩa là bìa đề Khai trí, còn ruột, từ trang tiêu đề cho đến trang chi tiết ấn phẩm đều ghi Thăng Long 1960.
    Không biết có phải Khai trí "thu gom" những ấn bản chưa vào bìa rồi vào bìa đề tên Khai trí và phát hành?

    ReplyDelete
    Replies
    1. tks, hình như thế thật, tôi có một bộ đầy đủ đóng bìa bên ngoài dày cộm, bìa đề Khai Trí nhưng trong ghi Thăng Long, bộ í đủ nhưng 4 tập đều không còn bìa, bộ Thăng Long nữa có bìa màu xanh nhạt thì lại chỉ có đúng hai tập (rời) :v

      Delete
    2. Vâng, tôi đã xem lại. Bản Thăng long bìa màu đỏ, đóng chung một tập, còn bìa trước, không có bìa sau. Bản Khai trí bìa màu xanh đậm, đóng chung một tập, không có bìa trước cũng như bìa sau. Và Mấy lời của nhà xuất bản chỉ có ở tập 1 chứ không phải tất cả các tập như bản Thăng Long.
      Còn đoạn văn trong comment 1 trên đây, "nhà văn Nhất Linh có đâu hai trang, kể cả hình, mà tôi nghĩ là đã bị nxb cắt xén để làm vừa lòng tổng thống NĐD", có lẽ tác giả nhớ nhầm. Nhất Linh bị cắt xén rất có khả năng trong một khoảng thời gian ngắn, sau ngày 7.7.63 cho đến khi nhà Ngô sụp đổ. Một khoảng thời gian ngắn như vậy chưa kịp làm ra cuốn sách đồ sộ này. Tam đoán như thế.

      Delete
  3. Tôi vừa cho lên ảnh tập đầu NVHĐ bản của Thăng Long 1960, bao nhiêu năm bây giờ không biết nên gọi là màu gì nữa :p

    Nhất Linh ở trong bộ này nằm ở tập IV quyển thượng, xếp đầu phần "Tiểu thuyết luận đề", từ tr.897 đến tr.907.

    ReplyDelete
  4. Cám ơn hai vị rất nhiều. Chắc là chúng ta tạm "nhất trí" là ở Sài Gòn chỉ có một bản do nhà Thăng Long ấn hành năm 1960, dù có thể nhà sách Khai Trí đóng bìa thêm vào những cuốn họ phát hành. Thật ra điều mà tôi thắc mắc từ dạo đó là nxb có cắt xén phần nói cụ Vũ viết về Nhất Linh hay không? Nếu có thì thật là hèn...

    ReplyDelete
  5. Bộ 1960 của tôi cũng nxb Thăng Long, bìa đề Khai Trí nhưng màu đỏ sậm. Có lẽ bìa do cùng một tiệm đóng, giao cho nhà nào thì in tên nhà đó.

    ReplyDelete