Tôi còn nhớ, cái ấn tượng về sự kỳ dị sau đó đổ xuôi xuống thành dịu dàng, mơ hồ bảng lảng, trở nên một cái nền êm ái đôi khi nhói lên một nỗi đau khó nắm bắt, khi lần đầu tiên gặp văn chương của Banana Yoshimoto.
Đó là khi tôi cầm bản thảo để đọc bản dịch Kitchen và NP, cách đây bảy năm.
Kể từ bấy, Banana Yoshimoto đã trở thành một trong những nhà văn Nhật Bản có nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng Việt nhất. Tôi còn nhớ khi xem bìa Kitchen trước lúc bản dịch tiếng Việt được đem đi nhà in, Yoshimoto đã gửi thư khen ngợi cái bìa thật đẹp.
Hồ (The Lake), cuốn tiểu thuyết mới nhất của Yoshimoto (bản dịch tiếng Việt sắp in), mặc dù lấy cảm hứng từ câu chuyện giáo phái Aum (một cái nền rất mỏng đằng sau câu chuyện), chủ yếu vẫn là cái nhìn ấy, đã đeo đẳng suốt cuộc đời viết văn của Yoshimoto cho đến nay: cách thức vượt qua nỗi đau, cách thức xử lý và nhìn nhận quá khứ. Ở Hồ có một điều đã rõ ràng hơn hẳn, điều đó mang một cái tên hiển ngôn là: cái nhìn toàn thể.
Nếu ít đọc tiểu thuyết Nhật, mối tình giữa Chihiro và Nakajima có thể coi là rất kỳ quặc, nhưng cách thức họ đến với nhau (nhìn nhau từ ban công nhà mình cho đến lúc, có thể nói vậy, chán nhìn và nảy sinh mong muốn về một sự tiếp xúc kiểu khác, thì bắt đầu sống với nhau, nhưng tình ái giữa hai người chung sống không phải đương nhiên mà đi qua những nấc thang tuy nhỏ nhưng không dễ vượt) không có gì quái gở ví dụ như ưa nhau vì một cái tai đẹp, nghe thấy một giọng nói thì thảng thốt nhận ra đây chính là con người của cuộc đời mình, hay vì đó là người yêu cũ của bạn trai mình nên thôi sống luôn với cô ấy cho xong vân vân và vân vân, những tình huống không hiếm khi gặp trong các tác phẩm văn chương Nhật.
Cũng như trong mọi tiểu thuyết khác của Yoshimoto, nhan đề là Hồ thì quả thật sẽ có một cái hồ, cũng như Kitchen thì có bếp hay Vĩnh biệt Tugumi thì trong truyện có nhân vật Tugumi. Cái hồ trong Hồ cũng được Yoshimoto sử dụng như một ẩn dụ rất bình thường: một cái hồ huyền hoặc, thay đổi hình dáng liên miên tùy thời tiết và tâm tưởng, nhưng chủ yếu vẫn là có tác dụng thanh tẩy, rửa sạch tâm hồn, làm dịu đi những trắc trở của những gì không bình lặng.
Vấn đề là phải có một cái nhìn toàn thể, đây là điểm trung tâm mà cuốn tiểu thuyết đặt ra. Nakajima, một người trẻ tuổi nhưng thật ra hết sức từng trải và có những khả năng tương đối đặc biệt, giúp cho Chihiro, khi ấy đang ở giai đoạn hoang mang dịu nhẹ sau khi mẹ cô qua đời, hiểu rằng cần phải có cái nhìn toàn thể, vào từng vấn đề, vào nỗi đau, vào mọi thứ gì có đôi chút ý nghĩa.
Câu chuyện tình của họ êm ả như cái hồ, một đối tượng mà ta phải dần dà tìm hiểu những biến thể thông qua ngoại cảnh và nội tâm, nhưng đột nhiên cũng câu chuyện tình bình lặng ấy kích thích những suy nghĩ lạ lùng (căn bếp của Kitchen cũng vậy: văn chương Yoshimoto tương tự cái công tắc nhỏ bé của xúc cảm và suy nghĩ). Những khác biệt giữa người này với người khác, rất có thể chỉ là sự quá lời của cái nhìn thiên lệch, sự hoàn hảo lý tưởng hoàn toàn có thể rác rưởi, và, bỏ qua cái lý thuyết vừa nịnh bợ vừa nhập nhằng và nguy hiểm vẫn hay được gọi là "Stockholm syndrom", nạn nhân hoàn toàn có thể nảy sinh tình cảm chân thành với kẻ bắt giữ mình.
Và, cái gọi là "thế giới khác" thật ra tự nhiên vô cùng, như một cái cây, như một mặt hồ, như sự đa dạng phức tạp tất yếu của thế giới. Thế mà người ta từng phải vận dụng rất nhiều năng lực trí tuệ và vô vàn sức mạnh của luận lý học để đặt cược rằng, thật ra Chúa (một thế giới khác) có tồn tại.
bài liên quan
hehe mình rất thích mối tình giữa Chihiro và Nakajima
ReplyDelete